Sài Gòn cuối năm thường ám ảnh tôi bằng những bàn chân cuống cuồng và những cái nhìn bịn rịn. Mảnh đất tụ hội mưu sinh lập nghiệp này, cứ Tết đến thì ai cũng vội vã quay về quê cũ, bỏ lại bao con đường thưa thớt khác hẳn ngày thường. Lạ thật, lúc cái mới đang tới thì cứ nhớ nao nức cái cũ. Ngậm ngùi lắm nhưng cũng rộn ràng lắm, một phút giây hoai hoải gió phương Nam để nghĩ về chuyện chưa xa, người chưa quên.
Khi tháng Chạp thổi ngang phố vài cơn gió hiu hiu làm những buổi chiều Sài Gòn cuối năm như dài thêm ra, thì nhịp sống vốn đã hối hả lại càng hối hả hơn. Cuối năm, có quá nhiều thứ để lo, để nghĩ. Cuối năm, tôi cứ thấy xao xác một miền trống vắng cho những nỗi nhớ không đâu vào đâu. Chả ai bắt, mà cứ chùng lòng về vài điều được mất của mười hai tháng loáng thoáng trôi qua.
Sài Gòn cuối năm xao xác, bỗng nhớ hai câu thơ cũ: “Có con én ngậm mùa xuân qua ngõ. Thương đến nhói lòng một tiếng chim rơi”. Thời gian chớp mắt, mười hai tháng trôi vèo rất nhanh. Chỉ cần nhìn lại từng khoảnh khắc 365 tờ lịch rời khỏi bức tường, thấy bao nhiêu gương mặt lạ quen vụt qua thảng thốt, thấy bao nhiêu nụ cười chưa tắt và thấy bao nhiêu nước mắt chưa khô. Kẻ bôn ba đất khách càng thêm trĩu nặng, lúc trống vắng ngó chim én xôn xao những làn cánh mỏng chao xuống phố phường tất niên.
Nhiều lần, tôi tập ngồi lặng im trong buổi chiều chộn rộn tiếng còi xe đô thị, để thử lắng nghe âm thanh Tết, để thử cảm nhận mùi vị Tết. Vậy mà tất cả cứ nhòa đi như cuốn phim âm bản, chầm chậm tái hiện những hình ảnh cố hương. Cố hương phiên chợ nghèo ngày xưa, dáng mẹ đi vai gầy một miền ký ức. Cố hương dòng sông nắng hôm nào, bước em về áo trắng một cõi chiêm bao. Cố hương con đường nhỏ ấu thơ, chân tôi xa vỉa hè lá che xanh một vùng mơ ước. Có ai gọi tôi dưới chân tháp cổ, mà ngọn gió nhớ nhà lật tung những hoài niệm mong manh.
Mỗi bận chia tay năm cũ, tôi lại thấm thía một điều đơn sơ rằng, cái hạnh phúc giản dị nhất mà cũng kỳ vĩ nhất của người Việt là có nơi để bồi hồi trở lại khi mái bếp ấm lên ngọn lửa giao thừa. Thứ ánh sáng vừa hư vừa thực của ngọn lửa giao thừa, hình như lấp lánh sự bao dung của thiên nhiên và bập bùng sự độ lượng của tổ tiên. Không thể nào giải thích rành mạch được, vì sao mỗi người soi bóng vào ngọn lửa giao thừa run rẩy ấy, chợt giàu có hơn, chợt lương thiện hơn, chợt nhân ái hơn. Từ những rung động chậm rãi riêng mình, tôi vẫn tin ngọn lửa giao thừa chính là phúc lộc bất tận mà bao thế hệ cha ông lầm lũi đã chắt chiu để dành dụm lại cho con cháu hôm nay.
Dù đã nhiều năm chọn phương Nam lập nghiệp, tôi vẫn luôn tìm mọi cách để đón giao thừa trên mảnh đất miền Trung mà mình được chôn nhau cắt rốn. Quê nhà có thân nhân lận đận áo cơm. Quê nhà có bạn bè chân thành vất vả. Quê nhà có giọng nói khó nghe luôn gần gũi với huyết quản tôi. Quê nhà có mối tình đầu đã mù khơi nhưng trăm đợt sóng vỗ bờ vẫn bỏ lại nôn nao trắc ẩn biển đời mênh mông! Khi cành mai chơm chớm nụ hoa vàng ngập ngừng hơi rét, trái tim tôi bay theo một cánh chim én phía quê nhà, như thực hiện lời hẹn hò cho bến đợi mùa xuân.
