GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp

GS.TS Đỗ Năng Vịnh - Thứ Năm, 10/10/2024 , 14:04 (GMT+7)

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Di truyền Nông nghiệp, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của GS.TSKH Phan Phải.

GS Phan Phải đánh giá giống ngô DT6, Ba Vì - Hà Tây, 1988. Ảnh: Tư liệu.

GS.TSKH Phan Phải là người sáng lập Viện DTNN, là nhà khoa học xuất sắc, một nhân cách lớn, một người anh và một người bạn thân thương, kính mến của tất cả chúng tôi - những người hoạt động trong lĩnh vực di truyền học ở Viện DTNN.

GS.TS Phan Phải - Một nhà khoa học, nhà tổ chức hệ thống nghiên cứu xuất sắc với tầm nhìn rộng lớn bao quát thực tiễn và tương lai sáng sủa của ngành di truyền học

Năm 1979, TSKH Phan Phải về nước thành lập Phòng thí nghiệm Di truyền tại Viện Khoa học Việt Nam (KHVN), nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST). Trước khi về nước, ông đã chuẩn bị một đội ngũ các nhà khoa học (KH) xuất sắc, được đào tạo cơ bản ở trong và ngoài nước. Ông còn mang về nước những nguồn gen quý từ nước ngoài để phục vụ chọn tạo giống mới. Ngay từ những năm ở Moscow, ông đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế với các viện nghiên cứu và trường đại học, các công ty dịch vụ nông nghiệp ở Liên Xô, đặc biệt là với Viện Di truyền Đại cương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, nơi ông làm việc.

Sau khi thành lập Phòng Di truyền (năm 1979) và sau đó, thành lập Trung tâm Di truyền Nông nghiệp (DTNN) tại Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm (Bộ NN và CNTP) năm 1984, GS Phan Phải  đã tuyển chọn và gửi rất nhiều cán bộ ra nước ngoài thực tập, đào tạo tiến sỹ, TSKH (4 TSKH đã được đào tạo). Ông còn gửi một số ekip cán bộ và nhân viên phòng thí nghiệm đi Liên Xô, Bulgaria để thực tập sản xuất hạt lai F1 rau quả và đưa nhiều giống rau, cà chua năng suất cao về nước.

TSKH Phan Phải đã chuẩn bị sẵn những nền tảng cơ bản cho sự ra đời của một trung tâm khoa học chuyên ngành di truyền một cách sớm nhất, hoàn thiện tốt nhất bộ máy nghiên cứu ở tầm cao ngay từ khi còn ở nước ngoài (Những con người được đào tạo bài bản, các nguồn gen quý hiếm, các phương pháp và kỹ năng di truyền chọn tạo giống và quan hệ hợp tác quốc tế (HTQT) về khoa học và đào tạo).

GS Phan Phải - người có sức cuốn hút đặc biệt đối với đồng nghiệp, bạn bè, các nhà lãnh đạo quốc gia và bạn bè quốc tế

Nổi tiếng với các nghiên cứu về di truyền đột biến gen, với uy tín cá nhân, đồng thời nhờ tính cách nhân văn, hào hoa, phong nhã, nhân hậu, quan tâm sâu sắc đến con người, nhiệt tình, năng động, cởi mở, ông đã thu hút được sự quan tâm ủng hộ của nhiều lãnh đạo cấp cao của Nhà nước và được rất nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh, các nhà khoa học trong và ngoài nước tin tưởng, quý mến, sẵn sàng theo ông về nước làm việc cho ngành di truyền học.

Ông không chỉ quan tâm thu hút nhân tài, mà còn có những nỗ lực phi thường để giúp cán bộ phát huy tài năng, như: hợp lý hóa gia đình, đưa nhiều vợ con của các nhà khoa học từ các tỉnh, thậm chí từ thôn quê về Hà Nội, tạo công ăn, việc làm hợp lý cho từng người. Ông còn lo chu đáo xin đất làm nhà cho cán bộ, tăng thu nhập của họ thông qua phát động cao trào chuyển giao giống và kỹ thuật tới các HTX.

