Hàng xuất khẩu từ phụ phẩm
Tại Hội nghị Quốc tế về ngành dừa (CocoNext 2024) vừa diễn ra tại tỉnh Bến Tre, nhiều sản phẩm từ dừa của Việt Nam như nước dừa, sữa dừa, dầu dừa … đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo đại biểu trong và ngoài nước. Trong đó, các sản phẩm làm từ phụ phẩm dừa (xơ dừa, gáo dừa …) của Công ty Cổ phần Trà Bắc (Trabaco) cũng đã gây được ấn tượng với nhiều người. Có thể kể đến các sản phẩm như: than hoạt tính từ than gáo dừa, than sạch BBQ từ than gáo dừa, thảm xơ dừa, xơ dừa…
Có thể nói, Trabaco là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong về sản xuất các sản phẩm có giá trị từ gáo dừa, xơ dừa - những thứ vốn chỉ được coi là phụ phẩm. Từ năm 1997 đến nay, Trabaco đã tập trung vào sản xuất than hoạt tính từ than gáo dừa. Đến nay, công ty có 5 nhà máy với tổng công suất chế biến than hoạt tính từ than gáo dừa là 7.000 tấn/năm, bên cạnh đó là than sạch BBQ từ than gáo dừa với tổng công suất 1.800 tấn/năm, xơ dừa đóng kiện 16.000 tấn/năm, thảm xơ dừa dệt kim 1,5 triệu m2/năm.
Riêng về sản phẩm than hoạt tính từ than gáo dừa, Trabaco đang là một trong những nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam và thế giới. Than hoạt tính từ than gáo dừa của công ty đã xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc… Sản phẩm này hiện đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như lọc nước, lọc không khí, thu hồi vàng …
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Là sản phẩm từ phụ phẩm dừa, than dừa nói chung đã trở thành một trong những mặt hàng thương mại chính của ngành dừa toàn cầu và giá trị xuất khẩu ngày càng tăng. Theo ông Nuwan Chinthaka, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dừa quốc tế, hiện nay, giá trị xuất khẩu than gáo dừa trên thế giới vào khoảng 1,09 tỷ USD, đứng thứ 5 sau nước dừa, dầu dừa, than dừa Shisa, xơ dừa và mụn dừa.
Tại Việt Nam, trong năm 2023, giá trị xuất khẩu than dừa là 88,5 triệu USD, than hoạt tính từ than gáo dừa là gần 33 triệu USD.
Ông Nuwan Chinthaka cho rằng, tiềm năng đóng góp của than dừa Shisa vào kim ngạch xuất khẩu chung của ngành dừa Việt Nam có thể lên tới gần 100 triệu USD. Trên thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu than dừa Shisa hiện là 5,05 tỷ USD, đứng thứ 3 sau nước dừa và dầu dừa.
Theo một số chuyên gia quốc tế, ngoài than dừa, than hoạt tính từ than gáo dừa, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần quan tâm đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu than dừa Shisa, bởi sản phẩm này đang có nhu cầu lớn trên thị trường thế giới khi được sử dụng ngày càng nhiều trong các quán ăn, gia đình.
Việc tận dụng vỏ dừa, gáo dừa để làm than dừa, than hoạt tính từ gáo dừa, than dừa Shisa… đang góp phần tạo ra nguồn năng lượng sinh học bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành dừa, qua đó nâng cao giá trị kinh tế của cây dừa và cải thiện đáng kể về sinh kế cho nông dân trồng dừa ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, trong đó có các sản phẩm từ phụ phẩm dừa, các tỉnh có tiềm năng phát triển cây dừa cần hình thành vùng dừa nguyên liệu. Theo ông Huỳnh Khắc Nhu, Tổng Giám đốc Trabaco, nguồn nguyên liệu dừa đang nằm rải rác tại nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL, khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu gom. Nhiều thời điểm, công ty phải nhập khẩu dừa từ Indonesia để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất than hoạt tính từ gáo dừa và các sản phẩm khác.