| Hotline: 0983.970.780

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Thúc đẩy sự vào cuộc của 4 nhà

Thứ Sáu 25/10/2024 , 08:00 (GMT+7)

Hậu Giang 'Thông qua việc xây dựng các chuỗi liên kết bền chặt và ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ từng bước hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh...', Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang đánh giá.

Các đại biểu tham gia tọa đàm tại Hội thảo.

Các đại biểu tham gia tọa đàm tại Hội thảo.

Ngày 25/10, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án).

Từ trái qua: ông Trần Văn Cao - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam; bà Nguyễn Thúy Kiều Tiên - Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL; ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang; tham gia Hội thảo.

Từ trái qua: ông Trần Văn Cao - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam; bà Nguyễn Thúy Kiều Tiên - Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL; ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang; tham gia Hội thảo.

Hội thảo quy tụ khoảng 200 đại biểu là đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT, hiệp hội, các chuyên gia, doanh nghiệp, ngành nông nghiệp các tỉnh thành vùng ĐBSCL, hợp tác xã và nông dân để cùng thảo luận, nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách; từ đó giúp tỉnh Hậu Giang có định hướng chỉ đạo thực hiện Đề án trong vụ đông xuân 2024 - 2025 và những mùa vụ tiếp theo.

Tỉnh Hậu Giang đóng vai trò quan trọng khi là nơi khởi đầu cho chiến lược quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Cuối năm 2023, Bộ NN-PTNT chính thức phát động thực hiện Đề án trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo.

Từ trái qua: ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang; ông Lê Viết Quyền - Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh Hậu Giang; PGS.TS Lê Văn Vàng - Hiệu trưởng trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tham gia Hội thảo. 

Từ trái qua: ông Ngô Minh Long - Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang; ông Lê Viết Quyền - Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh Hậu Giang; PGS.TS Lê Văn Vàng - Hiệu trưởng trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tham gia Hội thảo. 

Ngay sau lễ phát động, với sự đồng tình ủng hộ và tham gia của bà con nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang liên tiếp tổ chức nhiều chương trình, kế hoạch, mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải khí nhà kính trải đều khắp các địa phương.

 

Trong đó, tỉnh đã lựa chọn 6 vùng trồng lúa trọng điểm ở TP Vị Thanh, TX Long Mỹ, huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Long Mỹ và Phụng Hiệp để tập trung củng cố các diện tích được đầu tư từ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT).

Hội thảo tập trung bàn luận nhằm đưa ra giải pháp cho những thách thức mà tỉnh Hậu Giang phải đối mặt, như diện tích canh tác nhỏ, manh mún, khả năng liên kết gặp nhiều trở ngại; hệ thống thủy lợi, đường giao thông một số nơi chưa hoàn thiện; các mô hình tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi chưa phát triển ổn định, thiếu bền vững…

Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Quý vị quan tâm có thể tham dự trực tuyến trên nền tảng Zoom tại địa chỉ sau:

Link: https://zoom.us/j/94129318695?pwd=AHTRgpgN5t15aYoB61MWNHaVbH1Y96.1

ID cuộc họp: 941 2931 8695

Mật mã: 707165

Tất cảTổng thuật

11 giờ 30 phút

Thúc đẩy sự vào cuộc của 4 nhà

z5964742546357_75388c9c1d209ee704912003ddacee24

Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang Ngô Minh Long tin tưởng, thông qua những thành công bước đầu, sẽ có thêm định hướng xây dựng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp và công tác MRV (Ảnh minh họa).

Tổng kết Hội thảo, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang Ngô Minh Long đánh giá, thông qua 7 mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha cách sử dụng phân bón cho lúa vùng ĐBSCL, có thể thấy hiệu quả về năng suất, chất lượng lúa gạo khi áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp đã đem lại những kết quả thực tế.

"Với những thành công bước đầu, chúng ta sẽ có thêm định hướng xây dựng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp và công tác MRV của tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL thời gian tới”, ông Long nói.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp Hậu Giang cũng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, chủ động của 4 nhà (nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - Nhà nước) trong phiên thảo luận về vấn đề “Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao”.

