Nhà văn Y Ban từng nuôi mộng thầy thuốc trước khi cầm bút. Trong chị luôn có dòng chảy nội lực mạnh mẽ cùng sức làm việc khiến người khác kính nể. “Trên đỉnh giời” là tập truyện nhà văn Y Ban hoàn thành khi vừa bước sang tuổi 63. “Gừng càng già càng cay”, đọc hết tập truyện này, càng giải thích rõ được lý do vì sao Y Ban được độc giả và bạn văn tôn vinh là một trong các nhà văn nữ viết truyện ngắn hàng đầu Việt Nam.
“Trên đỉnh giời” gồm 18 câu chuyện, cũng là ngần ấy sắc thái cảm xúc đem đến cho độc giả. Điểm nổi bật trong mỗi câu chuyện, từ đơn giản đến phức tạp, từ đời thường đến tôn giáo thì nội dung, nhân vật, đặc biệt là lối kể chuyện khéo léo dẫn dắt độc giả từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hay nói cách khác, cách đặt vấn đề và cái kết luôn khó lường không cho độc giả đoán định được.
Thể hiện rõ nét nhất, có thể kể đến như truyện “Nếp nhà xưa trên vườn tược cũ”. Những cây bút trẻ như tôi, thực sự khó có thể viết được những câu truyện như thế, đó là câu chuyện của những người già, về trải đời và kiến văn y thuật. Ngay khi đọc những dòng đầu tiên với nhân vật người đàn bà tên Vui, tôi đã nghĩ đến cái kết vừa buồn vừa hài hước khi nghĩ đến cảnh ông chồng bỏ đi 28 năm trước ân hận, khóc lóc thảm thiết bên mộ vợ “Sao em lại bỏ anh mà đi, Vui ơi là Vui”, nhưng Y Ban đã không làm thế. Cái kết nhà văn mang đến nhân văn và vĩ đại hơn rất nhiều những gì tôi tưởng tượng.
Xuyên suốt tập truyện ngắn “Trên đỉnh giời” là sự thăng hoa cảm xúc tinh tế của Y Ban, đó là những nốt nhạc, những gam màu cuộc sống lẫn lộn được tác giả sắp xếp thành bản nhạc giàu âm điệu và sắc thái, trọn vẹn trong từng sát na xúc cảm.
Một Y Ban nhẹ nhàng, khéo léo đánh thức tình cảm người phụ nữ sống trong hoài niệm bởi một thứ tình cảm na ná như tình yêu. Bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng, điều ít thấy trong những tác phẩm của Y Ban, cùng những câu văn cô đọng, súc tích nhà văn đã nâng tầm những điều bình thường thành kỉ niệm khó quên của đời người, câu chuyện kết thúc cùng cảm xúc lâng lâng, dễ chịu (truyện ngắn “Ký ức tươi đẹp”). Một sự thoả hiệp giữa nhân vật và nhà văn về thơ và sự tự do. Tôi đọc khá nhiều tác phẩm của Y Ban nhưng rất ít truyện có tiết tấu và nhịp kể như thế (truyện ngắn “Anh Quảng”). Một “Tao” chua ngoa, lõi đời, dường như độc giả thấy một sự hoá thân thăng hoa của nhà văn vào nhân vật (truyện ngắn “Chân dung một ông kệ tao”).
Nhà văn Y Ban luôn viết một cách tự do, phóng khoáng, đôi khi dấn thân vào những chủ đề nhạy cảm mà sau này những câu truyện của nhà vẫn đã tạo ra sự tranh luận trái chiều. Với tôi, đó là dấu ấn, đó mới là Y Ban. Vẫn tư tưởng tự do khoáng đạt, Y Ban tiếp tục cho người viết trẻ như tôi thấy văn học là một chặng đường rất dài, không phải chỉ cần có mỗi kỹ năng sống, kỹ năng viết.
Hãy xem cách Y Ban làm một con ma hạnh phúc, mười lăm ngày với câu chuyện tình lãng mạn và cái chết trên chiếu bạc, độc giả thấy gì? (truyện ngắn “Bồ công anh nở bên hồ nước trong”). Đến những truyện tôi thấy nhà văn bước ra sân khấu với cùng những tác phẩm mang đến cho độc giả những xúc cảm mạnh mẽ. Hoang mang. Ám ảnh. (truyện ngắn “Lễ đặt tên cho các linh hồn”). Một câu chuyện về chiến tranh nhưng cách tiếp cận và khai thác khác lạ, đủ cho độc giả biết sự bi tráng của con đường đấu tranh cách mạng. Hơn hết ngoài thủ pháp khéo léo, lão luyện là tình cảm, sự xót thương, trân trọng mà nhà văn dành cho những nữ anh hùng (truyện ngắn “Biệt đội Thiên Lý”).
