“Linh khí quốc gia” là một trường ca khác biệt. “Linh khí quốc gia” khác biệt với những trường ca mà đại tá Trần Thế Tuyển đã viết, và “Linh khí quốc gia” cũng khác biệt với những trường ca đã công bố trong văn chương Việt. Vì sao khác biệt? Vì hầu hết trường ca đều được viết để kể lại một câu chuyện đã xảy ra, còn “Linh khí quốc gia” được viết để đề nghị một ý tưởng mong muốn sớm thực hiện: “Ngày hai mươi bảy tháng bảy, hằng năm/ Linh khí quốc gia - những người giữ nước”.
Ý tưởng “linh khí quốc gia” được đại tá Trần Thế Tuyển xác định như một dự án tâm linh cần thiết, cho nên cả 6 chương của trường ca trở thành dữ liệu biện chứng cho giá trị thực tiễn của Quốc giỗ. Vận dụng cả lịch sử và truyền thuyết, đại tá Trần Thế Tuyển đưa ra minh ước: “Những người lính đầu tiên ngã xuống/ Thành cổ tích, dân ca/ Thành điệu chầu văn hay làn quan họ/ Thành bài chòi, thành câu vọng cổ/ Da diết theo dân tộc mấy ngàn năm”.
Xã hội chúng ta đã quen thuộc với khái niệm “liệt sĩ”, nhưng đại tá Trần Thế Tuyển cảm thấy tinh thần đền ơn đáp nghĩa của người Việt Nam phải sâu rộng hơn nữa. Đại tá Trần Thế Tuyển hướng đến khái niệm “nghĩa sĩ” và dành hẳn một chương cồn cào nhất, trăn trở nhất để bái vọng “Những nghĩa sĩ như cột mốc biên cương”.
Với một dân tộc đã chịu đựng tai họa xâm lăng triền miên, không thể đong đếm hết bao nhiêu đứa con của mẹ Việt Nam lặng lẽ chôn vùi trong binh lửa. Những chiến công hiển hách và những mất mát âm thầm, khi đặt cạnh nhau, đều không thể nén những cơn xúc động cuộn trào từ trái tim con người biết nghĩ về Tổ quốc, biết nghĩ về đồng bào. Những địa danh mỗi lần nhắc lại sông Như Nguyệt, gò Đống Đa, cọc Bạch Đằng, ải Chi Lăng, đảo Gạc Ma... đều tự hào và đều nghẹn ngào. Cho nên, “liệt sĩ” và “nghĩa sĩ” đều đáng kính trọng như nhau.
Hình ảnh “nghĩa sĩ” được đại tá Trần Thế Tuyển tái hiện bằng những câu thơ gan ruột: “Xương trắng/ Linh khí quốc gia/ Trường Sơn và máu hồng Đồng Tháp/ Cả những nghĩa binh quả cảm giữa đại dương”. Và ông thúc giục cộng đồng nhận diện: “Có những người lính phía bên kia chịu đựng bao cay đắng/ Âm thầm lấy máu giữ Hoàng Sa”. Đây là một thái độ sòng phẳng và văn minh của một người cầm bút.
Sự tự nguyện chìm khuất của nghĩa sĩ, đã đánh thức lòng trắc ẩn của thế hệ sau. Bởi lẽ, xuất phát từ thiện chí “Đất Tổ quốc ngập tràn sắc giặc/ Dẫu vong thân cũng thấy ấm lòng” khiến ngọn lửa yêu thương nhen nhóm lên và bùng cháy lên “Vị quốc vong thân thành đuốc sáng/ Soi cho dân tộc mấy ngàn năm”.
Sinh ra và lớn lên ở Hải Hậu, Nam Định, đại tá Trần Thế Tuyển sau thời gian quân ngũ đã say mê với báo chí và văn chương. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và từng giữ cương vị Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng. Hiện tại, đại tá Trần Thế Truyển đảm đương vai trò Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM.
Hiểu được giá trị của máu xương, của mất mát và của hòa bình, đại tá Trần Thế Tuyển đã tôn kính liệt sĩ bằng những câu thơ “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”. Bây giờ, ở tuổi 75, ông cúi đầu cảm tạ cả những nghĩa sĩ “Là Thành Hoàng của nước non/ Để đất nước này nguyên vẹn từng tấc đất cha ông/ Để ban mai nơi địa đầu Lũng Cú/ Để Cà Mau cánh buồm căng gió/ Dạ cổ hoài lang nhức nhối mũi con tàu”.
Trường ca “Linh khí quốc gia” của đại tá Trần Thế Tuyển không mưu cầu những thi tứ bay bổng và những vần điệu du dương. Những câu thảng thốt giúp trường ca “Linh khí quốc gia” nén chặt để nhắc nhớ những hương hồn vô danh, để ghi tạc những oan khiên dâng hiến, để truy điệu những sứ mệnh cao cả.
Hơi thơ gấp gáp và mạch thơ chuyển động suốt trường ca “Linh khí quốc gia” chính là bài ca giữ nước thiêng liêng cho hôm nay và mai sau kiêu hãnh đứng trên đất đai tổ tiên ngàn đời để lại: “như cánh buồm/ Căng gió chở tương lai và quá khứ/ Để cốt cách Việt chói ngời lịch sử”.