Nhờ các quan hệ HTQT, ngay từ ngày mới thành lập, Trung tâm DTNN đã tiếp thu được một số thiết bị nghiên cứu, phương tiện vận chuyển, Phòng thí nghiệm di động phân tích đất, nước,... từ Liên Xô; tiếp nhận chuyển giao giống mới và nhập khẩu phân bón, thuốc BVTV,... về nước phục vụ nghiên cứu. Rất tiếc, thời gian đó, Liên Xô đã rơi vào tình trạng khủng khoảng nghiêm trọng. Sau khi GS.TSKH Phan Phải qua đời, nhiều quan hệ quốc tế đã bị gián đoạn.

GS.TSKH Phan Phải là tấm gương sáng về sách lược hợp tác quốc tế. Ảnh: Tư liệu.

Nhưng TSKH Phan Phải đã thể hiện là tấm gương sáng về sách lược HTQT. Ông hoạt động không mệt mỏi để đào tạo nguồn nhân lực; thu thập các nguồn gen có giá trị cao; xây dựng quan hệ HTQT hữu hảo với các viện, trường ĐH, các công ty ở các nước thuộc hệ thống XHCN khi đó để sớm tạo ra một cơ sở nghiên cứu đồng bộ, hiện đại. Điều đó rất quan trọng trong điều kiện nước ta đang bị bao vây, cấm vận với nhiều khó khăn chồng chất sau chiến tranh ở thời bao cấp.

TSKH Phan Phải là một nhà tổ chức nghiên cứu khoa học sắc sảo với tầm nhìn xa: Mạnh mẽ trong nghiên cứu tri thức cơ bản, nhằm thẳng vào những vấn đề cốt lõi của thực tiễn

Ngay sau khi về nước, ông đã đề xuất thành lập Trung tâm Di truyền tại Viện KHVN và tuyên bố sẽ tập trung nghiên cứu trên 4 đối tượng quan trọng nhất của nông nghiệp nước nhà, đó là lúa, ngô, đậu tương, và các giống rau quả.  Rất tiếc, việc thành lập Trung tâm Di truyền gặp nhiều khó khăn và cuối cùng đã không thể thực hiện được tại Viện KHVN.

Nhiều cán bộ Viện KHVN khi đó đã bàn tán sôi nổi rằng trong viện đang xảy ra cuộc đấu giữa “hạt cơ bản” (ý là Vật lý lý thuyết về hạt cơ bản) và “Hột cơ bản” (ý nói là hạt lúa, ngô, đậu tương, giống rau quả). Thực chất, đây là cuộc đấu tranh về định hướng nghiên cứu trong thời kỳ cả nước ở trong tình trạng nghèo đói sau chiến tranh.

Di truyền học với “Hột cơ bản” đang là yêu cầu nóng bỏng nhất của thực tiễn. Trong thời gian đó, tại Viện Sinh học, các đối tượng nghiên cứu thực vật chủ yếu là bèo hoa dâu, tảo, điều tra tài nguyên và phân loại thực vật. Việc TSKH Phan Phải chủ trương quyết liệt tập trung vào 4 cây trồng chủ lực của nông nghiệp là một quyết định đúng đắn, đột phá, tập trung nghiên cứu di truyền chọn tạo giống mới.

Trong khi, rất nhiều nhà khoa học tài năng của chúng ta, thường chỉ đặt vấn đề nghiên cứu những gì đã từng được học, được dạy, xa rời, thờ ơ hoặc chậm thích ứng với thực tiễn đất nước. Thêm vào đó là những hạn chế không nhỏ của lãnh đạo về dự báo chiến lược, khả năng tổ chức hệ thống nghiên cứu đồng bộ, thống nhất, đoàn kết và tầm nhìn thực tiễn còn hạn hẹp. Kết quả đã dẫn đến lãng phí các nguồn nhân lực và tài chính.

Các nhà KH xuất sắc, khao khát nâng nghiên cứu cơ bản lên tầm cao thế giới, nhưng đã rất ít thành công; đồng thời họ cũng không thể tìm cách đặt chân lên mảnh đất thực tiễn. Lên cao không được, xuống thấp không xong, đó là tình trạng “Chân không đến đất, cật chẳng đến trời” của KH, rất tiếc tình trạng đó vẫn còn khá phổ biến cho đến nay. Do vậy, đã hạn chế việc đầu tư nghiên cứu phát triển những vấn đề khoa học cơ bản nhằm vào ứng dụng thực tiễn.

TSKH Phan Phải đã vượt qua những hạn chế khá phổ biến trên đây. Ông là nhà tổ chức nghiên cứu khoa học sắc sảo với tầm nhìn xa: Mạnh mẽ trong nghiên cứu tri thức cơ bản nhằm thẳng vào giải quyết những vấn đề cốt lõi của thực tiễn.

