Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình có người bố rất yêu thích sách. Cho nên, cả nhà rất đông anh chị em chúng tôi đều ảnh hưởng thói quen đọc sách từ người bố. Tôi đã đọc ngấu nghiến những cuốn sách mà mình có trong tay. Lớn lên, khi đi làm ăn và có sự nghiệp riêng, việc đọc sách vẫn luôn quan trọng đối với tôi.
Hầu như, cái nhà nào mà tôi từng xây cũng có tủ sách. Nhà nhỏ thì tủ sách nhỏ, nhà to thì tủ sách to. Ngay cả văn phòng công ty của tôi cũng có tủ sách. Văn hóa đọc ngấm vào tôi và tôi nuôi dưỡng mơ ước viết cuốn sách cho riêng mình.
Trong ngành nông nghiệp, tôi chuyên xuất khẩu hồ tiêu và cũng có chút ít thành công để được nhiều người yêu mến gọi là “vua hồ tiêu Việt Nam”. Tôi đã đi khắp nơi trên thế giới và chứng kiến rất nhiều những điều khác biệt về văn hóa, về con người. Những điều ấy mang lại cho tôi sự thú vị và thúc giục tôi ghi lại những khoảnh khắc ấy. Sau khi khách khứa xã giao, bao giờ trở về khách sạn thì tôi cũng cố gắng dành ra mười lăm hoặc hai mươi phút để tóm tắt lại những câu chuyện vừa xảy ra quanh mình, rồi mới lên giường đi ngủ.
Thú thật, khi xuất bản cuốn sách “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” vào năm 2017, tôi khá lo lắng. Không biết người ta có thích một doanh nhân viết không? Không biết người ta có thích đọc của mình không? Thế nhưng, khi đã ra sách thì tôi nghĩ rằng nhất định phải bán sách. Cuốn sách “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” khi kết thúc chiến dịch bán sách, tôi đã bán được 13 ngàn bản. Thành công với vai trò kinh doanh cũng có nhiều niềm vui, nhưng việc viết sách và bán sách thực sự cho tôi những cảm giác rất đặc biệt.
Thực sự là một giấc mơ, khi tôi thu được một tỷ đồng từ cuốn sách đầu tay. Thị trường sách bây giờ không thuận lợi gì, và những tác giả chuyên nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Vậy mà, tôi có thể trang trải toàn bộ chi phí in ấn, quảng bá mà còn dư ra một khoản tiền nữa. Hiện nay, cuốn sách “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” vẫn còn được khách hàng tìm mua. Tôi hay nói đùa với vợ tôi và nhân viên rằng: Cứ đà này, khi mình nhiều tuổi hơn thì mình có nhiều đầu sách hơn, không khéo mỗi tháng mình có nguồn thu nhập thụ động còn cao hơn tiền lương.
Cuối năm 2021, tôi in cuốn sách thứ hai “Vượt lên những con đường kinh doanh” cũng bán rất tốt. Không ít người thắc mắc không biết tôi có bí quyết gì. Thực tế, đơn giản vì tôi có tư duy của một người kinh doanh. Khi quyết định in sách, thì ngay lập tức tôi đã nghĩ cần phải bán như thế nào. Có hai yếu tố mà tôi luôn kiên định.
Thứ nhất, tôi không có khái niệm cho sách hay tặng sách. Tri thức là cần phải mua. Tôi luôn nhắc nhở bản thân và khuyến khích đồng nghiệp bỏ tiền để mua tri thức.
Thứ hai, tôi không chia sẻ bản thảo cho người nọ người kia đọc thay cho việc cầm cuốn sách trên tay. Thậm chí, tôi không cho ai đọc trước, trừ biên tập viên của nhà xuất bản. Tôi làm cho tất cả mọi người tò mò đến phút cuối cùng, phút thứ tám chín. Nhiều bạn bè tôi nói rằng ở Hải Phòng ở ở Hà Nội, ở Bình Dương, ở Đồng Nai rất muốn đọc, anh có thể gửi cái file vi tính hay cái bản PDF không? Tôi nói không. Muốn đọc sách thì phải mua. Có thể mua trực tiếp, có thể mua trên mạng, nhưng nhất định phải mua. Có rất nhiều người trách móc, nhưng mà tôi vượt qua hết và tôi chịu được áp lực.
Khi tất cả đều phải mua mọi người thì mọi thứ khác hẳn. Người này mua, người kia mua, tạo ra một làn sóng thị trường. Và tôi tạo ra sự sôi động để kích thích người khác đọc sách của mình. Tôi nhận thấy rằng, càng tò mò thì người ta càng muốn mua sách. Và người này đọc thấy hay thì người ta chia sẻ và người khác lại càng muốn mua sách. Có những người mua hàng thùng sách của tôi.
Từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng thị trường sách Việt Nam chưa sôi động vì nhiều người chưa biết cách bán sách, cách xây dựng hệ thống phân phối đến đúng đối tượng đọc sách.
Bán được nhiều sách cũng thật thú vị, nhưng thú vị hơn là những phản hồi của độc giả. Chính những phân tích, những đánh giá, những cảm nhận của độc giả, khiến tôi phấn khích. Và cũng chính sự đón nhận của độc giả Việt Nam, tôi nghĩ đến việc đưa sách của mình ra thị trường quốc tế. Tôi cho dịch cuốn sách “Vượt lên những con đường kinh doanh” sang tiếng Anh và gửi cho một đối tác quen biết ở Đức.
Đối tác quen biết ở Đức sau khi thẩm định bản thảo của tôi, đã chuyển cho Nhà xuất bản Novum ở Luân Đôn, Anh quốc. Họ đọc và lập tức thỏa thuận bản quyền với tôi để in. Khi nhận được hợp đồng, tôi đã nhảy cẫng lên vì sung sướng. Cuốn sách xuất bản tại châu Âu có tên gọi “Overcoming Business Journeys” đã được bán ở hơn 20 quốc gia. Nhiều khách hàng quốc tế của tôi đã đọc được, và họ nói cuốn sách giúp họ hiểu hơn về Việt Nam, thấy thêm yêu những con người Việt Nam bình dị cũng như nhìn nhận rõ hơn về môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Nhiều doanh nhân viết sách về chính cuộc đời họ, dưới dạng tự truyện. Tôi không thích thế. Tôi không hào hứng với việc tô vẽ bản thân. Tôi viết những câu chuyện xung quanh mình. Tốt có, xấu có, nhưng tôi viết với sự chân thành. Tôi viết về cả những thất bại của tôi. Người khác chỉ thấy vẻ đẹp của sự thành công, còn tôi thấy sự thất bại cũng có vẻ đẹp riêng. Bởi lẽ, sự thất bại giúp con người tự nắn chỉnh bản thân và độ lượng hơn với người khác.
Độc giả thông qua những cuốn sách của tôi, cũng có thể nhận ra tôi không phải xuất thân giàu có gì. Tôi đã nỗ lực để vươn lên và tôi muốn truyền cảm hứng lập thân, lập nghiệp cho những ai có khát vọng. Tôi làm được, thì chắc chắn nhiều người cũng làm được.