Trao đổi

'Kỳ Yên' có phải như cách giải thích của giáo sư Trần Ngọc Thêm?

. - Thứ Sáu, 01/07/2022 , 06:48 (GMT+7)

Lễ Kỳ Yên bản chất là lễ tế, không phải 'lễ hội'. Dù xưa kia đã có nơi bày trò hát xướng, nhưng đa số không có phần 'hội' mà chỉ có phần 'lễ'.

Lễ Xây Chầu trong Lễ Kỳ Yên đình Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ảnh: Torismcantho.

Nhà nghiên cứu văn hóa, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm là tác giả sách “Cơ sở văn hóa Việt Nam”. Trong đó, ông quan niệm văn hóa Việt Nam có “bản chất âm tính”, rồi hầu như mọi hiện tượng xã hội đều được giải thích xoay quanh nó.

Trong tham luận “Xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” (nằm trong tập tài liệu “Hội thảo giáo dục Việt Nam 2021 - Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”, Quốc hội Việt Nam - Ủy ban Văn hóa Giáo dục - Hà Nội, 11/2021), mục “2. Các mô hình văn hóa học đường”, GS Trần Ngọc Thêm viết: “Văn hóa Việt Nam truyền thống thuộc loại hình âm tính, trọng tĩnh điển hình. Do vậy, văn hóa học đường Việt Nam truyền thống thuộc loại hướng đến xã hội ổn định”.

Đến mục “3. Để có con người chủ động”, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, “loại hình âm tính, trọng tĩnh điển hình” của người Việt Nam thể hiện qua “lễ hội Kỳ Yên” và cách đặt “tên đất tên làng”.

Bài liên quan

Ông viết: “Xã hội Việt Nam truyền thống lấy nghề nông trồng lúa nước làm sinh kế, lấy văn hóa ưa ổn định làm nền tảng. Người dân Việt Nam quen lấy sự yên ổn làm hạnh phúc. Lễ hội thường niên ở các làng quê Việt Nam là lễ hội Kỳ Yên (= “Cầu An”’). Rất phổ biến là các tên đất, tên làng thể hiện ước vọng về một cuộc sống yên ổn. “Từ điển địa danh văn hóa và thắng cảnh Việt Nam” ghi nhận 138 địa danh chứa yếu tố “An”, “Bình”, “Yên” (Nguyễn Như Ý, Nguyễn Thành Chương, Bùi Thiết, 2004: 1158, 1163, 1215). Việc cung cấp một nguồn lực đảm bảo cho sự ổn định định này là người thừa hành (người công cụ). Người thừa hành là con người thụ động, yêu cầu này rất phù hợp với bản chất âm tính của văn hóa Việt Nam […]. Bản chất âm tính của văn hóa và người thừa hành là nguồn gốc của căn bệnh thụ động khép kín, bảo thủ” (Trần Ngọc Thêm 2016: 349 - 352).

Chỉ trong một đoạn viết ngắn, nhưng GS Trần Ngọc Thêm có nhiều điểm nhầm lẫn, suy diễn.

Kỳ Yên không phải là “lễ hội”

Lễ Kỳ Yên bản chất là lễ tế, không phải “lễ hội”. Bởi vậy, dù xưa kia đã có nơi bày trò hát xướng, nhưng đa số không có phần “hội” mà chỉ có phần “lễ” với nghi thức lập đàn cầu cúng, tổ chức trong phạm vi hẹp của làng xã, theo kiểu “chuông làng nào làng ấy đánh, thành làng nào làng ấy thờ”. Trong khi với lễ hội, thì bên cạnh phần lễ bao giờ cũng phải có phần hội, thu hút khách thập phương tới dự cuộc vui chung.  

“Kỳ Yên” không phải là cầu cho “ổn định”

Lễ Kỳ An hay Kỳ Yên không phải là cầu cho “ổn định” (với nghĩa “thụ động”, “bảo thủ”, không có biến chuyển, thay đổi nói chung), mà với mục đích tống tiễn ôn hoàng dịch lệ gây chết chóc đau thương, đem lại bình an cho xóm làng.

Sách “Việt Nam phong tục” (Phan Kế Bính) mục “Lễ Kỳ An” viết: “Vào khoảng cuối xuân đầu hạ, nhiều nơi làm lễ Kỳ An. Vì mùa ấy thường có dịch khí, tục tin là việc quỉ thần, cho nên cúng cấp để cầu cho dân làng được yên lành”.