Hình như càng nhiều tuổi càng ít mong đến Tết. Cái khoảnh khắc năm tàn tháng tận thuở ngày xưa nôn nao hết mực, còn bây giờ lại nghe văng vắng hư ảo. Mang phận tha hương cầu thực, nỗi nắc nỏm trước mỗi giao thừa lại giục bàn chân tôi chộn rộn quay về quê cũ. Tết, cảnh chen chúc tàu xe đã e ngại, mà ám ảnh tuổi tác cũng dần đáng sợ hơn.
Được hay thua, mất hay còn, lắm lúc làm tôi cuống cuồng giữa dòng người bất tận. Thế nhưng, những buổi chiều cuối năm, ngồi dưới mái ấm gia đình chợt nghe lòng nhẹ nhàng như nắng sớm vườn mai chơm chớm nụ. Đây là cái xích đu lắc lư tuổi lên năm. Ngoài sân là cây mận leo trèo tuổi lên mười. Còn kia là chiếc xe đạp cút kít tuổi mười sáu cứ chạy tới chạy lui mà chưa bao giờ dám dừng lại trước cổng nhà bạn gái…
Nhìn đâu cũng kỷ niệm, kỷ niệm ngổn ngang, kỷ niệm ngập tràn vẫn không thể giúp tôi lý giải được kỷ niệm khiến mình già nua hay kỷ niệm khiến mình bé dại. Dù có trách bản thân đa đoan thì nhớ thương cứ giăng mắc như lộc non nảy cành sau đợt rét dài. Phút giây bận bịu quá khứ thường làm ngày tất niên ngắn ngủi lại trong khao khát cuộc sống rộng lớn hơn.
Chẳng nhớ rõ từ bao giờ, nhiều năm rồi, ngày cuối năm chầm chậm và quay quắt với đổi thay trên chính mảnh đất sinh ra và bồi đắp nên mình, tôi hay nhớ đến câu thơ “nước chảy khó mà trôi bóng núi” bổi hổi suy tư trong “Quốc âm thi tập”. Hơn năm trước, tâm hồn thi nhân Ức Trai chênh chao thế nào khi viết câu thơ này thì tôi không biết, nhưng tôi thấy cái bóng núi gốc gác của tôi, cái bóng núi quê kiểng của tôi, cái bóng núi hồn vía của tôi vẫn còn nguyên đó, mặc cho nước chảy đã cuốn theo nhiều thứ đáng nhớ lẫn nhiều thứ đáng quên.
Và tôi phập phồng tin rằng, giữa nước chảy xô dạt của trắc ẩn nhân tình chưa bao giờ đơn giản, tôi sẽ cố giữ lấy bóng núi riêng tư của tôi, dẫu chỉ vun đắp bằng tiếc nuối xa xôi, dẫu chỉ gắng gượng bằng ước vọng nhỏ nhoi hay dẫu chỉ khấn nguyện bằng niềm đau xa vời. Tôi không thể tưởng tượng được, nếu 365 ngày bỏ tâm bỏ sức giành giật danh lợi mà chiều cuối năm soi gương không nhận ra khuôn mặt mình thì phản ứng làm sao nhỉ? Thật xót xa, khi miệng ướt nhoèn vì lời nói quen vuốt ve ton hót. Thật tội nghiệp, khi mắt ráo hoảnh vì cái nhìn ưa xu thời lơ láo. Thật cay đắng, khi tóc điểm bạc vì ý niệm ít lương thiện. Sống một năm cho một ngày tự thú cũng khó quá chừng.
Lúc nào tôi cũng có cảm giác ngày cuối cùng âm lịch trôi qua rất vội vàng. Có thể hối hả một công việc chuẩn bị cho năm mới, hoặc có thể âu lo một món nợ phải trả trước giao thừa, thì ngày cuối năm luôn gói ghém ưu tư từng người. Tiếng cười trong trẻo sắp được mặc áo mới của trẻ thơ, tiếng gậy trúc khua bên thềm hoa nở của cụ già, hay tiếng hẹn hò qua điện thoại của trai gái… len lén thức dậy bên tôi những mơ mộng yên lành ngày cuối năm.
Vui hay buồn không rõ, náo nức hay bâng khuâng cũng không rõ, nhưng ngày cuối năm vẫn thấy cần lắng lòng nghĩ cho mình. Nghĩ cho riêng mình thôi, mà biết đâu cũng đang nghĩ cho người khác.