Theo ông Long, các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp và các HTX sẽ góp phần giúp ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo khi thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Thay mặt địa phương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cam kết tiếp tục nghiên cứu, tái tổ chức sản xuất một cách bài bản, đồng bộ, tiếp tục xây dựng các cánh đồng lớn, hình thành HTX, tổ hợp tác hay tổ chức của nông dân. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tham gia Đề án ký kết hợp đồng liên kết với các HTX, đào tạo tập huấn, chuyển giao cho nông dân trồng lúa và HTX biện pháp canh tác bền vững.

“Thông qua việc xây dựng các chuỗi liên kết bền chặt và ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ từng bước hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh thực hiện theo chủ trương của Chính phủ”, ông Long nhấn mạnh.

11 giờ 25 phút

Ký kết hợp tác thúc đẩy chuỗi giá trị gạo chất lượng cao, phát thải thấp

z5965819160100_a8490ef31b6d5845fe25345676954130

Các bên ký kết hợp tác tại Hội thảo.

Tại sự kiện, diễn ra lễ ký kết hợp tác Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang và Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Hậu Giang. Theo đó, phía Agribank Hậu Giang sẽ hỗ trợ tín dụng cho Đề án.

Bên cạnh đó, Sở ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần chứng nhận và kiểm định Vinacontrol về cung cấp các giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn cho hàng hóa.

Ngoài ra, cũng tại Hội thảo, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tham gia ký kết hợp tác với 10 doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, máy móc cơ giới hóa phục vụ sản xuất lúa gạo.

Liên hiệp HTX lúa gạo Xà No Mekong thực hiện ký kết hợp tác với 6 doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng lúa gạo.

11 giờ 15 phút

Ngành hàng lúa gạo không có bao tiêu, ép giá

Nhập chú thích ảnh

Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL Đặng Kiều Nhân cho rằng, ngành hàng lúa gạo không có bao tiêu, ép giá (Ảnh minh họa).

Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL Đặng Kiều Nhân cho rằng, không nên dùng chữ bao tiêu, ép giá. Đây là năng lực của nông dân, của HTX, thỏa thuận làm ăn với doanh nghiệp. Ngành hàng lúa gạo không có bao tiêu, ép giá.

Ông Nhân cho rằng để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa, HTX nên quan tâm đầu tư năng lực của chính mình. Ngoài ra, Nhà nước cần tạo cơ chế để các nông dân, htx, doanh nghiệp tham gia Đề án đều phải cố gắng.

Với ngành ngân hàng, ông Nhân đề nghị nên cho vay theo chuỗi giá trị. Đối với các đơn vị như Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Cộng đồng, ông Nhân đề nghị nếu đơn vị này phối hợp với htx, với nông dân trồng lúa thành công, thì lấy nguồn ngân sách ra hỗ trợ họ.

11 giờ 05 phút

HTX có thể xem xét việc mời doanh nghiệp tham gia quá trình quản lý

ts tran minh hai

Theo TS Trần Minh Hải (ảnh), Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, nâng cao năng lực của các hợp tác xã (HTX) là điều cần thiết để đảm bảo khả năng cung cấp dịch vụ tốt cho doanh nghiệp. Một trong những yếu tố quan trọng là khả năng tổ chức của HTX; cần phải có những chiến lược rõ ràng để tăng cường khả năng quản lý và kết nối giữa các bên.

Ông Trần Minh Hải cho rằng, bên cạnh tự nâng cao quản lý, HTX có thể xem xét việc mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình quản lý, đặc biệt là trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Điều này không chỉ giúp HTX cải thiện năng lực mà còn tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn với thị trường.

goài ra, việc áp dụng phương pháp này “1 phải 5 giảm” còn thấp. Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, cần đầu tư vào bản đồ nông hóa thổ nhưỡng. Từ đó, cung cấp các thông tin chi tiết về loại đất, cải thiện các chương trình khuyến nông cũng như nghiên cứu khoa học và đánh giá tác động của các chính sách nông nghiệp, hỗ trợ quá trình xây dựng chính sách của nhà nước.

Trung tâm khuyến nông cần giữ vai trò kết nối giữa HTX và doanh nghiệp, giúp xác định thời điểm thu hoạch phù hợp, chốt giá cả trước mùa vụ và cung cấp thông tin thị trường cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc này còn có thể giúp HTX và nông dân áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, từ đó không chỉ tăng cường tính bền vững mà còn tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

10 giờ 55 phút

Thí điểm đầu tư thủy lợi tại phía Tây sông Hậu

thuy loi

Ảnh minh họa: TTXVN.

