Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Khải Mông - Thứ Năm, 09/01/2025 , 10:26 (GMT+7)

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Sách “Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)”. Ảnh: Khải Mông.

Có 3 vua Quang Trung giả?

Các tài liệu chính sử của Việt Nam đã ghi rõ, người đóng giả vua Quang Trung trong chuyến đi sứ năm 1790 sang mừng thọ vua Càn Long nhà Thanh (Trung Quốc) 80 tuổi, là Phạm Công Trị. Một số bản tham luận được in trong sách “Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)” cũng khẳng định Phạm Công Trị là người đóng giả vua Quang Trung trong chuyến đi sứ năm 1790 như tham luận của GS.TS Anh Kyong-hwan (Korea Global School). Thế nhưng, tham luận của 2 cán bộ cao cấp của Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn cung cấp thêm 2 vua Quang Trung giả nữa.

Người thứ nhất đóng giả vua Quang Trung là Phan Văn Trị do PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh – CN Nguyễn Văn Thanh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) phát hiện, được in trong bài “Dòng họ Phan Huy Sài Sơn - Những đóng góp cho sự nghiệp dân tộc”.

Trang 38 của sách viết: “Về chuyến đi sứ năm 1790 của Phan Huy Ích, ông cùng Vũ Huy Tấn và Đoàn Nguyễn Tuấn đã phù vua Quang Trung giả (Phan Văn Trị đóng) sang mừng thọ vua Càn Long…”. Không rõ Phan Văn Trị là nhân vật nào thời Tây Sơn mới được PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm – cùng đồng nghiệp phát hiện ra, lai lịch và tiểu sử như thế nào? Còn tôi được biết trong lịch sử Nam bộ có nhà thơ Phan Văn Trị yêu nước nổi tiếng nhưng cụ sinh năm 1830, chào đời sau sự kiện vua Quang Trung giả tròn 40 năm.

Người thứ hai đóng giả vua Quang Trung là Nguyễn Gia Phan do PGS.TS Vương Thị Hường – đương kim Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm tìm ra. Tham luận “Sự chuyển biến trong tư tưởng của Nho sĩ Đàng Ngoài giai đoạn cuối thế kỷ XVIII - thế kỷ XIX (qua nghiên cứu trường hợp Phan Huy Ích)”, PGS.TS Vương Thị Hường viết về Phan Huy Ích khi cùng Ngô Thì Nhậm phụ trách ngoại giao: “Chuyến đi sứ cùng Nguyễn Gia Phan giả làm Nguyễn Huệ đánh lừa vua Thanh thành công, ông lại càng được tin dùng” (tr. 163).

Thật là những phát hiện gây chấn động giới sử học ở nước ta! Chỉ tiếc rằng tôi không thấy Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm dẫn nguồn tư liệu phát hiện này được chép trong kho sách hay kho ván khắc nào của quý viện! Nếu tôi nhớ không nhầm thì Nguyễn Gia Phan đỗ tiến sĩ, làm quan từ triều vua Lê Hiển Tông sang triều Tây Sơn. Ông giỏi nghề y, song không rõ tư liệu nào cho biết Nguyễn Gia Phan đi sứ năm 1790? Kính mong nhận được phản hồi của lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hán Nôm cùng tác giả để bạn đọc được tỏ tường.

PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh phát hiện Phan Văn Trị đóng giả Quang Trung đi sứ nhà Thanh. Ảnh: Khải Mông.

Đượm mùi... áo xanh

TS Phạm Vân Dung (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội) trong bài “Thơ vịnh sử trong Tinh sà kỷ hành của Phan Huy Ích” có những phát hiện khá… đượm mùi. Ở tiểu mục nhóm đề vịnh các vị vua - quan trong lịch sử, tiến sĩ chú giải cho câu thơ “Hoằng Phạm, Toa Đô, sự thế khó khăn” như sau: “Toa Đô, tên tướng bị quân ta bắt sống ở của (sic) Hàm Tử” (tr. 254). Có lẽ người viết tham luận thuộc câu thơ (dịch sai) trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi: Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô;  nên cứ đinh ninh cho rằng viên tướng người Mông Cổ này bị quân dân nhà Trần bắt sống. Thực tế khi bị bắt sống ở cửa Hàm Tử thì Toa Đô đã không còn cái đầu ở trên cổ nữa.

