| Hotline: 0983.970.780

Hành trình 50 năm bảo tồn ngân hàng giống lúa lớn nhất ĐBSCL

Thứ Hai 04/04/2022 , 08:45 (GMT+7)

Gần 3.000 chủng loại giống được thu thập, lưu trữ từ năm 1972 đến nay, tạo nên một ngân hàng giống đa dạng, phục vụ công tác lai tạo giống lúa tại ĐBSCL.

Nguồn tài nguyên quý giá

Từ năm 1972, những giảng viên, nhà giáo với niềm đam mê về giống, khởi xướng là GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ bây giờ, khi ấy ông là giảng nghiệm viên Khoa Sinh nông - Trường Cao đẳng Nông nghiệp. Ông bắt đầu manh nha ý tưởng sưu tầm, lưu trữ và bảo tồn các giống lúa trên khắp mọi miền đất nước để thực hiện hành trình chọn và lai tạo giống lúa.

Hiện ngân hàng giống đang được lưu trữ và bảo tồn bởi Khoa Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ). Từ một vài mẫu giống lúa ít ỏi ban đầu, đến nay ngân hàng giống đã lên đến con số hơn 3.000 chủng loại, tập hợp các giống lúa mùa, lúa rẫy, lúa cao sản, quy mô lớn nhất khu vực ĐBSCL.

Ngân hàng giống lưu trữ hơn 3.000 chủng loại giống tại Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Ngân hàng giống lưu trữ hơn 3.000 chủng loại giống tại Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Riêng giống lúa mùa, giống lúa truyền thống của người dân Nam Bộ được lưu trữ hơn 900 giống tại đây. Nổi bật là một số giống như: Nàng Thơm Chợ Đào, Nếp Than, Nếp Đỏ, Bông Dừa sưu tầm từ năm 1994, giống lúa Tài Nguyên sưu tầm từ năm 1997, Châu Hạng Võ sưu tầm vào năm 2000...

Trải qua 50 năm lưu trữ, bảo tồn, hơn 940 dòng lúa cải tiến đã được lai tạo ra, chuyển giao cho các trung tâm giống ở các tỉnh khu vực ĐBSCL trồng thử nghiệm và quản lý. Nối tiếp thế hệ trước, thầy Huỳnh Như Điền, Giảng viên Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng - Khoa Nông nghiệp tiếp tục đảm nhận công tác bảo tồn ngân hàng giống.

Thầy Điền cho biết: Trước đây, nông dân vẫn sử dụng các giống lúa mùa truyền thống. Tuy nhiên do đặc tính trỗ ngày ngắn, một năm chỉ canh tác được một vụ. Khi áp lực về vấn đề an ninh lương thực, bắt buộc nông dân phải thay đổi, tăng vụ nên phải thay đổi cơ cấu giống mới.

Việc ra đời ngày càng nhiều các giống lúa mới, vô hình đã làm các giống lúa truyền thống bị bỏ quên. Nói về cơ duyên ngân hàng giống được hình thành, duy trì và bảo tồn cho đến nay, thầy Điền chia sẻ thêm: Khi thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, những giống lúa trước đây sẽ không còn sử dụng, nếu không lưu trữ, bảo tồn nó sẽ mất đi.

Xuất phát từ quan điểm đó, các thầy cô quyết tâm lưu trữ lại các loại giống lúa này. Hơn nữa, bản thân các giống lúa mùa có nhiều đặc điểm tốt, thời gian sinh trưởng dài, canh tác được một vụ trong năm. Nếu được lưu trữ lại, các giống lúa mùa này sẽ là tài nguyên quý phục vụ cho công tác lai tạo ra nhiều giống lúa mới có đặc điểm tốt, ngắn ngày nhưng vẫn giữ được các đặc điểm tốt của giống như giống thơm, dẻo.

Bảo tồn hạt giống không dễ dàng

Do nhu cầu sử dụng hạt giống phục vụ công tác nghiên cứu và lai tạo, ngân hàng giống được phân chia thành 2 kho lưu trữ riêng biệt. Lưu trữ trung hạn và lưu trữ ngắn hạn. Kho lưu trữ trung hạn đi kèm với điều kiện nhiệt độ bảo quản hạt giống dưới -5 độ C, các giống lúa sẽ được lưu trữ cố định tại đây, thời gian bảo quản trên 10 năm.

