Nói về mảnh đất Bắc Trung bộ, chúng ta nhận ra ngay đây là vùng “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng, phong phú tài nguyên, văn hoá đặc sắc, phong cảnh hữu tình và những con người hào kiệt, giàu lòng nhân ái, chí nghĩa, chí tình.
Nơi cho tôi tình yêu thương và cơ hội cống hiến
Ngay từ thuở nhỏ, ngồi trên ghế nhà trường tiểu học tôi đã được biết đến những anh hùng dân tộc như Lê Hoàn, Lê Lợi đến các nhà cách mạng tiền bối như Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc, các Tổng Bí thư của Đảng như đồng chí Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong... Và lịch sử Việt Nam hiện đại hơn một thế kỷ qua luôn gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Lê Duẩn và rất nhiều lãnh tụ cách mạng khác... Có thể nói thời kỳ nào vùng đất Bắc Trung bộ cũng gắn liền với những con người làm nên lịch sử đất nước.
Trong cuộc đời hơn 70 năm của mình, tôi có nhiều năm liền gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây. Những kỉ niệm tốt đẹp và sâu đậm nhất của tôi cũng gắn liền với mảnh đất và con người Bắc miền Trung. Từ khi ngồi ghế nhà trường, trong khói lửa chiến tranh đến sự nghiệp xây dựng đất nước, tôi đã có những người thầy, người bạn, đồng đội, đồng nghiệp khơi dậy cho tôi động lực, tình yêu thương và cơ hội cống hiến.
"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Câu này tôi học được từ thầy Nguyễn Khoa Kỳ. Đó là buổi học đầu tiên tôi gặp thầy. Thầy giới thiệu “tôi quê Nam Thanh, Nam Đàn, Nghệ An...”. Nói đến từ “Nam Đàn” tôi reo lên: “Thầy cùng quê Bác Hồ”.
Ngay từ nhỏ tôi đã nghe, đã đọc về Bác Hồ (Người là biểu tượng chân lý sống của cả đời tôi). Cả tiết học toán đầu tiên thầy chỉ nói về “đạo làm người”. Thầy nói không học không làm được việc lớn, nhưng muốn học tốt thì trò phải tôn trọng thầy. “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Cái nghĩa câu này sâu sắc lắm.
Thời đó chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ tàn phá ác liệt. Khu IV là tiền đồn của miền Bắc, vì vậy là trọng điểm đánh phá của giặc xâm lược. Chúng muốn chia nước ta ra làm hai miền bằng bom đạn để chặn đường chi viện từ Bắc vào Nam. Vì vậy, sau khi học xong, thầy Kỳ cũng như nhiều thầy cô khác được chuyển ra phía Bắc dạy học. Từ đó thầy trò chúng tôi gắn bó với nhau.
Thầy ở trọ nhà một người bạn cùng làng với tôi. Có lần thầy ốm, chúng tôi phải dùng võng khiêng thầy quãng đường 6 - 7km nhập viện nơi sơ tán. Sau này khi tôi đi bộ đội, thầy làm tặng bài thơ mà đến bây giờ tôi vẫn còn giữ dù giấy đã rách theo thời gian.
Hòa bình lập lại, đất nước đổi mới, tôi cũng như nhiều người lính, tiếp tục hành trình vì sự nghiệp quê hương, đất nước. Ngành giống đã cho tôi nhiều cơ hội để mở mang tầm nhìn và phát triển mọi mặt, trong số đó có sự chia sẻ của truyền thông.
Tại một hội nghị tổng kết sản xuất tổ chức ở TP Vinh, Nghệ An, sau buổi lễ, ti vi đưa tin tôi phát biểu. Thế là mấy hôm sau tôi nhận được lá thư từ bưu điện, trên phong bì ghi chữ viết tay, nét chữ quen quen.
Tôi mở thư ra nhìn mà nghẹn ngào xúc động vì đó là thư của thầy Hồ Quang Hiển quê Hương Sơn, Hà Tĩnh, thầy chủ nhiệm lớp 7. Trong thư thầy viết: “Báo ạ! Đã mấy chục năm rồi thầy vẫn luôn theo dõi từng bước đi của em. Hôm nay, thấy em phát biểu trên tivi thầy rất vui. Em đã trưởng thành từ một cậu lớp trưởng ngày xưa, một người lính và bây giờ là một nhà khoa học, một doanh nhân tận tâm với nông dân. Thầy rất tự hào về những người học trò như em”.
Người mẹ của đoàn quân ra trận
Trên đường vào chiến trường miền Nam và cái Tết đầu tiên khi xa tổ ấm gia đình năm 1969, tôi ở nhà ông Toàn xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), Thanh Hóa… Thời gian ngắn ngủi nhưng tình cảm của những bà mẹ âm thầm dành cho chúng tôi, những người lính hành quân ra trận thật sâu nặng.
25 năm sau, tôi đến thăm lại gia đình. Khi xe dừng lại (theo cảm tính) chúng tôi gặp một chị đi làm đồng, tôi hỏi thăm vào nhà ông Toàn, chị chỉ tay vào một căn nhà trước mặt nói: “Nhà ông Toàn đó, ông ấy mất rồi còn bà mẹ thôi anh ạ!”.
