Là một doanh nhân trẻ trong ngành nông nghiệp, anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, nhận định, người trẻ có vốn liếng ngoại ngữ đủ tốt để có thể lan tỏa những giá trị nông sản Việt Nam ra thế giới bằng cách “kể” những câu chuyện về quá trình canh tác, cách sản xuất nông sản ở các địa phương tại Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Đặng Dương Minh Hoàng dẫn chứng, gần đây, anh đã được những tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) mời tham gia một số sự kiện ở các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Thái Lan… Tháng 11 tới, Hoàng cũng được mời tham gia một hội nghị bộ trưởng nông nghiệp các nước tiểu vùng sông Mekong tại Côn Minh, Trung Quốc.
Tại những sự kiện đó, Hoàng đã chia sẻ, lan tỏa những giá trị của quê hương, đất nước mình, của nông sản Việt Nam, đồng thời kết nối với các bạn hàng quốc tế để có thêm những đối tác để xuất khẩu nông sản.
Ngoài am hiểu về công nghệ để thúc đẩy chuyển đổi số hay có vốn liếng ngoại ngữ để kể các câu chuyện nhằm lan tỏa hình ảnh, giá trị nông sản Việt Nam, những người trẻ còn có nhiều ý tưởng trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đặng Dương Minh Hoàng cho rằng, kinh tế nông nghiệp không chỉ là sản xuất và bán các mặt hàng nông sản mà còn từ những giá trị vô hình. Chẳng hạn, người trẻ có thể biến trang trại của gia đình, từ một cơ sở sản xuất thuần túy trở thành một mô hình du lịch kết hợp với trang trại (Farmstay).
Mô hình du lịch Farmstay sẽ giúp cho khách hàng có những trải nghiệm đặc biệt hơn với các loại nông sản do nông dân Việt Nam sản xuất. Bởi khi tới tận các trang trang trại để tham quan, du lịch, tìm hiểu quá trình sản xuất ở nông trại, kết hợp thưởng thức, mua sắm nông sản do chính trang trại sản xuất, du khách sẽ có những cảm xúc khác hẳn khi mua những nông sản đó ở chợ hay siêu thị.
Trong chuyển đổi số, những người trẻ cũng đang thực hiện những giải pháp sáng tạo như mô hình “game hóa” ở HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước. Trong mô hình này, thông qua nền tảng số, người tiêu dùng “nhận nuôi” từng cây trong trang trại. Cụ thể, khách hàng ở thành thị có thể không có trong tay một mảnh vườn, một miếng đất nông nghiệp nào, nhưng vẫn có thể sở hữu một cây bơ hay cây sầu riêng bằng “trò chơi” nhận nuôi từng cây.
Hàng ngày, qua nền tảng số, khách hàng có thể quan sát quá trình sinh trưởng, phát triển của cây mình nhận nuôi. Trong quá trình đó, khách hàng tiếp cận, học hỏi những kiến thức về nông nghiệp, trong đó có những kiến thức mà khách hàng có thể phải trả phí. Khi đã nắm vững kiến thức, khách hàng có thể tham gia vào hoạt động canh tác như tưới cho cây thông qua internet vạn vật (IoT) và tiến tới thu hoạch trái bơ hay trái sầu riêng.
Đặng Dương Minh Hoàng khẳng định, các trang trại còn nhiều giá trị vô hình mà những người trẻ với rất nhiều sự sáng tạo, sẽ có thể nhìn ra và phát huy được. Nông nghiệp Việt Nam là một sân chơi lớn, và những bạn trẻ có “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”, khi về với nông nghiệp sẽ như “cá gặp nước”, trở thành những chủ thể quan trọng để phát huy khả năng sáng tạo, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới.