Nâng tầm trải nghiệm du lịch ẩm thực bằng các thực hành tốt

Bảo Thắng - Thứ Sáu, 07/06/2024 , 15:41 (GMT+7)

Là điểm du lịch nổi tiếng, Thừa Thiên Huế rất chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm bởi ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe khách hàng và ấn tượng về chất lượng dịch vụ.

Một quầy bán đồ ăn cho khách du lịch tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: ILRI.

Những chiếc tạp dề và biển hiệu gắn sao có dòng chữ ‘an toàn’

Còn mấy năm nữa mới đến tuổi 30, ưa xê dịch và thích trải nghệm ẩm thực, Phạm Thị Hải Ngân đặt mục tiêu trước khi lập gia đình phải đi food tour bằng hết những địa điểm nổi tiếng trên cả nước như Huế, Hội An, Tây Nam bộ…

Việc cô luôn làm ngay sau khi xuống sân bay, đó là đặt một chiếc taxi và nhờ tài xế chỉ cho mấy điểm “hay hay” để thưởng thức đồ ăn. Ưu tiên của Ngân rất rõ ràng, quán sạch sẽ và được người địa phương giới thiệu.

Lựa chọn của nữ du khách đến từ Hà Nội là điều dễ hiểu bởi những địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, nếu không được kiểm tra, giám sát thường xuyên. Nguy hiểm bậc nhất có lẽ là vi khuẩn Salmonella, nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu và nhiều vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn.

Chính bởi vậy, khi đến Huế du lịch hè 2024, Ngân cẩn trọng hơn. Ngoài kênh thông tin từ người dân bản địa, cô tìm chọn những quán ăn có chứng nhận, chứng chỉ của cơ quan có thẩm quyền cấp.

Đồng tình với quan điểm này, Nguyễn Khánh Chi, du khách đến từ Nghệ An bổ sung thêm, rằng cô thường dựa vào xếp hạng quán ăn trên Google Maps. “Quán nào được nhiều người đánh giá và xếp hạng cao, em sẽ lựa chọn”.

Do thường đi nhóm đông người nên ngoài việc thưởng thức ẩm thực tại quán, Chi thỉnh thoảng còn dành thời gian đến các khu chợ. Tại Huế, cô không những bất ngờ về sự sạch sẽ, mà còn ngạc nhiên vì một số chủ quầy thịt lợn đeo chiếc tạp dề màu đỏ, có dòng chữ: “Cải thiện an toàn thịt lợn”.

Một tiểu thương chợ Đông Ba, Thừa Thiên Huế tham gia can thiệp của Sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR. Ảnh: ILRI.

Thừa nhận bị thu hút bởi những chiếc tạp dề, nữ du khách vừa tốt nghiệp đại học nói thấy “yên tâm hơn” khi biết, những chiếc tạp dề này là sản phẩm được cấp bởi Dự án “Sáng kiến Một sức khỏe” của CGIAR.

Sau khi tham gia tập huấn và được giới thiệu về sự cần thiết của các dụng cụ như thớt, dao, khay inox, cũng như các dụng cụ sát khuẩn, xà phòng từ nhóm nghiên cứu, người bán có thể tự nguyện tham gia và nhận một biển hiệu gắn sao, cùng với tạp dề chứng nhận tham gia dự án.

Ý tưởng về những chiếc tạp dề và biển hiệu gắn sao vốn đã được nhóm nghiên cứu và các giảng viên an toàn thực phẩm đến từ một số trường đại học áp dụng.

Giảng viên Nguyễn Văn Chào, Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế, đối tác của “Sáng kiến Một sức khỏe” đã quan sát và đánh giá nhiều khu chợ truyền thống và chia sẻ nỗi niềm làm thế nào để chọn lựa được thực phẩm an toàn, vệ sinh, đặc biệt là với nhóm người tiêu dùng là khách du lịch như Hải Ngân, Khánh Chi.

Sau nhiều quan sát, anh nhận ra rằng, nhóm khách du lịch rất quan tâm đến những chứng nhận. Tuy nhiên, nếu chỉ là một tờ giấy dán theo kiểu truyền thống thì không bắt mắt và ít được chú ý. Khi hướng dẫn tập huấn cho một số tiểu thương, vị giảng viên trẻ để ý thấy họ rất coi trọng chiếc tạp dề. Đó là nơi để tiền, cũng là nơi chùi tay sau khi rửa. Chiếc tạp dề gần như gắn chặt với hình ảnh quầy thịt lợn.

Ý tưởng ra đời và được đông đảo các tiểu thương đón nhận. Giảng viên Chào nhận xét, so với cách đây chục năm, nhận thức và các giải pháp an toàn thực phẩm trên địa bàn đã được cải thiện một cách rõ rệt.

