Người H’rê, thuộc nhóm tộc người nói tiếng Môn-Khơme (ngữ hệ Nam Á), và là một trong ba dân tộc ít người cư trú lâu đời trên địa bàn vùng cao tỉnh Quảng Ngãi. Theo “Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam”, người H’rê có số dân xếp thứ 19 trong tổng số 54 dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, người H’rê ở Việt Nam có 149,460 người (1,6% dân số cả nước), cư trú tại 51 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, tập trung tại các tỉnh: Quảng Ngãi (133.103 người, chiếm 89,06% toàn bộ người H’rê ở Việt Nam), Bình Định (11.112 người, chiếm 7,43%), số còn lại sống ở các tỉnh Kon Tum, Đăk Lăk, Gia Lai…
Ở Quảng Ngãi, người H’rê tụ cư ở vùng núi thấp thuộc lưu vực các sông Rvá, sông Liêng, sông H’rê, chiếm hơn 70% dân số các dân tộc ít người và hơn 8% dân số toàn tỉnh, đông nhất là ở 3 huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long và Sơn Hà, số ít hơn sống ở huyện Sơn Tây và một số xã vùng cao của 3 huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành.
Người H’rê trước đây sống thành từng nhóm, tên gọi mỗi nhóm thường gắn với tên con nước chảy qua vùng cư trú của đồng bào như "người Krế" (sông Krế ở Sơn Hà); "người H’rê" (sông H’rê ở Ba Tơ); "người nước Ðinh" (sông Ðinh ở An Lão)... Sau Cách mạnh tháng Tám 1945, quá trình liên kết các nhóm dân cư H’rê diễn ra nhanh chóng, bà con dùng tên con sông lớn nhất chảy qua địa bàn cư trú là sông H’rê, một hợp lưu của sông Trà Khúc, làm tên gọi chung của tộc người.
Thời phong kiến, người H’rê còn có các tên gọi phiếm xưng là “Thượng Đá Vách”, “Thượng Ba Tơ”, “Mọi Chàm”, “Mọi đồng”, “giống Thanh Cù”, “Mọi Sơn Phòng”... Những tên gọi này vừa thiếu đứng đắn vừa không chính xác và không được đồng bào chấp nhận. “Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam” và nhiều tài liệu định danh dân tộc này là H’rê. Đây cũng là cách gọi phổ biến ở Quảng Ngãi hiện nay.
Từ thời kỳ trước năm 1975, một số nhà ngôn ngữ học phương Tây đã nghiên cứu cho ra đời chữ viết H’rê bằng cách dùng hệ thống kí tự Latinh để phiên âm, được sử dụng ở một số vùng, nhưng nay đã bị mai một.
Người H’rê sống định cư, rào vườn theo từng hộ gia đình, hệ thống tổ chức làng (plây) khá quy củ, lấy việc canh tác lúa nước làm nguồn sống chủ yếu, có kinh nghiệm lâu đời ngăn đập bổi đưa nước vào ruộng, cày bừa bằng trâu hoặc bò, dụng cụ nghề nông khá tinh xảo. Việc trao đổi hàng hoá, nông thổ sản giữa người H’rê với người Kinh tương đối phát triển từ lâu đời, trong khi các mối quan hệ giữa người Chăm và một số tộc người Thượng ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên với người H’rê khá đa dạng và lưu dấu ấn trong nhiều câu chuyện huyền thoại, cổ tích.
Người H’rê làm ruộng nước là chính, một bộ phận sống nhờ rẫy. Nghề thủ công thì có đan lát và dệt vải. Làng Teng (xã Sơn Thành, huyện Ba Tơ) nổi tiếng về dệt thổ cẩm. Hoạt động giao lưu hàng hoá còn ở mức giản đơn, thường theo hình thức trao đổi vật trực tiếp. Tuy vậy, nhờ địa bàn cư trú nằm kết nối giữa người Kinh ở vùng đồng bằng - trung du và người Xê đăng, người Cor ở vùng cao, nên người H’re đóng vai trò quan trọng trong giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa vùng thấp và vùng cao.
Tín ngưỡng của người H'rê rất gần với thuyết "Animist" (thuyết vật linh), họ cho rằng muôn vật đều có linh hồn, từ hòn đá bờ sông, cây cao triền núi đến dòng suối, cánh rừng... Già làng là người có uy tín cao và đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng.
