Lợi ích của cây trồng chuyển gen sau 10 năm canh tác tại Việt Nam

Nhóm PV - Thứ Tư, 23/10/2024 , 10:22 (GMT+7)

Trải qua nhiều năm, giống ngô kháng sâu mang lại năng suất cao, giúp nông dân tiết kiệm công sức và chi phí phun thuốc trừ sâu, giảm thiểu tác động đến sức khỏe.

Ngô chuyển gen có khả năng kháng sâu và chống chịu thời tiết lạnh giá, nên được nông dân Sơn La canh tác nhằm tận dụng làm thức ăn chăn nuôi bò sữa. Ảnh: Hùng Khang.

Giống ngô kháng sâu ở vựa ngô Sơn La

Hàng chục năm qua, mỗi ngày mới của ông Ngô Văn Tùng, một nông dân nuôi bò sữa ở Tiểu khu Sao Đỏ 1 (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La), đều bắt đầu từ rất sớm. Đàn bò của ông hiện nay có khoảng 100 con, nên việc chăm sóc, vắt sữa là một phần không thể thiếu trong nhịp sống thường nhật của ông.

“Tất cả bò đều được vắt sữa hai lần mỗi ngày, một lần vào buổi sáng và một lần buổi chiều. Mình chia đều ra để bầu sữa không bị to quá. Con bò ở lứa thứ ba, tháng thứ hai, mỗi ngày cho ra khoảng 33 - 34kg sữa”, ông Tùng chia sẻ.

Bài liên quan

Để duy trì đàn bò khỏe mạnh, mỗi con bò cần khoảng 50kg thức ăn mỗi ngày, trong đó 90% là thức ăn thô xanh được ủ chua và băm nhuyễn. Từ năm 2015, ông Tùng đã bắt đầu trồng giống ngô kháng sâu để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò suốt cả năm, đặc biệt là trong mùa đông lạnh giá ở vùng cao.

“Vào mùa đông, khí hậu ở đây rất lạnh giá, các giống ngô thường hay bị khô lá gốc và năng suất giảm. Nhưng giống ngô kháng sâu này không bị khô lá gốc, nên năng suất cao hơn và chất lượng cũng tốt hơn”, ông Tùng cho biết.

Những hố ủ chua thức ăn cho bò trong trang trại của ông luôn đầy ắp. Nhiều khi đàn bò ăn không hết, ông còn bán thức ăn cho các hộ lân cận. Học theo mô hình của ông, nhiều hộ dân khác trong vùng cũng đã chuyển sang trồng ngô kháng sâu để tận dụng sinh khối làm thức ăn cho gia súc.

Ông Hà Xuân Lương, một nông dân khác trong cùng khu vực, chia sẻ cảm nhận tích cực về giống ngô mới: “Cây tốt, bắp tốt, với nông dân chăn nuôi chúng tôi, điều quan trọng nhất là năng suất và sản lượng phải phù hợp với đồng đất Sơn La”.

Đối với bà Trần Thị Mai, việc trồng ngô kháng sâu cũng đã đem lại nhiều thuận lợi. Theo bà Mai, nếu làm nương từ đầu tốt thì không cần phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ, năng suất cao, kinh tế hơn hẳn. Nếu trồng giống ngô khác, bà thường phải phun thuốc trừ sâu 3-4 lần mỗi vụ.

Trải qua nhiều năm, giống ngô kháng sâu không chỉ mang lại năng suất cao mà còn giúp nông dân Sơn La tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí phun thuốc trừ sâu, giảm thiểu tác động đến sức khỏe.

Ông Ngô Văn Tùng (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La) ủ chua ngô làm thức ăn cho đàn bò 100 con. Ảnh: Hùng Khang.

Hành trình 10 năm ngô chuyển gen thay đổi hệ thống nông nghiệp Việt Nam

Những giống ngô chuyển gen kháng sâu đã giúp nông dân cải thiện thói quen canh tác theo hướng bền vững hơn, góp phần duy trì sản lượng ngô trong nước.

Việc giới thiệu và đưa ngô chuyển gen vào canh tác tại Việt Nam đã được thực hiện theo một khung pháp lý khoa học, tiên tiến và bền vững. Sau 10 năm triển khai, ngô BĐG đã chứng minh những tác động tích cực không chỉ đối với năng suất mà còn đối với kinh tế - xã hội, đặc biệt là cho các hộ nông dân trồng ngô.

