QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM (1945 - 2024)

Chào cờ Tổ quốc ở Lũng Cú

Ngô Đức Hành - Thứ Hai, 02/09/2024 , 06:00 (GMT+7)

Đứng dưới lá cờ Tổ quốc ở Cột cờ Quốc gia Lũng Cú có lẽ không ai không dâng lên cảm xúc tự hào về đất nước, thầm cảm ơn các thế hệ không tiếc máu xương giữ gìn biên cương của Tổ quốc.

Chào cờ dưới chân Cột cờ Quốc gia Lũng Cú.

Chúng tôi đến Đồn Biên phòng Lũng Cú (Hà Giang) vào lúc 8h35 một ngày đầu thu. Từ thị trấn Đồng Văn trên “Con đường hạnh phúc” - tên khác của quốc lộ 4C, rẽ phải, men theo sườn núi, không lâu là đến. Đi qua Làng văn hóa Ma Pé, nhận ra sự đổi thay, thật mừng. Mùa này, rừng tre thay lá vàng, xốn xang.

Trung tá Kim Xuân Giang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú đón chúng tôi bằng nghi thức và tình cảm người lính. Điều ấy mang đến cho chúng tôi sự vững chãi “cá nước”. Cơ ngơi đồn biên phòng khang trang, khuôn viên điểm xuyết cây hoa, cây cảnh thế núi dáng sông, ghế đá sạch sẽ... Tất cả nói lên sự chính quy, kỷ cương nhưng không kém phần lãng mạn.

Cột cờ Quốc gia Lũng Cú.

Đoàn chúng tôi người công tác ở Hà Nội, một số ở phía Nam, xa nhất là Cần Thơ. Phần đông chưa một lần được trải nghiệm trên “Con đường hạnh phúc”, chưa được ngắm vẻ đẹp hùng vĩ dọc con đường. Đi dọc con đường của cảm xúc này, bất giác tôi nhớ mấy câu thơ của ai đó, tôi từng được đọc từ những năm học phổ thông: “Xe lên Tây Bắc mùa thu / Suối thở khẽ khàng như ngủ / Lau trắng bên đồi bạc phơ / Xếp đầy vào trong trí nhớ”.

Đồn Biên phòng Lũng Cú được thành lập tháng 10/1978, được giao trọng trách bảo vệ Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, quản lý bảo vệ đường biên giới dài trên 26km, với 26 cột mốc quốc giới, phụ trách địa bàn 2 xã Má Lé và Lũng Cú (huyện Đồng Văn). “Trên địa bàn đồn quản lý có 11km đường sông thuộc dòng sông Nho Quế, tiếp giáp với Malypho của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc”, trung tá Kim Xuân Giang nhìn lên bản đồ, giới thiệu.

Buổi Lễ chào cờ ở Lũng Cú.

Nơi chúng tôi vừa đến là vùng lõi của cao nguyên đá Đồng Văn. Đá và đá, phần núi có đất rất hiếm, độ cao trung bình so với mặt biển gần 1.600m, địa hình khá phức tạp và bị chia cắt mạnh, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nhất là mùa mưa... Trải qua hơn 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, sống trong sự đùm bọc yêu thương của nhân dân các dân tộc, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú luôn biết vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, nhân dân và quân đội giao phó, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

- Thực chất toàn bộ công tác an ninh biên giới là nhiệm vụ vận động nhân dân. Bác Hồ từng nói, dân giúp đỡ nhiều thì thành công nhiều. Tôi nói với trung tá Kim Xuân Giang.

- Đúng như vậy, nhà thơ. Rất mừng là dân tin, dân ủng hộ. Trên địa bàn hai xã đơn vị quản lý có 1.980 hộ dân, gồm 11 thành phần dân tộc nhưng 80% là đồng bào Mông. Những năm qua đời sống nhân dân cơ bản được cải thiện, nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Trung tá Kim Xuân Giang chia sẻ.

- Tôi chưa thấy con đường nào lắm “khách Tây phượt” như quốc lộ 4C. Con đường quanh co, đèo dốc đi giữa thiên nhiên hùng vĩ trở thành con đường thật nhiều cảm xúc.

- Đúng vậy anh. Hà Giang được xếp thứ 25 trong danh sách 52 điểm đến tuyệt vời cho du khách toàn cầu khám phá năm 2023, theo New York Times (tờ báo của Hoa Kỳ), nên khách du lịch đến Hà Giang, trong đó có Cột cờ Quốc gia Lũng Cú ngày càng tăng. Trung tá Kim Xuân Giang luôn cập nhật thông tin các mặt của Hà Giang.

