Cuộc di cư của những loài cây ôn đới: [Bài 1] Công ông Nguyễn Công Tạn

Dương Đình Tường - Thứ Hai, 22/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

Một đêm mùa đông năm 2014, GS.TS Vũ Mạnh Hải nhận được tin nguồn 'hàng' từ Đài Loan đã về tới sân bay Nội Bài, cần cử người đi đón gấp.

Vườn lê nhập giống từ Đài Loan trồng ở Tràng Định, Lạng Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

"Chia trứng làm nhiều giỏ"

Bài liên quan

“Hàng” đó chính là mấy cành nhánh làm mắt ghép của 3 chủng loại cây ăn quả ôn đới gồm đào, lê và hồng gửi theo nghị định thư về trao đổi nguồn gen cây ăn quả được ký giữa Đài Loan do Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Đài Loan (TARI) và Việt Nam do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) chịu trách nhiệm thực hiện. GS.TS Vũ Mạnh Hải chính là người chủ trì nội dung nghị định thư này.

Lúc ra đến sân bay Nội Bài, mọi người thấy khá nhiều cành giống có biểu hiện bị thối hoặc thâm đen ở phần gốc do đã bảo quản và vận chuyển trong kho và trên máy bay trong suốt một thời gian dài. Sau này, phía bạn cho biết, quá trình chuyển hàng gặp phải một vài trục trặc về mặt thủ tục, phải đi vòng qua một số quốc gia khác trước khi về đến Việt Nam.

Một cuộc họp chớp nhoáng của nhóm công tác bao gồm các cán bộ nghiên cứu cây ăn quả của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Bảo vệ thực vật, Trung tâm Nghiên cứu Cây ôn đới Sa Pa (thuộc Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) được tổ chức ngay sau khi nhận hàng để xem xét, kiểm tra nguồn thực liệu và bàn phương án triển khai phù hợp.

GS.TS Vũ Mạnh Hải bên cây lê giống nhập từ Đài Loan. Ảnh: Dương Đình Tường.

GS.TS Vũ Mạnh Hải giải thích: “Vì phải đi đường vòng mất nhiều thời gian, đã có phần héo úa, sợ chúng mất sức sống, chúng tôi phải nhanh chóng vận chuyển các cành ghép đến các cơ sở có sẵn cây gốc ghép gần nhất có thể so với các địa điểm dự kiến trồng thử nghiệm theo 3 hướng chính là Sơn La, Lào Cai (kèm theo khu vực Hà Giang) và Lạng Sơn. Mục đích là “chia trứng làm nhiều giỏ”, tránh rủi ro sẽ mất hết giống.

Các điểm trồng thử nghiệm đại diện cho các tiểu vùng miền núi phía Bắc có khả năng phát triển cây ăn quả ôn đới đều thu được một số kết quả quan trọng, góp phần khẳng định tính thích ứng của các giống nhập nội với điều kiện sinh thái địa phương, đặc biệt là các giống lê - đối tượng được coi là ưu tiên hàng đầu trong phát triển cây ăn quả ôn đới ở vùng núi phía Bắc.

"Trong 6 giống lê tôi thấy Mi Xue chín sớm nhất, chất lượng ngon nhất, vỏ dày, có thể vận chuyển xa. Giống Heng Shan cũng rất có triển vọng bởi quả to, vỏ dày, chất lượng khá. Có vườn lê ở Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi Phó Bảng trên Hà Giang rộng chỉ khoảng 5.000m2 nhưng nhờ làm giàn bằng khung thép để tạo khung tán thông qua kỹ thuật vít cành mà mỗi năm thu vài chục triệu đồng. Có vườn lê của một nông dân ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn nhờ vít cành bằng dây cũng ra quả nhiều, khá đẹp. 2024 là năm kết thúc đề tài 5 năm “Phát triển một số cây ăn quả ôn đới có lợi thế ở vùng miền núi phía Bắc” do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện, chúng tôi dự kiến sau khi được bảo hộ giống sẽ nhân rộng những giống này ra sản xuất”.

Cận cảnh một giống lê Đài Loan. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tinh thần làm việc của ông Nguyễn Công Tạn

Theo ông Hải, cây ăn quả ôn đới nhập nội vào Việt Nam từ nhiều nguồn khác nhau, đầu tiên là Pháp. Thời còn làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Công Tạn đã rất quan tâm đến cây ăn quả ôn đới của Pháp. Lúc ông làm Phó Thủ tướng, quãng năm 2003 - 2004, Pháp đã có chương trình hợp tác với tỉnh Lào Cai và có vườn trình diễn nhiều giống cây ăn quả ôn đới quý ở Tả Phìn tại Sa Pa và Trại Rau quả ôn đới tại Bắc Hà.

