Làm chổi, du lịch cộng hưởng 'hồi sinh'

Nguyễn Thành - Thanh Phương - Thứ Ba, 20/08/2024 , 16:27 (GMT+7)

Quảng Ninh Kể từ khi kết hợp với mô hình du lịch cộng đồng, nghề làm chổi truyền thống của người dân xã Yên Đức cộng hưởng cơ hội 'hồi sinh' và phát triển.

Làng nghề làm chổi một thời “nức tiếng gần xa”

Về với xã Yên Đức (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), điều đầu tiên mà bất cứ ai cũng cảm nhận được chính là sự trù phú, bình yên, mang đậm nét truyền thống của làng quê Bắc bộ. Không gian nơi đây mang đến cảm giác nhẹ nhàng, thư thái và rất đỗi bình yên.

Dạo quanh làng quê Yên Đức, chúng tôi được một bậc cao niên trong làng chia sẻ, “trước đây, làng quê nổi tiếng với nghề làm chổi truyền thống, chổi nơi đây vừa đẹp vừa bền, làm ra bao nhiêu hết bấy nhiêu”. Những chiếc chổi được làm từ rơm rạ, bẹ cau và tàu dừa, mang đến nét dung dị, mộc mạc.

Bà Bùi Thị Mận (xã Yên Đức, thị xã Đông Triều) đang lựa chọn những cọng rơm có màu sắc đẹp và độ dẻo dai đạt chuẩn để bện chổi. Ảnh: Thanh Phương.

Ghé thăm gia đình bà Bùi Thị Mận (xã Yên Đức), chúng tôi được bà kể cho nghe về hành trình 60 năm gắn bó với nghề đan chổi thủ công này.

“Từ 10 tuổi, tôi đã được ông bà, bố mẹ cầm tay chỉ dạy cách lựa chọn từng cọng rơm rạ, cách đan, bện để làm thành những chiếc chổi hoàn chỉnh. Để làm nghề không chỉ cần sự khéo léo mà còn là sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng công đoạn. Nghề làm chổi truyền thống đã nuôi sống gia đình tôi trong suốt thời gian dài”, bà Mận bồi hồi kể lại.

Loại rơm được lựa chọn để làm chổi phải là loại rơm nếp, mỗi năm chỉ có một vụ thóc nếp vào tháng 10. Sau khi mang về, rơm sẽ được bó thành từng búi nhỏ và phơi trong 3 nắng để giữ được sự dẻo dai và màu sắc đẹp. Ở bước tiếp theo, phần lõi bên trong sợi rơm được rút ra và buộc thành từng cụm nhỏ, gọi là con rơm. Cứ 5 con rơm bện thành một chổi, tùy kích cỡ chổi mà con rơm có độ lớn khác nhau.

Theo chia sẻ từ người thợ lành nghề, thời gian làm một chiếc chổi to sẽ khoảng 2 ngày, còn chổi nhỏ thì  15 - 20 phút là hoàn thành. Hiện nay, giá thành một chiếc chổi to là 70.000 đồng và chổi nhỏ là 20.000 đồng.

Những tàu lá dừa sẽ được tước phần lá, giữ lại phần thân rồi phơi khoảng 2 nắng, sau đó mới được dùng để bó làm chổi. Ảnh: Thanh Phương.

Không chỉ có riêng chổi rơm, nhiều hộ dân trong làng còn làm thêm chổi từ bẹ cau, tàu lá dừa. Hàng ngày, bà Cao Thị Liên (xã Yên Đức) đi đến những cánh đồng, bờ mương để thu lượm, nhặt những tàu cau, lá dừa đã rụng và chất lên xe chở về nhà.

Tàu lá dừa được tước, bỏ phần lá, giữ lại phần thân ở giữa, sau đó phơi 2 nắng. Tiếp đó, buộc thành từng bó nhỏ và dùng dây cao su bó tất cả lại. Sau nhiều công đoạn, một chiếc chổi dừa được bán với mức giá khoảng 25.000 đồng.

