| Hotline: 0983.970.780

Kỳ vọng mô hình du lịch cộng đồng làng nghề muối

Thứ Tư 26/06/2024 , 11:08 (GMT+7)

BẠC LIÊU Tỉnh Bạc Liêu đặt nhiều kỳ vọng vào mô hình Làng Du lịch cộng đồng Muối thông minh được triển khai tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình).

Diêm dân Bạc Liêu ngày càng khó khăn do nghề muối thu nhập thấp. Ảnh: Trọng Linh.

Diêm dân Bạc Liêu ngày càng khó khăn do nghề muối thu nhập thấp. Ảnh: Trọng Linh.

Du lịch cộng đồng muối thông minh

Làng Du lịch cộng đồng Muối thông minh gắn với bảo tồn làng nghề muối truyền thống tại ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) là dự án thuộc Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), thuộc Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) của Liên Hợp quốc tài trợ. Dự án được thực hiện trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh, là vùng được quy hoạch sản xuất muối theo chủ trương của tỉnh Bạc Liêu với định hướng đến năm 2030 đạt 183ha.

Đây là vùng có truyền thống sản xuất muối lâu đời của tỉnh Bạc Liêu với tổng diện tích sản xuất muối hiện nay là 118ha/25 hộ (trong đó có 45,3ha/17 hộ sản xuất muối truyền thống). Trung bình diện tích sản xuất muối 4,7ha/hộ phù hợp để dự án định hướng tuyên truyền, vận động người dân tham gia thành lập HTX sản xuất muối truyền thống theo hướng cộng đồng.

Vĩnh Tiến là ấp sản xuất muối truyền thống lâu đời ở xã Vĩnh Thịnh với 630 hộ (3.675 nhân khẩu), là một trong 7 ấp có sản xuất muối trong xã với diện tích 80ha. Trong đó, diện tích sản xuất muối không trải bạt, vẫn giữ được cách canh tác truyền thống được chọn làm mô hình thí điểm Làng Du lịch cộng đồng Muối thông minh là 24,8ha của 16 hộ.

Quỹ Môi trường toàn cầu của Liên Hợp quốc - đơn vị tài trợ đã phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu thực hiện Dự án “Bảo tồn và nâng cao giá trị nghề muối truyền thống gắn với phát triển du lịch vùng ven biển huyện Hòa Bình”, tiến hành khảo sát thực tế tại ấp Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Thịnh).

Ông Cổ Tân Xuyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình đánh giá cao về mô hình du lịch cộng đồng làng nghề muối tại địa phương. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Cổ Tân Xuyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình đánh giá cao về mô hình du lịch cộng đồng làng nghề muối tại địa phương. Ảnh: Trọng Linh.

Qua 4 tháng triển khai mô hình Làng Du lịch cộng đồng Muối thông minh tại ấp Vĩnh Tiến, Quỹ Môi trường toàn cầu đã phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương và diêm dân thành lập các nhóm đồng sở thích, gồm: Nhóm sản xuất, nhóm ẩm thực, nhóm đờn ca tài tử, nhóm chuyển đổi số, nhóm hướng dẫn viên. Đồng thời, xây dựng nhà trưng bày hiện vật về nghề làm muối, các sản phẩm muối ăn, muối chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ trải nghiệm ẩm thực, lưu trú tại làng muối.

Việc triển khai dự án nhằm đa dạng hóa sản phẩm nghề muối, hướng đến phục vụ Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2024.

Ông Trần Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh đánh giá, mô hình Làng Du lịch cộng đồng Muối thông minh rất mới mẻ đối với địa phương, trong quá trình triển khai mô hình còn không ít khó khăn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ Quỹ Môi trường toàn cầu và Bộ NN-PTNT đã đặt nền móng cho diêm dân địa phương hiểu được thế nào là bảo tồn nghề làm muối, phát triển du lịch...

“UBND xã Vĩnh Thịnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghề làm muối của địa phương gắn với phát triển du lịch để khi nhắc đến Bạc Liêu du khách sẽ nghĩ tới việc tham quan cánh đồng muối. Đồng thời, xây dựng môi trường cảnh quan xanh, sạch đẹp. Thời gian qua, địa phương cũng đã rất nỗ lực để cải tạo môi trường, đặc biệt là chất lượng môi trường nước được đảm bảo tốt nhất”, ông Đức chia sẻ.

Sản phẩm hình ngôi sao được diêm dân làm từ muối. Ảnh: Trọng Linh.

Sản phẩm hình ngôi sao được diêm dân làm từ muối. Ảnh: Trọng Linh.

Bên cạnh đó, ông Đức cũng kiến nghị lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và đơn vị tài trợ hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng để phát huy tối đa giá trị, hiệu quả nghề làm muối và du lịch nghề muối, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu tiếp cận làng du lịch của du khách. Qua đó góp phần bảo tồn nghề làm muối truyền thống. Mặt khác, xem xét các tiêu chí để đăng ký OCOP đối với các sản phẩm của làng du lịch cộng đồng, nhất là các sản phẩm từ hạt muối; vận động người dân cải tạo cảnh quan môi trường cho tuyến đường dẫn vào điểm du lịch.