Tại Việt Nam, đầu năm 2010, Bộ NN-PTNT đã cấp giấy phép khảo nghiệm ngô biến đổi gen. Đến tháng 8/2014, Bộ NN-PTNT chính thức có các Quyết định về việc công nhận ngô biến đổi gen trồng khảo nghiệm đủ điều kiện làm thức ăn chăn nuôi.

Tiếp sau đó, tháng 11/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có các Quyết định phê duyệt và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho ngô biến đổi gen trồng tại Việt Nam.

Tháng 3/2015, những giống ngô chuyển gen đầu tiên đã chính thức được phép thương mại hóa đưa vào sản xuất đại trà tại Việt Nam.

Kể từ đó đến nay, diện tích canh tác ngô chuyển gen liên tục tăng, đến năm 2022 đã chiếm 26,5% tổng diện tích canh tác ngô toàn quốc, so với 4% diện tích vào năm 2015.

Tính tới đầu năm 2024 đã có 15 giống ngô chuyển gen được nông dân canh tác. Ảnh: Hùng Khang.

Theo Hiệp hội Thương mại Giống Cây trồng Việt Nam, tính tới đầu năm 2024 đã có 25 giống ngô chuyển gen của 5 công ty được công nhận lưu hành tại Việt Nam, trong đó có 15 giống hiện đang được nông dân canh tác.

Hiệu quả kinh tế của ngô biến đổi gen qua điều tra nông hộ quy mô toàn quốc cho thấy: năng suất ngô chuyển gen trồng tại Việt Nam đạt bình quân 8,7 tấn/ha/vụ; trong khi năng suất bình quân các giống ngô truyền thống đạt 6,7 tấn/ha/vụ.

Lợi ích kinh tế dài hạn cho nông nghiệp

Bài liên quan

Tại Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế” ngày 5/10, GS.TS Lê Huy Hàm - nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ chuyển gen và tới đây là công nghệ chỉnh sửa gen cùng vai trò của nó trong việc thúc đẩy nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Theo giáo sư, từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đã trồng được 1,3 triệu ha cây trồng biến đổi gen, mang lại lợi ích đáng kể cho nền nông nghiệp. Nghiên cứu của nhà kinh tế học Graham Brooker chỉ ra rằng, mỗi ha ngô biến đổi gen mang lại lợi nhuận từ 3,4 - 7,4 triệu đồng cho nông dân mỗi năm. Khi cộng dồn con số này, 1,3 triệu ha có thể đem lại tổng lợi nhuận tăng thêm từ 4,42 - 9,62 nghìn tỷ đồng.

Do đó, việc hoàn thiện hệ thống quy chế là vô cùng quan trọng để đưa nông dân tiếp cận với những công nghệ tiên tiến.

“Khi đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của công nghệ chỉnh sửa gen, Việt Nam đã có nền tảng vững chắc để tiếp tục tiến xa hơn”, GS.TS Lê Huy Hàm khẳng định và bày tỏ sự lo lắng rằng ở giai đoạn này, quá trình triển khai công nghệ chỉnh sửa gen tại Việt Nam dường như đang diễn ra chậm hơn so với tiềm năng.

Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Lê Huy Hàm phát biểu tại diễn đàn về ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh. 

Ông khẳng định, Diễn đàn là một trong những cuộc thảo luận đầu tiên về việc xây dựng hệ thống quy chế cho công nghệ chỉnh sửa gen tại Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong giai đoạn phát triển trước, nhưng việc hoàn thiện hệ thống quy chế sao cho việc ứng dụng sản phẩm chỉnh sửa gen diễn ra an toàn, hiệu quả và tối ưu vẫn còn là một thách thức lớn.

Theo GS.TS Lê Huy Hàm, nhiệm vụ trước mắt không chỉ là khai thác tối đa lợi thế mà công nghệ chỉnh sửa gen mang lại, mà còn phải kiểm soát tốt các rủi ro tiềm ẩn. “Đây là công việc dài hạn, đòi hỏi sự nỗ lực của rất nhiều bộ ngành, đặc biệt là sự cam kết của các lãnh đạo để đưa nông nghiệp Việt Nam tiếp tục tiến bước trong kỷ nguyên công nghệ sinh học mới”, ông kết luận.

Khắc chế sâu keo mùa thu

Từ năm 2017, nổi lên đối tượng sâu hại mới là sâu keo mùa thu. Sâu keo mùa thu bùng phát trở thành đối tượng gây hại toàn cầu chứ không riêng Việt Nam. Nông dân một số nơi cho biết phun phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô đến 5 lần/vụ vẫn không tiêu diệt được sâu, nguyên do phun nhiều chúng kháng thuốc.

