Mùa Giáng sinh năm nay xứ đạo Nam Định dường như lung linh hơn trong tiết trời lạnh giá. Du khách trong và ngoài nước về với mảnh đất Thành Nam cũng tấp nập hơn mọi năm. Nhà thờ Hưng Nghĩa, Phạm Pháo, nhà thờ đổ ở huyện Hải Hậu. Tòa giám mục Bùi Chu bên huyện Xuân Trường. Tiểu vương cung thánh đường Phú Nhai, Nhà thờ đền thánh Kiên Lao… nơi đâu cũng là không khí mùa Noel ấm áp, an lành bao trùm lên khắp nẻo đường về xứ đạo.
Hơn 800 nhà thờ lớn nhỏ, 800 sắc màu lung linh, mỗi sắc màu là một câu chuyện, một vẻ đẹp trên cung đường di sản Thành Nam. Ngày lễ lớn không chỉ với riêng người con Thiên chúa nữa khi mà những năm gần đây người lương cũng về xứ đạo rất nhiều. Có được điều đó một phần là nhờ vào nỗ lực của những người trẻ đang từng ngày đánh thức bản sắc văn hóa miền đất ven biển để phát triển du lịch nông thôn, để những miền đất vốn chưa bao giờ có tên trên bản đồ du lịch đang dần hiện hữu nhờ biết cách kể câu chuyện của mình.
Nơi đồng quê biết kể chuyện của mình
Tôi quen biết chị Bùi Thị Nhàn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Ecohost thông qua một nhóm Kết nối du lịch nông thôn trên mạng Zalo. Vẫn thường nghe chị chia sẻ khát vọng rằng, nông thôn mình đẹp quá, nơi đâu cũng đẹp, văn hóa bản địa của các vùng miền lại vô cùng đa dạng, bản sắc không ai giống ai.
Đó là những vùng đất hôm nay có thể chưa có tên trên bản đồ du lịch nhưng hầu hết là những miền quê có bề dày văn hóa được đúc kết qua hàng nghìn năm mới thành, nếu chúng ta không biết cách khai thác giá trị để phát triển du lịch thì thật đáng tiếc.
Độ vài năm trước, khi chị Nhàn vừa mới khởi nghiệp cùng Ecohost và đạt giải nhì cuộc thi Sáng kiến Hỗ trợ Khởi nghiệp Du lịch vùng Mekong của Chính phủ Úc và Ngân hàng Phát triển châu Á, tôi từng có ý định viết bài nhưng chị bảo, từ đã, hãy để một thời gian nữa xem những người trẻ Ecohost có thể làm gì với cộng đồng. Mãi đến hôm nay mới có dịp quay lại với hành trình của những người đầu tiên đưa du lịch cộng đồng về với chốn non Côi sông Vị.
Khởi nguồn từ Ecohost vào năm 2015 bằng sản phẩm du lịch tái dựng những ngôi nhà truyền thống vùng nông thôn Bắc bộ để phục vụ du khách quốc tế lưu trú, cùng với tham quan làng nghề, trải nghiệm làm món ăn đặc sản địa phương, đến nay hệ sinh thái của Ecohost đang là nơi tập hợp những người trẻ tuổi, ở trong một cộng đồng với nhiều tên gọi khác nhau.
Đó có thể là thổ địa Nam Định, nơi tập hợp những người bản địa am hiểu địa phương, luôn sẵn sàng giúp đỡ, đồng hành để mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời khi về với miền di sản Nam Định. Đó là cộng đồng Nam Định - đất và người, Nam Định xưa và nay với hàng vạn thành viên yêu văn hóa, di sản và truyền thống quê hương. Cho dù tên gọi nào, không gian nào thì những con người đó đều có chung sứ mệnh, đánh thức bản sắc văn hóa, tiềm năng du lịch nông thôn của đất và người Nam Định. Lẽ tất nhiên đó là cả một hành trình dài, nói như chị Nhàn là hành trình đã lấy đi thanh xuân của những người trẻ, như chị.