Các giống lúa được bảo tồn tại kho bảo quản trung hạn, với khả năng bảo quản trên 10 năm. Ảnh: Kim Anh.

Các giống lúa được bảo tồn tại kho bảo quản trung hạn, với khả năng bảo quản trên 10 năm. Ảnh: Kim Anh.

Kho lưu trữ ngắn hạn được sử dụng để bảo quản hạt giống ở nhiệt độ khoảng 20 độ C, thời gian bảo quản từ 2 – 5 năm, phục vụ xuyên suốt công tác lai tạo giống. Tất cả hạt giống trước khi được bảo quản phải trải qua công đoạn phơi, sấy rất tỉ mỉ, hút ép chân không sau đó mới đưa vào bảo quản, để đảm bảo hạt giống không bị hư hại.

Chia sẻ về chặng đường khó khăn trong công tác bảo tồn các giống lúa, TS Huỳnh Kỳ, Phó trưởng Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng - Khoa Nông nghiệp cho biết: Các giống lúa trong ngân hàng giống từ 5 – 7 năm sẽ mất sức nảy mầm, nếu không đem ra trẻ hóa lại hạt giống sẽ bị chết. Do đó, mỗi năm các giống lúa sẽ được trẻ hóa và thanh lọc lại để giữ lại sức nảy mầm cho hạt giống. Luân phiên mấy ngàn giống, mỗi năm chỉ có thể thực hiện vài trăm giống, làm không xuể. Công tác này mất rất nhiều thời gian, chi phí và nhân lực.

Ngân hàng giống không chỉ phong phú về chủng loại mà còn giàu tâm huyết của những cán bộ, giảng viên nông nghiệp ra sức sưu tầm, góp nhặt, duy trì xây dựng nên. Hiện tại, Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng cũng đang lưu trữ bộ sưu tập giống lúa rẫy ở khu vực miền núi Tây nguyên, Tây Bắc. Ưu điểm của các giống lúa này là được trồng ở sườn đồi nên khả năng chịu hạn cao, tiết kiệm nước.

Mẫu giống lúa lưu trữ tại kho bảo quản ngắn hạn, phục vụ công tác nghiên cứu xuyên suốt trong năm. Ảnh: Kim Anh.

Mẫu giống lúa lưu trữ tại kho bảo quản ngắn hạn, phục vụ công tác nghiên cứu xuyên suốt trong năm. Ảnh: Kim Anh.

Thầy Huỳnh Như Điền, Giảng viên Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng cho biết: Định hướng sắp tới, Bộ môn sẽ phát triển, nghiên cứu ra các giống thích hợp với vùng đất Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long để bà con thay đổi cơ cấu mùa vụ, một vụ trồng khoai lang, một vụ trồng lúa để cắt đứt sâu bệnh trong đất. Hoặc những vùng thiếu nước có thể cơ cấu đưa giống lúa này vào sản xuất để tiết kiệm nước, chống chịu hạn.

Với xu thế phát triển của thị trường, nhiều giống lúa chất lượng cao ra đời, với ngân hàng giống đa dạng này, Khoa Nông nghiệp hiện đang liên kết với các doanh nghiệp để tiếp tục nghiên cứu, phát triển các giống lúa mới. Bên cạnh đó, vừa lai tạo mới, vừa khai thác những dòng lúa triển vọng, tiến hành khảo nghiệm và chuyển giao.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá cao việc sưu tầm giống lúa

Theo GS Võ Tòng Xuân: Quốc gia nào cũng có chương trình lưu giữ lại tất cả các giống lúa cổ truyền của đất nước họ. Trong khi lúc đó tại Việt Nam, giai đoạn chiến tranh đang rất khốc liệt, không có điều kiện để tập hợp, sưu tầm các giống lúa, nhất là ở miền Nam.