Tôi thấy một trong những truyện rất hay trong tập sách, viết về một gia đình dân tộc vùng cao. Nếu như các tác giả trẻ khác sẽ cố nhồi nhét những phong tục, tập quán để cho truyện đậm màu sắc dân tộc thì Y Ban lại khác, nhà văn thừa lão luyện để không viết ra nhưng người đọc vẫn hiểu bối cảnh. Từ thẳm sâu nỗi bĩ cực được hằn sâu trong câu chuyện là sự vùng lên của những thiếu nữ vùng cao dù học hành không được đến nơi đến chốn, trong sâu thẳm họ vẫn nhận ra những gì thuộc về luân thường đạo lý, dám phá bỏ những áp đặt, xiềng xích. Ngoài thông điệp Y Ban muốn gửi gắm qua câu truyện, luôn còn điều gì đó rất khó diễn tả đọng lại trong suy nghĩ người đọc (truyện ngắn “Trên đỉnh giời”).
Càng đọc những câu chuyện về sau trong tác phẩm, tôi thấy cảm xúc của mình có những thay đổi, “máu” đang nóng dần lên. Và tôi chợt nhận ra rằng việc sắp xếp thứ tự các truyện ngắn trong tập sách dường như một cách dẫn dụ và thao túng tâm lý đỉnh cao của nhà văn Y Ban.
Đọc tập truyện ngắn “Trên đỉnh giời” mới thấy được sự dồi dào, mãnh liệt trong sáng tác chưa bao giờ nguôi ngoai. Ấn tượng mạnh không kém là kiến văn và sự dũng cảm, sẵn sàng xông thẳng vào những vấn đề mà những nhà văn nữ đương đại còn e ngại.
Ngôn ngữ trần trụi, tình tiết đẩy đến cao độ khi đọc truyện ngắn “Cái lý của anh cả” làm tôi nhớ đến truyện ngắn “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” từng làm nên tên tuổi Y Ban. Khi đọc bức thư của ông anh cả gửi gia đình cậu em trong cuộc tranh chấp tài sản, Y Ban đã xuất sắc dẫn dắt độc giả đang đứng về phía cậu em trở lại vạch xuất phát của sự công bằng, ở đó lương tâm và lý trí con người sẽ bình đẳng như nhau. Câu chuyện này dành cho ai muốn nói chuyện với Y Ban mà không cần phải đối diện với nhà văn.
“Trên đỉnh giời” ngó xuống, tôi thấy Y Ban đang trò chuyện với Diêm vương, một ý tưởng táo bạo, một sự liều lĩnh, nhiều người viết dám làm, nhưng việc lôi những thứ nhạy cảm một cách vô tư, thản nhiên, sỗ sàng. Rõ ràng, đó là sự dữ dội và kiêu hãnh” (truyện ngắn “Sự nhầm lẫn bò cái”)
Đã đi rất nhiều, trong nước cũng như ngoài nước, vì thế nhà văn Y Ban vẫn trung thành với việc đưa vào tác phẩm những tư tưởng bứt ra khỏi nếp cũ mà nhiều tác giả đương thời vẫn còn sợ sệt, e ngại. Bà đã dám xông pha từ cách đây rất lâu, kể từ khi tập truyện ngắn “I Am đàn bà” ra đời. Qua truyện “Có thể có, có thể không”, mới thấy rằng Y Ban luôn yêu thương đàn bà. Với Y Ban, họ là ngọn ngành, là rắc rối, cũng là chìa khoá của cuộc sống.
Tôi nhận ra một điều đa số tác giả trẻ chưa làm được, đó là việc ngại khai thác nội dung khó, yêu văn học nhưng không dám dấn thân hết mình vì văn học. Có thể đó là sự thiếu tự tin và quyết liệt, quyết liệt trong câu chữ, quyết liệt trong những điều mắt thấy, tai nghe, tay sờ để khai thác và thiếu sự tinh tế trong những vấn đề nhạy cảm xã hội. Không tin, đọc câu truyện cuối cùng “Nghi lễ của Nam” thì rõ.
Không phải câu truyện nào tôi cũng hiểu hết ý tác giả, tôi cũng không cố tìm hiểu, nếu có dịp gặp Y Ban tôi cũng sẽ không hỏi, nhà văn không phải đi giải thích rằng mình viết gì. Nhưng tôi hiểu Y Ban không đơn giản như câu truyện bà viết.
Trong bóng đá vẫn xuất hiện những “Tiểu Messi”, “Tiểu Ronaldo”. Nhưng trong văn chương, lặp lại một gương mặt có nghĩa là bản thân không tồn tại. Với những điều đã thấy Trên đỉnh giời, thật khó để nhà văn trẻ vượt qua được chiếc bóng của Y Ban. Không những thế, Y Ban nguyên bản rất ngang tàng, mạnh mẽ và quyết liệt, những người trẻ có mấy ai dám? Nên tôi chắc rằng, văn học Việt Nam đương đại sẽ chỉ có một Y Ban theo cái cách riêng của Y Ban mà thôi.