"Có 2 quốc gia rất quan tâm đến việc trồng cây ăn quả ôn đới ở Việt Nam và quan hệ với nước ta rất tốt là Pháp và Úc. Họ đưa sang Việt Nam nhiều loại đào, mơ, mận, hồng… Sau một thời gian thử nghiệm, ngoài một số ít các giống có nhu cầu độ lạnh (CU-Chilling Unit) thấp, có khả năng ra hoa trong điều kiện Việt Nam như giống đào Maraviha, Missour, khá nhiều giống cây ăn quả ôn đới của Pháp đưa sang không thật phù hợp bởi chúng có gốc từ nơi có độ lạnh cao hơn hẳn.

Trong khi đó, các giống nhập nội từ Úc, chủ yếu qua con đường hợp tác trong khuôn khổ dự án ACIAR lại có tỷ lệ thành công cao hơn. Các giống đào Tropicbeauty, giống đào nhẵn (nectarine) Sunwright, các giống mận October Blood, Gulfgold, Rubenal… có khả năng ra hoa, kết quả tốt ở một số địa điểm trồng thử nghiệm và đang được người dân địa phương chấp nhận tuy diện tích còn chưa đáng kể", ông Hải cho biết.

Hiện nay, nhiều nông dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã trồng thành công và có thu nhập cao với giống lê nhập nội từ Đài Loan. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hải hồi ức: “Ông Nguyễn Công Tạn luôn làm việc với tinh thần tất cả vì quốc gia. Ông thường đi nước ngoài, lại yêu nông nghiệp nên phía bạn có những giống tốt nào thì hay gửi làm kỷ niệm. Thứ nữa, ông cũng luôn chủ động, tìm cách đưa giống mới về, không chỉ về cây, con mà còn là kỹ thuật mới. Có lần sau khi đi Ý về, ông bảo với GS Trần Thế Tục lúc đó đang làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả và tôi rằng, các ông sang ngay đảo Sicily xem người Ý trồng cam, quýt trên núi đá”.

Chúng tôi sang và tận mắt chứng kiến một vùng cam, quýt rộng lớn được trồng trên các núi đá thoai thoải, tất nhiên là loại đá đang trong quá trình phong hóa, cây phát triển tốt, quả sai với màu sắc rất hấp dẫn. Lúc đang ở cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông Phan Văn Khải trong một lần thăm Viện Nghiên cứu Rau quả, trong câu chuyện với đội ngũ cán bộ khoa học, khi nhắc đến ông Tạn có nhận xét rằng: "Anh Tạn là một người rất chịu khó “tha lôi” những thứ mới từ nước ngoài về”.

"Ngay viện tôi, ông Tạn đưa về một loạt giống mới không chỉ là cây ôn đới mà còn có cam, quýt, hướng dương lấy dầu, sở cành mềm, cây cọ châu Phi làm cảnh… Khi đưa những giống mới về thử nghiệm như vậy, có thành công, có thất bại cũng là điều đương nhiên bởi là cây nhập nội, có loại phù hợp, có loại không. Nhưng về cái tâm mà nói ông Tạn là người tuyệt vời về chuyện đưa giống mới về. Những khi đưa giống cây ăn quả ôn đới như đào, lê… về Trung tâm Nghiên cứu Cây ôn đới ở Sa Pa, ông thường nhắc các trợ lý (anh Trình, anh Tùng…) thông báo cho viện chúng tôi lên xem ngay. Rất tiếc là bây giờ một số cây ở đó đã không còn do cả việc chăm sóc lẫn bảo vệ.

Thứ nữa, khi đưa một số giống cam, quýt về trồng ở một nơi cách ly không gian là đảo Cát Bà (Hải Phòng), chúng tôi đã nhiều lần ra đó để xem, có một giống khá thích hợp, được người dân địa phương đánh giá cao, tuy nhiên mới chỉ phát triển ở chừng mực nhất định", ông Hải chia sẻ.

Chủ vườn Hoàng Văn Khi ở xã Đội Cấn (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) thu hoạch lê. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quay trở lại thời ông Nguyễn Công Tạn còn làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Việt Nam đang phải lo chuyện ăn no nên chỉ tập trung vào trồng cây lương thực và một số cây ăn quả như dứa, cam. Ông luôn đau đáu rằng làm sao để Việt Nam có thể xuất khẩu rau quả đạt 1 tỉ USD (lúc đó rau quả đang xuất khẩu được khoảng 200 đến 300 triệu USD/năm còn bây giờ đang 6 tỉ USD/năm), mà trong đó có một phần là cây ôn đới.

"Đến thời ông Cao Đức Phát làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, có lần ở sân bay California (Mỹ) có hỏi tôi rằng ông Hải ơi, sao mình lại không có những giống đào có quả to và đẹp như của Trung Quốc?. Tôi có trả lời rằng thưa anh, độ lạnh của Trung Quốc có vùng tới 1.000 CU, ở ta không thể bói đâu ra những vùng như thế cả, chỉ khoảng 200 - 300 CU cho nên đưa những giống đó về khó có thể ra hoa được và giả sử có quả, chất lượng chắc chắn kém xa nơi nguyên sản. Vì thế phải tập trung vào những giống chất lượng vừa phải nhưng phù hợp trong điều kiện Việt Nam”, ông Hải nhớ lại.

