Giảm được phát thải CH4, N2O, lúa giảm mạnh nguy cơ ngộ độc hữu cơ, sâu bệnh

Văn Việt - Bảo Thắng - Linh Linh - Phương Linh - Thứ Bảy, 26/10/2024 , 09:40 (GMT+7)

Kiểm soát tốt 2 loại khí phát thải chính trên lúa là CH4 và N2O, người dân có nhiều điều kiện tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ mong người dân quan tâm xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Rơm rạ là nguồn chất hữu cơ khổng lồ, chiếm đến 50% trọng lượng của cây lúa. Tính trung bình, mỗi hecta trồng lúa có từ 10 - 12 tấn rơm rạ. Nếu một nông dân có 10ha đất, trồng 1 năm 3 vụ, người này sẽ phải xử lý tới 300 tấn rơm rạ - một con số khổng lồ.

Rơm rạ nói riêng và phế phụ phẩm trong quá trình trồng lúa có giá trị rất lớn. Bằng việc áp dụng khoa học công nghệ, người dân có thể chế biến thành phân bón hữu cơ, trồng nấm, sử dụng làm thức ăn gia súc, hoặc xa hơn là trở thành nguyên liệu cho các lò đốt công nghiệp.

Tuy nhiên, việc thu gom khối lượng rơm ra như ước tính kể trên là điều không đơn giản. GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ nhẩm tính, một người cần đến vài ngày mới có thể thu gom hết rơm rạ trên đồng. "Nếu không có máy móc để cơ giới hóa, khó khăn là rất lớn", ông nói.

Chính bởi nút thắt này, mà từ lâu người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung có thói quen vùi rơm rạ dưới ruộng sau khi thu hoạch. Điều này vô hình trung dẫn đến nguy cơ ngộ độc hữu cơ cho mùa vụ mới.

Ông Vệ giải thích, rơm rạ là chất hữu cơ, nếu cày vùi vào đất sẽ được tập đoàn vi sinh vật trong đất như vi khuẩn, nấm, xạ khuẩn phân hủy. Nếu quá trình xảy ra ở đất ngập nước, oxy trong không khí không thể đi vào trong đất để vi khuẩn yếm khí phát triển phân hủy rơm rạ.

Sản phẩm cuối cùng của tiến trình phân hủy sẽ là CH4, CO2, H2S, NH3, các axit hữu cơ... Trong số này, H2S và axit hữu cơ là những chất gây độc cho bộ rễ lúa. Đặc biệt ở đất phèn, chôn vùi rơm rạ vào đất trong tình trạng ngập nước sẽ làm gia tăng ngộ độc sắt Fe2+ ở cây lúa, nhất là trong khoảng 3 - 4 tuần đầu sau khi làm đất.

Nông dân sử dụng máy móc để xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Khi cây lúa bị ngộ độc hữu cơ và H2S, lá già bị vàng, lá non bị vàng phần thịt lá. Cây lùn, nhảy chồi kém. Rễ màu nâu đen đến đen, có mùi hôi, chết nhiều, mất khả năng oxy hóa nên dễ bị ngộ độc sắt Fe2+. Lúa hấp thụ dinh dưỡng kém, mất cân đối nên dễ nhiễm bệnh như bệnh đốm nâu. Năng suất lúa giảm.

“Đốt rơm là đốt tiền, bán rơm là bán máu. Người dân cần phải hiểu được những lợi ích sát sườn này, bên cạnh tiềm năng bán tín chỉ carbon trong tương lai để có phương án xử lý rơm rạ hiệu quả”, ông Vệ chia sẻ.

Theo vị chuyên gia nông nghiệp, để xử lý rơm rạ đạt hiệu quả cao, người dân cần xác định các phương pháp cụ thể cho 2 loại khí cơ bản mà lúa phát thải là CH4 và N2O. Trong đó, CH4 chủ yếu phát thải từ bộ rễ của lúa, trong quá trình ngập nước khi sinh trưởng. Còn N2O hầu như có nguồn gốc từ việc bón phân đạm.

Trong quy mô nông hộ, người dân có thể băm rơm, trải đều trên mặt ruộng theo từng luống rồi phun chế phẩm vi sinh. Dù vậy, với những đại diền có quy mô diện tích ruộng lớn, nhà khoa học này cho rằng cần phải sử dụng cơ giới hóa để xử lý rơm rạ một cách hiệu quả.

Dựa theo những nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ, người dân được khuyến cáo sau khi thu họach lúa nên cày ải, để rơm rạ được phân hủy ít nhất 1 tháng, và chỉ sạ lúa sau khi cho đất ngập từ 2 đến 3 tuần.

Trong trường hợp không cày ải được vì phải gieo sạ lại sau khi thu hoạch, người dân phải cắt gốc rạ (có thể dùng máy) và di chuyển hết rơm và gốc rạ ra khỏi ruộng trước khi làm đất. Rơm rạ này có thể dùng để trồng nấm rơm hay ủ mục (chủng thêm nấm Trichoderma sp.) làm phân hữu cơ bón lại cho đất.

Nếu không cắt được gốc rạ để di chuyển ra khỏi ruộng, bà con phải áp dụng biện pháp rút nước ra khỏi ruộng ở thời điểm 15 và 30 ngày sau khi sạ. Nước được rút khô kiệt ít nhất 5 ngày (mực thủy cấp cách mặt đất 10 - 15cm), đến khi mặt ruộng nứt chân chim 2 - 3mm thì bơm nước lại. Có thể sử dụng thêm phân vôi, phân lân và kali để tăng khả năng chống chịu của cây lúa.