TSKH Phan Phải là nhà khoa học đi tiên phong trong quảng bá, tuyên truyền, diễn thuyết, giảng bài, trình diễn thành tựu về di truyền học và những khả năng ứng dụng thực tiễn to lớn của nó

Thời gian sau năm 1975, ở nước ta, di truyền học chưa được phổ biến rộng rãi. Một phần, do ảnh hưởng của thuyết Lysenko ở Liên Xô và không khí chống di truyền học còn rơi rớt. Một phần, cũng do lực lượng nghiên cứu về di truyền ở nước ta còn rất mỏng. Nên rất ít người được thông tin về khoa học di truyền.

Một lần, ngẫu nhiên chúng tôi còn được nghe, một giáo sư lãnh đạo ở một viện nghiên cứu nông nghiệp lớn trong nước, nói với giọng châm chọc: “Di truyền học là cái gì nhỉ? Làm gì có di truyền học!” khi nghe nói về việc chuẩn bị thành lập Trung tâm DTNN ở Bộ NN và CNTP. Thật đố kỵ và mỉa mai!

Nhiều khi, chúng tôi, anh em khoa học trẻ khi đó, cảm thấy rất rõ hình ảnh “Gà mái đứng cửa chuồng” trong lãnh đạo hệ thống khoa học còn yếu kém của nước nhà. Trước những đố kỵ và chia rẽ trong tổ chức hệ thống khoa học đã hạn chế sức mạnh tổng thể của khoa học nước nhà. Nhà khoa học lớn chưa chắc đã là một nhân cách lớn. Một nhà khoa học lớn chưa chắc đã là một trí thức lớn, một “chính nhân quân tử”. Họ trở thành rào cản tài năng quốc gia.

Vì vậy, ngay sau khi về nước, TSKH Phan Phải đã mở một “chiến dịch” giảng bài, diễn thuyết về di truyền học dựa trên các kết quả nghiên cứu xuất sắc, đầy hấp dẫn của cá nhân ông ở nhiều nơi như tại Viện KHVN, các trường đại học, viện nghiên cứu, các địa phương và các công ty trong cả nước với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh viên, giảng viên và cán bộ tham dự.

GS.TSKH Phan Phải (ngoài cùng bên phải) thời kỳ Trung tâm Di truyền nông nghiệp mới được thành lập. Ảnh: Tư liệu.

Ông đã dành thời gian gặp gỡ lãnh đạo nhà nước, các địa phương ở Hà Nội, TP HCM, Tây Nguyên, các tỉnh trung du miền núi, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long để thuyết trình về di truyền, giới thiệu giống mới, đồng thời lĩnh hội những vấn đề thực tiễn cấp bách từ các địa phương.

Khi đó, ở nước ta, không chỉ thiếu lương thực, thực phẩm, rau quả, mà còn, rất khó khăn trong đi lại; tình trạng bế quan tỏa cảng, thiếu cơ chế, chính sách cởi mở trong sản xuất, thương mại. Nói chung là bí đường, bí chợ, bí lưu thông. Mặc dù nhiều khó khăn, ông Phan Phải đã dẫn dắt các nhà KH xông pha vào thực tiễn ở nhiều tỉnh và vùng kinh tế để chuyển giao các tiến bộ về giống và kỹ thuật.

TSKH Phan Phải đi tiên phong, mở đường trong việc xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở nghiên cứu khoa học với các công ty và địa phương

Sau hòa bình, nước ta bị phong tỏa kinh tế và thương mại, đồng thời rất thiếu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa tối cần thiết, trong đó có một số loại giống rau quả, dầu thực vật, nhất là dầu phanh cho ô tô và các thiết bị vận tải khác.

GS Phan Phải đã gặp gỡ và làm việc với Công ty AGRIMEX ở Sài Gòn. Hai bên đã nhất trí ký kết hợp đồng với nội dung: Phòng Di truyền sẽ cung cấp cho AGRIMEX 4 tấn hạt giống thầu dầu và chuyển giao các kỹ thuật canh tác thầu dầu cho công ty với mục tiêu phát triển thầu dầu quy mô lớn để sản xuất dầu phanh ở Tây Nguyên. Đồng thời, AGRIMEX sẽ cung cấp cho viện 16 tấn phân đạm, 4 tấn xăng (những vật tư chiến lược quý hiếm khi đó) và cung cấp các điều kiện ăn ở, đi lại tốt cho các nhà KH để thực thi hợp đồng.

