Giờ đây, khi các loại nước hoa hàng hiệu như Lancome, Chanel, Dior, Gucci…bán đầy rẫy tại các cửa hàng mỹ phẩm, thì mùi nước hoa đắt tiền gần như là thứ mùi mặc định của hầu hết cánh đàn bà, con gái phố xá. Nhưng mà chỉ thế thôi. Chỉ thấy nó quen thuộc, như quen với mùi đô thị, mùi của thời cuộc, mùi công chức… không phải lúc nào cũng khiến ta dễ chịu, chứ chưa nói gì đến việc làm tăng cảm xúc!
Vậy mà tôi lại bị mê hoặc bởi thứ mùi nước hoa tôi biết rõ là rất rẻ tiền. Nó rẻ tiền và chỉ dành cho những phụ nữ nhà quê nghèo khó, chắt bóp từng xu một để gây dựng tương lai, cho mình, cho con cháu.
Nó thô kệch ngay từ hình thức. Bao nhiêu năm vẫn là cái bao bì xấu xí ấy: Một cái lọ thủy tinh gia công, thường vẫn còn cả những bọt khí do quá trình sản xuất tạo ra, nổi cục nơi thành lọ. Tôi biết rõ thế mà không cần phải nhìn tận mắt. Nhưng thứ mùi hương mà tôi đang hít đến căng cả lồng ngực, thì còn vượt qua cả sự quen thuộc, thành một phần của kí ức.
Thời ấy, chỉ vào mỗi dịp Tết, mà phải chờ đến tận sáng mùng một, mỗi đứa trẻ chúng tôi mới thật sự được ban quà. Chúng tôi cùng háo hức nhìn theo tay mẹ, nhẹ nhàng mở tủ, hoặc mở chiếc hòm nhỏ, cẩn thận lôi ra những bộ quần áo may từ trong Tết. Thời ấy vải, chỉ là vải thường thôi như xanh chéo hoặc phin nõn, những thứ vải gần như biến mất, cũng hiếm ngang vàng bây giờ! Nông dân không có tem phiếu theo tiêu chuẩn phân phối, phải mua ngoài chợ đen giá cắt cổ.
Tuy thế, dù nghèo đói đến đâu, thì để đón xuân, mỗi đứa chúng tôi cũng nhất định phải có một bộ quần áo mới. Đó là kết quả chắt chiu từ muôn giọt mồ hôi của ông bà, bố mẹ. Đôi khi nhiều gia đình phải dành dụm, tích cóp ngay từ đầu năm. Cái giây phút vỡ òa cảm xúc là đứa nào đứa nấy súng sính trong bộ quần áo tinh tươm, thơm nức mùi vải mới, hãnh diện đi lại trước mặt người lớn, để các cụ mãn nhãn chiêm ngưỡng thành quả của mình.
Với bộ quần áo ấy, chúng tôi có thể tự tin chạy nhảy, đi chơi hội, đi thăm thầy cô, sang chúc Tết bên nội bên ngoại, du xuân với bạn bè cùng lứa. Và với bộ quần áo “mừng tuổi” ấy, chúng tôi sẽ bỏ lại năm cũ nhọc nhằn phía sau, sẽ ước những gì tốt đẹp nhất và tin rằng mọi điều may mắn sẽ đến cùng năm mới.
Nhưng không bao giờ chỉ có thế! Không bao giờ chỉ là quần áo, dày dép, khăn mũ mới. Mùa xuân là khởi đầu của cả năm, mỗi đứa trẻ cũng cần thơm tho, để chúng trở nên dễ gần và đáng yêu hơn. Nhìn chúng sáng sủa, đẹp đẽ trong bộ quần áo mới, chả bố mẹ ông bà nào lại không sướng mắt, mát lòng.