Trong lễ Kỳ Yên, người ta lập đàn cúng tiễn thần Ôn, hay Ôn chúa. Khi tiễn, thầy phù thủy tay cầm nắm hương hoặc bó lửa, thư phù niệm chú, tay cầm ấn quyết triệt lộ, tiễn ra khỏi đầu làng, đầu chợ, ngã ba, ngã bảy mới đốt, nghĩa là tống đi cho xa, kẻo sợ ôn dịch ở quanh quẩn trong làng. Còn như bất thời có dịch khí lưu hành, dân làng nghe có nhiều người chết, thì mua vàng hương hoa quả thiết đàn giữa sân đình, cúng tiễn ôn quan, gọi là lễ tiến thảo (Phan Kế Bính - sách đã dẫn).

Vì lễ Kỳ Yên là lễ tống tiễn ôn hoàng dịch lệ, nên người ta còn gọi là lễ cầu mát, “tống ôn, tống gió, lập đàn - tràng cúng vào đầu mùa hè (ở Bắc) hoặc đầu tháng hai (ở Nam) để cầu gió thuận mưa hòa, đưa hết bệnh tật đi nơi khác” (Việt Nam tự điển - Lê Văn Đức).

Xưa kia, ngoài lễ Kỳ Yên, hàng năm còn có tuần đại tế gọi là tế kỳ phúc, tổ chức xuân thu nhị kỳ, cầu cho dân được bình an, hạnh phúc. Dĩ nhiên trong lễ tế kỳ phúc có cả cầu cho tránh được dịch bệnh.

Nói một cách dễ hiểu, lễ Kỳ An, Kỳ Yên hay cầu mát đầu mùa dịch của dân ta xưa giống như biện pháp “phòng dịch”, tiêm chủng ngừa cúm mùa hay dịch bệnh hiện nay vậy.

“An”, “Bình”, “Yên”, không phải là “ổn định” với nghĩa tiêu cực

Các địa danh chứa yếu tố “An”, “Bình”, “Yên”, cũng có nghĩa là bình an (Nghệ An, Hòa An…), bình yên (Hòa Bình, Ninh Bình, Bình Thuận…), yên ổn (Phú Yên, Yên Thế, Vĩnh Yên…) không chiến tranh loạn lạc, thiên tai địch họa, chứ không phải biểu hiện cho “bản chất âm tính của văn hóa và người thừa hành là nguồn gốc của căn bệnh thụ động khép kín, bảo thủ” của người Việt, và “Việc cung cấp một nguồn lực đảm bảo cho sự ổn định định này là người thừa hành (người công cụ)”, như GS Trần Ngọc Thêm suy diễn.  

Bình an, hòa bình, yên ổn luôn là mong ước của mọi cư dân trên thế giới. Ngay cả với dân du canh du cư hay du mục “dương tính” thì họ cũng cần sự “yên ổn”, “ổn định” theo cách của họ, chứ không riêng gì cư dân “âm tính” trồng lúa nước.

Như vậy, GS Trần Ngọc Thêm đã nhầm lẫn giữa sự trì trệ, chậm phát triển của “xã hội Việt Nam truyền thống lấy nghề nông trồng lúa nước làm sinh kế”, với ước vọng về một cuộc sống bình yên, không thiên tai dịch bệnh, không chiến tranh loạn lạc nói chung, thể hiện qua lễ Kỳ Yên và cách đặt tên đất tên làng có “chứa yếu tố “An”, “Bình”, “Yên” của người Việt Nam.

Theo đây, sẽ không có gì đáng bàn cãi, nếu như nhận xét “người dân Việt Nam quen lấy sự yên ổn làm hạnh phúc”, và “rất phổ biến là các tên đất, tên làng thể hiện ước vọng về một cuộc sống yên ổn”, không bị GS Trần Ngọc Thêm võ đoán gán cho “bản chất âm tính của văn hóa và người thừa hành là nguồn gốc của căn bệnh thụ động khép kín, bảo thủ”.

Hoàng Tuấn Công

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

.
Tin khác
Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học
Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Có một người tu hành như thế
Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.