Ngay sau khi ký kết hợp đồng, AGRIMEX đã chuyển cho phòng (khi đó ở Viện KHVN) 4 tấn xăng để phục vụ đi công tác. Nhưng khi xăng chưa kịp đổ vào bể chứa của Viện, một cán bộ của phòng vật tư của Viện KHVN đã báo cho công an. Kết quả là xăng bị thu hồi, hợp đồng bị hủy và kèm theo rất nhiều hệ lụy.

Với tính cách mạnh mẽ, năng động, TSKH Phan Phải không muốn, không chịu ngồi chờ, dựa dẫm chỉ vào ngân sách còn rất nghèo nàn của Nhà nước. Ông tìm kiếm các nguồn đầu tư bổ sung thông qua liên kết với các địa phương, các HTX, công ty để chuyển giao giống mới và nhận lại từ địa phương một số nhu yếu phẩm giúp đỡ khó khăn cho cán bộ.

Nhưng một số việc làm đổi mới, “phá cách” khi đó đã bị vướng vào những quy định của Nhà nước thời kỳ trước đổi mới, nên khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng ông đã thành công trong việc chỉ ra cho chúng tôi những con đường đi vào thực tiễn để nuôi dưỡng hoạt động chuyên môn đến tận ngày nay.

Thành lập Trung tâm DTNN tại Bộ NN và CNTP - Các nhà khoa học như “cá gặp nước”

Giống như một sinh vật mới thoát thai, nó sẽ bị áp lực của môi trường sống. Một tổ chức khoa học mới ra đời cũng vậy. Những câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại, phát triển hay không phát triển, tiến hóa hay suy thoái và biến mất?” là thường trực đối với thế giới sống, trong đó có con người. Đó cũng là những câu hỏi đặt ra với một tổ chức nghiên cứu mới.

Tôi nhớ, trong quyển “Giã từ vũ khí” của Ernest Hemingway có câu:” Hạt dẻ rừng chẳng đáng bao lăm, nhưng biết đâu một ngày kia nó sẽ trở thành cây đại thụ đấy”. Nhưng một hạt mầm mới có thể do vô tình hay hữu ý bị giẫm nát khi còn ở dưới đất đen. Chỉ có những lãnh đạo có tâm, có tầm mới có thể phát hiện và nâng đỡ để những mầm mới đâm chồi, bung ra khỏe mạnh, đơm hoa, kết trái dưới mặt trời.

Phòng di truyền đã một lần bị thui chột ở Viện KHVN, liệu sinh mệnh sẽ ra sao ở Bộ NN và CNTP. Đôi khi nhìn lại lịch sử văn minh, tôi lại nhớ một câu văn cay đắng của nhà văn Pháp Romain Rolland, giải thưởng Nobel văn học năm 1915, trong quyển “Jain Christophe”: “Tư tưởng mới muốn nở hoa cần phải được tưới bằng máu”. Những mầm mới trong khoa học cũng không phải dễ dàng phát sinh, phát triển.

Nhưng trong cái rủi có cái may, trong khi Viện KHVN không đồng ý thành lập Trung tâm Di truyền, thì với sự ủng hộ của Lãnh đạo Hội đồng bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ NN và CNTP, khi đó là ông Nguyễn Ngọc Trìu, đã hoan nghênh tiếp nhận toàn bộ cán bộ Phòng Di truyền, Viện KHVN về Bộ NN và CNTP để thành lập Trung tâm DTNN. Thật là, như “cá về với nước”. Sự nghiệp vẻ vang “Di truyền học phục vụ nông nghiệp” của Viện DTNN bắt đầu từ đó.

Chuyển hóa kết quả nghiên cứu thành công nghiệp và sản xuất quy mô lớn

Tiếp theo truyền thống kết nối KH với các địa phương và công ty do GS Phan Phải gây dựng, năm 1994, Viện DTNN sau 5 năm thành lập đã được Bộ NN và CNTP phê duyệt thành lập Trung tâm Công nghệ Sinh học Thực vật. Trung tâm thực chất là một doanh nghiệp, hoạt động theo luật doanh nghiệp. Đây là một doanh nghiệp đầu tiên trong nước hoạt động sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ sinh học do các nhà KH đề xuất thành lập.

