Rong sụn, một loài rong biển nhiệt đới phổ biến tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ lâu đã được biết đến như một nguồn nguyên liệu quan trọng trong các ngành sản xuất thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm.
Với chu kỳ sinh trưởng nhanh, thời gian thu hoạch ngắn, cùng nhu cầu thị trường không ngừng tăng, rong sụn đang nổi lên như một đối tượng nuôi trồng có giá trị kinh tế cao tại Việt Nam.
Từ đầu những năm 2000, rong sụn đã được đưa vào nuôi trồng tại các tỉnh miền Trung và Nam bộ. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều vùng ven biển như Khánh Hòa, Ninh Thuận, hay Kiên Giang đã nhanh chóng phát triển các mô hình chuyên canh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Việc triển khai mô hình nuôi trồng rong sụn tại khu vực đảo Phất Cờ, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh thu hút sự chú ý của các chuyên gia và nông dân địa phương.
Dưới sự hợp tác giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn STP (STP Group) và Hợp tác xã Nuôi trồng Thủy sản Phất Cờ, mô hình nuôi trồng rong sụn tại Vân Đồn được triển khai với kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường biển. Đây là sáng kiến đột phá giúp đa dạng hóa sản phẩm nuôi trồng và tạo thêm thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group chia sẻ: “STP là doanh nghiệp đầu tiên ở phía Bắc nghiên cứu và triển khai thành công mô hình nuôi rong sụn tại Vân Đồn. Chúng tôi đã phát triển mô hình này tính đến nay là 5 năm. Khu vực phía Bắc có nhiều tiềm năng để trồng rong sụn nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thời tiết, khí hậu chưa được thuận lợi như ở miền Trung và miền Nam nên sản lượng chưa cao”.
Bà Bình kể, hành trình trồng rong của STP trải qua nhiều gian nan. Ban đầu bà con không mấy mặn mà, nhưng với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước và quốc tế, đã vận chuyển rong giống của Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc… về trồng thử nghiệm, STP Group cùng với Sở NN-PTNT Quảng Ninh và Chi cục Thủy sản Quảng Ninh đã thực hiện chuỗi rong sụn đầu tiên tại Vân Đồn, chứng minh rằng mô hình này hoàn toàn khả thi.
Rong sụn tại vùng biển Vân Đồn không chỉ đạt chất lượng cao mà còn phù hợp để kết hợp nuôi xen canh với các loài thủy sản khác, như hàu. Theo bà Bình, việc kết hợp này giúp người dân thu hoạch đồng thời cả rong và hàu, tạo ra nguồn thu nhập kép, đồng thời góp phần cải thiện môi trường biển. Mô hình này còn mở ra cơ hội phát triển du lịch trải nghiệm, tăng thêm giá trị bền vững cho địa phương.
Tuy nhiên, quá trình phát triển không tránh khỏi những khó khăn. Sau cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua, toàn bộ sản lượng và giống rong của STP Group bị mất trắng, khiến doanh nghiệp phải tái thiết lại chuỗi sản xuất từ đầu. Dẫu vậy, với quyết tâm và kinh nghiệm tích lũy, STP Group đã xây dựng thành công một chuỗi rong sụn mới, đồng thời tiếp tục hỗ trợ người dân trong việc chuyển giao công nghệ và quy trình sản xuất.
Hiện nay, sau gần 5 năm đã có nhiều nông dân tại khu vực Quảng Ninh mong muốn được hợp tác cùng STP Group để chuyển đổi công nghệ và đưa quy trình sản xuất rong vào cho người dân.
Đặc biệt, mới đây Chi hội Nuôi biển Vân Đồn cũng đã được thành lập, góp phần thay đổi tư duy nuôi trồng thủy sản truyền thống sang hướng công nghiệp hóa, ứng dụng khoa học công nghệ cao. Chi hội này không chỉ tập trung vào việc bảo vệ môi trường biển mà còn hỗ trợ chế biến, mở rộng thị trường, hướng đến sự phát triển bền vững và an toàn cho ngành nuôi biển tại Vân Đồn nói riêng, Quảng Ninh nói chung.
Bà Bình cho hay: “Mục tiêu của STP Group là xây dựng chuỗi sản xuất rong biển khép kín 5 sao, kết hợp giữa nuôi xen canh rong và hàu. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là vấn đề bảo quản và đóng gói sản phẩm rong”.
Lãnh đạo STP Group bày tỏ mong muốn nhận được nhiều chia sẻ hơn nữa từ các chuyên gia trong và ngoài nước để giải quyết khó khăn trên. Đồng thời cũng mong rằng chuỗi giá trị đầu tiên về rong sụn của STP tại khu vực phía Bắc sẽ là tiền đề để phát triển ngành rong biển tại Việt Nam theo quy mô công nghiệp trong thời gian tới.