Dấn thân vào con đường nghiên cứu
Vượt lên hoàn cảnh, sau khi tập kết ra Bắc cùng cha, ông đã thi đỗ vào khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1959) rồi được cử đi học Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Maxcơva (1959-1962). Khi về nước ông Phan Phải là Trưởng bộ môn Di truyền học, Bí thư chi bộ khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1963-1967).
GS Phan Phải đánh giá giống ngô DT6, Ba Vì - Hà Tây, 1988. |
Từ giữa những năm 50 - 70 của thế kỷ XX, do ảnh hưởng của học thuyết Di truyền học Mitsurin – Lưxenco ngự trị ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trong đó có Việt Nam, vật chất di truyền, tính di truyền chưa được thừa nhận.
Quan điểm đang thịnh hành lúc đó là có thể dùng môi trường để tác động thay đổi tính di truyền, gây tạo biến dị có ích ở sinh vật, họ đưa ra cái gọi là học thuyết xuân hóa - dùng xử lý lạnh âm độ để biến giống lúa mỳ mùa đông thành lúa mỳ mùa xuân, dùng gốc ghép để biến đổi di truyền mắt ghép, dùng môi trường để tăng năng suất, huấn luyện tính thích ứng của giống cây trồng vật nuôi, và coi đó là hướng đi chủ đạo để tăng năng suất, cải thiện khả năng thích nghi của cây trồng, vật nuôi. Học thuyết này có một vài trường hợp thành công song hầu hết các trường hợp đều đã vấp phải thất bại cả về lý thuyết và thực tiễn, không đem lại kết quả mong muốn đóng góp cho sản xuất.
Trong khi đó, từ cuối thế kỷ 19, một loạt các phát minh vĩ đại về di truyền học như Định luật Di truyền Menden – Morgan, trong đó nhà khoa học Menden chứng minh có gen - vật chất di truyền ở mức độ cơ thể qua các phép lai các giống đậu Hà Lan.
Năm 1931 của thế kỷ 20, Morgan chứng minh vật chất di truyền – gen tồn tại ở mức độ tế bào trong nhiễm sắc thể ở ruồi dấm. Phát minh vòng xoắn kép ADN của Watson – Crick năm 1951 – 1953 là vật chất di truyền ở mức phân tử. Các công trình gây đột biến nhân tạo từ đầu thế kỷ 20 đã chứng minh con người bắt đầu có thể thay “thượng đế” biến đổi nhân tạo tính di truyền của sinh vật.
Thế mà, ở Việt Nam và Liên Xô lúc đó, những ai công nhận tính di truyền, vật chất di truyền của Học thuyết Mendel – Morgan đều bị coi là “duy tâm”, quan niệm này bị lạm dụng và chính trị hóa, những ai đi theo hướng này bị quy là “phản động” và bị truy bức, nó đã làm trì trệ, kéo lùi trên 50 năm phát triển của sinh học nói chung và di truyền học ứng dụng trong sản xuất.
Khi ấy quyết định của nhà khoa học trẻ Phan Phải chuyển hướng sang di truyền học Menden – Morgan là quyết định dũng cảm so với những người đương thời. Từ năm 1968-1972, giảng viên Phan Phải hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Viện Di truyền học phát triển, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô với đề tài: Đột biến thực nghiệm ở giai đoạn hợp tử và tiền phôi. Từ định hướng trong lịch sử tiến hóa sinh giới, ông đã nghiên cứu rồi tìm ra khả năng định hướng cho các chuỗi đột biến ở giai đoạn tiền phôi và hợp tử.
Với công trình này, nghiên cứu sinh Phan Phải chuyển hướng nghiên cứu sang lĩnh vực di truyền học nông nghiệp để chuyên sâu tìm ra quy luật của quá trình đột biến, gây đột biến định hướng dưới tác động của các tác nhân siêu đột biến vật lý và hóa học. Ông đã nhạy bén cập nhật điểm mới trong nghiên cứu khoa học về lĩnh vực di truyền để tạo một bước ngoặt trên con đường nghiên cứu di truyền học hiện đại.
Cùng với lợi thế có vốn tiếng Nga, tiếng Anh sâu rộng, đặc biệt về chuyên ngành, PTS Phan Phải được Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô mời ở lại làm cộng tác viên, trưởng ban đối ngoại của lưu học sinh Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Đây cũng là điều kiện để ông tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu.