Trước đây, hệ thống thủy lợi của Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung chủ yếu vận hành để chống xâm nhập mặn. Tuy nhiên, trước yêu cầu của Đề án 1 triệu ha lúa, đòi hỏi công tác tưới tiêu phải chủ động, đúng thời điểm, giúp phát huy tối đa hiệu quả giảm phát thải từ phương pháp tưới ngập khô xen kẽ.

“Yêu cầu về thủy lợi sẽ rất cao, cần phải có những đầu tư mạnh mẽ nhằm khép kín, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng cho đến mặt ruộng. Cùng với đó, cần có hệ thống giám sát nguồn nước đồng bộ”, ông Đặng Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam nói.

Theo ông Lâm, thời gian tới Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp địa phương nghiên cứu để đầu tư thí điểm một hệ thống thủy lợi tại phía Tây sông Hậu, nhằm giải quyết một cách căn cơ vấn đề này. Dựa trên kết quả đánh giá, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, nhằm phối hợp, mở rộng diện tích vùng 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

10 giờ 45 phút

Lấy HTX làm hạt nhân nòng cốt cho triển khai các đề án

Ông Nguyễn Tiến Định, đại diện Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN-PTNT), khẳng định, nếu không có sự tham gia của HTX có năng lực và quy mô thì Đề án 1 triệu ha lúa sẽ khó triển khai hiệu quả.

Theo ông Định, HTX là yếu tố tiên quyết khi tham gia trực tiếp vào tổ chức áo dụng quy trình canh tác, kỹ thuật, đo đạc giảm phát thải, cung ứng dịch vụ đầu vào. Chính vì vậy, Cục Kinh tế hợp tác đã tham mưu lãnh đạo Bộ tổ chức chương trình nâng cao năng lực cho đội ngũ HTX, giúp đề cao hiệu quả triển khai chương trình đề án.

Bên cạnh đó, số lượng HTX trong ĐBSCL ở quy mô thành viên nhỏ chưa tương ứng với tiềm năng hiện có. Cục Kinh tế hợp tác cho biết, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với Hội Nông dân, các cơ quan liên quan cùng vận động nông dân tham gia và cho thấy những lợi ích khi tham gia mô hình HTX.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho HTX, ông Định cho biết, các cơ chế chính sách liên quan đến HTX phải được cụ thể hóa theo Luật HTX và Nghị định 113 Quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã.

Hiện nay, Cục Kinh tế hợp tác đang đẩy mạnh triển khai chương trình đào tạo nghề Giám đốc HTX, các chương trình, đề án logistics, khuyến nông cộng đồng đều lấy HTX làm nòng cốt để xây dựng triển khai.

10 giờ 35 phút

z5964742552166_311a4ef0c0b1df5cdb7f326d287207d2

Để nâng cấp và phát triển chuỗi lúa gạo, cần thực hiện tốt nhiều khâu, đặc biệt là khâu canh tác (Ảnh minh họa).

Ông Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, chỉ ra rằng, để nâng cấp và phát triển chuỗi lúa gạo, cần thực hiện tốt nhiều khâu, đặc biệt là khâu canh tác và sự hợp tác chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp.

Chuỗi lúa gạo hiện nay giống như một khu rừng, trong đó, để phát triển bền vững phụ thuộc vào sự hòa hợp giữa các yếu tố: nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và thương lái. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các bên chưa thực sự ăn ý, dẫn đến việc không hiểu nhau về lợi ích và mục tiêu.

Bên cạnh đó, tư duy kinh doanh của nông dân và HTX còn hạn chế, khiến họ khó nắm bắt được thị trường và các cơ hội kinh doanh. Thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro cũng làm cho nông dân chịu áp lực lớn, trong khi doanh nghiệp và thương lái lại thu lợi từ sản phẩm của họ.

Một trường hợp khác là các bên chỉ lo giữ lại cái lợi cho mình mà quên đi mục tiêu chung. Cuối cùng, năng lực của HTX và nông dân vẫn còn yếu, dẫn đến sự thiếu hiểu biết về kinh doanh, cản trở sự phát triển của chuỗi giá trị lúa gạo.