Anh Triệu Quốc Hùng, một thổ địa của huyện Hải Hậu, cũng là người phụ trách Ecohost ở miền quê này hết dẫn tôi đến làng múa rối Hồng Quang, lang thang trên cánh đồng muối Bạch Long, sang bên làng nghề kèn đồng Phạm Pháo, làng nghề đồ gỗ Ý Yên, rồi lại xuôi xuống cả cuối sông Hồng, nơi bà con dưới đấy cũng đang cùng nhau làm du lịch sông nước…
Thao thao như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp nhưng vẫn giữ được sự mộc mạc, chân thành của một người con vùng chiêm trũng, danh xưng anh tự nhận. Hùng nói, Hải Hậu là miền quê an lành nhưng ẩn sâu bên trong nhiều điều đặc biệt. Nơi đây xưa là biển, nhờ cha ông thuở trước khai khẩn, lấn dần thành đất thành làng, cũng là nơi những thừa giáo phương Tây đến truyền giáo đầu tiên từ thế kỷ 16.
Thị trấn Yên Định ngày trước là phố cổ Đông Biên với những làng nghề truyền thống tự lâu đời, mỗi nghề mang một bản sắc văn hóa. Nếu phát triển du lịch nông thôn thì đó là những giá trị tuyệt vời, riêng có, nhưng không phải ai cũng nhìn thấy.
Khi bắt tay làm du lịch, nghiên cứu, tìm hiểu quê mình những người trẻ như Hùng tự hỏi, liệu có phải đời sống lắm truân chuyên, vất vả khiến con người ta hờ hững, lạnh nhạt với giá trị văn hóa, vẻ đẹp thôn quê, có phải bận lo toan, vật lộn qua ngày khiến con người mình thờ ơ với giá trị truyền thống, dần đánh mất đi bản sắc hay không?
Ngày còn là anh nhân viên dẫn khách trong một công ty lữ hành, Hùng hay dẫn mấy ông khách Tây về Hải Hậu, nhìn cách người ta nâng niu từng nhánh rêu trên một ngôi nhà thờ cổ, đắm đuối trước kiến trúc của căn nhà truyền thống làng quê Bắc bộ xưa, anh thấy chạnh lòng. Sao người ta xa lạ còn biết cách trân trọng di sản văn hóa của quê mình, mà người mình lại chưa biết cách nâng niu.
Sau này, khi trực tiếp lăn lộn cùng với người dân làm du lịch nông thôn những người trẻ như Hùng ngẫm ra không phải thế. Sức sống văn hóa trong mỗi làng quê thật bền bỉ và mãnh liệt, chỉ có điều mình chưa biết cách khai thác những giá trị văn hóa đó để biến di sản thành tài sản mà thôi. Bằng chứng là khi mô hình Ecohost đến với các làng quê đã nhận được sự chung tay, hưởng ứng của cả cộng đồng.
Niềm tự hào về bản sắc văn hóa quê hương như đốm lửa, lâu nay vẫn âm ỉ trong mỗi người bây giờ được dịp bùng lên. Ngọn lửa ấy chính là cơ sở giúp những người trẻ của Ecohost xây dựng những mô hình du lịch nông thôn đặc sắc ở Nam Định. Ví như hành trình "Đường về xứ đạo", "Khám phá làng nghề", "Thăm những ngôi nhà cổ đồng bằng Bắc bộ", khám phá, trải nghiệm đời sống nông thôn bình dị hàng ngày và thưởng thức văn hóa ẩm thực đồng quê...
Giờ đây Ecohost đang cùng với người nông dân Nam Định xây dựng những mô hình du lịch nông thôn độc đáo. Đến với mảnh đất thành Nam du khách có thể lựa chọn trải nghiệm theo từng chủ đề. Sự an lành trong từng xứ đạo, vẻ mộc mạc chân quê trên đồng lúa, đồng muối, nét tinh xảo, tài hoa của nghệ nhân trong từng làng nghề.
