Cuộc di cư của những loài cây ôn đới: [Bài 2] Má hồng của Mi Xue

Dương Đình Tường - Thứ Ba, 23/07/2024 , 11:29 (GMT+7)

LẠNG SƠN Bên ngoài phủ lớp phấn trắng như tuyết, bên trong là mật ngọt, hai đặc tính đó trở thành tên gọi giống lê quý Mi Xue của Đài Loan, được nhập về trồng thành công.

Ngôi nhà nhìn ra vườn lê của ông Hoàng Văn Khi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bị lê “bỏ bùa”

Bài liên quan

“Chào các con nhé!”, TS Lê Thị Mỹ Hà (Viện Nghiên cứu Rau quả) vừa khẽ lấy tay xoa xoa vào mấy gốc cây rồi nhìn chúng bằng ánh mắt âu yếm. Vốn dĩ trước chúng là một giống lê khác, quả nhỏ, chất lượng không tốt đã được chị ghép cải tạo, thay toàn bộ khung tán.

Nhóm nghiên cứu của TS Hà đã giúp chủ vườn Hoàng Văn Khi ở thôn Nà Khau, xã Đội Cấn (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) ghép cải tạo rất nhiều gốc lê như vậy từ năm 2015 với tổng cộng 6 giống nhập từ Đài Loan về. Khi ghép như vậy, không chỉ chúng có bộ tán đẹp một cách cân đối mà còn ra nhiều quả, chất lượng ngon. Đó chính là những đứa con tinh thần đối với các nhà khoa học.

Giống cây ăn quả ôn đới bản địa ở tỉnh Lạng Sơn có hồng vành khuyên trải dài trên toàn bộ huyện Văn Lãng, có hồng Bảo Lâm tập trung ở xã Bảo Lâm của huyện Cao Lộc, rồi lê nâu, lê xanh, mận cơm… Mỗi loại cây có giá trị kinh tế riêng, được bà con tự phát triển, đặc biệt là diện tích mận cơm khá lớn ở các huyện Văn Quan, Cao Lộc và Văn Lãng, cho thu nhập khá tốt; diện tích hồng vào khoảng 2.500ha, trở thành cây mũi nhọn của huyện Văn Lãng.

Cây lê thì phổ hẹp hơn, chỉ rải rác quanh TP Lạng Sơn và đặc biệt ở huyện Tràng Định với câu “mận Thất Khê, lê Tràng Định”. Ở Tràng Định xã nào cũng có lê nhưng nhiều hơn cả là Đội Cấn, Quốc Khánh, Tri Phương, Đại Đồng…, tổng diện tích vào khoảng hơn 10ha. Năm 2005, nhóm nghiên cứu của TS Hà cũng đã đến với bản Khau Sâm xã Đội Cấn (huyện Tràng Định), lúc đó còn nhiều cây lê nâu và lê xanh.

TS Lê Thị Mỹ Hà bên một gốc lê được ghép cải tạo bằng giống lê Mi Xue. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tỉnh Lạng Sơn muốn nhờ các nhà khoa học khôi phục lại những giống cây ăn quả ôn đới bản địa này theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Khi ấy, từ UBND xã vào các bản 100% là đường đất. Đến khi xong đề tài khôi phục giống lê bản địa vào năm 2009 vẫn chỉ là đường đất. Con đường đất chỉ rộng cỡ ba gang tay đó vào mùa mưa trở thành nỗi khiếp sợ với các nhà khoa học khi trơn như đổ mỡ.

TS Hà một lần ngồi sau xe máy anh Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tràng Định đã bay ngay xuống ruộng ngô, một lần ngồi sau xe máy anh cán bộ Phòng NN-PTNT đã bay thẳng vào bụi tre, về còn đau đến nửa tháng. Lúc đó chị đã có 2 con nhỏ mà mỗi lần lên phải mất 9 - 10 ngày mới giải quyết xong công việc. Đi suốt như thế đến nỗi chồng chị phải gọi điện nói móc: “Em có phải bùa anh nào trên đó không mà ở kỹ thế, không biết đường về? Có hết quần áo thì để anh gửi lên?”. Còn con nhỏ thì khi về có khi đã lạ, không nhận ra mẹ nữa. 

Mỗi nhà dân trong bản nhiều thì có 5-7 cây lê, ít thì có 1-2 cây. Lê xanh có kích cỡ to, trung bình đạt 300 gram, lê nâu đạt 250-300 gram. Người dân trồng lê theo kiểu tự nhiên, không chăm bón, nếu có quả thì ăn, không thì thôi. Đầu tiên các nhà khoa học bón phân cho lê để cây phát triển tốt, rồi phòng trừ sâu bệnh, bao quả, cắt tỉa sau thu hoạch để định vị những cành mẹ tốt nhất cho vụ sau.

