Hoàng Tuấn Công: Về một số câu tục ngữ 'chưa rõ nghĩa' [Kỳ 4]

. - Thứ Năm, 04/08/2022 , 06:36 (GMT+7)

Vẫn tiếp những câu tục ngữ mà Nguyễn Đức Dương chưa giải thích (được), chúng tôi đưa ra ở đây các ý kiến nhằm làm rõ nghĩa hơn để gửi tới bạn đọc.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công.

“Đừng khinh cây cỏ, đừng bỏ bòng bong”

Trong "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", nhà dược học Đỗ Tất Lợi cho biết: “Trong nhân dân dùng bòng bong sắc uống làm thông tiểu tiện, chữa đi tiểu khó khăn, đái buốt, đau. Còn dùng làm thuốc lợi sữa […], còn dùng ngoài, không kể liều lượng, giã nát đắp các vết thương vết loét ecpet loang vòng (mụn rộp loang vòng)”.

Tục ngữ có câu “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lấy tiền”. Thật vậy. Cây cỏ xung quanh ta đều là những vị thuốc quý, chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Ngay như cây bòng bong hoang dại, mang phận “cỏ nội hoa hèn” cũng không nên xem thường, vứt bỏ nó.

“Gà người gáy gà nhà ta sáng”

Khi gà gáy sang canh, ban đầu một con trong xóm cất tiếng, tức thì hàng loạt con khác cất tiếng gáy theo. Chữ “sáng” trong “gà nhà ta sáng” có nghĩa là nhận biết, thức tỉnh. Dường như con gà nhà người gáy, đã đánh thức gà nhà ta gáy theo. Tục ngữ Mường cũng có câu gần nghĩa: “Gà nhà người gáy sáng mường nhà ta” (Kha cỏ cằn bứng máng, tràng bứng mếnh). Như vậy, ý dân gian muốn nói những cái hay, cái đẹp gần bên thường có tác động tốt đến kẻ bên cạnh, kiểu "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" vậy.

“Giàu về bạn, sang về vợ” hay “Giàu vì bạn, sang vì vợ”

Hai dị bản này đề cao vai trò của bạn bè, người vợ trong gia đình. Bạn bè tốt có thể giúp đỡ nhau trong công việc làm ăn; vợ đảm đang, chăm chút gia đình, khôn khéo trong giao tiếp khiến chồng mát mặt.

“Hà tiện cùng Bụt thí phát [?] cùng ma”

“Thí phát” là gì? "Thí 施" có nghĩa đem tiền của cứu giúp người; "phát 發" cũng có nghĩa là lấy tiền của giúp người (cùng nghĩa với "thí 施" trong "bố thí 布施"; "phát 發" trong "phát chẩn 發賬"). "Thí phát 施發" hay "phát phóng 發放" có nghĩa là phân phát tiền gạo cứu giúp người.

Tục ngữ hàm ý chê với người tốt (bụt) thì keo kiệt, tính toán chi ly; với kẻ ma mãnh, quỷ quyệt lại phóng tay làm phúc. Đó là một lối ăn ở, ứng xử ngược đời vẫn thường thấy trong xã hội.

“Họ nhà khoai không ngứa cũng lăn tăn”

“Họ nhà khoai” ở đây không phải khoai lang (thuộc họ Bìm bìm), mà chỉ các giống khoai thuộc họ Ráy (Araceae) như khoai ngứa, khoai ăn tàu, khoai môn, khoai sọ, dọc mùng… Trong đó, loại khoai ngứa, ráy dại… chuyên dùng để chăn nuôi lợn. Các loại khoai không ngứa như khoai ăn tàu, dọc mùng,… được thu hái thân (tàu) làm rau ăn; còn khoai môn, khoai sọ… thì lấy củ. Dù gọi là “không ngứa”, nhưng trong thực tế, các loại khoai làm thực phẩm này vẫn có chút “lăn tăn”, tức hơi gợi cảm giác kích ứng da hay miệng lưỡi tí chút khi ăn.