Tôi liền vào ngõ nhỏ. Một bà cụ ngồi dưới chân đống rơm lớn, tôi hỏi: “Thưa bác, đây có phải nhà bác Toàn không ạ?”.
- Anh là ai mà hỏi nhà ông Toàn?
- Dạ thưa! Cháu là bộ đội ngày trước đi chiến trường qua đây có ở nhà bà ăn Tết năm 1969.
- Anh tên là gì?
- Dạ, cháu là Trần Mạnh Báo!
- Tau nhớ rồi. Vậy còn hai thằng nữa đâu? Mà sao tau đợi không thấy thằng nào về? Tau nhớ tên mày, còn hai thằng kia cũng người Thái Bình giờ đang đâu Báo?
Nghe bà hỏi câu này tôi biết bà đã nhận ra tôi và nhớ lại những ngày ngắn ngủi chúng tôi ở nhà bà. Chúng tôi biết những người mẹ miền Trung đã đón tiếp, che chở, rồi tiễn đưa những đứa con miền Bắc vào chiến trường và mong các con trở về như những đứa con ruột thịt của mình.
Tôi thưa, đơn vị chúng con vào chiến trường, hai anh ở nhà mẹ cùng con không về nữa. Con bị thương về miền Bắc, không có điều kiện vào thăm lại ông bà và gia đình. Trong lòng chúng con luôn nhớ ơn sự giúp đỡ chở che của các ông bà, các cô bác đã coi chúng con như những đứa con của mình. Hôm nay, con mới đến thăm lại ông bà và các em được. Con xin lỗi vì sự chậm trễ này!
- Thôi mày vào nhà đi, ngồi uống nước rồi nói chuyện...
Vào nhà bà gọi cháu lấy nước chè mời khách rồi nói, chúng mày đi rồi mẹ rất buồn và cứ nghĩ chúng mày sẽ trở về. Cứ chờ đợi, hi vọng như thế và đã nghĩ chúng mày đã hi sinh rồi nên không thấy đứa nào quay lại. Hôm nay, mày đến thăm tau là quý rồi. Thế cũng toại nguyện là còn gặp được con trở lại. Rồi bà kể về những ngày tháng chiến tranh ác liệt sau khi chúng tôi vào Nam. Cuộc sống nghèo khó vượt lên để sống. Rồi ông mất, các con cái bà lớn lên, có đứa khỏe mạnh nhưng cũng có đứa ốm đau...
Những chia sẻ của bà làm tôi suy nghĩ, nếu không có những người mẹ như vậy chăm lo, giúp đỡ và nâng bước cho những người lính trẻ thì làm sao họ có thể vượt qua những cuộc chiến ác liệt, khó khăn để đến ngày toàn thắng và trở về.
Đó chỉ là môt ví dụ mà tôi muốn chia sẻ về những người mẹ trên đường đi chiến trường. Còn bao nhiêu bà mẹ ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… đã che chở, bảo vệ những người lính trong bom đạn. Họ chia sẻ từ củ khoai, từng con cá trích nướng để các con ấm lòng bước tiếp ra tiền tuyến, trong đó có tôi.
Khi gắn bó với nghề nông nghiệp, tôi gặp được những người đồng nghiệp thân thiết như anh em. Đó là anh Mai Văn Ninh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Đầu những năm 90 của thế kỉ trước, khi tôi vào Nga Sơn, anh Ninh còn là cán bộ xã. Thế rồi anh em gắn bó với nhau “làm sao để thay đổi cơ cấu giống lúa cho bà con có đủ lương ăn”.
Câu nói đó đã cho tôi động lực, thôi thúc tôi khát vọng để nghiên cứu ra nhiều giống lúa tốt cho người dân. Rồi sau đó tôi vào Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình gặp những người đồng nghiệp sâu nặng nghĩa tình như các anh Đinh Việt Hồng, Nguyễn Thọ Cảnh, Hồ Văn Sĩ, Hoàng Nghĩa Hiếu, Nguyễn Như Khôi, Lê Đình Sơn, Nguyễn Hữu Hoài… Họ là những người gắn bó mật thiết với người nông dân và ngành nông nghiệp. Tôi có cơ duyên với họ vì nghĩa tình miền đất ấy.
Sao tôi có thể quên được, trong chiến trường người em kết nghĩa của tôi Hàn Thanh Bình ở thôn Bái Môn, xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Trên đường vào Nam vượt qua đỉnh Trường Sơn, ngồi trên đỉnh núi đá tai mèo, Bình nói “sau ngày thống nhất đất nước anh em mình nhất định sẽ về học Đại học Nông nghiệp anh nhé”. Nhưng lời nguyện ước đó chỉ thực hiện được một nửa vì Bình không trở về. Nên tôi phải nỗ lực để thực hiện lời hứa với em. Sau khi ở chiến trường về tôi đã nhiều lần đến thăm mẹ của Bình. Bà và các anh chị coi tôi như con trong gia đình. Một người đồng đội nữa là Nguyễn Văn Khởi quê Ngọc Lặc, Thanh Hóa bị thương 6 lần vẫn không muốn trở lại phía sau...