Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn (1882) cho biết, ở Quảng Ngãi vào cuối thời vua Tự Đức có 38 chợ và quán. Việc liệt kê như vậy là những chợ có quản lý, thu thuế, tuy nhiên thực tế số chợ còn nhiều hơn.
Ở nông thôn, thường mỗi xã hoặc một vài làng liền kề nhau có một chợ. Sách vở thường gọi tên chính thức, đặt theo tên làng xã (Thi Phổ, Châu Sa, Châu Me, Thạch Trụ, Năng An, Thạch Bi, Thanh Hiếu...), nhưng trong dân gian, người ta còn gọi tên chợ theo những cách giản dị, dễ nhớ và thuận lợi hơn.
Khi thì gọi theo mặt hàng chính: chợ bán bò thì gọi là chợ bò (chợ bò ở Phong Niên), bán rượu thì gọi chợ Hàng Rượu (Sơn Tịnh), bán tre thì gọi chợ Hàng Tre (Bình Sơn), chợ Tre (Tư nghĩa)... Khi thì gọi tên theo tên người lập chợ: chợ Mới Bà Hợp (Sơn Tịnh), chợ ông Bố (Tư Nghĩa).. hoặc theo tên xứ đồng: chợ Đồng Cát (Mộ Đức), chợ Đồng Tròn (Đức Phổ).
Lại cũng có khi gọi tên theo đặc điểm của vị trí họp chợ: chợ Dốc, chợ Cây Chay (Đức Phổ), chợ Tam Bảo (Nghĩa Hành) hay theo tên một hàng quán đã quen thuộc với nhiều người như chợ Quán Cơm (Sơn Tịnh), chợ Quán Hồng (Mộ Đức):
Kể từ Cầu Ván, Ao Vuông [1]
Bước qua Quán Ốc lòng buồn lụy sa
Quán Cơm nào quán nào nhà
Ngóng ra Trà Khúc trời đà rạng đông
Buồn lòng đứng dựa ngồi trông
Ngó vô Hàng Rượu mà không thấy chàng.
(Ca dao Quảng Ngãi)
Trừ các chợ lớn ở các phố chợ, quang cảnh chợ quê rất đơn giản, vài lều quán hoặc bãi đất trống. Người bán bày sản phẩm thành hàng, thành dãy hai bên lối đi, hàng hóa thường là sản vật địa phương làm ra, thay đổi theo thời vụ. Chợ quê cũng "phân cấp" tự nhiên, thành chợ làng, chợ xã, chợ huyện. Trước những kỳ lễ, tết (Tết Đoan Ngọ, Tết Nguyên Đán, rằm tháng bảy, rằm tháng mười...) chợ đông hơn bình thường; ngày tết thì không họp chợ, nhường chỗ cho làng mở hội, có khi là một cuộc bài chòi. Chợ họp thì nhộn nhịp kẻ bán, người mua, mãn buổi chợ thì chỉ còn lưa thưa lều quán.
Chợ tan còn quán với lều
Chợ tan mặc chợ, quán với lều vẫn đông
(Ca dao Quảng Ngãi)
Chợ quê dựa vào thời gian họp mà phân ra hai loại chợ phiên và chợ hôm. Chợ phiên họp vào những ngày theo chu kỳ nhất định. Chợ bò Phong Niên (Sơn Tịnh) họp vào ngày chẵn (theo âm lịch). Chợ phiên Tam Bảo, huyện Nghĩa Hành họp một tháng 6 phiên vào các ngày có số 2 và 7 ở cuối.
Còn có phiên chính và phiên xếp. Phiên xếp, người đến chợ chủ yếu trong làng xã; phiên chính bao giờ cùng đông người hơn, người mua kẻ bán từ nhiều nơi kéo đến tấp nập, rộn ràng. Cũng có những phiên chợ họp vào thời điểm khá đặc biệt trong năm, như chợ Sơn Phòng (tây Mộ Đức, nay không còn) diễn ra vào khoảng từ tháng hai đến tháng ba âm lịch, đúng vào kỳ Sơn Phòng tổ chức thao diễn: người bán hàng từ khắp nơi trong tỉnh đổ về, có lính, có dân, người kinh, người thượng, có cả người từ Tam Quan, Bồng Sơn (Bình Định), Hà Đông (Quảng Nam) ra vào mua bán..