Mỗi trải nghiệm là một câu chuyện. Chuyện về những thăng trầm của rối nước làng Rạch hay phường rối nước Nam Chấn lâu đời nhất miền Bắc. Du khách không chỉ hiểu thêm về lịch sử hình thành và phát triển của nghề múa rối, khám phá quá trình tạo nên một con rối từ công đoạn đục đẽo, lắp ráp cho đến tô sơn màu mà còn đắm chìm trong không gian văn hóa đặc sắc Đồng bằng Bắc bộ.
Chuyện những con người xây dựng Bảo tàng Đồng quê, nơi lưu giữ hồn quê với mong muốn con cháu mình sau này biết cha ông thuở trước làm ra hạt gạo thế nào. Cả những trải nghiệm một ngày làm diêm dân trên cánh đồng muối Bạch Long, nơi con người nhọc nhằn làm ra hạt muối, để thêm yêu vị biển mặn quê mình. Là Mùa hè hạnh phúc, hành trình dành cho các bạn nhỏ được đắm mình trong đời sống nông thôn, cùng người nông dân bắt ngao, bắt ốc, tìm hiểu nghề làm nón, làm bánh gai… Ngoài thu hút một lượng lớn khách du lịch, mỗi tháng, Ecohost Hải Hậu đã giúp người dân và cộng đồng tham gia vào mô hình có nguồn thu nhập 6 - 12 triệu đồng/người, mỗi hộ từ 20 - 40 triệu đồng.
“Ngay từ những ngày đầu anh em xác định, sứ mệnh của Ecohost thiên về quảng bá chứ không đơn thuần là lợi nhuận. Phải làm sao bản sắc văn hóa đồng quê Nam Định đến được với thật nhiều người, thế nên mấy năm trời toàn lỗ, đợt dịch Covid -19 anh em còn bay cả căn nhà”, anh Hùng nói chuyện mất mát nhưng cười hỉ hả, dường như mục tiêu lớn nhất của họ đã thành.
Từ tiếng kèn Phạm Pháo đến nụ cười Giao Thủy…
Kể từ khi Ecohost về những miền quê, tiếng kèn đồng của nghệ nhân Nguyễn Cường ở làng kèn đồng Phạm Pháo (xã Hải Minh, huyện Hải Hậu) như thêm rộn rã. Là bởi vì ngoài những buổi dạy nhạc cho các đội kèn trong giáo xứ, thỉnh thoảng lại có đoàn khách du lịch đến nhà nhờ ông tấu vài điệu hay đơn giản là ngồi xem người nghệ nhân chế tác kèn đồng, thứ nghề độc đáo của riêng Phạm Pháo.
Mỗi khách đến đây phía Ecohost trả cho người nghệ nhân 10 ngàn đồng. Gặp những đoàn khách có nhu cầu mua kèn ông Cường lại kiếm thêm được một khoản. Đều đặn như vậy cũng có thêm đồng ra đồng vào. Nghệ nhân Cường vừa nói vừa khoe 4 tấm bằng Nghệ nhân quốc gia, những thứ tưởng như từ lâu đã cất vào tủ, nay lại lấy ra treo những nơi trang trọng để làm du lịch.
“Chính sách 10 ngàn” cũng được áp dụng với làng cây cảnh Nam Điền, làng ươm tơ Cổ Chất, cánh đồng muối Văn Lý, làng đan lưới Hải Triều hay bất cứ làng nghề nào khác ở đồng quê Nam Định. Như ở phường rối nước làng Rạch, hay còn gọi là phường rối nước Nam Chấn (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực), đoàn múa rối của làng đã dựng được 18 tiết mục, chủ yếu tái tạo những sinh hoạt nông nghiệp và đời sống văn hóa của cư dân Đồng bằng Bắc bộ như: cày cấy, chăn nuôi, săn bắt, dệt vải hay những hoạt động hội hè như rước sách, chọi trâu, múa rồng, múa lân…".
Nét văn hóa lâu đời đã không chỉ mang giá trị tinh thần mà đang dần trở thành sản phẩm du lịch nông thôn độc đáo. Tỉnh Nam Định có hơn 100 làng nghề truyền thống và dường như xu thế phát huy bản sắc, phát huy giá trị truyền thống để kết hợp với du lịch nông thôn đang rõ hơn mỗi ngày.
