Tây Ninh có diện tích trồng sắn hơn 61.000ha, đứng thứ 2 cả nước với hàm lượng tinh bột luôn ở mức cao và sản lượng hàng năm trên 2 triệu tấn. Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 68 nhà máy chế biến tinh bột sắn, tổng công suất đạt trên 6,4 triệu tấn củ/năm. Tây Ninh được mệnh danh là trung tâm ngành công nghiệp chế biến tinh bột sắn cả nước.
Theo ước tính, một nhà máy chế biến có công suất 30 - 100 tấn/ngày sẽ sản xuất được 7,5 - 25 tấn tinh bột, kèm theo đó là 12 - 48 tấn bã (xác sắn). Theo các nhà khoa học, xác sắn có hàm lượng chất khô thấp (khoảng 20%), rất nghèo protein (1,5 - 1,6%), hàm lượng xơ thấp (10 - 11%), tỷ lệ tiêu hóa chất hữu cơ rất cao (92 - 93%). Vì vậy, giá trị năng lượng trao đổi đạt tới 13 MJ/kg chất khô, là loại thức ăn cung cấp năng lượng rất tốt cho gia súc, gia cầm. Từ lâu, sản phẩm từ cây sắn tại Tây Ninh không chỉ dừng lại ở việc chế biến tinh bột mà tất cả các sản phẩm phụ từ cây sắn đều được tận thu.
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành chế biến tinh bột sắn tại tỉnh Tây Ninh, mỗi năm, Công ty TNHH MTV Định Khuê ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu tạo ra hơn 3.500 tấn xác sắn. Với tiêu chí “Kinh doanh phải có lời và nông dân, người lao động phải có lợi”, Định Khuê đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ, biến thứ từng được xem là phế phẩm này thành nguồn thu đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Khuê, Giám đốc Công ty TNHH MTV Định Khuê, cho biết, trước năm 2018, công ty chủ yếu sử dụng công nghệ cũ. Trước sự đòi hỏi về chất lượng ngày càng cao của các nhà nhập khẩu, công ty đã mạnh dạn thay đổi toàn bộ hệ thống máy móc sang công nghệ của Đức, Thụy Điển và chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ sự đầu tư mạnh tay, hiện hệ thống sản xuất của doanh nghiệp hoạt động theo hướng tuần hoàn khép kín, không bỏ đi bất kỳ phế phụ phẩm nào từ sắn.
“Xu hướng chuyển dịch sản xuất từ "nâu" sang "xanh" đã và đang trở thành xu thế toàn cầu, và đối với ngành sản xuất tinh bột sắn nói chung, Định Khuê cũng không ngoại lệ”, bà Khuê chia sẻ.
Hiện công suất chế biến của công ty đạt khoảng 280 tấn sắn tươi/ngày. Trong quá trình sản xuất, từ nguyên liệu sắn tươi đầu vào đến các khâu như bóc vỏ, rửa sạch, băm, nghiền, tách bã, cô bột, tách nước và đóng gói thành phẩm… đều được vận hành theo dây chuyền khép kín.
Theo đó, công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo phương pháp sinh học kết hợp hóa lý bùn hoạt tính và công nghệ sinh học yếm khí - thiếu khí - hiếu khí. Đối với lượng bã sắn thải ra từ quá trình chế biến, chiếm khoảng 45%, công ty đầu tư vào hệ thống thu hồi khí mê tan, tận dụng nguồn năng lượng khí biogas này để đốt lò hơi và sấy bã sắn.
“Trước đây, xác sắn sau khi đã lấy hết tinh bột trở thành phế phẩm, đồ bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường. Nhưng ngày nay, xác sắn lại là một nguồn thu không nhỏ của doanh nghiệp. Với 3.500 tấn bã sắn, doanh nghiệp thu về hơn 6 tỷ đồng. Đây là số tiền vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, khi giá tinh bột sắn liên tục giảm và hầu hết các doanh nghiệp chịu lỗ”, bà Nguyễn Thị Khuê nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, cây sắn là cây “thế mạnh” của tỉnh. Trong khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, thiếu năng lượng và nhiên liệu, việc tận thu các sản phẩm phụ từ sản xuất, tạo ra nguồn năng lượng phục vụ tại chỗ rất cần được khuyến khích.
Hiện Tây Ninh không chỉ có Công ty TNHH MTV Định Khuê, phần lớn các doanh nghiệp chế biến sắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đều đạt trình độ chế biến, trang thiết bị máy móc và công nghệ tương đương với thế giới. Minh chứng là các trang thiết bị máy móc hiện đại nhất thế giới đã có mặt tại Tây Ninh.
“Với tiềm năng phế phụ phẩm nông nghiệp được đánh thức, trong thời gian tới, chuỗi liên hoàn sản xuất - tiêu thụ - tận dụng phế phẩm, phụ phẩm nông sản sẽ mang thêm nhiều giá trị hữu ích về kinh tế, đồng thời góp phần tích cực bảo vệ môi trường và đất đai”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.