Người H'rê thích sáng tác thơ ca, ham mê ca hát và chơi các loại nhạc cụ. Ka choi và Ka lêu là những làn điệu dân ca quen thuộc của người H'rê. Truyện cổ đề cập đến tình yêu chung thủy, cuộc đọ tài trí giữa thiện và ác, giàu và nghèo, rất hấp dẫn các thế hệ từ bao đời nay. Nhạc cụ của người H'rê gồm nhiều loại như đàn Brook, ching Ka la, sáo ling la, ống tiêu ta lía, đàn ống bút của nữ giới, khèn ra-vai, ra-ngói, pơ-pen, trống... Chiêng, cồng là loại nhạc cụ được người H’rê quý nhất và sử dụng phổ biến trong các dịp lễ lạt, hội hè. Bộ chiêng có 3 chiếc, hoặc 5 chiếc, Trừ vùng Ba Nam (huyện Ba Tơ), nghệ nhân chơi chiêng, cồng H’rê ngồi một chỗ biểu diễn mà không di chuyển như thường thấy ở các tộc người thiểu số lân cận. Chiêng H’rê phong phú, đa dạng cả về nhịp điệu, giai điệu, tiết tấu.
Xưa kia, người H'rê ở nhà sàn dài. Nay hầu như nhà dài không còn nữa. Nhà có hai mái chính lợp cỏ tranh, hai mái phụ ở hai đầu hồi thụt sâu vào trong hai mái chính. Mái này có lớp ngoài, thêm một lớp nạp giống như ở vách nhà. Chỏm đầu đốc có "bộ sừng" trang trí với các kiểu khác nhau. Vách, lớp trong bằng cỏ tranh, bên ngoài có một lớp nẹp rất chắc chắn. Hai gian đầu hồi để trống. Bộ khung nhà kết cấu đơn giản, kết nối với nhau bằng các mối buộc dây mây.
Thường ngày người H’rê ăn cơm bằng gạo tẻ, ngày lễ tết có thêm cơm nếp.Thức ăn chủ yếu là những thứ kiếm được và muối ớt, khi có cúng bái thì thịt con vật hiến sinh được dùng làm đồ nhắm uống rượu và cải thiện bữa ăn.Thức ăn đựng trong các vật làm bằng mo cau, lá tra. Thức uống có nước chè xanh, rượu cần. Tập quán hút thuốc lá và ăn trầu cau phổ biến. Nhờ vào việc buôn bán, trao đổi với người Kinh ở vùng thấp, người H’rê còn sử dụng thực phẩm, gia vị có nguồn gốc từ biển như muối, mắm, cá chuồn (hấp và muối)…
Trước kia đàn ông H'rê đóng khố, mặc áo cánh ngắn đến thắt lưng hoặc ở trần, quấn khăn; đàn bà mặc váy hai tầng, áo 5 thân, trùm khăn. Nam, nữ đều búi tóc cài trâm hoặc lông chim. Ngày nay, họ ăn vận áo quần như người Kinh, riêng cách quấn khăn, trùm khăn vẫn như xưa. Phần lớn nữ giới vẫn mặc váy, nhưng may bằng vải dệt công nghiệp. Người H’rê thích đeo trang sức bằng đồng, bạc, hạt cườm; nam nữ đều đeo vòng cổ, vòng tay, nữ có thêm vòng chân và hoa tai.
Gần đây, có một số nhà nghiên cứu cho rằng người H’rê vốn là cư dân ở vùng thấp, nhưng vì lý do nào đó đã dần dần di chuyển về phía núi rừng phía Tây. Ý kiến này dựa trên sự phân tích nền tảng kinh tế trồng lúa nước cùng một số tập quán khác trong sản xuất và đời sống. Đây cũng là một gợi ý lý thú đối với giới nghiên cứu nhân học ở Việt Nam và trên thế giới về tộc người H’rê - một tộc người có bản sắc văn hoá độc đáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Khái niệm tộc (người), dân tộc sử dụng trong loạt bài viết này tương đương với từ tiếng Anh "ethnic" (people), nghĩa là một cộng đồng người hình thành và phát triển trong lịch sử, trên một lãnh thổ nhất định, có đặc trưng chung ổn định về ngôn ngữ, đặc điểm sinh hoạt văn hóa, có mối quan hệ nguồn gốc, có chung ý thức tự giác tộc người và tên tự gọi. Khái niệm này phân biệt với khái niệm “dân tộc” hiểu theo nghĩa tương đương "nation" trong tiếng Anh, là cộng đồng người cùng chung sống trong một vùng lãnh thổ nhất định, có một nhà nước độc lập, có chủ quyền quốc gia, có ngôn ngữ (chữ viết, tiếng nói) chung, có bản sắc văn hóa và sinh hoạt kinh tế.