| Hotline: 0983.970.780

Dọc đường biên Mường Lát: [Bài 5] Người trẻ dựng nghiệp trên đỉnh mù sương

Thứ Sáu 30/08/2024 , 06:00 (GMT+7)

Ở Mường Lát đang xuất hiện nhiều thanh niên truyền cảm hứng khởi nghiệp cho người dân ở mảnh đất khó vùng biên. Họ là những thanh niên giàu nghị lực vượt khó.

Làm du lịch cộng đồng từ cây đu đủ

Nói là khu phố (phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát, Thanh Hóa) cho oai chứ cuộc sống của gia đình Vi Văn Quang và đồng bào các dân tộc Thái, Mông… ở đây bao đời nay vẫn bám đồi, núi. Ngẩng mặt là mây mù, cúi đầu là đất cằn, sỏi đá, sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp, nên đời sống người dân chẳng khá nổi.

Bài liên quan

Khác với nhiều thanh niên người Thái, Vi Văn Quang chọn cách ở lại quê hương để lập nghiệp. Chàng trai mới 28 tuổi đến với du lịch cộng đồng cũng là cái duyên. Có lần, Quang bị bố mẹ mắng nên tự ái bỏ nhà ra đi. Cậu trai ăn chưa đủ no, lo chưa tới cứ rong ruổi cả năm trời bên nước bạn Lào để tìm việc làm thêm. Quãng thời gian này cho Quang khá nhiều trải nghiệm về văn hóa, ẩm thực của nước bạn.

Vườn đu đủ của Vi Văn Quang thu hút nhiều khách tới tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Quốc Toản.

Vườn đu đủ của Vi Văn Quang thu hút nhiều khách tới tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Quốc Toản.

Quê Vi Văn Quang cách không xa cửa khẩu Tén Tằn, nơi du khách và người Lào thường xuyên ghé chân để “săn mây” thưởng ngoạn cảnh đẹp vùng biên. Dù có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng nhưng dịch vụ lưu trú và các hoạt động trải nghiệm ở vùng biên cương chưa hề phát triển. Sau khi trở về, Quang nói ý tưởng làm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm với bạn đồng niên Vi Văn Nhiên. Thế rồi, cả hai thống nhất bắt tay vào việc chỉ sau ít ngày. 

Ban đầu, trên mảnh đất rộng khoảng 1.000m2, Quang trồng gần 1.000 gốc đu đủ, với mục đích lấy hoa để bán. Chỉ vài tháng sau, vườn cây của Quang xanh tốt, bắt đầu ra hoa, đơm quả, thu hút khá đông khách đến check-in. Nhận thấy tiềm năng lớn về phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực cửa khẩu Tén Tằn, Quang định đầu tư thêm chòi, hàng rào, công trình phụ, trang trí không gian trong vườn để phục vụ khách qua lại.

Toàn bộ khuôn viên, chòi ăn và các công trình phụ trợ tại vườn đu đủ đều do Quang tự tay thiết kế và xây dựng. Quang kể, mất 2 tháng và sút mất 10kg khi phải leo rừng, lội suối chặt nứa, kéo luồng từ lưng chừng núi về bản, rồi hì hục đào hố chôn cột, dựng chòi.

Gỏi đu đủ là món ăn độc đáo mà Vi Văn Quang thiết đãi du khách đến tham quan. Ảnh: Quốc Toản.

Gỏi đu đủ là món ăn độc đáo mà Vi Văn Quang thiết đãi du khách đến tham quan. Ảnh: Quốc Toản.

Quang muốn làm du lịch cộng đồng gần gũi với thiên nhiên. Các món ăn cũng mang đậm chất vùng cao như, thịt trâu gác bếp, gà đồi, măng rừng. Đặc biệt, món gỏi đu đủ được Quang dùng gia vị là mắm cá lào, trộn kết hợp với cà chua, các loại rau rừng nên khi thưởng thức có mùi vị khá độc đáo. Đây cũng là món ăn thường xuyên được khách hàng lựa chọn mỗi khi đến đây trải nghiệm.

Chàng trai trẻ nỗ lực từng ngày và chưa bao giờ nghĩ đến thất bại khi bắt tay vào việc. “Em nghĩ sao làm vậy và chưa bao giờ nghĩ sẽ mình thất bại. Thất bại hay không là do mình. Cứ cố gắng từng ngày, ông trời sẽ không phụ”, Quang chia sẻ.

Cuối năm 2023, điểm du lịch cộng đồng của Quang chính thức đi vào hoạt động. Thời gian đầu, trung bình quán của Quang 100 lượt khách/ngày. Tháng đỉnh điểm Quang thu 30 triệu đồng từ việc bán đồ ăn cho khách. Việc chụp ảnh hoàn toàn miễn phí. Khách của quán chủ yếu là người Lào, các đoàn đi tham quan, các bạn trẻ đi phượt.

Chàng trai trẻ có dự định sẽ đầu tư dịch vụ lưu trú ngắn ngày cho du khách trong thời gian tới để nâng công suất hoạt động và tạo thêm việc làm cho thanh niên vùng biên.

