Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã quá nổi tiếng với thương hiệu “vương quốc cây giống” của vùng ĐBSCL. Từ nơi đây, nhiều loại cây giống đầu dòng được tuyển chọn kỳ công, đặc biệt mất khoảng 11 năm chăm sóc, trồng thử nghiệm để được cấp chứng nhận, công nhận là cây giống đầu dòng, rồi nhân lên vườn cây đầu dòng.
Theo chân GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, chúng tôi hay gọi với cái danh xưng thân thương là thầy. Thầy Xuân đưa chúng tôi đến tham quan vườn cây giống “bạc tỷ” của nông dân Trần Thanh Thanh chủ doanh nghiệp tư nhân giống cây trồng hoa kiểng Thanh Thanh ở xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách.
Suốt hành trình chuyến đi, thầy khá tâm đắc với suy nghĩ và những sáng kiến của bà con nông dân. Nói theo lời thầy, hiện nay vùng ĐBSCL có rất nhiều nông dân có kinh nghiệm, không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt mà còn thủy sản, cơ khí. Nông dân có thể hơn một người kỹ sư ở việc họ được tiếp xúc với thực tế hàng ngày.
Dừng chân tại trang trại cây giống của ông Thanh, thầy Xuân chia sẻ, đây được xem là người giàu kinh nghiệm và đam mê khi mang nhiều giống mới về vùng đất này, rồi trồng và nhân giống để cho bà con nông dân trong vùng cùng trồng theo, dần dần cây giống của ông đã lan truyền rộng ra cả vùng ĐBSCL và cả nước.
Vốn là người đam mê về các loại cây ăn trái, ông Thanh có thói quen, nơi nào có cây tốt, cây lạ và xu thế thị trường ưa chuộng ông lại sưu tầm, trồng thử nghiệm để tìm ra những điểm nổi trội, xem xét tính ổn định của cây, từ đó tuyển chọn theo tự nhiên để có được những cây tốt nhất chọn tạo làm cây giống đầu dòng.
Ông cho biết, để một cây giống được công nhận là cây đầu dòng, nông dân phải trải qua 8 năm trồng và 3 năm thử nghiệm, tổng cộng 11 năm. Tuy chi phí không cao nhưng thời gian lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và yêu nghề của nông dân.
Doanh nghiệp của ông Thanh có tuổi đời đã 35 năm, trên quy mô diện tích 2ha, ông sở hữu khối gia tài cây giống đầu dòng lớn và đa dạng, gồm 27 cây giống đầu dòng và khoảng 60 vườn cây giống đầu dòng. Với các giống cây ăn trái như: Sầu riêng, mít, bưởi, ổi ruby, đặc biệt là giống cây chủ lực bơ sáp lùn hiện đang được thị trường rất ưa chuộng.
Bơ sáp lùn một loại bơ đặc biệt với khả năng cho trái sớm từ 14 – 16 tháng và có thể thu hoạch được liên tục trong vòng 7 tháng, sản lượng mỗi cây trung bình từ 100 – 150kg, hơn nữa trọng lượng mỗi trái có thể đạt 700gr. Ông Thanh khá tự tin đầu tư phát triển giống cây này bởi giá bán hiện nay không dưới 60.000 đồng/kg.
Có dịp ghé thăm vườn bơ sáp lùn vào tháng 8 vừa qua, ngay thời điểm bơ chín, thầy Xuân đánh giá, giống bơ này có vị hơi ngọt, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng ở các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu. Bên cạnh đó, hiện nay doanh nghiệp này đang ghép hơn 20.000 gốc mít cam đào từ các cây đầu dòng đã được công nhận.
Sự bảo hộ chặt chẽ các giống cây đầu dòng của địa phương, cũng tạo niềm tin cho nông dân yên tâm phát triển sản xuất, khi cây giống được "đăng ký bản quyền" đồng nghĩa lợi ích của những nông dân tâm huyết với nghề làm cây giống như ông Thanh được đảm bảo. Bên cạnh đó, còn giúp các nhà vườn trong tỉnh tiếp cận với các giống cây trồng chất lượng.
Chỉ lên bản đồ cây ăn trái thế giới, thầy Xuân phân tích, Việt Nam hiện đang đi sau một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan. Đối với trái cây, Việt Nam vẫn còn xuất hiện hạn chế ở các thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc. Để khuyến khích nông dân phát triển từ trồng cây ăn trái nói chung, thầy Xuân cho rằng, cần tính toán mở rộng quy hoạch diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL.
Bên cạnh đó về mặt chính sách, thầy Xuân nhận định: “Hướng lâu dài để phát triển ĐBSCL không phải để đồng bằng là vựa lúa, cần tầm nhìn rộng hơn là phát triển cây ăn trái”.
Để làm được điều này, vùng sản xuất cây ăn trái cần phải nhân rộng một cách bài bản, có diện tích lớn, đi kèm với vùng sản xuất cây giống, trái, cơ sở chế biến. Thầy Xuân tin tưởng, cách làm này, sẽ giúp nông dân ĐBSCL và cả nước có rất nhiều cách làm độc đáo trong thời gian tới. Không những nông dân giàu lên mà thế giới cũng hạnh phúc khi ăn được những trái cây ngon, ngọt của Việt Nam.