Viện DTNN, được sự dẫn dắt của Giáo sư Phan Phải, đã trở thành viện khoa học đi tiên phong trong giải quyết vấn đề quan hệ giữa KH và thực tiễn; giữa viện nghiên cứu với các công ty, doanh nghiệp, các địa phương và nông dân. Giáo sư Phan Phải khẳng định quan hệ với các địa phương và doanh nghiệp là con đường cốt lõi để khoa học đi vào công nghiệp và thực tiễn.

Viện Di truyền Nông nghiệp ngày nay.

Tiếp theo, Viện đã thành lập Trung tâm Nấm ăn và Nấm dược liệu (cũng là một doanh nghiệp nghiên cứu) và Công ty ứng dụng vi sinh vật vào nông nghiệp với nhiều thành tựu ứng dụng xuất sắc. Với các giống mới và công nghệ nhân giống nhanh, sạch bệnh, Viện đã chuyển giao giống và công nghệ nhân giống cho nhiều địa phương, công ty và nông dân tiên tiến.

Nhiều giống mới như các giống lúa, giống mía năng suất cao, giống cam chanh không hạt sạch bệnh, chất lượng, năng suất cao, đã đóng góp đáng kể cho phát triển công nghiệp mía đường, công nghiệp cây ăn quả, công nghiệp lúa gạo chất lượng cao, đặc biệt là các giống lúa Japonica như DS1, J02, J01, J03, TBJ1, VAAS 16,... góp phần quyết định vào việc xuất khẩu gạo Japonica chất lượng, giá thành cao.

Thành lập các bộ môn nghiên cứu di truyền học mang tầm thời đại

Ngày nay, nhân loại đã nhận thức rõ vai trò quyết định của gen và hệ thống gen đối với  mọi đặc tính của cơ thể sống, đa dạng sinh học cũng như tiến hóa của sinh giới. Di truyền học với chức năng nghiên cứu cơ bản về gen, hệ thống gen, hoạt hóa của gen và di truyền tính trạng, di truyền tiến hóa và chọn tạo giống mới; đã trở thành ngành khoa học trụ cột, xương sống, mũi nhọn của các khoa học sinh học và là công cụ hữu hiệu nhất để cải tạo sinh giới, bao gồm cả con người.

Lần đầu tiên ở nước ta, tại Trung tâm DTNN đã thành lập 5 bộ môn khoa học cốt lõi trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng di truyền học, đó là: Bộ môn Đột biến và Đa bội thể, Bộ môn Ưu thế lai, Bộ môn Sinh học Phân tử, Bộ môn Nuôi cấy mô tế bào, Bộ môn di truyền Vi sinh. Tất cả các bộ môn này đã không ngừng phát triển và đã đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của thực tiễn.

Đột biến và ưu thế lai là hai giải pháp tạo giống hữu hiệu nhất trên toàn thế giới cho đến ngày nay. Bộ môn “Đột biến và Đa bội thể” và Bộ môn “Ưu thế lai” đã thể hiện là hai bộ môn chủ lực trong ứng dụng di truyền học vào chọn tạo giống cây trồng, góp phần chủ đạo đưa vào sản xuất 78 giống quốc gia thuộc bản quyền Viện DTNN. Đặc biệt là nhiều giống lúa và giống đậu tương đã được phổ biến trên quy mô lớn trên toàn quốc ngay sau ngày thành lập Trung tâm DTNN như giống lúa năng suất cao DT10, giống đậu tương DT84. Thành tựu chọn tạo giống bằng đột biến của viện đã được quốc tế ca ngợi và công nhận.

Viện Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã trao tặng cho Viện Di truyền Nông nghiệp giải thưởng “Thành tựu xuất sắc” trong ứng dụng đột biến tạo giống cây trồng. Hiện nay, Viện đang triển khai mạnh công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR Cas để gây tạo nhiều đột biến một cách chính xác ở cây trồng.

Bộ môn Sinh học phân tử đã đào tạo được nhiều các nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực di truyền phân tử và kỹ thuật gen cho các trường đại học và các viện nghiên cứu trong nước. Từ nguồn nhân lực của bộ môn này, Viện đã thành lập thêm Bộ môn Kỹ thuật gen, Bộ môn Bệnh học Phân tử, Phòng thí nghiệm Cây trồng chuyển gen (Phòng thí nghiệm GMO). Nhờ vậy, Viện đã tiếp cận được các công nghệ di truyền hiện đại như giải trình tự gen, phát hiện chức năng gen và các chỉ thị phân tử của các gen quan trọng ở cây trồng.