Đến năm 1978, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học sinh học về đề tài: “Tính đặc hiệu của hoạt động đột biến sau giai đoạn phôi hình thành hợp tử ở thực vật và đột biến di truyền tự nhiên với biến đổi của cấu trúc hoa” tại Viện Sinh học Phát triển, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Khi ấy, ông được giới báo chí ở Liên Xô đánh giá là "Nhà phù thủy của châu Á” vì ông biến cánh hoa, đài hoa, nhụy hoa thành lá và ngược lại.
Với niềm tin mãnh liệt có thể sử dụng phương pháp di truyền chọn giống truyền thống đột biến thực nghiệm và lai hữu tính kết hợp với phương pháp sinh học phân tử hiện đại có thể tạo ra một tập đoàn phong phú nguồn vật liệu khởi đầu có ý nghĩa kinh tế phục vụ chọn tạo giống cây trồng mới, nhiệt huyết của GS.TSKH Phan Phải đã truyền cảm hứng, thu hút nhiều nhà khoa học trẻ đi theo con đường di truyền nông nghiệp mà ông dấn thân, lựa chọn.
Xây dựng đội ngũ và định hướng
Ngay từ thời gian làm cộng tác viên khoa học tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (1972-1978) Tiến sỹ Phan Phải đã giúp đỡ các đồng nghiệp ở Việt Nam và chỉ đạo trực tiếp nhóm nghiên cứu di truyền chọn giống ở Viện Khoa học Việt Nam do KS Trần Duy Quý đỗ thủ khoa sinh học khóa 1966-1970 chuyên ngành Di truyền học làm tổ trưởng.
GS Phan Phải đánh giá giống lúa DT10 ở Hải Dương, tháng 5/1989. |
Năm 1973, PTS Phan Phải đã giới thiệu ba sinh viên tốt nghiệp xuất sắc (bằng đỏ) về di truyền học tại Liên Xô về là Vũ Đức Quang tốt nghiệp ở Đại học Ki si nhốp, Lê Đình Hùng tốt nghiệp ở Đại học Ba Cu, Nguyễn Ngọc Cường tốt nghiệp ở Đại học Tổng hợp Yerevan bổ sung vào tổ di truyền học, Viện Khoa học Việt Nam và sau này thêm một số sinh viên tốt nghiệp ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Năm 1979, Tiến sĩ Phan Phải quyết định trở về Việt Nam để cống hiến cho ngành nông nghiệp giữa lúc đất nước còn muôn vàn khó khăn. Khi ấy, ông chuyển công tác và đảm nhiệm Trưởng phòng Di truyền học, trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Thời gian đầu thành lập Phòng Di truyền học, vấn đề nên làm khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng được bàn thảo rất nhiều. Tiến sĩ Phan Phải thì cương quyết theo quan điểm làm khoa học phải làm ra giống và kĩ thuật, phải chuyển giao được công nghệ khoa học cho người dân, tạo ra của cải, phục vụ cuộc sống.
Trước tình hình nước ta sau khi thống nhất còn rất nghèo đói, gạo chủ yếu là nhập khẩu, ông Phan Phải đã chủ trương định hướng cho Phòng Di truyền học tập trung nghiên cứu về các giống cây lương thực như: lúa, khoai, ngô, đậu tương và rau.
Thời điểm đó, trình độ sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn rất thấp so với thế giới, nhiều kết quả nghiên cứu của phòng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đòi hỏi TS Phan Phải xây dựng nhóm chuyên nghiên cứu kỹ thuật di truyền để ứng dụng công nghệ sinh học trong ngành nông nghiệp. Ngày nay các phương pháp đột biến nhân tạo đã trở thành vũ khí sắc bén cho di truyền chọn giống ở Việt Nam.
Được các nhà lãnh đạo của Hội đồng Bộ trưởng lúc đó như Phó Chủ tịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch Tố Hữu đã ủng hộ chuyển Phòng Di truyền học, Viện Sinh học, Viện Khoa học Việt Nam sang Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm.
Ngày 22/5/1984, ông Nguyễn Ngọc Trìu - Bộ trưởng Bộ NN-CNTP đã ký quyết định thành lập Trung tâm Di truyền nông nghiệp do TSKH Phan Phải làm Giám đốc. Trong đó phải kể đến 19 cộng sự tâm huyết với sự nghiệp di truyền để thành lập 5 bộ môn (Phòng thí nghiệm): Đột biến thực nghiệm, Ưu thế lai, Nuôi cấy mô tế bào, Di truyền tế bào, Kỹ thuật di truyền và Vi sinh vật.
