Hồ Anh Thái: Đời biết mấy chuyến xe [Kỳ 2]

Hồ Anh Thái - Thứ Ba, 25/10/2022 , 06:40 (GMT+7)

Câu chuyện được trích ở đây tập trung kể về cuộc đời một anh lái xe đào hoa, một chiến sĩ Trường Sơn. Đó là số phận một cá nhân song hành với đất nước.

“Những đứa con rải rác trên đường” là một trong những tiểu thuyết đặc sắc của nhà văn Hồ Anh Thái, hợp thành bởi ba truyện dài. Phần truyện trích ở đây tập trung kể về cuộc đời một anh lái xe đào hoa, một chiến sĩ Trường Sơn, sau chiến tranh anh đi qua thời ngăn sông cấm chợ, rồi đến thời đổi mới, thời kinh tế thị trường… Đó là số phận một cá nhân song hành với đất nước.

Chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Chính là tay đoàn phó này ở bên trường con trai, ngồi trong đám học sinh xem liên hoan văn nghệ của các trường. Cô đơn ca lúc ấy mười sáu tuổi, thiếu nữ mới lớn, giọng trong vắt. Cô đang đứng trên sân khấu hát, Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều, miền Nam em xoài thơm, miền Nam em khoai bùi…

Bài liên quan

Cô nhìn xuống thấy một thằng nhìn lên cười đểu. Không quan trọng cái cười đểu mà là con mắt nó hơi khác thường. Nó hơi lác. Ca sĩ đứng trên sân khấu mà nhìn thấy được một người mắt lác dưới đám khán giả thì phải kìm nén lắm mới không lạc giọng nghẹn giọng, kìm lắm mới nén được một tiếng cười. Cô đang định lướt mắt nhìn ra chỗ khác, không nhìn thằng lác cười đểu nữa để khỏi bị phân tán thì cô thấy nó vung tay lên. Chiếc dép nó ném thẳng về phía cô đang hát. Nó muốn gây ra một vụ chọc quê gây cười cái chơi.

Nếu nó nghĩ nó là cao thủ thì nó không biết cô là cao nhân. Cô đưa tay bắt được chiếc dép và chẳng cần giữ ý tứ như một ca sĩ chuyên nghiệp, ca sĩ thẳng cánh nhằm thằng lác mà ném trả. Chiếc dép trúng đỉnh đầu. Thằng kia choáng váng. Khán giả cười rộ lên. Cô bình tĩnh hát hết bài rồi mới đi vào cánh gà, tư thế sẵn sàng chờ thằng lác lên gây hấn để tẩn cho nó một trận.

Thằng ấy không lên. Nó tránh cô. Nó thừa biết ba của cô là một ông trung tá có súng ngắn rất oai. Tập kết ra Bắc, ba cô đi chuyến tàu sau, phải mấy năm sau ba cô mới tìm được ra cô. Ngày nghỉ ba má miền Nam đến các trường tìm con. Cái sân trường thành nơi người lớn đi tìm trẻ con hỏi han, trẻ con đi tìm người lớn hỏi han. Một chú bộ đội hỏi cháu nào người Quy Nhơn, cháu nào người Quy Nhơn.

Giọng Nam Trung Bộ mà ngôn từ pha Bắc. Cô bé mười tuổi nghe loáng thoáng bèn đâm bổ tới. Có cháu đây. Chú bộ đội hỏi cháu tên gì, nhà cháu mấy người, tên ba má là gì, tên anh trai là gì. Cô bé trả lời vanh vách. Chú bộ đội quỳ xuống ôm lấy cô. Trời đất ơi, ba là ba của con đây, ba đi tìm con ba năm nay, vào cả Nghệ An Thanh Hóa tìm con. Hai cha con ôm nhau khóc.

Lúc ấy cô bé thoáng nhìn thấy một thằng trạc tuổi mình lượn lờ gần đấy. Mắt nó gườm gườm. Cái gườm gườm của người lác.