Thầy Huỳnh Kỳ, Phó trưởng Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng, một trong những thành viên trực tiếp tham gia công tác bảo tồn giống lúa của Khoa Nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Thầy Huỳnh Kỳ, Phó trưởng Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng, một trong những thành viên trực tiếp tham gia công tác bảo tồn giống lúa của Khoa Nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

"Lúc đó, có phái đoàn của Bộ Phát triển Nông nghiệp của Đài Loan sang miền Nam làm việc với Trung tâm nông nghiệp tại Tiền Giang (nay là Viện Cây ăn quả miền Nam). Họ có nhu cầu tìm các giống lúa của miền Nam để mang về trồng và so sánh hiệu quả giống. Thế nhưng, thời điểm đó, miền Nam chỉ có khoảng 40 – 50 giống, chủ yếu là lúa mùa. Tôi thấy số lượng đó không đủ, vì vậy ý tưởng sưu tầm các mẫu giống lúa bắt đầu hình thành", GS Võ Tòng Xuân kể.

GS Võ Tòng Xuân kể tiếp: Đến năm 1977, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến tham quan Ngân hàng giống tại Trường Đại học Cần Thơ và đánh giá cao việc sưu tầm giống lúa, tôi rất phấn khởi và quyết tâm tiếp tục duy trì ngân hàng giống này.

Năm 1972, tôi bắt đầu dạy môn học về cây lúa cho sinh viên Trường Cao đẳng Nông nghiệp Cần Thơ. Một trong những bài tập về cây lúa, tôi tập cho sinh viên cách sưu tầm các giống lúa cổ truyền của ĐBSCL. Mỗi sinh viên, khi về quê ăn tết mang theo sứ mệnh sưu tầm 10 giống lúa, sau đó giao lại cho Bộ môn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm ngân hàng giống lúa của Đại học Cần Thơ năm 1977. Người ngồi (từ trái sang phải): GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Phạm Sơn Khai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: GS Võ Tòng Xuân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm ngân hàng giống lúa của Đại học Cần Thơ năm 1977. Người ngồi (từ trái sang phải): GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Phạm Sơn Khai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: GS Võ Tòng Xuân.

Các giống lúa sau khi sưu tầm sẽ được sắp xếp theo từng nhóm để không bị trùng lặp. Từ năm 1973 – 1975, đã sưu tầm được hơn 2.000 giống lúa, gồm giống lúa nổi, giống lúa mùa dài ngày, trung ngày và ngắn ngày lập thành ngân hàng giống lúa ĐBSCL.

Năm 1975, tôi cũng nhập thêm một số giống mới của Viện Lúa quốc tế IRRI đưa vào bộ sưu tập giống lúa cao sản, bên cạnh giống lúa mùa và hoàn chỉnh bộ sưu tập. Đồng thời, thông qua hệ thống các trường đại học trong cả nước, tôi đã nhờ hỗ trợ sưu tập thêm các giống lúa rẫy ở vùng Tây Bắc, miền Trung, Tây nguyên.

Các giống lúa hiện đang được lai tạo từ nguồn giống bảo tồn, phục vụ công tác phát triển các giống lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Các giống lúa hiện đang được lai tạo từ nguồn giống bảo tồn, phục vụ công tác phát triển các giống lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Để lưu trữ lại thông tin về các giống lúa, tôi cùng các giảng viên khác lập nên cuốn catalogue ghi chép lại toàn bộ thông tin về tên các giống lúa, thời gian sưu tập, địa điểm sưu tập... theo tiêu chuẩn của Viện Lúa quốc tế IRRI. Khi thành lập nên ngân hàng giống, tôi đã bố trí các cán bộ có nhiều đam mê về giống để xuyên suốt cùng nhau lưu trữ, bảo tồn các loại giống.

"Sau giải phóng năm 1975, Trường Đại học Cần Thơ chưa có đầy đủ cơ sở vật chất để bảo quản ngân hàng giống. Với số lượng hạt giống khá lớn, nếu hàng năm đem giống lúa đi trồng rất cực và không bảo đảm được độ thuần của hạt giống.

Được sự hỗ trợ của một số tổ chức các nhà khoa học quốc tế, ngân hàng giống được tài trợ một kho lưu trữ đông lạnh ở cấp -5 độ C để bảo quản các giống lúa. Hiện nay, với nhiều nguồn tài trợ hơn, kho lưu trữ cũng thường xuyên được đầu tư, sữa chửa, nâng cấp và cải tiến".

GS Võ Tòng Xuân

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.