Năm 1954 khi hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước bị chia cắt thành hai miền. Trung ương Đảng và Bác Hồ thấy cần phải đưa con em cán bộ, bộ đội tập kết ra miền Bắc vì “đây là lực lượng cần đào tạo để kế cận cho Cách mạng miền Nam cũng như cho đất nước sau này”.
Lê Chín chính là một trong số 32.000 học sinh miền Nam (HSMN) ngày đó. Cái cô bé mới lên 7 lúc còn ở với má và mấy chị em ruột trong một gia đình nông dân ở Kiến Xương, Thái Bình hồi mới tập kết ra Bắc, được “đi trong hương thơm của trái ngọt và ánh trăng". Tiếng trống ếch rộn ràng, đèn ông sao đủ màu sắc. Mâm cỗ trung thu với những quả na, quả thị, quả ổi thơm lừng.
Cô bé HSMN ấy có vẻ như rất thích thú với mùa thu miền Bắc. “Gió mùa thu mát rượi… Trời thu xanh không tưởng… Mùa thu ấy”… hết năm này đến năm khác rồi “Mùa thu nữa lại về…” lúc nào cũng như mê đắm với mùa thu, gắn bó với mùa thu. Mấy chục năm sau được kết nạp Đảng, Lê Chín lại thổ lộ “Mùa thu năm 1986, ta được kết nạp Đảng".
Sao niềm vui chờ đợi bấy lâu nay, không phải mùa hè, không phải mùa xuân nhỉ? Sao phải chờ đến đúng dịp tiết thu phân. Rồi lại tự hỏi “Ta có duyên với mùa thu thật chăng!”. Một người mơ mộng, yêu đời, yêu tha thiết cuộc sống đến dường nào. Vậy mà, bất hạnh thay, năm 16 tuổi, cái tuổi đầy mộng mơ, nhiều hoài bão lại bị cánh cửa cuộc đời đóng sập bởi một trận ốm.
“Ốm không cất được đầu dậy, cứ nằm úp mặt vào tường với những cơn ho xé lòng xé ruột. Có con chim đậu trên cành táo sau nhà cứ hót liên hồi như trêu tức “Chết thật chưa! Chết thật chưa!”. Và lời kết luận của bác sĩ như sét đánh ngang tai “Bệnh tim nặng rồi, nên nghỉ học. Dù sau này có bằng cấp cũng không nơi nào nhận vào làm việc”.
Vào đại học năm đầu, lúc 19 tuổi, đã phải mổ tim lần thứ nhất. Nếu tính cả những lần sau này thì Lê Chín đã trải qua bốn lần mổ tim. Suốt cuộc đời là sự giành giật giữa cái chết và sự sống. Có những lần mổ tim cái chết lâm sàng kéo dài cả tuần lễ. Trước đây ông bác sĩ còn nói: “Bệnh tim không nên lấy chồng. Lấy rồi thì không được có con. Có con thì không được cho con bú”. Vậy là cánh cửa hạnh phúc của người phụ nữ với thiên chức làm mẹ cũng đóng sập.
Vượt qua những lần chết hụt, quên những cơn đau hành hạ. Lê Chín luôn tâm niệm lời Bác Hồ dịp Người xuống Hải Phòng thăm các trường HSMN. Bác bảo, đây là “Hạt giống đỏ miền Nam” trên đất Bắc. Biết được sứ mệnh của mình, chúng tôi ra sức học tập, tu dưỡng, quyết tâm không để hạt nào bị “lép”. Học và học.
Tốt nghiệp trường Đại học Kỹ thuật thông tin liên lạc (Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông ngày nay) có thời kỳ đi làm nhưng mãi không được vào biên chế Nhà nước. Rồi cơ quan chia tách, rồi vì lý do sức khỏe, Lê Chín ở diện “thừa”. May vì có chút tài lẻ, chút năng khiếu trời cho đã cứu Lê Chín. Được Đài cơ vụ nhận về làm tổng hợp “em viết lách vẽ vời tốt, lại biết làm thơ, cơ quan đang cần một người như thế” - anh trưởng đài nói.
Nơi làm việc Lê Chín tìm được nửa kia đích thực, với những rung động đầu đời của mình về tình yêu. Những ai đã đi qua tình yêu đồng cảm với niềm xúc động ấy. Nó trong sáng và tươi đẹp. Và với tác giả nó lại rất đặc biệt. Vì nó gắn với mùa thu. “Ôi mùa thu! Hoa sữa cứ nồng nàn. Gió thu cứ mơn man…Trăng thu cứ ẩn hiện trên đầu. Đó là cái kết có hậu của mùa thu chăng?”.
