| Hotline: 0983.970.780

Về cách hiểu hai chữ 'trồng người' của giáo sư Trần Ngọc Thêm

Thứ Năm 30/06/2022 , 06:35 (GMT+7)

Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng, chữ 'trồng' trong 'trồng người' mang ý nghĩa áp đặt của giáo dục thời phong kiến, 'con người được coi như cái cây' (?).

Nêu lý do cần chấm dứt sử dụng khái niệm “trồng người” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, chữ “trồng” trong “trồng người” mang ý nghĩa áp đặt của giáo dục thời phong kiến, “con người được coi như cái cây”.

Cụ thể, sau khi trích dẫn lời Quản Trọng: “Kế một năm chi bằng trồng lúa, kế mười năm chi bằng trồng cây, kế trọn đời chi bằng trồng người. Trồng một gặt một ấy là lúa. Trồng một gặt mười ấy là cây. Trồng một gặt trăm ấy là người”, GS Trần Ngọc Thêm phê phán: “Vào thời phong kiến xưa thì cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều coi con người là đối tượng cần được giáo hóa; con người được coi như cái cây, hoàn toàn lệ thuộc vào môi trường một cách thụ động: Trồng ở đất này thì cho trái ngọt nhưng trồng sang đất khác có thể lại cho trái chua”.

Ở đây, chúng tôi chỉ xin trao đổi thuần về chuyện chữ nghĩa. Cụ thể, cách GS Trần Ngọc Thêm hiểu hai chữ “trồng người”, cũng như ý nghĩa câu nói “Thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân” của Quản Trọng.

“Thụ nhân” (樹人, trồng người)

Câu nói của Quản Trọng (nguyên văn chữ Hán): “一年之計, 莫如樹穀 ; 十年之計,莫如樹木; 終身之計,莫如樹人.”. Phiên âm: “Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; chung thân chi kế, mạc như thụ nhân”.

Bài liên quan

Ở đây, Quản Trọng đặt các sự vật hiện tượng bên cạnh nhau để tạo liên tưởng, so sánh với cấp độ tăng dần, đối lập nhau, vừa có tính chất cân xứng, tương đồng, lại vừa mang tính chất bất cân xứng, dị biệt. Mặc khác, ông đã chơi chữ “thụ” 樹 trong “thụ cốc” 樹穀, “thụ mộc” 樹木, với “thụ” 樹 trong “thụ nhân” 樹人. Cùng là chữ “thụ” 樹, nhưng “thụ” trong “thụ cốc” 樹穀, “thụ mộc” 樹木 có nghĩa là “trồng trọt”, còn “thụ” 樹 trong “thụ nhân” 樹人 lại có nghĩa là “bồi dưỡng, dạy dỗ”.

- “Hán ngữ đại từ điển” giảng nghĩa 2 của “thụ” là “trồng trọt”, “vun xới” (chủng thực; tài chủng - 種植; 栽種); giảng nghĩa thứ 3 của “thụ” là “bồi dưỡng, dạy dỗ” (bồi dưỡng, tạo tựu - 培養, 造就), đồng thời hướng dẫn xem hai chữ “thụ nhân” 樹人.

- Mục “thụ nhân” 樹人, từ điển này giảng là “giáo dục, đào tạo nhân tài” (bồi dưỡng tạo tựu nhân tài - 培養造就人材), rồi trích câu nói của Quản Trọng “…chung thân chi kế, mạc như thụ nhân” làm ví dụ.

Cũng cần nói thêm rằng, dù “thụ” 樹 với nghĩa là “bồi dưỡng, đào tạo” có trước, hay có sau khi Quản Trọng nói câu này, thì cũng không thay đổi được ý nghĩa của “thụ nhân”. Bởi không ai hiểu “thụ nhân” theo nghĩa đen là trồng người giống trồng cây, đào hố rồi bắt chôn chân tại chỗ, nên “hoàn toàn lệ thuộc vào môi trường một cách thụ động”, như GS Trần Ngọc Thêm suy diễn.

Như vậy, khái niệm “trồng người” ở đây được đối dịch từ hai chữ “thụ nhân”. Và hai chữ “thụ nhân” có thể dịch vừa sát vừa rõ nghĩa là “giáo dục, đào tạo nhân tài”, “bồi dưỡng nhân tài” (Từ điển của Nguyễn Quốc Hùng dịch là “nuôi dưỡng nhân tài”). Theo đây, lời của Quản Trọng có thể được diễn đạt là: “Kế một năm chi bằng trồng lúa, kế mười năm chi bằng trồng cây, kế trọn đời chi bằng đào tạo/bồi dưỡng nhân tài...”.