Vì vậy, trong quá trình triển khai dự án, nhà nước, đặc biệt là trung tâm khuyến nông phải đóng vai trò như người điều phối để giúp các bên hiểu nhau và hợp tác hiệu quả. Sự hợp tác giữa nông dân - nông dân và nông dân - HTX là rất cần thiết trong áp dụng kĩ thuật khoa học và biện pháp canh tác hiệu quả.

Ngoài ra, để ba bên đạt được thỏa thuận chung, cần tổ chức các cuộc đối thoại thường xuyên và thông tin minh bạch giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để cùng hướng đến một mục tiêu, giảm thiểu rủi ro, tăng lợi nhuận, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện sức cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cho các HTX và kết nối giữa các HTX với nhau cũng là một yếu tố thiết yếu, giúp tạo ra một mạng lưới hợp tác vững mạnh và hiệu quả hơn trong ngành nông nghiệp.

10 giờ 25 phút

Liên kết dễ bị ảnh hưởng bởi thương lái và giá cả

Ông Quách Hữu Tài, Giám đốc Công ty Tài Nông cho biết, doanh nghiệp phải cam kết thu mua sản phẩm của nông dân khi cùng tham gia vào dự án lúa chất lượng cao. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ phối hợp cùng HTX hỗ trợ về giống, vật tư nông nghiệp đầu vào.

Theo vị giám đốc trẻ, liên kết giữa doanh nghiệp và người dân dễ bị đứt gãy bởi tác động của thương lái, thời vụ cũng như giá cả thị trường. Do nhiều yếu tố bất định, người dân lại không hoàn toàn chủ động trong việc tổ chức sản xuất nên rủi ro bị đẩy về doanh nghiệp, nếu các cam kết bị phá vỡ.

“Cần có một chế tài mạnh hơn”, ông Tài đề xuất và mong muốn, cơ quan quản lý cùng tham gia vào việc kết nối, quản lý để chuỗi liên kết giữa các bên được bền chặt.

10 giờ 15 phút

Agribank Hậu Giang: Hơn 14.000 tỷ đồng đầu tư cho trồng lúa

z5964742558480_852a0537ddbe3d4d246ea69e0586c103

Nhà nước dành nguồn lực lớn cho Đề án 1 triệu ha lúa (Ảnh minh họa).

Ông Lê Viết Quyền, Giám đốc ngân hàng NN-PTNT chi nhánh tỉnh Hậu Giang (Agribank Hậu Giang) cho biết đã phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, thống nhất cách thức cung cấp vốn cho nông dân, doanh nghiệp thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa.

Hậu Giang có 6 huyện, thành phố thực hiện Đề án này. Hiện dư nợ của Agribank Hậu Giang khoảng 14.500 tỷ đồng, trong đó 80% là cho ngành NN-PTNT. Với thu mua lúa gạo, Agribank dành khoảng 3.000 tỷ đồng, còn khoảng 12.000 tỷ đồng là cho vay để trồng lúa.

Chia sẻ quan điểm với Agribank, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, khẳng định, Nhà nước dành nguồn lực lớn cho Đề án 1 triệu ha lúa, song nông dân, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật. “Không phải cứ có tiền ở ngân hàng rồi đến vay, sau đó muốn làm gì thì làm. Tuyệt đối không có chuyện đó”, ông Tùng nói.

10 giờ 05 phút

Liên kết sản xuất còn lỏng lẻo

z5964742554709_d22b63bbdf82181ca85ae5b3f53515fa

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, nhìn nhận, liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo (Ảnh minh họa).

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, nhìn nhận, liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thậm chí còn xảy ra nhiều vụ thưa kiện trong liên kết giữa doanh nghiệp và HTX. Trong khi đó, mô hình quản lý còn chưa chắc chắn.

Theo ông Long, số lượng doanh nghiệp đầu tư lúa gạo trên địa bàn còn hạn chế, trong khi đó tỉnh có chủ yếu là các doanh nghiệp ngoại tỉnh về đăng ký bao tiêu.

Về mặt chủ trương, tỉnh đã thành lập Liên hiệp HTX lúa gạo Hậu Giang, đóng vai trò làm đàu mối liên kết. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư vào nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông thuận lợi để đón doanh nghiệp về tỉnh bao tiêu nhiều hơn.