Các tiểu thương chợ Khe Tre tham gia tập huấn và nhận các dụng cụ sát khuẩn, thớt, dao, tạp dề… từ dự án Sáng kiến Một sức khoẻ của CGIAR. Ảnh: ILRI.

Qua phản hồi của bạn bè, đồng nghiệp đến thăm Thừa Thiên Huế, anh Chào nhận thấy việc tìm mua thực phẩm, nhất là thịt lợn bảo đảm vệ sinh, an toàn và có đầy đủ chứng nhận kiểm dịch không còn khó như trước. “Có lẽ đó là kết quả của việc cả xã hội cùng vào cuộc”, vị giảng viên trẻ bộc bạch. “Tuy nhiên, vẫn cần các giải pháp đồng bộ và cần người bán hàng thực hành một cách tốt hơn, cũng như cần có những nghiên cứu đánh giá sâu hơn.”

Đồng tình với quan điểm này, bà Trương Thị Lan Hương, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế tin rằng, đã đến lúc không chỉ người tiêu dùng, mà cả người sản xuất, chế biến, kinh doanh đều phải “thông thái”. Bà khuyến cáo mọi thành phần tham gia trong chuỗi thực phẩm đều phải nâng cao nhận thức và thể hiện trách nhiệm về vấn đề an toàn thực phẩm.

Ba nguyên tắc cơ bản

Đối với các vụ ngộ độc thực phẩm, nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh liên quan đến thực phẩm là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, người già từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai và những người đang mắc bệnh nền.

Do đó, TS Nguyễn Việt Hùng, điều phối Sáng kiến Một sức khoẻ của CGIAR toàn cầu cho rằng: “An toàn thực phẩm là trách nhiệm chung, liên quan đến toàn bộ chuỗi cung ứng. Ngày nay, hầu hết các bệnh truyền qua thực phẩm đều có thể phòng ngừa thông qua chế biến, bảo quản hợp vệ sinh và tăng cường nâng cao nhận thức của các tác nhân trong chuỗi về thực hành vệ sinh tốt".

Ba nguyên tắc cơ bản được nhóm dự án cùng các đối tác đưa ra, là sử dụng bề mặt bàn, dụng cụ sạch sẽ, dễ vệ sinh; phân tách thịt và nội tạng, phân tách thực phẩm sống, chín; đảm bảo vệ sinh tay đúng cách.

Ở góc độ địa phương, TS Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế còn chỉ ra rằng, nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thịt lợn còn đến từ việc các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, hoặc xây dựng lâu và bị xuống cấp.

TS Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: ILRI.

Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 12/04/2024 về việc xây dựng mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2024-2030. Trong đó, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu hoàn thành dự án Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại phường Hương Hồ; đồng thời đóng cửa một số cơ sở không phù hợp quy định, không đảm bảo vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Phấn đấu đến năm 2026, tổng số cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh còn 26 điểm.

Quyết tâm của Thừa Thiên Huế cộng với sự hỗ trợ, tư vấn từ các tổ chức quốc tế như CGIAR… đã bước đầu đóng góp vào mục tiêu chung của Thừa Thiên Huế trong đảm bảo sức khỏe người dân và phát triển kinh tế. Tổng lượt khách du lịch đến Thừa Thiên Huế năm 2023 đạt 3,2 triệu lượt, tăng 56% so với năm 2022, trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 361% so với năm 2022. Doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 6.600 tỷ đồng.

Ngoài các yếu tố quảng bá, thông tin, tuyên truyền đến du khách, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ngày một tăng một phần là nhờ đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của khách du lịch và tạo ấn tượng về chất lượng dịch vụ.

Thừa Thiên Huế nổi tiếng với văn hóa ẩm thực phong phú, đã được xếp hạng trong danh sách 100 thành phố có ẩm thực tốt nhất trên thế giới. Vì vậy, ông Phúc nhìn nhận, ngoài việc giới thiệu các món ăn đến với du khách, ngành du lịch rất đề cao tầm quan trọng của an toàn thực phẩm trong việc phục vụ khách du lịch nhằm duy trì niềm tin của khách hàng đối với các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú có dịch vụ ăn uống, hay các quán ăn đặc sản nổi tiếng của địa phương.

“An toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì bền vững cho ngành du lịch. Đảm bảo thực phẩm an toàn không chỉ bảo vệ sức khỏe của khách hàng mà còn đảm bảo sự ổn định của các nguồn cung cấp thực phẩm”, Giám đốc Sở Du lịch nhấn mạnh. 