Chúng tôi theo chân anh Triệu Quốc Hùng xuôi làng ngao Giao Thủy ở cửa sông Hồng đi ra biển, trải nghiệm hành trình Du khảo đồng quê đã thành thương hiệu du lịch nông thôn ở Nam Định từ mấy năm nay. Thật bất ngờ khi có nhiều lựa chọn. Có thể đạp xe qua làng xóm, dọc theo triền đê và chứng kiến hoạt động của chợ hải sản buổi sáng. Thăm cơ sở sản xuất nước mắm đặc sản của Giao Thủy. Ra vùng bãi bồi nơi có hàng trăm chòi ngao như hàng trăm tổ chim mọc chênh vênh trên sóng nước hoặc du ngoạn trong rừng ngập mặn của Vườn quốc gia Xuân Thủy rộng hàng ngàn ha, khu rừng ngập mặn đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước quốc tế Ramsar. Ra cồn Lu, cồn Ngạn, cồn Xanh, tất cả đều là những địa điểm mà cộng đồng du lịch khẳng định “chưa ngắm bình minh hay hoàng hôn nơi đây thì chưa về Nam Định”.
Anh Hùng cũng chia sẻ thêm rằng, kể từ khi du lịch nông thôn phát triển, người dân các xã miền biển như Giao Xuân không chỉ khai thác dịch vụ du lịch trải nghiệm mà còn biết cách xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp truyền thống bán cho du khách.
Gạo tám xoan Hải Hậu, nước mắm đặc sản Sa Châu, mật ong sú vẹt Xuân Thủy hay những món ăn như nem chạo, nộm sứa, ngao sò… Lại còn lập ra đội văn nghệ du lịch sinh thái, mời các diễn viên trên Nhà hát chèo Nam Định về dạy nghệ thuật biểu diễn, dạy những điệu múa hát để đón khách du lịch.
Từ mô hình du lịch cộng đồng Ecohost liên kết xây dựng ban đầu, người dân thành lập các hợp tác xã du lịch, công ty du lịch cùng liên kết với nhau thành “tua” trải nghiệm, khám phá đồng quê. Đã có những hợp tác xã du lịch, những làng du lịch cộng đồng đạt chuẩn OCOP 3-4 sao. Chính Ecohost cũng vừa đón nhận tin vui khi trở thành mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh Nam Định đạt chuẩn OCOP 5 sao.
"Chính sách 10 ngàn một khách du lịch có thể chưa mang lại nhiều thu nhập nhưng chắc chắn mang đến niềm vui và cổ vũ người dân thêm hăng say lao động, thêm yêu đồng lúa, ruộng muối, bãi ngao… và hơn hết là thêm yêu văn hoá quê mình. Từ tình yêu đó người nông dân tự biết cách kể chuyện, biết tạo ra những giá trị để cùng nhau làm du lịch, cùng nhau phát huy di sản của những miền quê”, anh Triệu Quốc Hùng phân tích.
Trở lại với câu chuyện của CEO Bùi Thị Nhàn, chị khoe vừa thắng giải Hoa hồi vàng trong cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon do Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam tổ chức. Từ phở, khát vọng của người con mảnh đất Hải Hậu này chính là nâng cao giá trị của ẩm thực đồng quê Nam Định, biến những món ăn dân dã của ruộng đồng thành sản phẩm du lịch.
“Xu thế của thời đại là du lịch văn hoá sẽ lên ngôi để thay thế du lịch truyền thống. Mà du lịch văn hoá đậm bản sắc nhất, có thể phát triển bền vững nhất chính là du lịch nông thôn”, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Ecohost sẻ chia.
Xa hơn nữa, Bùi Thị Nhàn muốn Ecohost là hạt nhân liên kết các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng cùng nhau phát triển du lịch nông thôn. Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam và những tỉnh thành khác chung nhau văn hoá đồng Bắc bộ, chung nhau những dòng sông nhưng chắc chắn văn hoá mỗi vùng quê là một sự khác biệt, một giá trị riêng có. Liên kết những giá trị đó thành chuỗi mới đích thực là du lịch, mới có thể biến di sản thành tài sản.