10 giờ 00 phút

Đề án 1 triệu ha lúa sẽ định hình được các chuỗi liên kết

z5964742567922_f9f85db65ebac935d3f377649984b7d1

"Lúa đã chất lượng, từ việc kế thừa Dự án VnSAT, nhưng đầu ra lại bỏ ngỏ", ông Lê Thanh Tùng nói (Ảnh minh họa).

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, ngoài các lợi ích về mặt kỹ thuật, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL còn hình thành các chuỗi liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và HTX.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, qua khảo sát, nhiều địa phương như Hậu Giang có tiềm năng lớn nhưng gặp điểm nghẽn về tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, chưa có đơn vị bao tiêu số lượng lớn.

“Lúa đã chất lượng, từ việc kế thừa Dự án VnSAT, nhưng đầu ra lại bỏ ngỏ”, ông Tùng nêu vấn đề.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng, vì những lẽ này nên việc xây dựng mối liên hệ chặt chẽ, thông qua các đối tác, các bên liên quan trong đề án là hết sức cần thiết. “Mỗi tổ chức, cá nhân sẽ nhận thức và đảm nhiệm được vai trò của mình”, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.

Bên cạnh những vấn đề trên, ông Lê Thanh Tùng nhìn nhận, giao thông nội đồng tại vùng dự án chưa thực sự thuận lợi, chưa thu hút được sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp. Do đó, ngoài việc tăng cường, nâng cao yếu tố kỹ thuật, địa phương cũng nên lưu ý phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, giúp liên kết bền chặt.

9 giờ 30 phút

Cục Kinh tế Hợp tác: Doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu

ong nguyen tien dinh

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Định (ảnh), Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN-PTNT, cho biết hiện toàn vùng ĐBSCL có khoảng 180 Doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có tham gia thu mua lúa gạo.

Trong đó, khoảng 50 doanh nghiệp liên kết thu mua lúa gạo (bao gồm liên kết thu mua trực tiếp với hộ nông dân; với tổ chức nông dân như HTX, THT; hoặc liên kết thu mua thông qua thương lái, đại lý vật tư nông nghiệp). Các doanh nghiệp liên kết thu mua khoảng 26% tổng diện tích gieo trồng lúa cả vùng (khoảng 442 nghìn ha đất trồng lúa của vùng, tương đương 1 triệu ha diện tích gieo trồng lúa/năm).

Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.Các tác nhân chính tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL bao gồm cơ sở cung cấp vật tư đầu vào, nông dân canh tác lúa (hoặc thông qua HTX), hệ thống thu mua lúa, doanh nghiệp hoạt động trong các khâu sấy, xay xát, đánh bóng, xuất khẩu, phân phối nội địa và người tiêu dùng.

Đặc trưng của chuỗi này là hàng nghìn cơ sở cung cấp vật tư đầu vào, hàng chục nghìn thương lái thu mua lúa và hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong các công đoạn xay chà, đánh bóng, xuất khẩu, tiêu thụ nội địa. Số doanh nghiệp có đủ năng lực để trực tiếp mua lúa của nông dân hoặc hợp tác xã và có cơ sở sấy, xay chà, đánh bóng để sản xuất ra gạo không nhiều.

Theo tính toán của Cục Trồng trọt, ở ĐBSCL, mỗi ha lúa tham gia cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15% và giá trị sản lượng có thể tăng từ 20-25%, thu lãi thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha so với canh tác thông thường.

mua lua

Thương lái thu mua lúa ở ĐBSCL.

Nguyên nhân làm giảm chi phí giá thành sản xuất lúa là do nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đã đẩy mạnh việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đồng thời còn làm tăng chất lượng lúa gạo, tăng giá trị lúa gạo và giá bán. Đặc biệt, người nông dân được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu yên tâm sản xuất không lo sợ về đầu ra sản phẩm bị ế ẩm, mất giá.

Năm 2020, diện tích trung bình mỗi hộ trồng lúa ở ĐBSCL là 1,24 ha/hộ, cao hơn nhiều trung bình cả nước (0,34 ha/hộ) và so với các vùng khác (Agrocencus, 2021). Những năm gần đây, xu hướng tích tụ tập trung ngày càng tăng vì thế số cánh đồng trên 10 ha ở ĐBSCL ngày càng tăng nhanh. Diện tích sản xuất lúa theo cánh đồng lớn ở ĐBSCL là 427,8 nghìn ha, chiếm 73,9% tổng diện tích sản xuất cánh đồng lớn của cả nước (Trần Xuân Định, 2021).

