Danh họa với một tấm lòng và hai bàn tay trắng

NGUYỄN THẾ KHOA - Thứ Bảy, 02/09/2023 , 07:46 (GMT+7)

Với danh họa Nguyễn Sáng, nghệ thuật đồng nghĩa với cách mạng, cái đẹp đồng nghĩa với cách mạng.

Danh họa Nguyễn Sáng.

Danh họa Nguyễn Sáng.

Trong suốt cuộc đời sáng tạo hơn nửa thế kỷ của mình, danh họa Nguyễn Sáng (1923 - 1988) chỉ tổ chức triển lãm cá nhân một lần, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, vào năm 1984 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với 140 tác phẩm. Cuộc triển lãm ấy cũng không phải do ông tổ chức, mà do hai họa sĩ Đặng Thị Khuê và Lương Xuân Đoàn đi khắp Bắc, Trung, Nam mượn 139 bức tranh của Nguyễn Sáng do người khác sở hữu để tổ chức.

Bởi khi ấy danh họa Nguyễn Sáng chỉ còn giữ duy nhất bức tranh chân dung người vợ trẻ mới sống với ông được 11 tháng thì bệnh mất. Cho đến nay, sau gần 40 năm, cuộc triển lãm đó vẫn được đánh giá là triển lãm cá nhân đồ sộ nhất của một họa sĩ Việt Nam.

Khó mà có thể đánh giá khác được khi thế giới hội họa mà Nguyễn Sáng sáng tạo ra lại có thể độc đáo và phong phú đến thế. Đó là một thế giới kết hợp hài hòa đến mức khó tin những gì tưởng không thể dung hoà trong cuộc sống và nghệ thuật: Sự khô khan của chính trị và sức chinh phục khó cưỡng của nghệ thuật, cái hiện thực nghiêm ngặt của hội họa phương Tây và cái lãng mạn phong túng của tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, sự tinh tế, mượt mà hiếm thấy trong chất liệu màu dầu và cái lẫm liệt, gan góc chưa từng có của chất liệu sơn mài, cái bộc trực, mạnh mẽ của một tính cách Nam bộ và sự thâm thúy, sâu sắc của một sĩ khí Bắc Hà. Người tạo ra được một thế giới nghệ thuật tuyệt vời như thế chỉ có thể là một thiên tài.

“Nếu không phải vì nghệ thuật, anh có rải tiền đầy đường tôi cũng giẫm lên mà đi. Còn vì nghệ thuật, tôi có thể nhặt từng đồng xu một để sống”. Người hoạ sĩ thiên tài không bao giờ chấp nhận bất cứ một thoả hiệp nào tầm thường hoá nghệ thuật ấy là một chiến sĩ xung kích của nền dân chủ cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh. Ông tham gia cướp chính quyền tại Hà Nội tháng Tám năm 1945, say sưa vẽ tranh tuyên truyền cổ động, là tác giả vẽ đồng tiền và con tem đầu tiên của chế độ mới.

Với danh họa Nguyễn Sáng, nghệ thuật đồng nghĩa với cách mạng, cái đẹp đồng nghĩa với cách mạng. Bởi nếu không phải thế, làm sao giải thích được việc những sáng tạo lớn nhất và thành công nhất trong cuộc đời nghệ thuật của ông lại là những bức tranh phản ánh trực diện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước như “Giặc đốt làng tôi”, “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”, “Hành quân đêm mưa”, “Thành đồng Tổ quốc” và hình tượng kỳ vĩ nhất trong sáng tạo của ông là hình ảnh người chiến sĩ vệ quốc.

Hoạ sĩ Nguyễn Quân nhận xét rằng ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nơi chủ yếu trưng bày các tác phẩm về đề tài cách mạng, tranh của Nguyễn Sáng là “những điểm chói sáng nhất”. Riêng bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” được giới hội hoạ trong nước và thế giới coi là một kiệt tác.

Nguyễn Sáng sinh tại Mỹ Tho. Ông học trường Mỹ thuật Gia Định năm 1936-1938, sau đó ông ra Hà Nội học khóa cuối cùng của trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1940-1945, đồng khóa với Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm. Năm 1945, Nguyễn Sáng tham gia cướp chính quyền tại Hà Nội. Năm 1946, ông lên chiến khu Việt Bắc, tham gia chiến dịch Cao- Bắc –Lạng năm 1951-1952 và trực tiếp có mặt tại chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1953-1954 trong đội ngũ của đại đoàn 318.

Đắm mình trong kháng chiến, có mặt trực tiếp trên những chiến hào nóng bỏng cùng những chiến sĩ vệ quốc đoàn, ngay từ trong khói lửa của cuộc chiến đấu, Nguyễn Sáng không chỉ vẽ tranh tuyên truyền mà còn có ngay những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc như một số ký họa, tranh khắc gỗ màu và tranh sơn mài nhỏ như ký họa “Chân dung chị Lạng”, khắc gỗ màu “Tình quân dân” và đặc biệt là bức tranh sơn dầu khổ 127cm x 87cm “Giặc đốt làng tôi” vẽ ngay trong thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ.