Tuy nhiên, thành ngữ tục ngữ hay khẩu hiệu muốn truyền bá, lưu hành rộng rãi, tất phải ngắn gọn súc tích. Thế nên, lời Quản Trọng về sau được cô đọng thành: “Thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân”. Việc đối dịch “bách niên thụ nhân” thành “trăm năm trồng người”, giữ lại cách chơi chữ trong nguyên văn chữ Hán, lại đảm bảo ngắn gọn. Và “trồng người” không chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp “đào tạo nhân tài”, mà là sự nghiệp giáo dục đào tạo trong nhà trường nói chung.

Trồng cây - trồng người

Vì sao Quản Trọng liên tưởng chuyện trồng cây với chuyện giáo dục con người? Ấy là bởi sự vun xới, chăm sóc bảo vệ sớm hôm, từ lúc cây còn là cái mầm bé tí ti cho đến khi thu hoạch là cả một quá trình công phu vất vả sớm hôm, chẳng khác nào chuyện dạy dỗ, đào tạo một con người từ bé đến lúc thành tài.

Mặt khác, “thụ cốc” (trồng lúa) được Quản Trọng so sánh với “thụ mộc” (trồng cây); rồi “thụ cốc”, “thụ mộc”, lại được đặt cạnh “thụ nhân” (trồng người), mục đích để so sánh các loại “thụ” (trồng) và “hoạch” (gặt hái thành quả) khác biệt nhau đến mức nào.

Với trồng lúa, phương thức canh tác không phù hợp thì sẽ thất bát. Nhưng thất bát hay bội thu, thì cũng chỉ sau một vài vụ là có thể rút kinh nghiệm. Với trồng cây thì sự tổn thất về thời gian, tiền bạc sẽ lớn hơn trồng lúa rất nhiều. Ấy vậy nhưng trồng lúatrồng cây cũng không bằng trồng người. Giáo dục con người, bồi dưỡng nhân tài là kế chung thân (một đời), bách niên (lâu dài). Nếu giáo dục đúng thì lợi ích sẽ dài lâu và gấp trăm gấp bội lần. Nhưng nếu phương pháp sai lầm, thất bại thì cũng di hại đến nhiều đời.

Có thể hiểu thông điệp cốt lõi trong lời nói của Quản Trọng là: 1/ Giáo dục, đào tạo nhân tài là kế sách quan trọng và lâu dài, không thể "ăn xổi ở thì", "xây nhà từ nóc"; 2/ Đầu tư cho giáo dục tuy lâu dài, khó khăn nhưng lợi ích thu được thì vô cùng to lớn và dài lâu.

Hai chữ “thụ nhân” 樹人 (trồng người) không liên quan “khái niệm hội tụ ở mức độ rất đậm đặc tính thụ động của người Việt Nam”; không hề nói lên cái ý chế độ phong kiến coi con người “như cái cây, hoàn toàn lệ thuộc vào môi trường một cách thụ động” như cách hiểu suy diễn của GS Trần Ngọc Thêm.

Hoàng Tuấn Công

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

 

Xem thêm
Hiện tượng cháy lá sầu riêng gia tăng và khuyến cáo phòng trị

TIỀN GIANG Ngành chức năng và nhà khoa học đã vào cuộc tìm ra nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa, điều trị bệnh cháy lá sầu riêng đang có xu hướng gia tăng.

Toàn cảnh buổi ra mắt thuốc trừ sâu Incipio 200SC của Syngenta Việt Nam

Syngenta Việt Nam giới thiệu thuốc trừ sâu Incipio 200SC với công nghệ mới PLINAZOLIN cho thị trường phía Bắc sau những thành công ở ĐBSCL.

Trang trại giữa sa mạc, sản lượng 3.000 tấn mỗi năm

'Tháp trồng cây' của IGS, trông giống bãi đậu xe nhiều tầng, là môi trường được kiểm soát, giám sát và điều chỉnh lượng nước, phân bón một cách cẩn thận.

'Sạch kho' nhưng hồ tiêu khó giữ đà tăng giá trong dài hạn

Ngoài việc người dân chuyển đổi cây trồng và các thách thức liên quan tới EUDR, giảm phát thải, ngành hàng hồ tiêu còn vấp phải sự cạnh tranh của Brazil và Indonesia.

Bình luận mới nhất