Trong giai đoạn đầu, trung tâm được giao một số đề tài nhánh về chọn tạo giống thuộc Chương trình KHCN 01, KHCN 02 và ứng dụng các đề tài chọn tạo giống cây trồng. TSKH Phan Phải cùng với các cộng sự tạo ra được nhiều loại giống cây trồng có năng suất cao chất lượng tốt như: Giống lúa DT1, DT10, NN2298, ĐB250, DCM1 (giống lúa chịu mặn), MT1, MT4 (Mộc Tuyền). Trước đây giống lúa nếp cái hoa vàng dùng làm cốm Vòng chỉ cấy vào tháng 6 dương lịch nhưng bằng xử lý đột biến ông cùng các đồng nghiệp đã tạo ra giống nếp hoa vàng ĐV2 trồng hai vụ/năm; ngô DT6, giống đậu tương 3 vụ DT84 (hiện nay vẫn còn trồng chiếm 50% diện tích đại trà của cả nước, 85% ở các tỉnh phía Bắc), giống bắp cải chịu nhiệt.
TSKH Phan Phải với vai trò Giám đốc Trung tâm đồng thời là người chủ trì về chuyên môn đã có đóng góp rất quan trọng vào sự thành công của các đề tài này, góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển lên một bước mới cả về năng suất và chất lượng.
Không chỉ ghi nhận công lao của TSKH Phan Phải về mặt chuyên môn, mà ông là người đặt những viên gạch đầu cho việc xây dựng từ cơ sở vật chất đến việc xây dựng bộ máy quản lý, nhân lực, hoàn thiện hệ thống chức năng nhiệm vụ của Viện.
Mặc dù trực tiếp làm công tác quản lý nhưng GS.TSKH Phan Phải không rời xa sự nghiệp “trồng người”. Ông luôn nhiệt huyết, ý thức gieo mầm đào tạo những nhà khoa học, kỹ sư, kỹ thuật viên là nền tảng động lực để hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam mà ông theo đuổi. Nhiều thế hệ học trò do ông đào tạo “trọng dụng” cử đi học ở Liên Xô và các nước XHCN, đã trở thành những cán bộ đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp trong đó có nhiều người là nhà khoa học, nhà quản lý xuất sắc như GS.TS Nguyễn Hữu Đống, KS Phạm Bá Nhạ, GS.TSKH Trần Duy Quý, PGS.TS Mai Quang Vinh, GS.TS Lê Huy Hàm, GS.TS Đỗ Năng Vịnh, PGS.TS Phạm Xuân Hội, PGS.TS Đặng Trọng Lương, TSKH Đinh Luyện, PGS.TS Vũ Đức Quang, PGS.TS Nguyễn Đình Lạc, GS.TS Hoàng Tuyết Minh, PGS.TS Lê Thị Ánh Hồng, TS Nguyễn Ngọc Cường, KS Đàm Văn Khánh, KS Bùi Huy Thủy, KS Nguyễn Văn Khang… Họ đã chung lưng đấu cật cùng thầy mình trong những năm tháng khó khăn để hình thành đội ngũ các nhà di truyền chọn giống và công nghệ sinh học.
Kế tục sự nghiệp dang dở
Ngày 13/7/1989, ông Phan Phải có chuyến công tác ở Cu Ba do thời tiết nóng, đến Canada trục trặc máy bay nên chuyến bay tạm dừng vài ngày, khí hậu lạnh khiến ông bị thay đổi huyết áp, đến Nga ông lại làm việc căng thẳng, rồi sang Bungari thăm Dự án ưu thế lai cà chua hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học Bungari nên ông bị xuất huyết não.
Ngày 1/9/1989,TSKH, Viện trưởng Phan Phải đã trút hơi thở cuối cùng tại nơi đất khách quê người (Bungari). Ông ra đi quá sớm, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp còn đang dang dở, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Trong lễ tang TSKH Phan Phải được tổ chức ngày 13/9/1989 tại trụ sở của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm có đông đủ người thân, cộng sự, đồng nghiệp từ các tỉnh về viếng ông. Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông Phan Phải, năm 1989, nhà nước đã truy tặng Huân chương Lao động hạng Hai cho ông.
Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, tiền thân từ một phòng thí nghiệm Di truyền học tại Viện Khoa học Việt Nam. Đến nay, Viện Di truyền Nông nghiệp đã khẳng định được vị thế của mình, có rất nhiều đóng góp trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về di truyền và công nghệ sinh học. Nhớ lại những ngày đầu thành lập, mỗi cán bộ nhân viên của Viện Di truyền Nông nghiệp hôm nay đều không thể quên hình ảnh một nhà khoa học tâm huyết, một nhà quản lý có tầm nhìn, một người thầy mẫu mực đã tìm hướng đi, rồi dìu dắt họ vượt qua hành trình gian khổ từ lý thuyết sang ứng dụng, vượt qua các rào cản của thời cuộc để đạt được những thành quả thực tiễn trên đồng ruộng. Không ai khác, đó chính là GS.TSKH Phan Phải, người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp.