Xử lý rơm rạ là công việc người dân cần làm sớm sau khi thu hoạch.

Một trong những giải pháp được GS.TS Nguyễn Bảo Vệ khuyên dùng, là sử dụng máy gặt đập liên hợp băm nhỏ rơm rạ rồi trải đều trên mặt ruộng lúa. Sau đó, người dân bón phân vi sinh phân hủy rơm rạ. Cuối cùng là vùi ngay rơm rạ sau khi bón chế phẩm vi sinh vào đất ẩm để vi sinh hoạt động hiệu quả.

Tùy vào tính chất mặt ruộng (đất phù sa, đất phèn, đất xám), cũng như mực nước ruộng và thời vụ xử lý, người dân có thể bón chế phẩm vi sinh với liều lượng khác nhau. Đặc biệt, để dứt điểm vấn đề lúa phát thải N2O, bà con không bón thừa đạm cho lúa, đồng thời sử dụng các loại phân giải chậm, hoặc bón các loại NPK chuyên dùng.

Qua khảo nghiệm mô hình sử dụng phân NPK chuyên dùng ở 5 địa phương là An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, ông Vệ nhận thấy, năng suất có nơi tăng gấp rưỡi so với đối chứng. Đặc biệt, cây phát triển khỏe, đẻ nhánh nhanh.

"Giảm được phát thải CH4, lúa sẽ giảm nguy cơ ngộ độc hữu cơ, duy trì độ phì và tăng năng suất. Nếu giảm phát thải thêm được khí N2O, ruộng sẽ giảm sâu bệnh, đồng thời giảm chi phí sản xuất cho người dân", giáo sư nhấn mạnh.

Văn Việt - Bảo Thắng - Linh Linh - Phương Linh
Tin khác
Giảm sử dụng nước trong canh tác lúa để giảm phát thải
Giảm sử dụng nước trong canh tác lúa để giảm phát thải

Thông qua việc áp dụng công tác MRV, tỉnh Hậu Giang có thể nâng cao độ chính xác trong việc đánh giá tác động của các hoạt động sản xuất đến môi trường.

Mô hình thí điểm lúa giảm phát thải: Lợi nhuận có thể tăng 18 triệu đồng/ha
Mô hình thí điểm lúa giảm phát thải: Lợi nhuận có thể tăng 18 triệu đồng/ha

Năng suất lúa ‘vực lên’ trong khi diện tích ngày càng được mở rộng mà không cần kêu gọi bà con. Đây là kết quả của việc xuống giống thưa, quản lý dịch hại tốt.

Việt Nam lần đầu có mã số vùng trồng rừng
Việt Nam lần đầu có mã số vùng trồng rừng

GS.TS Võ Đại Hải coi số hóa vùng trồng rừng gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu là bước tiến quan trọng, giúp ngành gỗ thích ứng với tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao.

Giảm phát thải bằng các giải pháp canh tác khoai mì bền vững
Giảm phát thải bằng các giải pháp canh tác khoai mì bền vững

Khoai mì là cây trồng chủ lực ở nước ta. Vì vậy, giảm phát thải trong canh tác khoai mì sẽ đóng góp không nhỏ vào giảm phát thải ngành nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ số cho nông nghiệp Tây Nguyên
Ứng dụng công nghệ số cho nông nghiệp Tây Nguyên

Ứng dụng công nghệ số phục vụ sản xuất ngành hàng cà phê và hồ tiêu khu vực Tây Nguyên được Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam tổ chức giúp tiết kiệm chi phí.

Tri thức nông dân, giá trị cốt lõi của du lịch nông nghiệp, nông thôn
Tri thức nông dân, giá trị cốt lõi của du lịch nông nghiệp, nông thôn

Tri thức nông dân vừa là giá trị vừa là giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực của bà con nông dân, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Ứng dụng chuyển đổi số để tối ưu hóa quy trình sản xuất
Ứng dụng chuyển đổi số để tối ưu hóa quy trình sản xuất

An Giang Ứng dụng chuyển đổi không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí mà còn mở ra cơ hội kết nối thị trường.

Nông dân Hải Hà hào hứng tham gia lớp học IPM
Nông dân Hải Hà hào hứng tham gia lớp học IPM

Quảng Ninh Ngay khi Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Hải Hà mở lớp IPM trên cây lúa, 30 học viên nông dân đã hào hứng tham gia, từ đó có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm.

Nông dân mách bí quyết diệt rong meo trong ruộng lúa
Nông dân mách bí quyết diệt rong meo trong ruộng lúa

Cần Thơ Sử dụng chế phẩm vi sinh để diệt rong meo, nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, cải tạo đất đai màu mỡ, lúa khỏe, tăng sức đề kháng trong mùa mưa bão.

Nuôi dưỡng đam mê công nghệ sinh học cho sinh viên nông nghiệp
Nuôi dưỡng đam mê công nghệ sinh học cho sinh viên nông nghiệp

PGS.TS Nguyễn Đức Bách (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, cần chứng minh giá trị kinh tế của công nghệ sinh học để hỗ trợ các bạn trẻ nghiên cứu khoa học.

Kinh nghiệm khởi nghiệp nông nghiệp của một người trẻ
Kinh nghiệm khởi nghiệp nông nghiệp của một người trẻ

Là một chủ trang trại trẻ thành công, anh Đỗ Văn Phúc, chủ vườn hoa cẩm cù lớn ở Bình Phước có những chia sẻ thú vị về chuyện khởi nghiệp nông nghiệp.