Bên cạnh đó, với sự nỗ lực thúc đẩy phát triển các HTX, tổ hợp tác nên xuất hiện nhiều cánh đồng hàng trăm ha với quy mô lớn, cơ giới hóa đồng bộ. Đây là một sự tăng trưởng đáng kể và cho thấy sự phát triển của sản xuất lúa ở khu vực này.

Với sự phát triển của kinh tế và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người nông dân ở ĐBSCL đã chuyển sang sản xuất nông nghiệp theo hướng thương mại, tập trung vào sản xuất hàng hóa để bán ra thị trường. Nhờ đó, họ có thể tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện điều kiện sản xuất.

9 giờ 05 phút

'Đốt rơm là đốt tiền, bán rơm là bán máu'

ong nguyen bao ve

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ (ảnh), nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết, rơm rạ nói riêng và phế phụ phẩm trong quá trình trồng lúa có giá trị rất lớn.

“Đốt rơm là đốt tiền, bán rơm là bán máu. Người dân cần phải hiểu được những lợi ích sát sườn này, bên cạnh tiềm năng bán tín chỉ carbon trong tương lai”, ông Vệ chia sẻ.

Theo vị chuyên gia nông nghiệp, để xử lý rơm rạ đạt hiệu quả cao, người dân cần xác định các phương pháp cụ thể cho 2 loại khí cơ bản là CH4 và N2O. Trong đó, CH4 chủ yếu phát thải từ bộ rễ của lúa, trong quá trình ngập nước khi sinh trưởng. Còn N2O hầu như có nguồn gốc từ việc bón phân đạm.

Ngoài ra, việc xử lý rơm rạ cần cẩn trọng, tránh để lúa bị “ngộ độc hữu cơ” bởi vùi rơm rạ (như thói quen lâu nay của người dân) có thể khiến lúa bị thối gốc, rễ chết đen, đồng thời làm đất bị suy thoái.

Hiện ngành nông nghiệp đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế để hướng dẫn người dân xử lý rơm rạ, chế biến thành phân bón hữu cơ, trồng nấm, sử dụng làm thức ăn gia súc, hoặc xa hơn là trở thành nguyên liệu cho các lò đốt công nghiệp.

Trong quy mô nông hộ, người dân có thể băm rơm, trải đều trên mặt ruộng theo từng luống rồi phun chế phẩm vi sinh. Dù vậy, với những đại diền có quy mô diện tích ruộng lớn, ông Vệ cho rằng cần phải sử dụng cơ giới hóa để xử lý rơm rạ một cách hiệu quả.

8 giờ 55 phút

Giảm tối thiểu 8cm nước so với mặt ruộng để đảm bảo mức phát thải

ong mai van trinh

Theo PGS.TS Mai Văn Trịnh (ảnh), Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, hoạt động đo đạc mô hình hiện tại đang được triển khai hiệu quả với sự phát triển của 6 mô hình đã được lên sơ đồ. Khi có hợp tác xã (HTX) đăng ký tham gia mô hình, các cán bộ MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) sẽ hướng dẫn cụ thể để áp dụng cho từng mô hình khác nhau.

Hiện nay, Viện Tài nguyên Nông nghiệp đang phối hợp với cán bộ địa phương để xây dựng các mô hình và hệ thống thu thập thông tin MRV online. Khi cán bộ MRV cấp địa phương cập nhật số liệu lên máy, các phép tính tự động sẽ được thực hiện để hỗ trợ công tác đo đạc.

Ngoài ra, trong quá trình tập huấn, các cán bộ MRV địa phương sẽ được hướng dẫn kỹ lưỡng, tập trung vào hai thời điểm quan trọng nhất là rút nước đợt 1 và rút nước đợt 2. 

Một kết quả đáng ghi nhận là mô hình 50ha tại HTX Hưng Lợi, Sóc Trăng đã giảm phát thải xuống còn 9 tấn CO2, so với 16,5 tấn trước đó. Điều này cho thấy rằng, lượng giảm phát thải dựa trên nguyên tắc: Khi baseline (mức phát thải khí nhà kính được xác định làm chuẩn để so sánh với các mức phát thải trong tương lai) thấp, mức giảm phát thải sẽ cao hơn. Vì vậy, cần tập trung giảm phát thải cơ sở trước khi áp dụng mô hình và tuân thủ theo các phương pháp giảm phát thải được quy định.