Với mục đích mở rộng diện tích lê bản địa, họ còn chọn những cây ngon để cắt mắt, nhân giống trồng thêm cho bà con được 3ha ở 3 xã gồm Tri Phương, Quốc Khánh và Đội Cấn. Khi trồng chúng hoàn toàn phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng nhưng để nâng cao giá trị kinh tế thì những giống lê nhập nội được đưa thêm vào…

Lê Mi Xue mềm, ngọt và mọng nước. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vừa giới thiệu TS Hà vừa dẫn tôi vào khu vườn đẹp như cổ tích của ông Hoàng Văn Khi. Bên dưới là thảm cỏ xanh mướt với những chú gà thơ thẩn đi tìm côn trùng, bên trên là những gốc lê sai trĩu trịt quả màu nâu, xa xa là những ngọn núi xanh thẫm chìm trong mây mù như sương khói bay bảng lảng. Chị với tay hái một quả lê Mi Xue đưa cho tôi, bảo bình thường chúng vỏ màu nâu nhưng khi chín má quả chuyển sang ánh hồng.

Tôi chùi qua quả lê bằng vạt áo rồi đưa ngay lên miệng cắn nghe tiếng “rốp” giòn tan. Xuyên qua lớp vỏ ngoài ram rám là lớp mật ngọt bên trong tứa ra thơm và mát cả vòm họng khiến cho tôi quên hẳn vị của lê Hàn Quốc. TS Hà khẽ cười: “Mi Xue mềm, ngọt và mọng nước nhưng để ngon phải thu hoạch từ ngày 10 - 20 tháng 7 mới đạt chuẩn, chứ bây giờ hạt vẫn trắng chứ chưa đen hẳn đâu”.

Chất lượng hơn lê Hàn Quốc

Khi tôi mô tả lại cảm giác lần đầu tiên được nếm thử quả lê Mi Xue, GS.TS Vũ Mạnh Hải (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) gật gù đồng tình: “Bà vợ tôi ngay lần đầu ăn quả lê Mi Xue đã có nhận xét dù hính thức còn chưa thật hấp dẫn nhưng chất lượng cao hơn hẳn giống lê Hàn Quốc bán ở các siêu thị với giá cao ngất ngưởng. Quả lê Mi Xue ngon bởi dịch quả ngọt mát, lõi nhỏ, so với lê Hàn Quốc mang sang ta, bán rất đắt thì chất lượng hơn nhiều bởi brix (độ ngọt) 14 - 15%, so với 10 - 11%. Trọng lượng quả đạt khoảng 300gram, vỏ cứng nên tiện cho việc vận chuyển đi xa.

GS.TS Vũ Mạnh Hải quan sát một cây lê được ghép cải tạo bằng giống lê Đài Loan. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đề tài “Phát triển một số cây ăn quả ôn đới có lợi thế ở vùng miền núi phía Bắc” của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam này là sự kế tiếp dự án hợp tác giữa Đài Loan và Việt Nam theo một nghị định thư trao đổi về cây ăn quả. Ta đưa cho Đài Loan một số giống vải, nhãn, hồng, còn Đài Loan đưa cho ta các giống lê, đào, trong đó có giống lê Mi Xue.

Ông Hải kể: “Tôi có ông bạn người Đài Loan là nhà chọn giống cây ăn quả Âu Xi Khoan, làm việc tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Đài Loan (TARI) rất giỏi, rất yêu Việt Nam nên đã chọn cho ta nhiều giống cây ăn quả ôn đới tốt, phù hợp với điều kiện độ lạnh 150 - 300 CU vốn khá phổ biến ở nhiều địa phương miền núi phía Bắc. Trong bộ giống nhập nội từ Đài Loan về trước tiên, có thể khẳng định được 2 giống đào và 2 giống lê. Năm ấy ở thôn Nà Khau có 3 gia đình tham gia mô hình trồng lê nhưng 1 chủ nhà mất, 1 chủ nhà ốm nên vườn tược bị bỏ không chăm sóc, cây dần lụi tàn, chỉ có mỗi ông Hoàng Văn Khi là phát triển được”.

Trong ngôi nhà sàn đơn sơ nép mình bên sườn núi, nhìn ra vườn lê ông Khi rủ rỉ kể, trước đây trong bản có nhiều gốc lê nâu bản địa, quả to, ăn hơi chua chát nhưng thơm, ngon và bán được giá. Ngoài giống lê nâu, còn có giống lê xanh cọng quả to, lê xanh cọng quả nhỏ nhưng không được ưa chuộng nên gần như đã bị loại bỏ gần hết. Nhược điểm của các giống lê bản địa là cây hay bị chết, năm được mùa, năm mất mùa nên ông đồng ý cho các nhà khoa học ghép cải tạo bằng giống lê mới trên những gốc lê cũ.