“Tay phải khỏe, phải có kỹ thuật thì mới có thể buộc được chổi. Làm cái này không chỉ cần có sự kiên trì mà cần phải khéo léo để tước lá, làm sao để không tước vào phần thân để chổi làm ra có chất lượng tốt nhất. Giờ tôi già rồi nên 1 tháng chỉ làm được khoảng 15 cái, gọi là có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống”, bà Liên chia sẻ.

Trong nhiều năm trở lại đây, nghề làm chổi truyền thống dần bị mai một do không có thế hệ kế cận, chỉ còn lại một số người già vẫn giữ đam mê với nghề. Nguyên nhân cũng bởi vì nghề làm chổi tỉ mỉ, thu nhập lại không tương xứng với công sức và thời gian bỏ ra nên lớp trẻ không mấy ai còn "tha thiết".

“Hồi sinh” làng nghề truyền thống

Anh Lior (du khách đến từ Israel) thích thú khi được tự tay bện một chiếc chổi rơm hoàn chỉnh. Ảnh: Thanh Phương.

Từ năm 2013, mô hình Du lịch làng quê Yên Đức đã chính thức đi vào hoạt động với sản phẩm du lịch chủ yếu là các hoạt động trải nghiệm liên quan đến đời sống nông nghiệp, làng nghề truyền thống và văn hóa địa phương. Chính từ đó, nhiều hộ dân đã đăng ký tham gia, kết hợp cùng đơn vị du lịch để tạo nên những sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng của địa phương, trong đó có việc phát huy nghề làm chổi truyền thống.

Trò chuyện cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Bùi Thị Mận chia sẻ: “Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên đăng ký kết hợp cùng đơn vị du lịch để giới thiệu nghề làm chổi truyền thống. Cũng từ đây, tôi có thêm cơ hội giới thiệu về văn hóa, bản sắc của địa phương và gìn giữ, bảo tồn nghề làm chổi khỏi nguy cơ mai một, thất truyền”.

Từ nguy cơ bị mai một, giờ đây những chiếc chổi có thêm một “sứ mệnh” quan trọng trong phát triển du lịch, lan tỏa văn hóa địa phương. Nhiều du khách nước ngoài sau khi trải nghiệm làm chổi đều tỏ ra vô cùng hào hứng, đồng thời dành sự cảm phục trước sự tỉ mỉ, khéo léo của người nông dân Việt Nam.

Sau khi kết thúc buổi trải nghiệm làm chổi tại làng quê Yên Đức, anh Lior (du khách đến từ Israel) hào hứng nói: “Đây là lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi rất thích khung cảnh làng quê yên bình nơi đây. Tôi rất ấn tượng với cách làm chổi truyền thống của người dân Việt Nam, do chưa quen nên mới đầu tôi rất lúng túng. Tôi rất mong sẽ có thêm cơ hội để tới đây trải nghiệm, khám phá thêm về văn hóa, bản sắc địa phương”.

Những chiếc chổi có thêm “sứ mệnh” phát triển du lịch và lan tỏa văn hóa, bản sắc địa phương. Ảnh: Thanh Phương.

Bà Dương Thị Mến, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch làng quê Yên Đức thông tin: “Trước đại dịch Covid, lượng khách đến khá đông và ổn định. Đến nay, bình quân mỗi ngày khu du lịch đón tiếp từ 50 - 60 khách, có những ngày đón những đoàn 200 - 300 khách, thời gian cao điểm là từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau. Với mô hình du lịch cộng đồng, đơn vị tổ chức những hoạt động trải nghiệm như úp nơm bắt cá, gieo mạ, gặt lúa… và đặc biệt là làm chổi truyền thống”.

Bà Mến cho biết, với hoạt động làm chổi truyền thống, những người dân sẽ giới thiệu, hướng dẫn du khách từng công đoạn và giúp khách tự mình làm ra một chiếc chổi hoàn chỉnh. Mô hình này không chỉ giúp phát triển nghề truyền thống mà còn đem lại thu nhập cho bà con nông dân. Khi được tận tay làm ra một chiếc chổi truyền thống, ai nấy đều rất vui vẻ và hào hứng.