Lê Chín tự hỏi như thế! Mặc cho cái án bệnh tim cứ treo lơ lửng. Lê Chín tranh thủ đi học tiếng Anh ngoài giờ làm việc rồi cùng chồng mở lớp Anh ngữ dạy các cháu. Tưởng như cuộc sống êm đềm trôi qua theo năm tháng. Nhưng số mệnh thật nghiệt ngã. Ai ngờ mấy năm sau, người bạn đời, bạn thơ bị bệnh hiểm nghèo ra đi và rồi cô đơn lại vẫn hoàn cô đơn. Lê Chín viết bài thơ “Trăng vỡ” với một nỗi buồn đau. “Thuyền trăng va vào sóng mạnh/ Vỡ tan mây cuốn đi rồi/ Bỏ lại dòng sông hiu quạnh/ Vật vờ… đêm mờ sương khơi”.
Lúc còn bé Lê Chín ưa hoạt động như bất cứ đứa trẻ con nào. Có phần còn hơn. Hồi mới tập kết ra Bắc, ở nhà dân, mới 7 tuổi mà dám trèo lên cây cau rồi với tay sang cây ổi bên cạnh, hái quả chín, bị ong đốt sưng mặt, phải ôm cây tụt xuống. Trèo hái sung chín suýt bị ngã xuống ao, may kịp ôm cành, chủ nhà phải dùng vó bắt cá ra đỡ… Cái con người ham hoạt động, yêu tha thiết cuộc sống, yêu tha thiết cuộc đời ấy không đầu hàng số phận.
Sau này về hưu dù vẫn chỉ một mình một bóng nhưng hàng ngày Lê Chín lấy cây bút làm bạn. Viết và viết một cách say sưa. Viết bằng sự khao khát trả nợ đời. Bằng tình cảm thiết tha. Với thuận lợi của người trong cuộc, Lê Chín viết về chính cuộc đời mình. Từ khi còn là đứa bé 7 tuổi được mấy ông Tây (thủy thủ) xách tay tung lên như làm xiếc đưa lên boong con tàu Kilinski của Ba Lan vượt trùng khơi ra miền Bắc, với biết bao kỷ niệm những năm tháng còn ở nhà dân rồi đi học nội trú ở trường HSMN ở TP. Hải Phòng rồi đi học đại học, rồi đi làm. Bây giờ đã là bà cụ U80.
Những bài viết chân thực, người thật, việc thật gây nhiều xúc động từng được đăng trên các báo Lao động cuối tuần, Người cao tuổi, Pháp luật và Đời sống… rồi được tập hợp lại cùng những bài viết về giai đoạn sau này, in thành cuốn sách NỢ ĐỜI - NXB Thanh niên. “Vâng! Tôi nợ những giáo sư- bác sĩ đã cho tôi hồi sinh một cách kỳ diệu. Tôi nợ người thân và bạn bè đã luôn bên cạnh những lúc nguy nan. Tôi nợ những nhạc sĩ đã phổ thơ tôi thành những ca khúc”…
Ở tuổi ngoài bẩy mươi, Lê Chín vẫn làm thơ. Dịp Covid đang hoành hành, một hôm qua điện thoại nghe anh nhà báo bạn thân kể chuyện, ông Vũ Đình Lưu thông gia của anh ở Nam Định gọi điện lên kể: Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương, đã làm mâm cỗ cúng tổ tiên khấn vái các Vua Hùng xin phù hộ độ trì cho con cháu mau tai qua nạn khỏi dịch Covid 19.
Nghe chuyện, cảm xúc ùa đến, Lê Chín cầm bút làm ngay bài thơ “Covid phải lùi xa” trong thời gian kỷ lục 30 phút rồi đọc qua điện thoại cho nhạc sĩ Văn Ký lúc 11 giờ khuya để ông chép. “Covid là kẻ thù vô hình/ Không quốc tịch/ Không màu da/ Như cơn bão tràn qua/ Cả địa cầu chao đảo/ Việt Nam ơi!/ Hãy đồng lòng xốc tới/ Con cháu Vua Hùng bốn ngàn năm vẫy gọi/ Chẳng kẻ thù nào đánh gục được chúng ta/ Đẩy nhanh Covid lùi xa/ Việt Nam kiêu hãnh nhà nhà yên vui”.
Bài thơ được nhạc sĩ Văn Ký phổ nhạc sau một đêm. Ca sĩ NSƯT Minh Quang thể hiện ca khúc này trong buổi phát chương trình “Cuộc sống vẫn tiếp diễn” của VTV1. Bài thơ cũng được đăng trên tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Đông đảo người xem truyền hình và bạn đọc ca ngợi.