Ông Cổ Tân Xuyên cho biết: Huyện Hòa Bình có 140ha sản xuất muối, trong đó có 60ha muối trải bạt. Những năm gần đây, do ảnh hưởng thời tiết, diện tích muối bị thu hẹp dần, diêm dân chuyển dần sang nuôi tôm, artemia. Để phát triển và bảo tồn nghề muối, Hòa Bình phấn đấu thời gian tới sẽ phát triển thêm 185ha muối trên toàn huyện.

Những năm gần đây thường xuất hiện mưa trái mùa ảnh hưởng đến nghề sản xuất muối của diêm dân huyện Hòa Bình. Trong khi đó, giá muối hiện nay còn khá thấp, muối truyền thống (muối nâu) có giá 1.000 - 1.100 đồng/kg, muối trải bạt (muối trắng) 1.300 - 1.500 đồng/kg. Mô hình Làng Du lịch cộng đồng Muối thông minh được kỳ vọng sẽ phát huy được hiệu quả, giúp diêm dân gắn bó hơn với nghề muối.  

Sống bằng nghề muối, giàu từ nghề muối

TS Ngô Kiều Oanh - chuyên gia tư vấn mô hình Làng Du lịch cộng đồng Muối thông minh đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong việc phối hợp triển khai dự án. Bà Oanh cho rằng, đến thời điểm này, mô hình du lịch về nghề muối vẫn còn mới mẻ với các địa phương và chưa hình thành được các điểm du lịch trên bản đồ du lịch Việt Nam. Xây dựng mô hình trải nghiệm nghề làm muối để du khách tham quan nghe thật thú vị nhưng đây là một kế hoạch đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà làm du lịch và phải có sự góp mặt của bà con diêm dân.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trải nghiệm ngâm chân bằng muối. Ảnh: Trọng Linh.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trải nghiệm ngâm chân bằng muối. Ảnh: Trọng Linh.

“Thiết nghĩ mô hình trải nghiệm nghề làm muối sẽ được gắn kết với du lịch sinh thái và những cánh đồng điện gió thành một chuỗi du lịch sinh thái. Du khách vừa được thưởng lãm cảnh quan và trải nghiệm nghề truyền thống độc đáo, được vào vai diêm dân để hiểu thêm về nghề mang giá trị di sản quốc gia. Chắc chắn một điều, chỉ cánh đồng muối thì không thể làm du lịch mà cần có sự kết hợp giữa việc trải nghiệm với đầu tư các mô hình liền kề”, TS Oanh phân tích.

Theo ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nghề muối của tỉnh Bạc Liêu đã hình thành từ lâu đời, nổi tiếng là muối Ba Thắc. Nghề muối gắn bó mật thiết với đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa của địa phương, nhất là các xã ven biển. Tuy nhiên, nghề muối đang dần mai một do giá muối thấp, diêm dân không thể phát triển kinh tế, làm giàu so với nghề nuôi tôm. Do đó, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm tới việc phát huy giá trị nghề làm muối để diêm dân có cuộc sống sung túc hơn, sống được bằng nghề làm muối, giàu từ nghề làm muối, đồng thời đưa thương hiệu muối Bạc Liêu vươn xa. Vì thế mô hình Làng Du lịch cộng đồng Muối thông minh rất được lãnh đạo tỉnh quan tâm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Quỹ Môi trường toàn cầu trong suốt quá trình triển khai dự án với quyết tâm cao nhất. Bên cạnh đó, tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho diêm dân, tuyên truyền sâu rộng về giá trị nghề muối, vai trò của việc bảo tồn nghề muối gắn với phát triển du lịch.

Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (đứng) chỉ đạo địa phương tuyên truyền người dân chủ động bảo vệ môi trường nước nhằm phục vụ phát triển nghề muối và làm du lịch. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (đứng) chỉ đạo địa phương tuyên truyền người dân chủ động bảo vệ môi trường nước nhằm phục vụ phát triển nghề muối và làm du lịch. Ảnh: Trọng Linh.

TS Ngô Kiều Oanh cho biết, đến thời điểm này, nước ta còn khoảng 10 địa phương sản xuất muối truyền thống. Phương pháp sản xuất thủ công với công nghệ phơi cát và phơi nước phân tán giúp hạt muối giữ được khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp, có lợi cho sức khỏe. Kết tụ tinh hoa, sức lao động có nơi hàng nghìn năm, các làng nghề sản xuất muối truyền thống nếu đáp ứng được các tiêu chí du lịch sẽ là những điểm đến hấp dẫn trong chương trình phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Do đâu Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu chậm thí điểm 1 triệu ha lúa?

ĐBSCL Hiện tỉnh Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu vẫn chưa có kế hoạch triển khai thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, chỉ dừng lại ở việc ban hành kế hoạch.