| Hotline: 0983.970.780

Rong biển Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới?

Thứ Tư 09/10/2024 , 18:54 (GMT+7)

Tổng sản lượng rong biển toàn cầu hiện đạt hơn 36 triệu tấn, trị giá 8,3 tỷ USD. Việt Nam có tiềm năng phát triển rong biển nhưng sản lượng, giá trị còn khiêm tốn.

Tại Hội thảo quốc tế chuyên ngành thủy sản với chủ đề giảm phát thải khí nhà kính và phát triển kinh tế xanh trong nuôi trồng thủy sản, diễn ra chiều 9/10 tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hữu, đại diện Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho hay, rong biển tuy là đối tượng rất mới nhưng lại cũ.

“Cũ là vì với hơn 200 loài rong biển phân bố khắp các vùng biển Việt Nam, người dân sống ở ven biển từ lâu đã biết khai thác và sử dụng rong biển cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm làm thực phẩm và các nguyên liệu khác. Mới là ở chỗ, rong biển được quan tâm và chú trọng hơn sau khi Chính phủ Việt Nam cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0”, ông Hữu nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Hữu, đại diện Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, tổng sản lượng rong biển toàn cầu đạt hơn 36 triệu tấn, trị giá khoảng 8,3 tỷ USD. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Nguyễn Văn Hữu, đại diện Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, tổng sản lượng rong biển toàn cầu đạt hơn 36 triệu tấn, trị giá khoảng 8,3 tỷ USD. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Hữu cho biết, rong biển là “nguyên liệu xanh”, có tiềm năng to lớn trong việc hấp thụ carbon từ khí quyển và trung hòa axit đại dương. Ông Hữu nhấn mạnh rằng, thời gian gần đây axit hóa đại dương đang là vấn đề nổi cộm ở Việt Nam và trên toàn cầu.

Rong biển có tác dụng trung hòa axit đại dương và kỳ vọng trở thành một giải pháp giúp làm sạch hành tinh. Rong biển có thể lưu trữ khoảng 1.500 tấn khí thải nhà kính/m2 và tốc độ phát triển của rong biển cao gấp 30 - 60 lần so với các loài thực vật trên đất liền. Vì vậy rong biển có thể hấp thụ CO2 cao gấp 2 - 4 lần so với các loại cây cối khác trên đất liền”, ông Hữu phân tích.

Bên cạnh đó, rong biển còn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển. Đây là nơi sinh sống, trú ẩn và kiếm ăn của nhiều loài sinh vật biển, đặc biệt là trong giai đoạn con non. Do đó, sự phát triển của rong biển không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn là yếu tố quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái.

Ngoài ra, rong biển có giá trị lớn đối với đời sống của con người như cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác, nguyên liệu để dùng trong thực phẩm và dược phẩm…

Với những tác dụng như vậy, ông Hữu cho hay, theo báo cáo của Tổ chức Nông nghiệp - Lương thực Liên hợp quốc (FAO) năm 2000, hiện nay, trên thế giới có khoảng 200 loài rong biển sản xuất thương mại, tổng sản lượng hơn 36 triệu tấn, trị giá khoảng 8,3 tỷ USD. Châu Á là khu vực chiếm ưu thế trong ngành này, với 97,4% sản lượng toàn cầu, tương đương khoảng 35,1 triệu tấn.

Các quốc gia có diện tích và sản lượng rong biển hàng đầu là Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc và Philippines… “Ngành rong biển Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới?”, ông Hữu đặt câu hỏi.

Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành rong biển, tuy nhiên, diện tích trồng rong biển của Việt Nam hiện vẫn còn khá khiêm tốn. Theo báo cáo của Cục Thủy sản, năm 2023, diện tích trồng rong biển của cả nước mới đạt gần 17.000ha, với sản lượng khoảng 150.000 tấn, con số này so với tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng hàng năm là 5,4 triệu tấn còn khá thấp.

Ông Hữu phân tích, ngành rong biển của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Chất lượng giống rong biển giảm sút do quá trình thoái hóa, dẫn đến hàm lượng các chất chiết xuất bị giảm.

Ngoài ra, sự cạnh tranh về quy hoạch không gian với các ngành kinh tế kỹ thuật khác cũng tạo ra áp lực lớn. Các yếu tố môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm biển, bão lũ cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng rong biển. Điển hình là sau cơn bão số 3, hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng chịu thiệt hại nặng nề, nhiều cơ sở trồng rong biển bị cuốn trôi, buộc phải xây dựng lại từ đầu.

Ngành rong biển của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Hồng Thắm.

Ngành rong biển của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Hồng Thắm.

Dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng ông Hữu vẫn lạc quan về tiềm năng và cơ hội phát triển của ngành rong biển Việt Nam. Ông chỉ ra rằng, thị trường rong biển toàn cầu hiện có giá trị thanh toán từ 16 - 20 tỷ USD và đang tăng trưởng với tốc độ trung bình 10% mỗi năm. Sự ưa chuộng thực phẩm xanh và xu hướng sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường đang mở ra những cơ hội lớn cho ngành rong biển Việt Nam...

Trước những cơ hội và thách thức trên, Đảng, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ phát triển ngành rong biển, như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và Quyết định số 985/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030, với định hướng đến năm 2025, sản lượng rong biển của nước ta sẽ đạt 180.000 tấn, trong đó gần bờ là 170.000 tấn, xa bờ khoảng 10.000 tấn. Và đến năm 2030, sản lượng sẽ đạt 500.000 tấn, trong đó xa bờ là 100.000 và sản lượng gần bờ là 400.000 tấn.

Xem thêm
Trà Vinh đề xuất đầu tư 14 công trình phục vụ nuôi trồng thủy sản

Giai đoạn 2026 - 2030, Trà Vinh đã đề xuất trung ương đầu tư 14 công trình hạ tầng phục vụ vùng nuôi thủy sản trên địa bàn với tổng kinh phí 1.900 tỷ đồng.

Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Bám biển xuyên Tết khai thác vụ cá Bắc

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương ven biển tuyên truyền, động viên kịp thời các ngư dân bám biển khai thác hải sản vụ cá Bắc dịp Tết Nguyên đán đạt hiệu quả.