Dựa vào yếu tố bản địa để làm OCOP

Giống như Vi Văn Quang, Lương Thị Nồng (dân tộc Thái, bản Pùng, xã Quang Chiểu) cũng chưa học hết cấp 3. Nồng lập gia đình và sinh con sớm hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Trước khi bén duyên với Nếp Cay Nọi, Nồng chạy vạy khắp nơi mưu sinh từ nghề bán tóc, đến buôn bán nông sản. Có được số vốn ban đầu, Nồng vay mượn thêm tiền và bắt tay đầu tư cơ sở sơ chế nông sản và nhập cho thương lái tỉnh bạn.

Tuy nhiên, cô gái ấy khởi nghiệp cũng khá trắc trở. Năm 2020, Nồng mất trắng 280 triệu đồng vì tin tưởng giao hàng cho thương lái, nhưng đối tác không thanh toán. Mất số tiền lớn, Nồng định bỏ cuộc sau lần đó, nhưng món nợ ngân hàng và tiền lãi hằng tháng khiến cô gái trẻ không còn đường lui. Nồng nhờ anh trai cắm sổ đỏ, vay ngân hàng để tiếp tục đầu tư nhằm gỡ gạc lại số vốn đã mất.

Thất bại trong lần đầu tiên khởi nghiệp giúp Nồng nhận ra rằng, nếu chỉ thu gom, sơ chế nông sản quy mô nhỏ, mà không chú ý làm thương hiệu và tạo đầu ra ổn định thì nông dân suốt đời chỉ là người làm thuê trên mảnh ruộng của mình và sản phẩm hàng hóa mãi bấp bênh như bài học mà cô từng gặp phải.

Lương Thị Nồng (dân tộc Thái, bản Pùng, xã Quang Chiểu). Ảnh: Quốc Toản.

Lương Thị Nồng (dân tộc Thái, bản Pùng, xã Quang Chiểu). Ảnh: Quốc Toản.

Trong lúc khó khăn, Nồng được lãnh đạo xã Quang Chiểu động viên, hỗ trợ Nồng làm sản phẩm OCOP từ nếp Cay Nọi. Ở xã vùng biên khi ấy khó tìm được người thứ 2 như Nồng bởi cô là người có kinh nghiệm trong chế biến sản phẩm nông sản, nhưng quan trọng nhất, người phụ nữ ấy có nghị lực và cả sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm. 

Năm 2021, Lương Thị Nồng đứng ra thành lập Hợp tác xã nông, lâm Chung Thành gồm 12 thành viên, tập trung sản xuất và chế biến sản phẩm lúa gạo mang đậm tính đặc trưng vùng miền - Gạo nếp Cay Nọi. Khi tham gia liên kết sản xuất, Hợp tác xã hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và giúp bà con tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. Đây chính là điều kiện để bà con yên tâm mở rộng diện tích và phát triển thương hiệu giống lúa gạo đặc sản này.

Sau vài vụ gieo cấy, Nồng nhận thấy giống lúa này phù hợp với đồng đất quê hương, nên mở rộng liên kết với bà con trong huyện. "Nếp Cay Nọi hạt to, mập, vỏ đỏ sọc, mỏng. Hạt gạo màu trắng, hơi bóng có mùi thơm đậm hơn các loại gạo thông thường. Khi nấu chín cơm nếp sẽ có hương thơm đặc biệt, vị ngọt, dẻo, mềm cơm. Đặc biệt, loại lúa nếp này chỉ phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của huyện Mường Lát, nếu đem đi trồng ở các vùng khác, hiệu quả sản xuất sẽ không cao", Nồng cho biết.

Hiện nay, toàn huyện Mường Lát có hơn 650ha với gần 1.600 hộ dân tham gia trồng lúa nếp Cay Nọi, sản lượng trung bình đạt khoảng 3.000 tấn/năm. Sản phẩm thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhiều thương lái còn liên hệ với Nồng và bà con nông dân, đưa xe vào tận ruộng để mua gom sản phẩm, thậm chí phải đặt trước mới có hàng. Người dân xã Quang Chiểu từ chỗ trồng nếp Cay Nọi để phục vụ sinh hoạt hằng ngày, thì nay đã biến nó thành sản phẩm có tính hàng hóa và được thị trường ưa chuộng.

Gạo nếp Cay Nọi là sản phẩm OCOP đầu tiên tại huyện Mường Lát. Ảnh: Quốc Toản.

Gạo nếp Cay Nọi là sản phẩm OCOP đầu tiên tại huyện Mường Lát. Ảnh: Quốc Toản.

“Vui nhất khi sản phẩm gạo nếp Cay Nọi của chúng tôi được công nhận đạt OCOP và được nhiều người biết đến", Nồng chia sẻ.

Ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Lát cho biết: "Mô hình trồng lúa nếp đặc sản Cay Nọi đã tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện, mở ra hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Mô hình cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn".

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.