Di sản 30 năm nhìn lại
Đã 30 năm kể từ ngày GS.TSKH Phan Phải qua đời, ông đã để lại một di sản ngưỡng mộ, minh chứng thành công của việc chọn con đường đi, cách tiếp cận, chiến lược xây dựng đội ngũ nhân sự.
Viện Di truyền Nông nghiệp ngày nay. |
Thế hệ sau đã kế thừa, phát triển thành quả và định hướng từ đội ngũ những người sáng lập, tiêu biểu là GS.TSKH Phan Phải trong việc áp dụng phương pháp chọn giống truyền thống kết hợp với công nghệ sinh học hiện đại. Viện đã chọn tạo và đưa vào sản xuất 115 giống mới, trong đó 103 giống cây trồng các loại (45 giống lúa, 13 giống đậu tương, 3 giống rau, 16 giống hoa, 17 giống cây ăn quả, 5 giống mía, 3 giống sắn và 3 giống cây trồng khác), 12 giống nấm và 21 quy trình tiến bộ kỹ thuật đã được công nhận và áp dụng trong sản xuất. 18 giống cây trồng đã được cấp bằng bảo hộ giống. Bằng công nghệ tế bào thực vật và công nghệ gen: đã cho ra đời một tập đoàn vô cùng phong phú vật liệu khởi đầu mang nhiều đặc tính kinh tế, giải mã thành công hàng trăm giống lúa, một số virus bệnh cây trồng, lập bản đồ chọn giống bằng chỉ thị phân tử, hỗ trợ khảo nghiệm DUS, chuyển gen.
Năm 1995, Viện Di truyền Nông nghiệp được Tổ chức Đầu tư phát triển Nông nghiệp Châu Á tặng giải thưởng về các giống lúa đột biến có năng suất cao (DT10). Đến năm 2014, Viện Di truyền Nông nghiệp tiếp tục được nhận giải thưởng “Thành tựu xuất sắc trong 50 năm hoạt động của IAEA” do cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Nông lương Quốc tế (FAO) trao tặng. Phần thưởng này là sự ghi nhận những thành tựu mà Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam đạt được trong chọn tạo giống đột biến ở lúa và đậu tương, giúp đảm bảo an ninh lương thực và tăng thu nhập cho người nông dân.
GS.TSKH Phan Phải đã qua đời 30 năm, nhưng vẫn được người nông dân và các nhà khoa học đánh giá cao. Nhớ về ông là nhớ về một người anh, người bạn, người thầy lớn, ông vẫn sống trong ký ức của đồng nghiệp, bạn bè các đức tính dấn thân, hy sinh vì khoa học, vì sự nghiệp lớn, sống trong lòng họ không chỉ từ những kết quả, định hướng mà còn từ cuộc đời mẫu mực của ông.
Thế hệ hôm nay và mai sau vẫn luôn tự hào về nhà di truyền học lỗi lạc, người sáng lập nền di truyền nông nghiệp Việt Nam, những di sản sau 30 năm mà cố GS.TSKH Phan Phải để lại vẫn sống mãi như màu xanh của đồng ruộng Việt Nam.
Viện Di truyền Nông nghiệp qua 3 lần xây dựng, ngày nay đã tạo dựng cơ sở vật chất khang trang gồm tòa nhà chính 9 tầng với đầy đủ công năng là một đơn vị nghiên cứu di truyền học và công nghệ sinh học ứng dụng hàng đầu ở Việt Nam. Hiện nay, Viện đã có 383 cán bộ nhân viên, trong đó 248 cán bộ làm công tác nghiên cứu (2 giáo sư; 8 phó giáo sư; 24 tiến sĩ; 52 thạc sĩ và 135 CNV) làm việc tại trạm trại và chuyển giao công nghệ của Viện. Viện ngày nay có 5 bộ môn, 4 đơn vị sự nghiệp có tài khoản và con dấu riêng (1 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), có quan hệ hợp tác với hàng chục nước và phòng nghiên cứu liên kết quốc tế. Viện đã được nhận 2 Huân chương Lao động hạng Hai và Ba, nhiều Bằng khen của Thủ tướng và 5 giải thưởng Khoa học Công nghệ VIFOTEX (1 giải nhì, 2 giải ba, 3 giải khuyến khích). |