Ngày 7/6, cũng là ngày khai mạc lễ hội Festival Huế 2024, lượng khách du lịch đổ về Thừa Thiên Huế ngày một tăng. Ông Phúc kêu gọi người dân, các cấp, các ngành của Thừa Thiên Huế: “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Đó cũng là biện pháp tốt nhất để chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp bất ngờ, theo chủ đề của Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới năm 2024.

Dự án “Sáng kiến Một sức khỏe” giai đoạn 2022 - 2024 được đồng triển khai bởi Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), Viện nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), Viện Sức khỏe môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD), Viện Thú y (NIVR), Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) và chính quyền địa phương tại 5 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai và Cần Thơ.

Bảo Thắng
Tags:
Tags:
Tin khác
Các sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa
Các sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa

GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, chia sẻ, nhiều sinh vật gây hại bùng phát mạnh trong điều kiện biến đổi khí hậu, cần phòng ngừa bằng tổng hợp nhiều giải pháp.

Cả nước đã đào tạo được 756 giảng viên IPHM
Cả nước đã đào tạo được 756 giảng viên IPHM

Theo ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, cả nước đã đào tạo được 756 giảng viên IPHM, trong đó các tỉnh phía Nam có 180 giảng viên.

Phát triển kit chẩn đoán nhanh giám định sinh vật gây hại
Phát triển kit chẩn đoán nhanh giám định sinh vật gây hại

Ngoài một số bệnh hại sẵn có, cây trồng còn chịu tác động của nhiều sinh vật gây hại mới nổi, sinh vật ngoại lai khiến công tác phòng chống gặp khó khăn.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 5] Đặt trụ hướng nắng, thu nhập cao từ thanh long trái vụ
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 5] Đặt trụ hướng nắng, thu nhập cao từ thanh long trái vụ

Chăm sóc thanh long trái vụ tốn công hơn nhưng bù lại, giá bán cao hơn hẳn và sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 4] Trồng chuối theo nanh sấu để hạn chế xói mòn
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 4] Trồng chuối theo nanh sấu để hạn chế xói mòn

Nhiệt độ thích hợp nhất để chuối sinh trưởng là khoảng 27 độ C, nếu xuống quá thấp (dưới 6 độ C), cây sẽ yếu và dễ bị chết nếu không có phương án phòng, chống.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 3] Chú ý cắt tỉa khi nhãn vừa đậu quả non
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 3] Chú ý cắt tỉa khi nhãn vừa đậu quả non

Để quả nhãn đủ chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu, người dân cắt tỉa đợt 1 khi đậu quả non và giai đoạn 2 khi quả nhãn to bằng đầu đũa.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 2] Sử dụng bao trái, nâng cao chất lượng xoài
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 2] Sử dụng bao trái, nâng cao chất lượng xoài

Cây xoài đặc biệt phù hợp với những vùng có hai mùa mưa và khô rõ rệt, trong đó mùa khô ít nhất kéo dài 4 tháng, mùa mưa không quá 7 tháng. 

Mong về chuỗi giá trị rong biển ‘5 sao’
Mong về chuỗi giá trị rong biển ‘5 sao’

Khi các bên cùng hợp tác và tham gia, chuỗi giá trị sẽ trở nên toàn diện và phát triển bền vững, góp phần đưa ngành rong biển Việt Nam vươn xa.

Rong biển - 'yến sào' của đại dương xanh
Rong biển - 'yến sào' của đại dương xanh

Rong biển được ví như một 'kho báu' trong thời đại chuyển đổi xanh, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.

Kinh nghiệm nuôi trồng rong sụn từ doanh nghiệp tiên phong ở miền Bắc
Kinh nghiệm nuôi trồng rong sụn từ doanh nghiệp tiên phong ở miền Bắc

STP Group là doanh nghiệp đầu tiên ở phía Bắc nghiên cứu và triển khai thành công mô hình nuôi trồng rong sụn tại huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 1] Bảo đảm độ ẩm, luân canh các loại cây trên đất trồng chanh leo
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 1] Bảo đảm độ ẩm, luân canh các loại cây trên đất trồng chanh leo

Cây chanh leo rất dễ trồng, có thể sống được trên đất sỏi đá hoặc đất cát và đang định hướng phát triển vùng nguyên liệu quy mô 5.000ha tại Sơn La.

Bí kíp tạo tác những siêu cây nghệ thuật tiền tỷ
Bí kíp tạo tác những siêu cây nghệ thuật tiền tỷ

Dù là thú chơi, thế nhưng, có những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật có giá trị hàng chục tỷ đồng và có rất nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để sở hữu.