Chợ hôm (chợ quê) ngày nào cũng họp, người mua và người bán không quá đông, trao đổi mua - bán những hàng thiết yếu hàng ngày của từng gia đình; chợ thường họp vào buổi sáng sớm hay buổi chiều, nếu chợ họp vào buổi chiều thì gọi là chợ chiều. Một số chợ quê về sau càng ngày càng sầm uất, hình thành tụ điểm dân cư rồi trở thành phố xá, thị tứ như chợ Châu Ổ (Bình Sơn), chợ Châu Sa (Sơn Tịnh), chợ Đồng Cát (Mộ Đức)...
Ngoài chợ phiên, chợ quê còn có những buổi chợ đặc biệt, chỉ họp trong một thời gian ngắn trong ngày, thường là sáng sớm, thời gian về sau nhường lại cho buổi chợ chính, hoặc hoạt động khác như chợ Giã, thường ở gần các bến cá, họp vào sáng sớm, hoặc chiều tối khi có ghe cá cập bờ. Chợ nón, lấy địa điểm là đoạn đường trước ngỏ chợ Đình (Sơn Tịnh) họp vào lúc tinh mơ để mua bán nón lá:
Sớm mơi em xuống chợ Đình
Mua đôi nón mới cho mình cho anh.
(Ca dao Quảng Ngãi)
Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, kinh tế hàng hoá đã có những chuyển biến nhất định, số chợ ở Quảng Ngãi tăng lên nhanh chóng, hàng hoá và người đi chợ cũng đong đúc hơn. Tập tài liệu Quảng Ngãi tỉnh chí chép rằng toàn tỉnh lúc này có 73 chợ, bạc thuế năm 1932 là 7.388,4 đồng (tiền Đông Dương). Theo bảng kê số chợ, dễ hiểu rằng trong đó hầu hết các chợ từ thời trước vẫn tiếp tục tồn tại, và có một số chợ mới ra đời.
Bên cạnh chợ, còn có quán. Quán thường chỉ bán một hoặc một vài món hàng nhất định và thường lập nên tại một địa điểm thuận lợi cho người mua hàng, như bến đò, đầu cầu, ngã ba đường. Có một số quán được biết đến trong cả tỉnh như : Quán Cơm (Sơn Tịnh). Quán Soạn, Quán Vịt (Mộ Đức), Quán Đàng (Tư Nghĩa):
Ngó lên núi Bút[2], Quán Đàng[3]
Núi bao nhiêu đá dạ thương chàng bấy nhiêu.
(Ca dao Quảng Ngãi)
Có nhiều quán, sau một thời gian phát triển thành chợ, nên có khá nhiều chợ có tên gọi là một từ ghép, bắt đầu bằng từ tố “Quán”: chợ Quán Cơm (Sơn Tịnh, chợ Quán Đàng (Tư Nghĩa, nay là thành phố Quảng Ngãi), chợ Quán Mỹ (chợ Thi Phổ, Mộ Đức)…
Nghiên cứu chợ và quán là một đề tài thú vị. Nếu ai đó có ý muốn tìm hiểu về tình hình kinh tế, giao thương, trao đổi hàng hoá, phong tục tập quán của một vùng đất thì một trong những nơi phải đến đầu tiên chính là … chợ!
[1] Những địa danh nằm trên đường thiên lý, thuộc hai huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh.
[2] Núi Bút (Thiên Bút) nằm trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, một trong mười hai cảnh đẹp của tỉnh, từng được người xưa làm thơ ca ngợi và tặng cho mỹ tự “Thiên bút phê vân” (Bút trời phê lên mây).
[3] Địa danh nằm cạnh núi Bút, trước là quán, sau thành một chợ nhỏ.