Tiếp đến, trang 266, người viết tham luận dẫn lời dịch của Phan Huy Thực với 2 câu kết trong bài “Tỳ bà hành”: Lệ ai chan chứa hơn người/ Giang Châu Tư mã đượm mùi áo xanh. Chắc là áo của Tư mã Giang Châu bị ai đó đổ nước mắm vào nên mới đượm mùi. Còn thơ của tác giả Phan Huy Thực viết là đượm màu áo xanh!

TS Nguyễn Kim Măng (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) trong bài “Phan Huy Ích với các trước tác văn khắc Hán Nôm” liên tục đánh rơi tên tự của Phan Huy Ích. Tên tự đầy đủ của Phan Huy Ích là Khiêm Thụ Phủ thì chỉ còn Khiêm Thụ (tr. 388, tr. 389). Đáng chú ý là nhiều tham luận khác dường như chép của nhau nên đều đánh rơi như vậy.

Tác giả này còn phát hiện ra quê gốc của Phan Huy Ích hiện nay là “xã Thạch Châu, huyện Thạch Thành, tỉnh Hà Tĩnh” (tr. 389). Huyện Thạch Thành chỉ có ở tỉnh Thanh Hoá chứ không ở tỉnh Hà Tĩnh. Trang 390, TS Nguyễn Kim Măng viết tiếp: Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh chiếm được kinh đô Phúc Xuân. Chỉ có kinh đô Phú Xuân chứ không có kinh đô Phúc Xuân bao giờ!

TS Vương Thị Hường phát hiện thêm Nguyễn Gia Phan đóng giả Quang Trung đi sứ nhà Thanh. Ảnh: Khải Mông.

Trang 394, viết về văn bia Trùng tu bi ký, bà Măng cho biết: Văn bia hiện được dựng ở văn chỉ của xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc. Thành phố Hà Nội hiện không có huyện nào mang tên Thượng Phúc. Trước đó, trang 392 TS Nguyễn Kim Măng cung cấp thông tin văn bia Ngũ Xã thôn phúc thần bi do Phan Huy Ích soạn, được khắc vào “ngày trùng dương, năm Kỷ Tỵ niên hiệu Lê Cảnh Hưng thứ 46 (1785)”. Theo thiên can thì năm Ất Tỵ phải là 1785. Niên hiệu nhà vua chỉ có 2 chữ là Cảnh Hưng - tức vua Lê Hiển Tông - chứ không phải niên hiệu Lê Cảnh Hưng. Tiến sĩ không nên tuỳ tiện thêm chữ nối đuôi vào tư liệu lịch sử.

Đại diện dòng họ Phan Huy (Sài Sơn) cho biết, một thành viên của dòng họ là ông Phan Huy Thanh đã có thư viết tay dài 5 trang (đề ngày 26/3/2022) gửi Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm thống kê những lỗi sai trong sách. “Nếu thống kê cụ thể, chi tiết thì phải gấp nhiều trang nữa, ở đây dòng họ chỉ thống kê những lỗi sai cơ bản” – thành viên này nói.

Còn PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đồng chủ biên sách “Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)” bày tỏ: Viện Nghiên cứu Hán Nôm có nhận được thông tin sách “Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)” nhiều lỗi sai. Viện sẽ sửa chữa và đính chính khi in tái bản ở lần sau.

Tuy nhiên, một vị tộc trưởng dòng họ Phan Huy (Sài Sơn) tỏ ý băn khoăn: Tiền in sách “Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)” do dòng họ tài trợ, không rõ Viện Nghiên cứu Hán Nôm sẽ lấy kinh phí ở đâu để tái bản sách? Riêng việc phản hồi lá thư viết tay dài 5 trang của ông Phan Huy Thanh gửi Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã hơn 2 năm chưa có thông tin chính thức. Vậy thời gian tái bản sách “Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)” để đính chính như PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường trả lời là khi nào đây? Dòng họ Phan Huy (Sài Sơn) mong muốn có mốc thời gian tái bản, sửa chữa sách cụ thể từ lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).

Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)” được Nxb Khoa học Xã hội cấp phép hành (2022) – Cty TNHH sách và truyền thông Việt Nam liên kết xuất bản từ Kỷ yếu hội thảo khoa học do Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) và dòng họ Phan Huy phối hợp tổ chức, tháng 3/2022. PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường - Trưởng ban tổ chức bản thảo; TS Đỗ Thị Bích Tuyển - Thư ký cùng 5 thành viên khác là TS Vũ Thị Lan Anh, PGS.TS Trần Trọng Dương, TS Trần Thị Thu Hường, TS Nguyễn Tô Lan và TS Nguyễn Kim Măng.

Khải Mông
Tin khác
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.