Ông Mai Văn Trịnh đánh giá, cơ sở hạ tầng thủy lợi tại các mô hình đang gặp nhiều khó khăn. Mật độ kênh tiêu trên đồng ruộng còn thấp cũng như khoảng cách giữa kênh tưới và kênh tiêu vẫn còn xa, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nước. Thêm vào đó, chưa có số liệu tham chiếu về công nghệ và tiêu vùng sinh thái, khiến việc áp dụng giải pháp trở nên khó khăn. Các lần rút nước phụ thuộc nhiều vào thời tiết, điều kiện và địa hình của từng khu vực mô hình.

Một trong những biện pháp hiệu quả là sử dụng giống ngắn ngày, giúp cây trồng có thời gian ngập ngắn hơn. Triển khai chế độ nước trước độ, trong vụ cũng rất quan trọng, với phương pháp rút nước giữa vụ một lần hoặc tưới khô ướt xen kẽ. Theo nguyên tắc MRV, chỉ khi mực nước rút xuống -15cm thì mới được tưới lại.

Về giải pháp xử lý rơm rạ và bón phân hữu cơ, việc vùi ngấu (trên 30 ngày) sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với vùi không ngấu, bởi càng vùi rơm rạ nhiều thì mức tăng trưởng càng lớn. Nông dân cũng cần lưu ý rằng việc bón đạm nhiều hơn sẽ làm tăng phát thải N2O, trong khi sử dụng công nghệ làm phẳng ruộng bằng laser có thể tăng CO2, dẫn đến có thể bị trừ điểm trong quá trình đánh giá.

Bên cạnh đó, mỗi mô hình sẽ được mã hóa thành một đơn vị (1 spot), có mã số riêng để theo dõi. Khi cần thăm ruộng, người dùng chỉ cần kích vào mã số, và hệ thống GPS sẽ dẫn đến vị trí đó, giúp việc quản lý và giám sát trở nên hiệu quả hơn.

Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp nhấn mạnh rằng để đạt được mục tiêu phát thải, cần cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc canh tác và hoạt động đo đạc.

Ông Mai Văn Trịnh khuyến khích rằng, nên đảm bảo rút nước tối thiểu 3 lần để đạt được hiệu quả cao trong quản lý nước. Ngoài ra, hạn chế vùi rơm rạ tươi và thay vào đó, thu gom và ủ phân bón ngay tại ruộng, nhằm tối ưu hóa chất dinh dưỡng cho đất. Cuối cùng, cần kiểm soát thủy triều, không để nước dẫn vào ruộng trong quá trình siết nước, nhằm bảo vệ mùa màng khỏi những tác động tiêu cực.

8 giờ 45 phút

Kim chỉ nam của Đề án - Hướng tới thịnh vượng của người trồng lúa

ong le thanh tung

Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), phát biểu tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, 7 mô hình thí điểm của Đề án đang được triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và TP Cần Thơ. Các mô hình được lựa chọn dựa theo khu vực sinh thái và bắt buộc tuân thủ theo Quyết định 145 của Cục Trồng trọt về việc ban hành quy trình và sổ tay hướng dẫn “quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng (Đồng bằng sông Cửu Long) ĐBSCL.

Ở các mô hình thí điểm, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng năng suất lúa có “vực lên” trong khi diện tích ngày càng được mở rộng, kết quả giảm phát thải do Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) và các Viện khác thuộc Bộ NN-PTNT đo được là rất tích cực.

Ông Tùng nhấn mạnh, việc trồng lúa phát thải thấp không nhằm mục đích tính toán để bán tín chỉ carbon. Theo lộ trình đến năm 2028, Bộ Tài nguyên Môi trường mới chính thức báo cáo về cơ chế thương mại hóa tín chỉ carbon lên Chính phủ. Theo đó, Đề án nhằm sắp xếp lại sản xuất, nâng cao năng lực HTX, xây dựng đồng ruộng, phát triển hạ tầng…

Với kim chỉ nam của Đề án hướng tới thịnh vượng của người trồng lúa, tức là giúp nông dân trồng lúa có cuộc sống tốt hơn. Lãnh đạo Cục Trồng trọt nêu một số vấn đề quan trọng trong sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL bao gồm việc thâm canh để đảm bảo diện tích, năng suất, và sản lượng, đồng thời giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị và lợi nhuận cho nông dân.

z5964742552566_a1a49304cebcade0c22f8d5b295cb724

Kim chỉ nam của Đề án hướng tới thịnh vượng của người trồng lúa, tức là giúp nông dân trồng lúa có cuộc sống tốt hơn.