Theo trung tá Kim Xuân Giang, ngoài việc luôn nắm chắc tình hình địa bàn, giải quyết tốt các vụ việc xảy ra, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; anh em cán bộ chiến sỹ còn có nhiệm vụ bảo vệ và hướng dẫn an toàn cho hàng nghìn lượt đoàn công tác của Đảng, Nhà nước, quân đội, du khách trong và ngoài nước đến thăm, chào cờ tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú.

Từ năm 2015 đến nay, có nghĩa là 9 năm, Đồn Biên phòng Lũng Cú liên tục đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng, Đảng bộ liên tục đạt trong sạch vững mạnh. Nhiều tập thể, cá nhân được các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang khen thưởng. “Bọn em đang xây dựng đơn vị trở thành Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, trung tá Kim Xuân Giang chia sẻ.

Mừng và hy vọng!

Buổi Lễ chào cờ ở Lũng Cú.

Chúng tôi theo trung tá Kim Xuân Giang tiến về xã Lũng Cú, nơi có Cột cờ Quốc gia. Khi chúng tôi có mặt, mới 9h30 sáng, nhưng du khách đã nườm nượp. Bãi xe dành cho du khách gần quá tải. Tôi nhìn một lượt, có đủ người lớn, học sinh; du khách Tây cùng du khách Việt hòa vào nhau cùng bước về phía đỉnh Lũng Cú (hay còn gọi núi Rồng).

Cho đến bây giờ, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất được về tên gọi Lũng Cú của địa danh. Theo tài liệu đã công khai, có thể là Long Cư, nghĩa là nơi rồng ở, vì thế, đỉnh núi cao nhất của vùng đất Lũng Cú được đặt tên là núi Rồng. Cách thứ hai, Lũng Cú là cách đọc chệch của từ Lũng Cư, theo ngôn ngữ của người Mông có nghĩa là Lũng Ngô, là cánh đồng trồng nhiều ngô. Cách hiểu thứ ba, Lũng Cú là tên người đứng đầu một dòng họ dân tộc Lô Lô, có công khẩn hoang, gìn giữ và phát triển vùng đất.

Khi đặt chân lên những bậc đá đầu tiên để lên đỉnh Cột cờ, tôi nhớ đến trường ca "Sa Mộc" của nhà thơ, trung tá Biên phòng Phạm Vân Anh: “Dặm dài miền dã sử / Gặp những thân cây độc hành xẻ đá sinh sôi / Vạm vỡ tiêu binh miền phên dậu / Khảm cao xanh chí khí quật cường / Sa mộc gom gió thành lời khiến lòng núi, lòng người thôi khắc khoải” (Chương I, Miền dã sử).

Lũng Cú hay là Long Cư ôm vào lòng mình huyền sử, truyền thuyết. Không biết núi Lũng Cú có phải nơi rồng về cư ngụ hay không, nhưng trên chặng đầu của bậc đá, tôi nhìn thấy tấm biển “Hang Rồng”, và nữa, dưới chân núi có hai hồ nước ngọt không bao giờ cạn. Tương truyền đó là “mắt rồng”.

Nhận ra vị trí xung yếu của vùng biên ải này, ngay từ thời Lý, Thái úy Lý Thường Kiệt khi hội quân về trấn ải vùng đất biên thùy, đã cho cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Ban đầu Cột cờ chỉ làm bằng cây sa mộc.

Trải qua các đời vua tôi phong kiến, vua tôi và nhân dân luôn biết gìn giữ Cột cờ. Đến năm 1978, Cột cờ vẫn là cây sa mộc; đến năm 1991 được thay bằng cây pơmu cao tới 13m... Qua nhiều lần trùng tu, xây dựng, đến năm 2010 thì Cột cờ như ngày hôm nay được khánh thành. Trước đó, năm 2009, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử và Danh thắng quốc gia.

- Cột cờ được xây dựng theo mô hình Cột cờ Hà Nội, có tổng chiều cao 34,85m, lá cờ rộng 54m2 (chiều dài 9m, chiều rộng 6m), tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận, đoàn kết trên lãnh thổ Việt Nam. Trung tá Kim Xuân Giang rành rẽ như một MC chuyên nghiệp.

- Phần thân cột được thiết kế theo hình bát giác, gắn 8 hình trống đồng và 8 bức phù điêu bằng đá xanh minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước cũng như con người và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Anh nói thêm.