Nhờ những nghiên cứu cơ bản về gen, Viện đã phát triển ứng dụng vào thực tiễn các phương pháp chọn tạo giống phân tử, chuyển gen, chẩn đoán bệnh ở cây trồng, giải trình tự hệ thống genome cây lúa, ứng dụng chỉnh sửa gen (genome editing) vào chọn tạo giống mới. Ứng dụng công nghệ lai tích lũy và chọn giống phân tử, Viện đã thành công chọn tạo được nhiều giống dòng lúa mang gen quý: Các dòng giống chịu ngập (KI2, SHPT2, SHPT3, SHPT6, HL5); chịu mặn (OM22, SHPT4, Bắc Thơm-Saltol; giống lúa KR1 mang hai gen kháng rầy nâu Bph3BphZ; giống lúa mang đa gen kháng bệnh đạo ôn (NB-01, NBT1, NBK và NBF, AGI-1, AGI-2) tích hợp từ 1- 2 gen kháng bệnh đạo ôn hiệu quả (Pik-h, Piz-5); các dòng giống triển vọng mang các gen kháng bạc lá (DT45, DT46, DT47, DT57, DT66, DT81, DT82, DT86, DT88... ) mang từ 1-4 gen kháng bạc lá.

Từ những thành tựu nghiên cứu nổi trội về công nghệ tế bào và ứng dụng, Bộ môn Nuôi cấy mô tế bào đã được Chính phủ và Bộ KHCN, Bộ NN-PTNT phê duyệt cho thành lập Phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) Công nghệ Tế bào thực vật, một trong 5 PTNTĐ đầu tiên ở nước ta thuộc lĩnh vực các công nghệ sinh học tiên phong.

Nhờ có đội ngũ khoa học (24 tiến sỹ đã được đào tạo mới ở các phòng thí nghiệm tiên tiến quốc tế), cơ sở hạ tầng tốt, định hướng nghiên cứu rõ ràng, PTNTĐ đã thu hút được các trung tâm nghiên cứu nổi tiếng thế giới để thành lập 3 phòng thí nghiệm Liên kết quốc tế, đó là Phòng thí nghiệm liên kết quốc tế Việt Pháp “Chức năng hệ thống gen cây lúa và công nghệ sinh học cây trồng”, gọi tắt là LMI Rice, trọng tâm là cây lúa, cà phê và các bệnh cây; Phòng thí nghiệm liên kết 3 bên gồm PTNTĐ, Viện DTNN - Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) và RIKEN (Nhật Bản), tập trung nghiên cứu cây sắn; Phòng thí nghiệm Việt Mỹ về Kỹ thuật gen, trọng tâm là cây đậu tương.

TSKH Phan Phải và TSKH Trần Duy Quý. Ảnh: Tư liệu.

Nhờ HTQT theo chiều sâu, mỗi năm có hàng chục giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học giỏi quốc tế làm việc thường xuyên tại PTNTĐ (2-4 năm) hoặc ngắn hạn, tham gia hội thảo, giảng bài, chuyển giao các kỹ thuật công nghệ sinh học mới. Bên cạnh đó, PTNTĐ luôn có từ 5-10 nhà khoa học trẻ làm việc dài hạn, ngắn hạn hoặc thực tập ở các nước.

Phòng TNTĐ nghiên cứu cơ bản chuyên sâu về tế bào, phân bào và phân hóa tế bào, tạo giống sạch bệnh in vitro và nhân nhanh giống cây trồng góp phân xây dựng công nghiệp nhân giống thương mại đối với các cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, dược liệu và cây hoa, cây cảnh quý.

Lần đầu tiên ở nước ta, PTNTĐ triển khai nghiên cứu phát hiện các gen, dấu chuẩn phân tử (QTSs) quy định tính trạng cấu trúc bộ rễ và bông lúa. Phát hiện và lập bản đồ các gen quy định cấu trúc bộ rễ liên quan đến sức khỏe của cây lúa và khả năng chịu hạn; các gen và QTLs liên quan tính trạng cấu trúc bông lúa (độ phân nhánh bông, số hạt/ bông, độ lớn của bông lúa, hạt lúa và năng suất).

Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ tương tác trên toàn hệ gen (GWAS - Genomic Wide Association Study) đã xác định được 17 QTLs kiểm soát các tính trạng chịu hạn (cấp chống chịu hạn, trạng thái nước, khả năng phục hồi sau hạn, tốc độ sinh trưởng), 13 QTLs kiểm soát tính trạng sinh trưởng, phát triển bộ lá và 29 QTLs mới liên quan đến cấu trúc bông và năng suất các giống lúa, nhằm ứng dụng trong chương trình chọn tạo giống. Sử dụng tin sinh học trong quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu genom. Lập bản đồ các tính trạng liên quan đến năng suất, chất lượng và tính chống chịu ở cây lúa và cây sắn.

PTNTĐ Công nghệ tế bào thực vật hiện là một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu về nguồn gen các giống sắn với tập đoàn hơn 600 giống sắn trên thế giới. Giai đoạn 2018-2022, Phòng thí nghiệm phát triển kỹ thuật nhân nhanh giống sắn, khảo nghiệm, đánh giá tính kháng của 339 dòng/giống sắn từ nhiều nguồn vật liệu di truyền khác nhau (136 giống nhập nội, 100 dòng/giống sắn trong bộ sưu tập của Việt Nam, 100 dòng sắn chiếu xạ từ giống KM94 và 3 giống đối chứng KM419, KM140 và KM94) và đã chọn được 43 giống kháng với bệnh khảm lá do virus; trong đó đã chọn được 7 giống đạt năng suất từ 40-50 t/ha, hàm lượng tinh bột từ 24-33% và hệ số thu hoạch trên 60%. PTNTĐ đã ứng dụng kỹ thuật di truyền tạo ra các dòng/giống ngô kháng sâu, kháng thuốc diệt cỏ, chịu hạn; đậu tương kháng thuốc diệt cỏ, chịu hạn; sắn tăng năng suất, chịu đất nghèo nitơ; đã nghiên cứu ứng dụng hoàn thiện Công nghệ chỉnh sửa hệ gen trên cây sắn và cây lúa.

PTNTĐ đã ứng dụng thành công Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật trên quy mô công nghiệp, chuyển giao giống và công nghệ nhân giống in vitro, sạch bệnh cho các công ty lớn và hàng chục trung tâm nhân giống thương mại ở các tỉnh, thành phố; góp phần xây dựng công nghiệp nhân giống cây trồng ở nước ta như chuối, mía, dứa, dừa sáp, cây ăn quả có múi sạch bệnh, không hạt, nhiều cây dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, lan Gấm, lan kiều tím, hài Vân Bắc, hài lông, ba kích....

Đặc biệt, thông qua hợp tác với Pháp, PTNTĐ (dưới sự điều phối chung của VAAS) đã nhập nội được 5 giống cà phê chè lai F1 mới, năng suất cao, vượt trội 20-30% chất lượng cà phê thượng hạng so với các giống cà phê chè thuần (Catimor). Đồng thời, đã ứng dụng thành công phương pháp nhân nhanh giống cà phê F1 ứng dụng công nghệ biorector thế hệ mới và vi cắt chồi do các nhà khoa học Pháp chuyển giao. PTNTĐ đang hợp tác với Tập đoàn Detech để nhân giống và triển khai các giống cà phê F1 ưu thế lai cao tại Sơn La. Các nhà khoa học tin tưởng, các giống cà phê lai F1 sẽ tạo ra cuộc cách mạng xanh cà phê trong tương lai gần.

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, PTNTĐ đã chủ trì và tham gia 41 đề tài, dự án trong nước và quốc tế thuộc các lĩnh vực di truyền và công nghệ sinh học hiện đại. PTNTĐ đã chọn tạo và tham gia chọn tạo, đưa vào sản xuất 32 giống cây trồng, trong đó có 9 giống lúa chất lượng và năng suất vượt trội; 7 giống sắn, trong đó có 6 giống năng suất cao, kháng bệnh khảm lá; 4 giống lạc; 3 giống mía; 5 giống cam, quýt không hạt sạch bệnh và nhiều giống giống cây ăn quả và cây công nghiệp khác. PTNTĐ đã công bố 120 bài báo trên các Tạp chí Quốc tế và 186 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước. Các công trình công bố đều có chất lượng cao.