Qua theo dõi của Cục bảo vệ Thực vật, biện pháp dùng giống ngô kháng sâu gần như khắc chế được đối tượng gây hại này. Với những vùng bị áp lực sâu keo mùa thu khi dùng giống ngô kháng sâu đã chứng minh được tính hiệu quả.

Đặc biệt với ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, nếu dùng giống ngô thường, nông dân phải phun thuốc ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt với chăn nuôi bò sữa. Ngược lại nếu dùng giống ngô kháng sâu, nông dân không cần phải phun thuốc phòng trừ các loại sâu đục thân, đục bắp, sâu keo mùa thu, theo đó chắc chắn chất lượng sản phẩm chăn nuôi tốt hơn.

(Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT)

Nhóm PV
Tin khác
C.P. Việt Nam muốn cùng Bộ NN-PTNT ‘vẽ ước mơ’ cho nông dân
C.P. Việt Nam muốn cùng Bộ NN-PTNT ‘vẽ ước mơ’ cho nông dân

Ngày 25/10 tại Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì buổi thảo luận về nâng cao năng lực cộng đồng, phát huy tri thức nông dân.

Giảm sử dụng nước trong canh tác lúa để giảm phát thải
Giảm sử dụng nước trong canh tác lúa để giảm phát thải

Thông qua việc áp dụng công tác MRV, tỉnh Hậu Giang có thể nâng cao độ chính xác trong việc đánh giá tác động của các hoạt động sản xuất đến môi trường.

Mô hình thí điểm lúa giảm phát thải: Lợi nhuận có thể tăng 18 triệu đồng/ha
Mô hình thí điểm lúa giảm phát thải: Lợi nhuận có thể tăng 18 triệu đồng/ha

Năng suất lúa ‘vực lên’ trong khi diện tích ngày càng được mở rộng mà không cần kêu gọi bà con. Đây là kết quả của việc xuống giống thưa, quản lý dịch hại tốt.

Bùng nổ thị trường công nghệ sinh học động vật châu Á - Thái Bình Dương
Bùng nổ thị trường công nghệ sinh học động vật châu Á - Thái Bình Dương

Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) sẽ giúp hệ thống thú y nâng cao năng lực chẩn đoán sớm, phòng ngừa từ xa với dịch bệnh, nhất là các bệnh mới nổi.

Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'
Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'

Trải qua 6 năm, chuyên đề 'Viết & Đọc' đã đạt con số 26 ấn phẩm và nhận được nhiều yêu mến của độc giả.

Thiếu khung pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen, Việt Nam sẽ gặp bất lợi
Thiếu khung pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen, Việt Nam sẽ gặp bất lợi

Các nước Đông Nam Á đều đã và đang rà soát khung pháp lý, có những bước tiến khá nhanh trong việc đưa ra hướng dẫn cụ thể đối với công nghệ chỉnh sửa gen.

Công nghệ sinh học là hướng đi tất yếu, nhưng chúng ta quá chậm!
Công nghệ sinh học là hướng đi tất yếu, nhưng chúng ta quá chậm!

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ sinh học (CNSH) xuất phát từ nhiều nguyên nhân như dân số tăng, nhu cầu an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh.

Việt Nam lần đầu có mã số vùng trồng rừng
Việt Nam lần đầu có mã số vùng trồng rừng

GS.TS Võ Đại Hải coi số hóa vùng trồng rừng gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu là bước tiến quan trọng, giúp ngành gỗ thích ứng với tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao.

Câu chuyện thứ năm: Khởi nghiệp và văn hóa đọc
Câu chuyện thứ năm: Khởi nghiệp và văn hóa đọc

Câu chuyện sách không có gì mới. Theo dòng lịch sử, sách đã có cách đây khoảng 2.400 năm trước Công nguyên.

Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL: Nơi tái hiện chân thực nghề làm nông
Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL: Nơi tái hiện chân thực nghề làm nông

Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL là nơi trưng bày các dụng cụ sản xuất và tái hiện không gian sống, công việc hằng ngày của nông dân một cách sinh động nhất.

Cá tra đưa Việt Nam đứng thứ 2 về cá thịt trắng tại Trung Quốc
Cá tra đưa Việt Nam đứng thứ 2 về cá thịt trắng tại Trung Quốc

Trong 20 năm qua, Trung Quốc là nước nhập khẩu cá thịt trắng lớn nhất thế giới, trong đó, Việt Nam là nguồn cung cấp đứng thứ 2, chủ yếu là cá tra.