Giây phút thiêng liêng nhất chúng tôi được chứng kiến cũng đã đến: Lễ chào cờ Tổ quốc ở Lũng Cú. Ba chiến sỹ, gồm hai tiêu binh và một sỹ quan chủ lễ đứng vào vị trí. Tất cả du khách được yêu cầu chỉnh đốn trang phục, để điện thoại ở chế độ rung, không đội mũ... Tất cả hướng lên nơi có lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ, giữa trời xanh lộng gió.

“Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa, cờ in máu chiến thắng mang hồn nước, súng ngoài xa chen khúc quân hành ca...”, từng lời của Quốc ca được tất cả mọi người cất lên. Tôi để ý, nhiều người đặt tay lên ngực, nơi có trái tim mình.

- Cuộc đời biết có bao nhiêu lần chào cờ, đứng dưới cờ Tổ quốc hát Quốc ca, nhưng chưa bao giờ em thấy xúc động đến thế. Trần Thị Xuân một cô gái Nam bộ, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cần Thơ, nói với tôi. Cảm xúc của chị đọng trên khóe mắt.

Theo hướng dẫn của trung tá Kim Xuân Giang, chúng tôi bước vào lòng Cột cờ. Đây là chặng thứ ba gồm 135 bậc bằng thép. Gió từ ngoài thổi qua các cửa sổ vào trong lòng Cột cờ mát rượi. Phía trên đầu chúng tôi là cột bằng inox cao khoảng 8m, vững chãi, treo cờ Tổ quốc.

Đứng dưới lá cờ Tổ quốc ở Cột cờ Quốc gia Lũng Cú có lẽ không ai không dâng lên cảm xúc tự hào về đất nước, thầm cảm ơn các thế hệ không tiếc máu xương giữ gìn biên cương của Tổ quốc. “Nếu xương máu là tài sản / Thì nơi đâu giàu có bằng biên cương” (thơ Phạm Vân Anh). 65 cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú hôm nay là thế hệ tiếp nối, đã và đang nhận lãnh trách nhiệm làm nòng cốt bảo vệ từng tấc đất cha ông để lại, nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc.

Đúng là “Hồn nước dọc miền mây trắng / Quốc kỳ lộng gió biên cương”, như nữ trung tá, nhà thơ Phạm Vân Anh đã trỉa giao cảm vào lòng người, mọc lên đồng cảm. Tôi phải cảm ơn chị.

“Đường biên cương không tính tháng tính ngày / Tính màu thời gian trên cột mốc / Thiêng liêng phút giây chào Tổ quốc / Nhìn thế núi, mạch sông nhận cương vực ngàn đời” (Chương 7: Thức cùng non sông, Trường ca "Sa mộc").

Ngô Đức Hành
Tin khác
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.

Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình
Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.

Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa
Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa

‘Nứt ra từ đá’ là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Phạm Phương Lan, một gương mặt nữ khá ấn tượng trong đời sống thi ca đô thị phương Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng từ Hà Nội vào TP.HCM để giới thiệu hai cuốn sách mới viết về đời sống văn hóa, với công chúng đô thị phương Nam sáng 26/10.

Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam
Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam

Ngày 23/10/2024, GS.TS Đường Hồng Dật đã qua đời ở tuổi 96, để lại tiếc nuối cho những người làm nông nghiệp và bảo vệ thực vật trên cả nước cũng như bạn bè, đồng nghiệp.

Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'
Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'

Trải qua 6 năm, chuyên đề 'Viết & Đọc' đã đạt con số 26 ấn phẩm và nhận được nhiều yêu mến của độc giả.

Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca
Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca

Vẻ đẹp phụ nữ Việt không chỉ được nhắc đến trong những dịp nhộn nhịp như Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, mà luôn giống như điểm tựa cảm xúc thi ca bất tận.

Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’
Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’

Lão thi sĩ Trần Duy Hiển ngoài tuổi tám mươi vẫn chứng minh sức nghĩ và sức viết chưa mệt mỏi, với tập thơ ‘Ai cũng có ngày xưa’ vừa ra mắt công chúng.

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử
Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng được tác giả đang công tác tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng phục dựng bằng các tư liệu lịch sử ít được phổ biến.

GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp
GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Di truyền Nông nghiệp, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của GS.TSKH Phan Phải.

Gã trai xứ Nghệ thổn thức với 'năm ngón chưa đặt tên'
Gã trai xứ Nghệ thổn thức với 'năm ngón chưa đặt tên'

Gã trai xứ Nghệ với bút danh Đinh Nho Tuấn trong tập thơ ‘Năm ngón chưa đặt tên’ đã bày tỏ 'dành cho lúa những lời thứ nhất, dành cho lúa những lời sau cùng’.