Kết quả trên đây cho thấy, cả 5 bộ môn nghiên cứu do GS.TSKH Phan Phải thành lập năm 1984 đều phát triển rất thành công sau 40 năm hoạt động. Năm nay, Viện kỷ niệm 40 năm thành lập viện và 35 năm ngày mất của GS Phan Phải. Ông về nước năm 1979 và đã phải vật lộn 5 năm mới thành lập được Trung tâm DTNN tại Bộ NN và CNTP, và phải mất 5 năm nữa để khẳng định vị thế của di truyền học trong ngành nông nghiệp.

GS Phan Phải đánh giá giống lúa DT10 ở Hải Dương, tháng 5/1989. Ảnh: Tư liệu.

Năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định chính thức chuyển Trung tâm DTNN thành Viện DTNN. Năm 1989 cũng là năm GS Phan Phải ra đi Vĩnh viễn tại Bulgaria, trong chuyến đi dài ngày qua 3 nước, Cu Ba, Liên Xô, Bulgaria để xây dựng quan hệ HTQT.

Cổ nhân có câu “Đường đi ngàn dặm, bắt đầu từ bước đầu tiên”. Khoa học là con đường đi dài, khó khăn. Khoa học không phải là thứ “Mì ăn liền”. GS.TSKH Phan Phải đã chuẩn bị sẵn những trụ cột vững chắc, thúc đẩy “bước đầu tiên” cho phát triển ngành di truyền học. Những trụ cột đó đã trở thành cơ đồ chắc chắn cho sự phát triển Viện DTNN. Đó cũng là những bài học quý giá nhất Giáo sư để lại cho thế hệ chúng tôi:

  • Nhà khoa học, dù đi xa, học tập, làm việc ở bất cứ đất nước nào trên thế giới, vẫn nên hướng về quê hương đất nước và dõi theo những vấn đề thực tiễn quốc gia.
  • Khoa học là quá trình phát triển tập thể nhiều thế hệ và có tính kế thừa; muốn làm khoa học phải kết nối thế hệ và thu hút nhân tài được đào tạo tốt.
  • Tài nguyên di truyền đối với khoa học như vật liệu xây dựng những lâu đài tráng lệ, chú trọng thu thập tài nguyên di truyền từ trong và ngoài nước để tiếp tục nghiên cứu trên các nguồn vật liệu ưu tú.
  • Không ngừng tìm kiếm và xây dựng quan hệ HTQT để phát triển khoa học nước nhà sớm đạt tầm cao quốc tế.
  • Chọn lọc và đưa về nước những tư tưởng và giải pháp khoa học tiên tiến nhất, chuyển hóa chúng thành những hạt giống phát triển mạnh mẽ trên mảnh đất thực tiễn của nước nhà.
  • Khoa học là sự nghiệp quốc gia dân tộc, nhà khoa học phải rèn luyện thành người trí nhân có tâm và có tầm nhìn thời đại.

Chúng tôi đã biết nhiều nhà khoa học lớn của nước nhà, nhưng có được một viện trưởng, một nhà khoa xuất sắc, có tâm, có tầm, năng động và tâm huyết, quý mến và trân trọng con người như GS Phan Phải thật không phải dễ.

Năm 1986, Nhà nước quyết định đổi mới, mở cửa đất nước và phát triển kinh tế thị trường. Nhờ vậy, Việt Nam đã trở thành một quốc gia phát triển kinh tế sôi động nhất thế giới. Nhưng đối với KH-CN, cửa vẫn chưa mở. Cơ chế quản lý và đầu tư KH-CN hầu như không thay đổi, thậm chí, nếu không nói, còn tệ hơn. Các nhà khoa học đầu đàn xuất sắc từ ngày viện thành lập năm 1984, nay đã về hưu. Hàng chục nhà khoa học trẻ, tài năng đã lần lượt ra đi, làm thuê cho các công ty hay các viện nghiên cứu nước ngoài, để lại một khoảng trống vắng nhân tài rất lớn chưa biết đến bao giờ mới có thể bù đắp lại. Vấn đề tồn tại hay không tồn tại, phát triển hay không phát triển? Phát triển như thế nào vẫn còn nhức nhối.

Mỗi lần gặp khăn, chúng tôi lại nhớ đến ông, GS Phan Phải, một con người mà chúng tôi yêu kính và biết ơn bởi khát vọng đổi mới ở ông luôn sôi sục!

GS.TS Đỗ Năng Vịnh
Tin khác
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.