Ông Hải phân tích, cây ăn quả ôn đới được phân ra làm 3 nhóm: Nhóm yêu cầu độ lạnh cao (số giờ lạnh nhiều) như giống của Trung Quốc, trồng gần Bắc Kinh nhiệt độ rất thấp, chất lượng tốt; nhóm yêu cầu độ lạnh trung bình và nhóm yêu cầu độ lạnh thấp (số giờ lạnh ít). Ở Việt Nam nên tập trung chủ yếu vào nhóm yêu cầu độ lạnh trung bình và nhóm yêu cầu độ lạnh thấp giống như Đài Loan hay miền nam Trung Quốc.

Dương Đình Tường
Tin khác
Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm
Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm

Thiên nhiên vẫy gọi mỗi cá nhân phải có hành động tích cực để bảo vệ môi trường sống, đó là thông điệp chủ yếu trong tập truyện ‘Lưng người thăm thẳm’.

Du lịch xanh - đòn bẩy phát triển kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero
Du lịch xanh - đòn bẩy phát triển kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero

TP.HCM Những năm gần đây, du lịch xanh ngày càng được quan tâm và trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Bác sĩ Hoàng Thạch hoài niệm chiều một lời ru rất xa
Bác sĩ Hoàng Thạch hoài niệm chiều một lời ru rất xa

Bác sĩ Hoàng Thạch gửi gắm nhiều tâm sự với cố hương trong tập thơ ‘Hoài niệm chiều’ giăng mắc buồn thương xa vắng của một thân phận tha phương.

Thư viện của 230 đứa trẻ tự giác và ông giáo già Phạm Hữu Lợi
Thư viện của 230 đứa trẻ tự giác và ông giáo già Phạm Hữu Lợi1

Đó là một khuôn viên 2 tầng khung cột sắt, tường kính trong suốt có ba cửa ra vào. Dòng chữ in ngoài không quá to nhưng ai cũng nhìn rõ: 'Thư viện tự giác'.

Đại sứ văn hóa đọc và những bất ngờ sau trang sách
Đại sứ văn hóa đọc và những bất ngờ sau trang sách

Đại sứ văn hóa đọc có nhiều con đường khác nhau để bước vào thế giới sách, và cách họ ứng xử với sách cũng góp phần hình thành thói quen đọc sách.

Việt Nam thiếu 150.000 nhân lực cho thị trường carbon
Việt Nam thiếu 150.000 nhân lực cho thị trường carbon

Bên cạnh nhân lực, phương pháp, tài chính và thiết bị, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần bổ sung thêm những hướng dẫn, quy định cụ thể khi vận hành thị trường.

Thư viện Dương Liễu: Một thập kỷ gieo mầm tri thức
Thư viện Dương Liễu: Một thập kỷ gieo mầm tri thức

Nhiều bạn đọc 'nhí' trưởng thành từ thư viện đã trở về Dương Liễu làm tình nguyện viên, tiếp tục nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho nhiều trẻ em.

Thư viện 10.000 đầu sách trên đất lành làng Cò
Thư viện 10.000 đầu sách trên đất lành làng Cò

Hàng ngàn cò, vạc chọn ao đình làm nơi trú ở khiến làng cũng được gọi thành làng Cò. Trên mảnh đất ấy, một thư viện làng cũng có tên gọi: Thư viện làng Cò.

Những đứa trẻ vùng cao 'khát' sách
Những đứa trẻ vùng cao 'khát' sách

Đầu năm học mới, nhiều đứa trẻ vùng cao vẫn chưa có sách vở đến trường. Chúng mặc cảm, tự ti với phận mình nên chẳng dám đòi hỏi gì.

Vua tiêu Việt trên hành trình nông sản và hành trình trang sách
Vua tiêu Việt trên hành trình nông sản và hành trình trang sách

Vua tiêu Việt là sự xưng tụng xứng đáng dành cho doanh nhân Phan Minh Thông trên con đường lập nghiệp gắn bó giữa thương hiệu nông sản và giá trị trang sách.

Ước mơ 5.000 đầu sách để 'khuyến đọc' của thầy giáo Tuấn
Ước mơ 5.000 đầu sách để 'khuyến đọc' của thầy giáo Tuấn

Không chỉ mê sách, tràn đầy nhiệt huyết trong việc lan tỏa đam mê đọc cho các em học sinh, thầy giáo này còn có gia tài 'khủng' là tủ sách quý gần 2.000 cuốn.

Lời giải nào cho khủng hoảng nguồn nước sông Ba?
Lời giải nào cho khủng hoảng nguồn nước sông Ba?

Phản ánh thông tin về tình trạng kêu cứu ở mức báo động 'SOS' của sông Ba đúng là rất đáng quan ngại... nhưng phải chăng có trường hợp 'lạc đà chui lọt lỗ kim'?!

Sự kiện