Lê Chín còn viết về chuyện của bè bạn, của đồng nghiệp và họ hàng. Đất nước thống nhất sau 21 năm chia cắt. Ngày gặp lại không chỉ có nụ cười mà còn có nước mắt. Nước mắt của những tình huống éo le, khó xử “Má và Mẹ”, “Ba nàng dâu gốc Bắc”. Với HSMN cũng có những tình huống bất khả kháng, đó là “Cẩm Khê ơi! Đau mãi mùa trăng” có hai bạn gái Tuyết Nga, Thanh Vân bị chết đuối nơi trường đại học sơ tán ở Phú Thọ.
Lê Chín viết về những kỷ niệm ấy với niềm đau thương tiếc nuối khôn tả. Người đọc cứ thấy man mác, phảng phất một nỗi buồn, pha chút xót xa. Cuộc đời này cứ như là định mệnh. Trong cuốn “NỢ ĐỜI” Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến: Họa sĩ Lê Duy Ứng với “Bức huyết họa biết kể chuyện”; họa sĩ Ngô Quang Nam “Đường dài mới biết ngựa hay”; “TS Ngô Kiều Oanh con chim biết chọn hạt gieo mầm”. Tác giả viết còn để tri ân những người BS như mẹ hiền: “Người thầy thuốc với trái tim nhân hậu”; HS Mộng Bích - Người con gái của làng Chèm vẽ”.
Bà là một họa sĩ tên tuổi từng là hàng xóm thân thiết một thời. “Con gái người anh hùng Hùm thiêng Yên Thế” đem đến cho người đọc nhiều thông tin quý mà tác giả đã cất công sưu tầm về bà Hoàng Thị Thế con gái nhân vật lịch sử Hoàng Hoa Thám. “Lê Tư - anh lính bộc phá năm xưa”, người bạn đời của chính tác giả. Lê Chín sống nhân hậu, giầu tình cảm, người đã mấy lần vượt qua cửa tử, đồng cảm với những người chịu nhiều éo le thiệt thòi trong cuộc sống. Khâm phục những gương hy sinh. Tôn trọng lẽ phải “Những đứa con người lính”, “Phạm Nguyên Hùng – Người lính thầm lặng”. Lê Chín viết là để trả nợ đời như tác giả tự bạch.
Có thể nói, có bài hồi ký trong NỢ ĐỜI mang giá trị về mặt tư liệu. Những tư liệu được thể hiện bằng văn học: “Đẹp mãi những “hạt giống đỏ” miền Nam trên đất Bắc”; “Câu lạc bộ Thống nhất - Ngôi nhà chung của đồng bào miền Nam tập kết”; “Những cái Tết xa nhà lâu nhất”. Rõ ràng, qua những bài ký về HSMN trên đất Bắc thế kỷ trước, người đọc càng thấy Trung ương Đảng và Bác Hồ ngày ấy có chủ trương rất kịp thời và quyết sách rất sáng suốt cho con em cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc.
Có nhà lãnh đạo, văn nghệ sĩ, nhà khoa học tên tuổi… như Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, Nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, TS toán học Châu Xuân Sinh, TS kinh tế Đặng Thị Học, vợ chồng doanh nhân AHLĐ Lê Văn Kiểm - Trần Cẩm Nhung, NSND Trà Giang, Lâm Tới, nhạc sĩ Thanh Tùng, nhà thơ liệt sỹ Lê Anh Xuân, họa sĩ Lê Thị Hiệp và nhiều bậc tài danh khác, vốn dĩ được “đúc” từ cái “lò” HSMN bạn đọc bắt gặp trong cuốn sách, mà giữa thế kỷ trước, họ còn là những em bé 6, 7 tuổi.
Lớn lên và gắn bó với miền Bắc nhưng Lê Chín vẫn đau đáu với cố hương nơi sinh ra, đó là huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi để Lê Chín trải lòng mình sáng tác những bài thơ “Mộ Đức bình minh”, “Ba Tơ chiều ấy” do nhạc sĩ Văn Ký phổ nhạc. “Quảng Ngãi mùa xuân đang về” do nhạc sĩ Lê Xuân Thọ phổ nhạc thành những ca khúc được phát trên làn sóng điện phát thanh và truyền hình.
“Rồi một ngày nào đó tôi không còn ước mơ nào ngoài sức khỏe, tôi sẽ “nghỉ hưu” theo đúng nghĩa để nhẩn nha gặp lại mình trong những trang viết cuối đời này”. Còn bây giờ Lê Chín vẫn “cầm bút” tiếp tục trả nợ đời và, “Những trang sách, những vần thơ vẫn đang ngày đêm tiếp tục khát khao hoàn thiện”. Ý nghĩ của tác giả cũng chính là lời tri kỉ, là “tuyên ngôn” của người viết cuốn sách này. Một con người có ý chí và nghị lực đáng nể phục mà qua cuốn sách “NỢ ĐỜI”, bạn đọc rút ra được nhiều điều bổ ích để suy ngẫm.