Nhớ ra rồi. Thì ra thằng này hận cô từ ngày ấy. Chắc là nó không tìm được ba má anh chị.

Trường miền Nam hầu như đến năm sáu lăm thì giải thể. Đứa bé nhất lúc ấy cũng đã hết phổ thông. Thằng lác đi học sĩ quan rồi xung phong vào chiến trường. Từ đó cô không biết tin tức gì của nó. Cô vào trường âm nhạc Hà Nội, học sơ cấp ba năm, tốt nghiệp thì xung phong đi chiến trường B luôn. Trở lại miền Nam chiến đấu. Ở đấy còn có mẹ cô với một đứa em trai một đứa em gái. Biết đâu cô sẽ sớm gặp lại.

Cô đi cũng còn một lý do, cô mới qua sơ cấp thanh nhạc, mà lên trung cấp đại học thì phải thêm gần chục năm nữa. Ngay cả người tốt nghiệp đại học cũng không hẳn sẽ được lên sân khấu lớn, không hẳn sẽ được thu thanh trên đài. Sân khấu âm nhạc Hà Nội không có chỗ cho một cô sơ cấp thanh nhạc.

Cô đơn ca tâm sự. Cô trần tình. Cô mở lòng ra với anh xe. Họ đang ngồi trên bờ một con sông, từ trên bãi ngô mà nhìn xuống dòng nước trong vắt. Bản tính gái gú, anh tiện tay ôm vai cô như an ủi. Chỉ chờ có thế, cô ngả đầu lên vai anh, mắt hơi nhắm lại. Cô chờ. Chờ một hành động chủ động từ phía anh. Nhưng bất chợt anh xe buông tay ra đứng dậy.

Về thôi, sắp đến giờ chính trị rồi. Trời đất ơi, ngày nào cô chẳng nghe cái tay đoàn phó ấy giảng bài. Đời cô sao cứ dính với cái thằng lác từ thời ở trường miền Nam đến vậy. Rồi cô quay ra hận anh xe. Trai Bắc cao lớn trắng nõn trắng nà thế kia, thế mà cứ theo đuổi cái con múa kẹp díp với thằng đoàn phó làm gì. Về à. Về để mà luẩn quẩn tuyệt vọng bên cạnh con múa đó à.

Cô hận anh xe. Cô đã trải lòng ra đến vậy. Anh ta đã tỏ ra xúc động đến vậy, lẽ ra phải biến xúc động thành tình thương thì anh lại lảng đi. Lảng xa cô. Anh chỉ muốn đến với con múa kia. Cô hận. Cô nghĩ ra một cách để giành giật được anh.

***

Chiều tà, sau buổi diễn tập, anh em được tự do, ai đi đâu thì đi cho đến năm giờ ba mươi về ăn cơm theo kẻng rồi chuẩn bị bảy giờ ba mươi mở màn. Sân khấu ngoài trời dựng ở quảng trường trung tâm thị xã. Cô đơn ca đêm nay sẽ hát bài Mùa xuân trên quê hương và Đường tàu mùa xuân cùng tốp múa. Bây giờ nghỉ, cô không đi lang thang bát phố mà đến phòng anh xe.

Anh xe đang định rủ mấy em văn công đi loanh quanh phố xá. Anh rủ cô đi cùng. Tôi không đi. Cô lạnh nhạt nói. Hôm nay có dí súng vào người, có đạn bắn ngang tai tôi cũng không đi. Cô cứng cỏi nói. Anh xe hơi ngạc nhiên trước sự chuyển giọng của cô. Sao lại súng ống đạn pháo vào lúc này.