Ông Hoàng Văn Khi kiểm tra quả lê giống Đài Loan. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vừa làm ông vừa nghe ngóng xem có đạt hiệu quả không. Trái ngược với sự được mất thất thường của lê bản địa, giống lê ngoại năm nào cũng cho năng suất cao. Vườn rộng khoảng 5.000m2 với 120 cây có độ tuổi trung bình trên dưới 10 năm, mỗi năm cho thu 1,5 - 2 tấn quả. Với giá bán trung bình 20.000đ/kg, tính ra ông lãi cỡ  20 - 30 triệu đồng/năm. Vì không muốn đánh mất giống truyền thống nên ông vẫn giữ vài gốc lê nâu địa phương. Có gốc có vụ cho tới 3 tạ quả, có quả nặng tới 1,2kg, đến nỗi sợ rách túi bọc ông phải rạch bỏ.

Mùa này, quả lê đang sắp chín, bướm bay về từng đàn rập rờn. Nhìn đàn bướm ông cứ thấy nôn nao trong bụng, không ngủ được vì lo chúng châm vào quả lê gây thối, hỏng. Bởi thế mỗi tối ông lại đeo đèn hai lần đi tìm bướm. Mắt của lũ bướm bắt đèn đỏ hoe lên, rất dễ nhận biết. Khi phát hiện ra, ông khẽ tiến lại, dùng dây thun búng vào bướm cho rơi rụng xuống đất. “Tôi chịu khổ được nhưng nhìn quả lê bị bướm châm hỏng thì lại không chịu được, mà phun thuốc vào thời kỳ quả đã lớn lại gây hại cho người tiêu dùng nên phải búng kiểu thủ công như thế”, ông Khi bảo.

Đối với vấn đề bướm châm quả, các nhà khoa học trong đoàn khuyên nên dùng túi bọc quả, không chỉ bảo vệ được trước sâu hại mà còn tạo ra mã đẹp hơn. Mỗi túi bọc dùng được một vụ chỉ có giá khoảng 350 đồng. Ông Khi gật gù, ra chiều đồng ý. (Còn nữa).

Dương Đình Tường
Tin khác
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM
Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật: Ngành Nông nghiệp, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, sẽ tiếp tục phối hợp tốt trong triển khai quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM.

Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM
Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM

Trình bày và đề xuất của đại diện Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về lực lượng khuyến nông tham gia triển khai chương trình IPHM.

Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái
Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ giới thiệu cách triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái và cảnh quan.

Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM
Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Chia sẻ của ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật về những lợi ích trong áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM, đảm bảo an toàn sản xuất và xuất khẩu.

Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'
Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'

Theo GS.TS Trần Văn Hâu, nguyên Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ, những cây trồng có yêu cầu kỹ thuật, giá trị kinh tế cao cần có phân bón 'chuyên dụng'.

Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO
Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO

Ông Lê Văn Hải, Tổng Giám đốc BiOWISH Việt Nam trình bày về dòng phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng hữu hiệu (BIO EFF).

Ứng dụng cây trồng cải tiến trong thực hành IPHM
Ứng dụng cây trồng cải tiến trong thực hành IPHM

Bà Đào Thu Vinh, Điều phối viên tổ chức Croplife Việt Nam cho biết các giống cây trồng cải tiến, kháng sâu bệnh hại giúp cây trồng khỏe mạnh hơn, có khả năng chống chịu lại các yếu tố bất lợi của môi trường và dịch hại. Đây luôn là một cấu phần quan trọng trong chương trình IPHM và IPM.

Mỗi năm Syngenta Việt Nam đào tạo cho 1 triệu nông dân sử dụng thuốc BVTV
Mỗi năm Syngenta Việt Nam đào tạo cho 1 triệu nông dân sử dụng thuốc BVTV

Mỗi năm Syngenta Việt Nam tiếp cận, tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả cho hơn 1 triệu nông dân. Có 250.000 nông dân được tập huấn theo chuyên đề 4 đúng, 5 nguyên tắc vàng, sử dụng thuốc và thu gom bao gói sau sử dụng có trách nhiệm.

Các sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa
Các sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa

GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, chia sẻ, nhiều sinh vật gây hại bùng phát mạnh trong điều kiện biến đổi khí hậu, cần phòng ngừa bằng tổng hợp nhiều giải pháp.

Tổng quan đề án IPHM và kết quả triển khai ở các tỉnh
Tổng quan đề án IPHM và kết quả triển khai ở các tỉnh

Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Cục Bảo vệ thực vật, giới thiệu tổng quan đề án quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM và kết quả triển khai ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Phát triển kit chẩn đoán nhanh giám định sinh vật gây hại
Phát triển kit chẩn đoán nhanh giám định sinh vật gây hại

Ngoài một số bệnh hại sẵn có, cây trồng còn chịu tác động của nhiều sinh vật gây hại mới nổi, sinh vật ngoại lai khiến công tác phòng chống gặp khó khăn.