Trắng tay như thế với một người tài năng, có học vị, chức quyền như Phạm Đức, chỉ có thể giải thích bằng… định mệnh.
Từ vùng quê Tứ Kỳ, Hải Dương, mười tám tuổi Phạm Đức đã tham gia bộ đội chống Mỹ, vào binh chủng thông tin, làm báo Thông tin, rồi đi học Trường viết văn Nguyễn Du, trường Đoàn cao cấp Liên Xô, làm biên tập viên, rồi Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên, cho đến khi nghỉ hưu. Ông thuộc số ít người có truyện in Văn nghệ Quân đội, thơ in trên các báo rất sớm, từ năm 1964; được các giải thưởng thơ, văn ở Trung ương; có hơn chục tập thơ, truyện ngắn, truyện thiếu nhi, tiểu thuyết. Đời văn như thế, không thể không mĩ mãn.
Hồi công tác ở Nhà xuất bản Thanh Niên, Phạm Đức từng có một căn hộ do Trung ương Đoàn cấp, ngang vụ trưởng. Thế rồi, sau cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ, cuộc đời nhà thơ ngoặt sang thời “đơn phương”. Ông đi bước nữa. Rồi cũng đổ vỡ. Để xóa những kỷ niệm đau lòng, ông bán căn hộ về ở với bà cô họ ở gần gò Đống Đa. Vài năm sau, không khí sống ngột ngạt, ông tạm biệt bà cô, tìm căn nhà mới. Như "miếng da lừa" của Banzac, lưng vốn cạn dần, chỉ còn mua được một túp nhà nhỏ trong diện giải tỏa ở tít gần Khương Hạ, bên sông Tô Lịch. May mà túp nhà còn đủ cho chủ nhân một chỗ ngủ, chỗ chứa sách và một đàn trâu. Sách thì nhà văn, nhà thơ, nhà giáo nào cũng đầy bồ như thế. Nhưng trâu, lại cả một đàn, đủ loại, đi, đứng, nằm, gốm, sứ, đất nung, gò đồng, than, gỗ… toàn loại nhỏ xinh, xuýt xoát nhau, con to nhất vài ba ký, con nhỏ lít nhít như chuột. Sáu mươi năm công tác, đi khắp đông tây, nước ngoài, miền núi, hải đảo, ở đâu có trâu là ông sưu tầm. Con trâu cho ông hơi thở của đồng quê, thôn dã, làng xóm thân thương. Con trâu phả vào thơ ông hồn cốt Việt, những bóng hình xưa cũ, những hơi thở mùa màng…
Thế rồi túp lều ở Khương Hạ ấy cũng bị giải tỏa. Ông tưởng mình bơ vơ, không biết về đâu?
Có một nhóm văn nghệ sỹ yêu thơ, thấu cảnh ngộ của Phạm Đức, rủ ông về cùng sống ở một xóm nhỏ bên dòng sông Bùi, Chương Mỹ, nơi ghi dấu trận thắng lớn Tốt Động, trước khi nghĩa quân Lê Lợi vây hãm thành Đông Quan. Đích thân vợ chồng nhà thơ, họa sỹ Hà Huy Hiệp đứng ra mua đất, dựng nhà cho Phạm Đức. Một căn nhà có gác, nép bên sông, tổ ấm cuối đời.
Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, ông xin được giữ chân ghi chép nhật trình ở Hội nhà văn, báo cáo trực tiếp với Chủ tịch Hội, hằng ngày với chiếc xe máy cũ đi về sáu chục cây số. Căn nhà nhỏ bên sông Bùi từ ngày có nhà thơ Phạm Đức, trở thành câu lạc bộ thiếu nhi. Các em tự do tìm sách, đọc sách. Ông hướng dẫn các em cách đọc, dạy chúng cách gieo vần, làm thơ, những câu thơ lục bát sở trường mang hồn cốt quê kiểng của ông.
Những lần Hà Huy Hiệp mở triển lãm tranh, Phạm Đức thường được mời làm khách, tiếp xúc với các bạn văn, các họa sỹ của câu lạc bộ tranh Chương Mỹ. Những năm đầu ông còn hăng hái đọc thơ, tranh biện, sau sức khỏe yếu dần, mái tóc bạc rối thường khiêm nhường ngồi ở một góc, u buồn.
Rồi một ngày cuối năm 2022, ông lặng lẽ ra đi, để lại căn nhà chưa trả nợ hết, những giá sách chất ngất và đàn trâu u uẩn không còn thiết ăn cỏ từ lâu lắm rồi.
Vợ chồng họa sỹ Hà Huy Hiệp và các bạn văn nghệ Chương Mỹ xúm vào giúp cô con gái đang cảnh khốn khó lo đưa tiễn nhà thơ đơn phương về cõi mộng. Theo nguyện vọng của ông, kho sách được chia ra ủng hộ các tủ sách nhà trường trong huyện. Riêng đàn trâu, gia tài vô giá của ông, vận động mãi, có một nhà hảo tâm bỏ ra mười triệu đồng gom đàn trâu lại, nhờ họa sỹ Hà Huy Hiệp giữ hộ.
Rồi có nhà sưu tập nghệ thuật, ông Lê Anh Tuấn, nghe tin tìm tới. Nhưng cả đàn trâu gần hai trăm con, nhà sưu tập chỉ chọn mua một con duy nhất. Ấy là con trâu đầu đàn, bằng đá trắng, dài 26cm, cao 14cm, sau tháng ngày cày ruộng, nằm thanh thản nhìn trời. Thì ra nhà sưu tập có con mắt tinh đời. Ông đã nhận ra bảo vật, một tác phẩm độc đáo của họa sĩ, điêu khắc gia Lưu Văn Sìn, cùng thời với những danh họa Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung… khóa Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương 1931 - 1936. Hỏi ra mới biết, hồi chuyển về ở Đống Đa, Phạm Đức nhận họa sỹ Lưu Văn Sìn làm bố nuôi và được danh họa cho thừa hưởng tài sản "Con trâu". Số tiền chuyển nhượng trâu là năm triệu đồng, được nhà hảo tâm, họa sỹ Hà Huy Hiệp và ông Lê Anh Tuấn mang tặng làm từ thiện tại nhà thờ Thái Hà, Hà Nội.
"Con trâu", tác phẩm điêu khắc của họa sỹ Lưu Văn Sìn, trong bộ sưu tập cổ vật nghệ thuật, càng già, sẽ càng có giá. Nhưng sẽ ít ai biết được nó và cả một đàn trâu đông đảo đã từng sống với nhà thơ Phạm Đức nhiều năm tháng vui buồn, từng nhen lên những ngọn khói đồng trong “Bài thơ xua khói” nổi tiếng của ông, từng nuôi dưỡng hồn thơ chân quê, mộc mạc, đằm thắm, u buồn và lấp lánh vẻ đẹp của làng quê Việt.