Với sự kết hợp với mô hình du lịch cộng đồng, làng nghề làm chổi truyền thống tại xã Yên Đức có cơ hội được “hồi sinh”, mở ra nhiều tiềm năng phát triển. Bà Trần Thị Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đức cho biết: “Kể từ khi có mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, một số gia đình đã kết hợp với đơn vị du lịch để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, trong đó có nghề làm chổi. Gần đây, nghề làm chổi truyền thống được nhân rộng đến các cháu thiếu nhi, lao động trong thời gian nông nhàn để vừa tạo nên nguồn thu nhập ổn định, vừa góp phần bảo tồn được nghề truyền thống”.

Nguyễn Thành - Thanh Phương
Tin khác
Người nuôi biển Vân Đồn làm lớn, xây chuỗi liên kết rong - hàu 5 sao
Người nuôi biển Vân Đồn làm lớn, xây chuỗi liên kết rong - hàu 5 sao

QUẢNG NINH Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tin tưởng Chi hội Nuôi biển Vân Đồn sẽ đem lại thành công cho dự án chuỗi liên kết rong - hàu 5 sao.

Hướng dẫn nhặt lá mai đúng cách để hoa nở vàng đúng dịp Tết 2025
Hướng dẫn nhặt lá mai đúng cách để hoa nở vàng đúng dịp Tết 2025

Hoa mai là biểu tượng quen thuộc của Tết cổ truyền Việt Nam. Nhặt lá đúng cách là kỹ thuật quan trọng giúp mai nở đúng dịp.

Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia
Nghề làm bún 400 tuổi bên sông Bồ trở thành di sản văn hóa quốc gia

THỪA THIÊN - HUẾ Nghề làm bún Vân Cù (thị xã Hương Trà) và lễ hội điện Huệ Nam (thành phố Huế) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 12/2024.

Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM
Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật: Ngành Nông nghiệp, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, sẽ tiếp tục phối hợp tốt trong triển khai quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM.

Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM
Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM

Trình bày và đề xuất của đại diện Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về lực lượng khuyến nông tham gia triển khai chương trình IPHM.

Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái
Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ giới thiệu cách triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái và cảnh quan.

Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'
Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'

Theo GS.TS Trần Văn Hâu, nguyên Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ, những cây trồng có yêu cầu kỹ thuật, giá trị kinh tế cao cần có phân bón 'chuyên dụng'.

Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM
Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Chia sẻ của ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật về những lợi ích trong áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM, đảm bảo an toàn sản xuất và xuất khẩu.

Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO
Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO

Ông Lê Văn Hải, Tổng Giám đốc BiOWISH Việt Nam trình bày về dòng phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng hữu hiệu (BIO EFF).

Mỗi năm Syngenta Việt Nam đào tạo cho 1 triệu nông dân sử dụng thuốc BVTV
Mỗi năm Syngenta Việt Nam đào tạo cho 1 triệu nông dân sử dụng thuốc BVTV

Mỗi năm Syngenta Việt Nam tiếp cận, tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả cho hơn 1 triệu nông dân. Có 250.000 nông dân được tập huấn theo chuyên đề 4 đúng, 5 nguyên tắc vàng, sử dụng thuốc và thu gom bao gói sau sử dụng có trách nhiệm.

Ứng dụng cây trồng cải tiến trong thực hành IPHM
Ứng dụng cây trồng cải tiến trong thực hành IPHM

Bà Đào Thu Vinh, Điều phối viên tổ chức Croplife Việt Nam cho biết các giống cây trồng cải tiến, kháng sâu bệnh hại giúp cây trồng khỏe mạnh hơn, có khả năng chống chịu lại các yếu tố bất lợi của môi trường và dịch hại. Đây luôn là một cấu phần quan trọng trong chương trình IPHM và IPM.

Các sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa
Các sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa

GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, chia sẻ, nhiều sinh vật gây hại bùng phát mạnh trong điều kiện biến đổi khí hậu, cần phòng ngừa bằng tổng hợp nhiều giải pháp.