Nhưng mà được hà hít chúng, cũng luôn là một khoái cảm mãnh liệt. Vì thế, sau khi quần áo, dày dép đã đóng bộ xong xuôi, mẹ tôi (cũng có khi là chị lớn hoặc cô ruột) liền giở bảo bối ra, một cách vô cùng cẩn trọng. Đó chính là lọ nước hoa quý hiếm. Nó luôn được cất ở góc sâu nhất của ngăn tủ nào đó, hoặc tận đáy hòm. Mẹ, hoặc chị hé ra cho chúng tôi nhìn thấy thứ quà tặng bí mật ấy. Để mà hồi hộp. Chúng tôi chăm chú nhìn cái lọ thủy tinh xanh như mắt mèo, giống y như lọ dầu gió giá 20 ngàn đồng bây giờ. Mẹ hoặc chị cẩn thận vảy cho mỗi đứa mấy giọt vào đầu hoặc cổ. Lần lượt từng đứa một.
Hình như cứ phải làm xong việc ấy, người lớn mới thực sự yên tâm rằng chúng tôi chẳng hề thua kém những đứa trẻ khác trong làng. Phải xong nghi lễ “xức dầu” trần gian ấy, chúng tôi mới chính thức là những đứa trẻ hạnh phúc nhất của ngày đầu năm. Kể từ giây phút ấy, mỗi bước chân chúng tôi đều ngát lên hương thơm.
Chỉ vài tiếng sau là cái mùi hương ấy biến mất. Muốn có lại, phải chờ đúng một năm sau. Lọ nước hoa bé tí, có khi dùng cho ba bốn năm. Bởi vì, không phải ai thời ấy cũng có thứ hàng xa xỉ tên là nước hoa.
Thời ấy thật lạ. Nghèo, thì rõ rồi, nhưng không thể nói là chỉ thấy khổ, chỉ thấy buồn như nhiều người sớm quên cảm giác!
Và hóa ra, khi nó biến mất, như một niềm may mắn, thì cũng có lúc lại thấy tiêng tiếc, dù chẳng biết là tiếc cái gì. Chả lẽ lại tiếc cái nghèo khổ! Nhưng, tiếc là cảm giác có thật. Chẳng hạn, nhờ cái mùi nghèo khó ấy, mà giờ đây ngồi nhâm nhi tách trà, nhai mấy miếng kẹo lạc, tôi thấy nhớ ông bà, bố mẹ, nhớ các anh chị em và nhớ tuổi thơ da diết. Không ngờ, cái cảm xúc thần tiên ấy, do các mối liên kết chằng chéo của sinh nhai, tưởng đã chai sạn như đá, lại vẫn có lúc tươi rói, nóng hổi và mềm mại làm vậy. Nó y như tác động của một giọt nước, đủ làm mầm hạt nảy lên từ đất đá khô cằn, tái hiện lại nguyên xi một lịch sử tiến hóa vô cùng phức tạp kéo dài hàng triệu năm chỉ trong khoảnh khắc!
Giờ đây, với tiến bộ của công nghệ, thế giới đang bé lại trước sức mạnh của sự kết nối. Khái niệm khoảng cách đang tiêu vong từng giây cùng những phát minh khác gắn với internet tiếp tục ra đời. Khi dùng đôi chân, trước mắt con người là vô cùng vô tận. Còn khi kết nối bằng kĩ thuật số, thế giới không còn rộng ít nhất cũng đủ để vừa một cái chớp mắt từ khi nhấp chuột! Ngay cả trí tưởng tượng thời chúng tôi bé tí cũng không thể vươn xa hơn.
Nhưng ngoài không gian, chúng ta còn bị bao bọc bởi thời gian, vốn tầng tầng lớp lớp, vô cùng vô tận. Mỗi một giây trôi qua, có hàng tỉ kết nối được thực hiện vượt ra khỏi trái đất này. Nhưng liệu với công nghệ xoa phẳng thế giới ấy, có đo, có tính được chiều kích của cái thăm thẳm trong mỗi kí ức?
Kí ức nằm ngoài mọi tiến bộ của công nghệ.
Chẳng hạn như cái thứ mùi hương đơn giản, mộc mạc, đậm chất lam lũ quê mùa, mà tôi nhất định gọi là MÙI THỜI GIAN?
Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.
Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.
Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!
Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.
Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.
NNVN