"Họ nhà khoai không ngứa cũng lăn tăn", ý nói: Cùng dòng giống, bản chất không tốt, thì dù ít hay nhiều cũng mang đặc trưng của dòng giống ấy (hàm ý chê). Lưu ý, cùng một lối triết lý, so sánh, nhưng câu "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh" lại hàm ý khen: Con nhà dòng dõi thì ít nhiều cũng kế thừa được những cái tốt đẹp của cha ông.

“Khoai lang nóng bàng [?] là chín”

“Bàng”, hay "phẳn" (tiếng Thanh Hóa) ở đây có nghĩa là vung, nắp xoong. “Chưa nóng bàng” (lối nói ngoa dụ của dân gian) hàm ý khoai lang luộc rất mau chín. Cách nói ngoa dụ này tương tự câu "Gạo mùa treo chái chùa cũng chín", ý nói gạo mùa cho cơm mềm, dễ nấu tới mức chỉ cần treo ở đầu chái chùa, nhờ sức nóng của hương khói cũng đủ chín.

“Lúa trổ mâm xôi [?] đầy nồi chồng vợ”

Có thành ngữ "Đầy như mâm xôi". “Lúa trổ mâm xôi” có nghĩa lúa tốt, bông to, trổ thoát đồng đều. Cả ruộng lúa đồng loạt đơm bông và phơi màu ngồn ngộn, trông đầy lên như mâm xôi, là báo hiệu được mùa, ấm no hạnh phúc (“đầy nồi chồng vợ”). Đây là kinh nghiệm của nông dân khi đi thăm đồng. Quan sát lúa thời kỳ trổ bông, người ta có thể dự đoán, đánh giá khá chính xác năng suất lúa khi thu hoạch.

“Mẹ cú con tiên, mẹ hiền con xục xạc [?]”

Thực ra, "Mẹ cú con tiên, mẹ hiền con xục xạc" chính là dị bản của câu "Cha mẹ cú đẻ con tiên" mà chính Nguyễn Đức Dương đã thu thập và giải thích (trong "Từ điển tục ngữ Việt", NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh - 2010) là: “Cha mẹ đều là lũ cú (xấu xí) nhưng con cái sinh ra lại xinh đẹp như tiên đồng. Hay dùng để chỉ rõ sự hơn hẳn của con cái so với cha mẹ nhờ vào hồng phúc của tổ tiên”.

Ở mục "Cha mẹ cú đẻ con tiên" chúng tôi có góp ý như sau: Thực ra đây chỉ là nhận xét về một hiện tượng xảy ra trong thực tế, có trường hợp “cha mẹ” vốn xấu xí, hèn kém, nhưng lại sinh ra được những đứa con thông minh, sáng sủa, do kết hợp được gen tốt của cha mẹ. Thế nên tục ngữ Tày cũng có câu nhận xét tương tự: “Mẻ cày rủc, lủc nàng tiên - Mẹ xấu như con cóc, đứa con lại đẹp như nàng tiên”. Việc soạn giả lý giải thêm nguyên nhân là “nhờ vào hồng phúc của tổ tiên”, một mặt trở nên thừa, mặt khác lại thiếu cơ sở khoa học.

Đến câu "Mẹ cú con tiên, mẹ hiền con xục xạc", có lẽ do không hiểu “xục xạc” là gì, nên Nguyễn Đức Dương xếp vào diện “chưa rõ nghĩa”.

Thực ra viết đúng là "sục sạc", chứ không phải “xục xạc”. Trong phương ngữ Thanh Hóa "sục sạc" có nghĩa là kẻ phá phách, hỗn láo (ví dụ: "Nghịch như sục sạc!"). "Việt Nam tự điển" (Lê Văn Đức) giảng "sục sạc" là “thô-lỗ, không lễ-phép: Đồ sục-sạc”.

Như vậy, trái ngược với hiện tượng "Mẹ cú đẻ con tiên" (Cha mẹ xấu xí đẻ con xinh đẹp), là "Mẹ hiền con sục sạc" (Cha mẹ hiền từ đẻ con nghịch ngợm, hỗn láo). (còn nữa)

Hoàng Tuấn Công

(Trích bản thảo “Viết lúc nông nhàn”, sắp xuất bản)

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

.
Tin khác
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.