Đa dạng hóa kênh tiếp nhận văn hóa đọc ở nông thôn

Tuy Hòa - Thứ Năm, 22/08/2024 , 06:00 (GMT+7)

Đa dạng hóa kênh tiếp nhận được xem như một giải pháp phát triển văn hóa đọc ở nông thôn, thay vì chỉ trông cậy hệ thống thư viện cơ sở.

Học sinh Ê Đê đọc sách trong giờ ra chơi, ở Trường Dân tộc nội trú huyện M'drac, Đắk Lắk.

Đa dạng hóa các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc ở nông thôn đang là một hướng đi được nhiều người quan tâm. Mặc dù hiện nay có tổng số gần 25 nghìn thư viện công cộng, trong đó có 3.290 thư viện cấp xã, nhưng tỷ lệ người dân nông thôn lui tới thư viện lại khá thấp. Bởi lẽ, sự kết nối của công nghệ thông tin đã giúp những ai yêu sách tìm kiếm được nhiều nguồn sách phong phú hơn sự chờ đợi thụ động ở các thư viện xã.

Thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng đã lan tỏa mọi ngõ quê. Người dân nông thôn dễ dàng lên mạng đặt mua những cuốn sách mới nhất, phù hợp với nhu cầu thưởng thức của họ. Đại diện Nhà sách trên mạng Vinabook.com chia sẻ thông tin: “Trước năm 2020, các đơn hàng ở khu vực đô thị gấp ba lần ở khu vực nông thôn. Bây giờ, khách hàng của chúng tôi ở hai khu vực này đã ngang nhau. Thậm chí, những dòng sách kiến thức phổ thông và từ điển tiếng Việt thì đơn hàng chuyển về vùng sâu vùng xa nhiều hơn hẳn các thành phố”.

Thời gian gần đây, đời sống kinh tế nông thôn đã chuyển biến tích cực, nhưng giá sách vẫn nằm ở mức tương đối cao so với thu nhập đại đa số nông dân. Vì vậy, khi được tham khảo ý kiến, vài chuyên gia xã hội học cho rằng, việc sử dụng nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới phải tính cả tủ sách nông thôn. Về mặt văn hóa, tiêu chí xã nông thôn mới quy định “Có lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời ở điểm công cộng; các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức hoạt động thường xuyên”, nhưng hoàn toàn chưa đủ động lực để các địa phương đầu tư cho văn hóa đọc.

Tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 cũng có yêu cầu về một “mô hình thôn thông minh” nhưng lại chưa đề cập đến vai trò tủ sách cộng đồng. Giám đốc Công ty sách Sbooks Nguyễn Anh Dũng thổ lộ: “Mấy năm qua, chúng tôi luôn cố gắng đưa sách về nông thôn, nhưng sức mua của bà con rất hạn chế. Người dân vẫn phải ưu tiên ngân quỹ gia đình cho cái ăn cái mặc, chứ chưa thể thoải mái chi tiêu cho văn hóa đọc. Chúng tôi nghĩ, cần phải có chiến lược rõ ràng để hỗ trợ sự ra đời những tủ sách nông thôn. Nếu mỗi xã quyết tâm thực hiện tủ sách nông thôn, thì doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp sách giá rẻ để góp phần đưa tri thức đến nông dân”. 

Đa dạng hóa kênh tiếp nhận văn hóa đọc ở nông thôn, thực sự là một giải pháp đáng suy ngẫm và ủng hộ. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một tác giả có sách bán chạy nhất Việt Nam suốt hai thập niên vừa qua, rất trăn trở về kế hoạch kích hoạt thói quen đọc sách cho bà con sau lũy tre làng. Ông chia sẻ, tuổi thơ mình cũng trải qua thời túng bấn ở nông thôn, nên thấm thía giá trị của văn hóa đọc: “Ở nông thôn khá hiếm trường hợp đọc sách một mình. Thời thơ ấu của tôi, nhóm bạn cùng chăn trâu, nhóm bạn cùng thả diều, nhóm bạn cùng đá bóng, cũng chính là nhóm bạn cùng đọc sách”.  

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, sinh hoạt nông thôn có nét đặc thù, muốn hình thành văn hóa đọc thì phải tạo ra không gian đọc sách, không có sự gắn kết cộng đồng thì không thể có văn hóa đọc. Ông kiến nghị: “Tôi thấy, có hai việc phải tiến hành song song. Thứ nhất, phải có tủ sách nông thôn ở mỗi làng hoặc mỗi xã và hoạt động theo cơ chế mở như một chợ phiên. Người già hay người trẻ đều có thể đến đó, không chỉ mượn sách mà còn trao đổi cho nhau những cuốn sách mình có được. Thứ hai, phải có những hoạt động giao lưu, hoặc là trò chuyện giữa người đọc sách và người viết sách, hoặc là diễn giả thuyết trình về một cuốn sách nào đó. Tôi đã đến nhiều địa phương trên cả nước và nhận ra nông thôn đang thiếu những người truyền cảm hứng đọc sách”.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chủ trương in sách giá rẻ cho độc giả vùng sâu vùng xa.