Có thể nói, “Giặc đốt làng tôi” là tác phẩm sơn dầu lớn đầu tiên của nền hội họa cách mạng. Bức tranh miêu tả một cuộc gặp gỡ của những chiến sĩ vệ quốc, những anh “Bộ đội cụ Hồ” với những người dân Tây Bắc vừa được giải phóng. Trong bức tranh, những người phụ nữ và trẻ em Thái đón các anh “Bộ đội cụ Hồ” trong nụ cười xen lẫn nước mắt: trong niềm vui vô bờ vì được giải phóng là nỗi đau khủng khiếp bởi làng bản của họ đã bị giặc Pháp thiêu trụi trước khi tháo chạy. Khuôn mặt đăm chiêu của người chiến sĩ trước câu chuyện thương tâm của người phụ nữ Thái địu con, hai nhân vật trung tâm của bức tranh, vừa nói lên được sự khốc liệt của cuộc kháng chiến vệ quốc vừa dự cảm được trách nhiệm lớn lao của người chiến sĩ sau khi kháng chiến thành công, ấy là trách nhiệm lo cho nhà cửa áo cơm của người dân được mình giải phóng.

Tác phẩm 'Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ' của danh họa Nguyễn Sáng.

Tác phẩm "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" của danh họa Nguyễn Sáng.

Ký ức đậm nét về kháng chiến, về anh “Bộ đội cụ Hồ”, về tình quân dân, về các trận đánh đẫm máu trên các cao điểm Tây Bắc, đã chuẩn bị cho Nguyễn Sáng sáng tạo các bức tranh xuất sắc về đề tài này như “Nghỉ trưa” (sơn mài 1959), “Trú mưa” (sơn mài, 1960) và 9 năm sau ngày đại thắng Điện Biên, năm 1963, ông cho ra tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tạo đồ sộ của ông, bức tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”.

Bây giờ có lẽ sẽ nhiều người rất lạ là vì sao nhà danh họa tuyệt đối “vị nghệ thuật” như Nguyễn Sáng lại có thể có một bức tranh có một cái tên “quá chính trị” như vậy. Nhưng họa sĩ hiểu rất rõ rằng, đối với không chỉ một thế hệ Việt Nam, ngày kết nạp Đảng thiêng liêng như thế nào. Vào thời điểm Nguyến Sáng sáng tác “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”, Chế Lan Viên cũng viết bài thơ “Kết nạp Đảng trên quê mẹ”. Với Chế Lan Viên, nhà thơ nổi tiếng của nỗi đau mất nước, của sự bơ vơ, côi cút của con người trên chính quê hương mình trước cách mạng, ngày vào Đảng như là ngày khai sinh thứ hai của cuộc đời. Đảng, với Chế Lan Viên, không phải là cái gì quá cao vời, xa lạ, mà chính là mẹ, là quê hương, là bạn bè thuở nhỏ, đồng thời là khát vọng, niềm tin và sức mạnh xóa bỏ đói nghèo xiềng xích.

Đi theo bộ đội trong suốt cuộc kháng chiến và ở chiến dịch Điện Biên, Nguyễn Sáng đã không ít lần trực tiếp chứng kiến hoặc nghe kể về những buổi kết nạp Đảng thiêng liêng ngay tại trận địa chiến đấu và đó là những giây phút không thể nào quên đối với một người nghệ sĩ – chiến sĩ và ông đã dành tâm huyết để sáng tạo nên bức tranh ghi lại giây phút đó trong trận đánh quyết định sự thành bại của cuộc kháng chiến cứu nước.

Bức tranh khổ 180cm x 112cm thể hiện một buổi kết nạp Đảng trong chiến hào “máu trộn bùn non” của Điện Biên. 8 nhân vật trong tranh, 8 chiến sĩ Điện Biên có mặt trong lễ kết nạp Đảng vừa trải qua một trận đánh đẫm máu và phía trước họ là các trận đánh có lẽ còn đẫm máu hơn, người đang rũ trên vai đồng đội, người băng thương còn trùm trên mặt, người áo lính chỉ còn trên nửa ngực, hầu hết họ đều chân trần trên đất. Đảng kỳ được vẽ trên vách chiến hào và không khí chiến trận hừng hực trên những gam màu vàng nâu, ta cảm nhận rõ tiếng súng vẫn nổ chát chúa xung quanh, trên trời là máy bay địch vần vũ. Và những người lính được thể hiện với cái nhìn hình họa của tranh dân gian, như những cột trụ sống, mọi thứ đều vuông vức, chắc chắn, rõ ràng, trong hình thể và thần thái, với những đôi mắt mở to cương nghị, những nắm tay xiết chặt…Có lẽ trong hội họa Việt Nam, chưa bao giờ hình ảnh người chiến sĩ lại được thể hiện thô mộc, trần trụi và uy nghi, lẫm liệt đến vậy…

Với “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”, Nguyễn Sáng không chỉ làm sống lại không khí Điện Biên, tinh thần Điện Biên. Nhà danh họa số 1 của cách mạng (như cách gọi của họa sĩ Nguyễn Quân) còn vĩnh cửu hóa giây phút thiêng liêng của ngày kết nạp Đảng, cũng tức là đã vĩnh cửu hóa sự thiêng liêng của Đảng. Qua sự thể hiện đầy tài năng của họa sĩ và sức cảm hóa lớn lao của tác phẩm, Nguyễn Sáng như muốn nhắc chúng ta rằng ngày kết nạp Đảng là ngày con người lựa chọn những hy sinh, dâng hiến.

NGUYỄN THẾ KHOA
Tags:
Tags:
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ11

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?11

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Thổn thức cùng sông Nghèn
Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.