Các vấn đề này còn liên quan đến khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, mà không gây tác động tiêu cực đến môi trường. Để làm điều này, ĐBSCL cần khai thác hiệu quả tài nguyên đất, nước và các tài nguyên thiên nhiên khác một cách bền vững.

Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ, thiết bị và máy móc đồng bộ về cơ giới sẽ giúp nâng cao hiệu quả và phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng. Việc liên kết chuỗi ngành hàng, đảm bảo an ninh lương thực và tăng trưởng xanh từ nông nghiệp tuần hoàn lúa gạo là yếu tố thiết yếu. Các kỹ thuật tiên tiến như sạ hàng hoặc sạ cụm kết hợp vùi phân cần được áp dụng để tăng hiệu suất sử dụng phân bón, đồng thời tuân thủ chặt chẽ quy trình bón phân, tránh tình trạng bón thừa hoặc sai cách.

Để đạt được mục tiêu này, việc xây dựng cơ sở dữ liệu bao gồm bản đồ quản lý tài nguyên đất, nước, và khí hậu là điều cần thiết.

8 giờ 30 phút

Hậu Giang sẽ đầu tư đồng bộ, tạo vùng sản xuất khép kín

hau giang

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, phát biểu mở đầu Hội thảo.

“Ngày 12/12/2023 Hậu Giang vinh dự là tỉnh đầu tiên được Bộ NN-PTNT chọn tổ chức lễ phát động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ triển khai diện tích thực hiện Đề án là 28.000ha, tập trung vào củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT); đến năm 2030 sẽ tăng lên đạt diện tích 46.000ha, thực hiện tại 6/8 đơn vị cấp huyện”, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, cho biết.

Tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành việc triển khai lựa chọn, xác định các vùng tham gia Đề án, rà soát đáp ứng tiêu chí và phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Đồng thời, trong năm 2024, tỉnh cũng đã và đang triển khai thực hiện các mô hình điểm cấp tỉnh, huyện với tổng diện tích 180ha, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: tưới nước ướt khô xen kẽ, 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP,...

Mặc dù chỉ mới được triển khai thí điểm tại một số HTX trên địa bàn tỉnh, nhưng bước đầu đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Các mô hình giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho bà con, người tiêu dùng và môi trường. Đồng thời, từ nguồn kinh phí tài trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức - dự án GIC, tỉnh cũng tổ chức 25 lớp tập huấn cho nông dân về quản lý, tái sử dụng phụ phẩm rơm rạ; 15 lớp huấn luyện nông dân HTX về kinh doanh (FBS) và 15 lớp nâng cao năng lực cho HTX tham gia Đề án 1 triệu ha.

Mục tiêu hướng tới của Hậu Giang là khi dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Bộ NN-PTNT triển khai đến đâu, tỉnh sẽ đầu tư đồng bộ để tạo ra một vùng sản xuất khép kín, đáp ứng các tiêu chí của Đề án. Các mô hình thí điểm tham gia Đề án đã thực hiện.

z5964742585086_d8e3aa00b12a08fc6a26a1d3c5679960

Tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành việc triển khai lựa chọn, xác định các vùng tham gia Đề án.

Tuy nhiên, việc kêu gọi doanh nghiệp vào liên kết chặt chẽ, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ qua các vụ vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc đo đếm phát thải, chi trả tín chỉ carbon nên cũng góp phần hạn chế nông dân tham gia; chưa đạt được hiệu quả trong việc xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo phát thải thấp và tăng trưởng xanh.

Hậu Giang tổ chức Hội thảo “Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao” với mong muốn tăng cường liên kết của các bên tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo trong Đề án.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Các quận và phường ở Hải Phòng sẽ không còn Hội đồng nhân dân

HẢI PHÒNG Sau khi được Quốc hội thông qua, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị Hải Phòng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 với nhiều điểm mới phù hợp với xu hướng phát triển.