Giữa bối cảnh tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, chi phí chăn nuôi lợn nói riêng chịu tác động bởi nhiều yếu tố… Đó cũng chính là hai "cánh cửa" khiến nhiều nhà chăn nuôi, doanh nghiệp khốn đốn, khó trụ với nghề. Giảm giá sản xuất, tăng thêm giá trị là yêu cầu bắt buộc để người nuôi lợn có lãi. Bí quyết ở việc "biến rác thành tiền".
Công ty TNHH Trang Linh (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong số ít doanh nghiệp tận dụng nguồn chất thải chăn nuôi biến thành sản phẩm chủ lực. Từ đệm lót sinh học, Công ty Trang Linh đã chế biến thành phân hữu cơ cho cây trồng.
Thành lập từ 2002, Công ty Trang Linh cũng nhiều lần chuyển qua các phương thức chăn nuôi khác nhau trước yêu cầu của dịch bệnh. Anh Phạm Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Trang Linh, cho biết, lần gần nhất, các trang trại sử dụng biện pháp hầm biogas để xử lý nước thải, chất thải của lợn. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn bộc lộ nhiều điểm hạn chế, chưa tối ưu được sản xuất.
“Chúng tôi nghiên cứu việc sử dụng đệm lót sinh học cho lợn từ 2012 và chính thức đưa vào sử dụng từ 2017. Nó giúp giảm thiểu rất nhiều về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và chi phí chăn nuôi. Từ nhân công, điện nước, thuốc thang và thậm chí là cả kháng sinh cho lợn đều được giảm tối đa”, anh Giang cho hay.
Với quy mô đàn lợn khoảng 4.000 con/lứa, mỗi tháng trang trại cho ra khoảng 1.200 tấn phế, phụ phẩm. Sau khi ủ cao nhiệt để làm phân hữu cơ vi sinh, mỗi tháng Công ty Trang Linh sản xuất khoảng 600 tấn phân phục vụ cây trồng.
Từ nguồn phế, phụ phẩm lớn mỗi năm, thời gian đầu, Công ty Trang Linh sản xuất phân bón hữu cơ từ đệm lót sinh học để dùng nội bộ, bón phân cho hơn 30ha rừng. Nhận thấy chất lượng phân tốt, anh Giang đã chào bán tại thị trường nội tỉnh và được đón nhận.
“Mỗi tháng, chúng tôi cung cấp ra ngoài thị trường khoảng 500 tấn phân hữu cơ cho các hợp tác xã trong và ngoài tỉnh. Phần lớn phân hữu cơ Trang Linh được cung cấp cho việc trồng sầu riêng trên Tây Nguyên”, anh Giang chia sẻ thêm.
Về lợi nhuận, theo Giám đốc Công ty TNHH Trang Linh, biên lợi nhuận của việc sản xuất phân bón từ đệm lót sinh học là 60-70%. Anh Giang thẳng thắn chia sẻ, chỉ cần dùng lợi nhuận từ việc sản xuất phân bón này cũng đã đủ trả chi phí nhân công cho toàn bộ công ty. Nhờ đó, công ty có thể thu lợi nhuận từ các mảng đầu tư khác mà không bị tác động quá nhiều bởi thời giá, cạnh tranh.
Công ty TNHH Trang Linh cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được công nhận là doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mới đây, công ty này được Cục Chăn nuôi vinh danh là doanh nghiệp tiêu biểu về lĩnh vực Công nghệ xử lý và quản lý chất thải chăn nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đánh giá, Trang Linh đang tiên phong như ngọn cờ đầu về mô hình khép kín, tuần hoàn mà vẫn có lãi lớn. Việc "biến rác thành tiền" như cách Trang Linh đang làm đã giải quyết vấn đề rất lớn là ô nhiễm môi trường - vốn dĩ là thách thức của tất cả các địa phương.
“Đây cũng là mô hình điểm để chúng tôi tổ chức các đoàn tham quan trong và ngoài nước đến để học hỏi, nhân rộng mô hình giữa nhiều thách thức đang bủa vây”, ông Nguyễn Xuân Trung trao đổi.
Hiện Trang Linh đang hỗ trợ bà con nông dân kĩ thuật về chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nếu bà con nông dân làm đệm lót sinh học đúng kĩ thuật và sản lượng đều thì được công ty thu mua lại. Điều này giúp người nuôi lợn tại địa phương gia tăng kinh tế, an tâm sản xuất.