Không chỉ kêu gọi đồng nghiệp văn chương tích cực viết những trang văn hấp dẫn độc giả nông thôn và tăng cường gặp gỡ công chúng nông thôn, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã thực hiện một kế hoạch cá nhân khá hiệu quả. Mỗi năm đều có tác phẩm mới được giới mộ điệu chào đón, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh yêu cầu đơn vị xuất bản cho in sách của mình dưới hai dạng, một dạng giấy đẹp bìa cứng bán giá cao cho độc giả đô thị và một dạng có hình thức phổ thông để bán giá thấp cho độc giả nông thôn. Trung bình mỗi tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đều in với số lượng trên dưới 100 nghìn bản, được ông tính toán kỹ lưỡng: “Tôi chỉ cần bán 10 nghìn bản sách ở Hà Nội và TP.HCM, nhưng tôi luôn muốn 90 nghìn bản sách còn lại phải đến tay những độc giả khu vực thiệt thòi hơn, cả ở đồi núi hoang vu lẫn ở miệt vườn xa vắng”.

Sòng phẳng đánh giá, thị trường sách Việt Nam hiện nay chưa có trường hợp Nguyễn Nhật Ánh thứ hai, để những nhà phát hành tự tin với dự án lan tỏa sách một cách rộng rãi từ thành thị đến nông thôn. Thế nhưng, bồi đắp văn hóa đọc khu vực nông thôn vẫn có thể đa dạng hóa nhiều kênh tiếp nhận khác nữa.

Nhà văn Trần Văn Tuấn, một tác giả được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2012, bày tỏ: “Để củng cố văn hóa đọc ở nông thôn, bên cạnh dòng sách kỹ thuật nghề và kỹ năng sống, phải đặc biệt tôn vinh những tác phẩm văn học viết về nông thôn. Văn học Việt Nam đã có không ít cuốn sách phản ánh trực diện số phận nông dân và vẻ đẹp nông thôn. Phải huy động tài chính từ nhiều nguồn lực xã hội để in lại những tác phẩm ấy, cả truyện ngắn lẫn tiểu thuyết, rồi trao tặng cho các tủ sách nông thôn để nông dân được soi rọi chính họ trong từng trang sách và thêm yêu trang sách. Ngược lại, nếu không hào hứng với sách in tốn kém, hãy thỏa thuận bản quyền rồi tiến hành số hóa những tác phẩm ấy, để nông dân được đọc sách điện tử miễn phí”.

Khi cái điện thoại thông minh đã không còn xa lạ với từng bản làng, thì văn hóa đọc cũng phải gắn với công nghệ. Nhà văn Trần Văn Tuấn nói thêm: “Tôi về quê cũ ở vùng chiêm trũng Hà Nam, nhiều láng giếng cả đời chân lấm tay bùn chưa từng nhìn thấy cuốn sách nào của tôi, nhưng họ biết đến tác phẩm của tôi thông qua các chương trình phát thanh. Với điều kiện phương tiện thông tin bây giờ, tại sao không mở rộng các buổi đọc truyện phục vụ nông dân? Những tác phẩm xuất sắc viết về nông thôn, nếu được chuyển thành những sản phẩm sách nói, thì chắc chắn làm sinh động thêm đời sống tinh thần nông thôn”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa truyền cảm hứng đọc sách cho học sinh ở nông thôn.

Đa dạng hóa kênh tiếp nhận sẽ từng bước mang lại hiệu quả cho quá trình phát triển văn hóa đọc ở nông thôn. Thế nhưng, tình yêu sách của mỗi người vẫn phải được hun đúc từ nền tảng gia đình. Nhà thơ Trần Đăng Khoa bộc bạch: “Ngày xưa, mẹ tôi có cách tạo hứng thú đọc sách cho con rất lạ. Ban đầu, bà kể một câu chuyện cổ tích, hoặc có khi cũng chẳng phải cổ tích mà là câu chuyện do bà tự nghĩ ra, đến đoạn gay cấn nhất thì bà dừng và bảo: “U quên mất rồi. Nó ở trong sách ấy. Con tìm sách mà đọc”. Theo sự dẫn dắt của bà, tôi đến với sách lúc nào không hay. Ngoài ra, tôi có anh trai Trần Nhuận Minh rất say mê sách, có thể nhịn ăn để dành tiền mua sách, nên tôi được thừa hưởng một tủ sách tương đối “hoành tráng”, mặc dù nhà tôi rất nghèo. Từ bé, tôi đã đọc hàng trăm cuốn sách. Cho đến giờ, tôi vẫn duy trì thói quen đọc sách”.

Tuy Hòa
Tin khác
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.