Anh thoáng nhớ truyền thuyết về cô vốn dĩ cả đoàn đều biết. Sau Hiệp định Paris đầu năm bảy ba, ranh giới quân ta và quân tay sai Mỹ có khi chỉ là gang tấc. Bên này bãi mía là vùng giải phóng, bên kia hàng rào dây thép gai là vùng địch. Có khi chúng cho quân sang lấn đất của ta, ta đẩy chúng bật trở lại. Cứ thế mà giằng qua giằng lại như kéo co. Đoàn văn công đến hát múa cho vùng giải phóng của ta, ngay chỗ ranh giới giữa hai bên.

Hát cho bên ta nghe nhưng cũng là hát cho lính tráng bên địch nghe. Một công đôi việc. Động viên cổ vũ tinh thần chiến đấu cho quân ta nhưng cũng là địch vận, tức là vận động chuyển biến tinh thần lính tráng bên kia. Cô đơn ca lại hát bài tủ của mình. Cô cầm cái loa tay, hướng sang phía bên kia hàng rào mà hát. Thuyền ơi có nhớ bến chăng, bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền, nhắn ai luôn giữ câu nguyền, trong cơn bão tố vững bền lòng son, ơi câu hò chiều nay, sao nghe nặng tình ai, hay là anh bên ấy trong phút giây nhớ nhung trào sôi, tình này ta xây đắp nên thủy chung không bao giờ phai.

Lính bên này lẫn lính bên kia đờ cả người ra, mê mẩn cả ra. Đang thõng thượt cả chân tay ra thì đoàng một cái. Một viên đạn bắn từ bên kia sang, sượt qua tai cô. Một thằng sĩ quan đù mẹ đù cha đồng thời vẩy một phát súng ngắn. Cô tỉnh như không. Coi như muỗi. Vo ve bên tai mà thôi. Phía bên kia có tiếng la ó của đám lính đang yên lặng nghe hát phản đối viên sĩ quan phá đám.

Bên này cô vẫn coi như không. Vẫn hát tiếp lời hai. Trông qua rặng Trường Sơn, miền quê xa tít chân trời… Đến đó thì tự nhiên nổi điên. Không thể giải thích nổi cơn điên bất ngờ thình lình đột ngột. Cô quẳng cái loa tay xuống, giật lấy khẩu tiểu liên của anh bộ đội đứng bên cạnh. Cô xả luôn một băng sang bên kia. Bắn chỉ thiên thôi. Cho hả cơn điên. Thế là cả đôi bên cùng rú rít náo loạn. Đạn bắn qua bắn lại. Tan luôn một cuộc biểu diễn.

Không ai lấy làm lạ tính nết cô ca sĩ. Trước đó, đơn vị văn công xung kích đến hát cho một đại đội vừa từ một cao điểm rút xuống. Địch cho trực thăng thả quân xuống đỉnh núi, đánh bật quân ta khỏi cao điểm. Cả một đại đội gần trăm người chỉ còn bảy người sống sót trở về. Coi như xóa sổ một đại đội. Cô đơn ca đến hát cho bảy người sống sót nghe, toàn những bài hành khúc.

Cuộc đời vẫn đẹp sao tình yêu vẫn đẹp sao, dù đạn bom man rợ thét gào, dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích, dù xa cách hai ngả đường chiến dịch, ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng ngần, một tiếng chim ngân, một làn gió biển, một sớm mai xuân trước căn hầm dã chiến, thấy trời xanh xao xuyến ở trên đầu, ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau.

Cô cứ hát, hết bài này sang bài khác, tay đơm lại cái cúc áo bị mất cho một anh, vá một miếng rách trên chiếc quần của anh khác. Các anh nhận cô làm chị. Các anh đều mới mười bảy mười tám, vừa mới vào chiến trường. Cô hơn hẳn họ dăm ba tuổi, gọi chị cũng được. Rồi đơn vị thành lập đại đội mới, họ đề nghị lấy tên cô đặt thành tên cho tiểu đội sống sót. Một số đơn vị trên chiến trường cũng đã lấy tên văn công xung kích như thế. (Còn tiếp)

Hồ Anh Thái
Tin khác
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.