| Hotline: 0983.970.780

SafePORK đưa tỷ lệ nhiễm khuẩn Salmonella trên thịt lợn bán lẻ từ 52% xuống 24%

Thứ Ba 28/03/2023 , 21:36 (GMT+7)

Dự án SafePORK hướng đến mục tiêu giảm ô nhiễm vi sinh vật trên thịt lợn tại chợ bán lẻ truyền thống, trong đó tỷ lệ nhiễm khuẩn Salmonella giảm từ 52% xuống 24%.

Hội thảo tổng kết Dự án 'Các phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường nhằm cải thiện an toàn của thịt lợn tại Việt Nam' (SafePORK) ngày 28/3. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hội thảo tổng kết Dự án “Các phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường nhằm cải thiện an toàn của thịt lợn tại Việt Nam” (SafePORK) ngày 28/3. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tỷ lệ nhiễm khuẩn Salmonella giảm từ 52% xuống 24% nhờ Dự án SafePORK

Chia sẻ tại Hội thảo tổng kết Dự án “Các phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường nhằm cải thiện an toàn của thịt lợn tại Việt Nam” (SafePORK) ngày 28/3, TS. Phạm Đức Phúc, một thành viên của Dự án đến từ Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, thịt lợn là loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở Việt Nam và mức độ nhiễm khuẩn Salmonella rất cao. Trung bình hàng năm, cứ 10 người thì có 1 - 2 người có nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn Salmonella từ thịt lợn.

Theo đó, Salmonella là một bệnh truyền qua thực phẩm phổ biến. Hầu hết các trường hợp thường nhẹ nhưng bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Những người có nguy cơ cao nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, người già từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai và những người có vấn đề về sức khỏe.

Thịt lợn là loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thịt lợn là loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

TS. Fred Unger, trưởng đại diện khu vực Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tại Đông và Đông Nam Á, cho hay, các biện pháp can thiệp của Dự án SafePORK hướng đến mục tiêu giảm ô nhiễm vi sinh vật trên thịt lợn tại chợ bán lẻ truyền thống.

Kết quả cho thấy, sau khi can thiệp, tỷ lệ nhiễm khuẩn Salmonella trên thịt lợn bán lẻ đã giảm từ 52% xuống 24%.

“Với mục tiêu giảm gánh nặng bệnh tật do thực phẩm gây ra ở các thị trường không chính thức, mới nổi và thị trường ngách, Dự án SafePORK đã phát triển và đánh giá các biện pháp can thiệp đơn giản để cải thiện an toàn thực phẩm đồng thời bảo vệ sinh kế cho các tác nhân trong chuỗi thịt lợn quy mô nông hộ nhỏ tại Việt Nam”, TS. Fred Unger chia sẻ.

Bên cạnh đó, Đại diện ILRI cho biết thêm, Dự án SafePORK cũng đã triển khai một số biện pháp can thiệp đơn giản và hỗ trợ xây dựng năng lực giúp giảm mầm bệnh chính là Salmonella trong chuỗi.

Theo đó, nhóm nghiên cứu của Dự án đã tiến hành khảo sát với các chủ thể tham gia chuỗi giá trị thịt lợn quy mô nhỏ. Từ đó, xác định được những nguyên nhân hàng đầu khiến thịt lợn mất an toàn là khâu vệ sinh kém; khâu bảo quản, chế biến không đúng kỹ thuật, thời gian vận chuyển thịt dài, dịch bệnh, thịt lợn không rõ nguồn gốc, đầu vào kém chất lượng.

Các biện pháp can thiệp của Dự án SafePORK hướng đến mục tiêu giảm ô nhiễm vi sinh vật trên thịt lợn tại chợ bán lẻ truyền thống. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các biện pháp can thiệp của Dự án SafePORK hướng đến mục tiêu giảm ô nhiễm vi sinh vật trên thịt lợn tại chợ bán lẻ truyền thống. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu đã giới thiệu gói can thiệp nhằm cải thiện thực hành vệ sinh bao gồm việc tách riêng thịt lợn sống, thịt lợn chín và nội tạng, đồng thời lau rửa thường xuyên các bề mặt, thiết bị và tay của người bán hàng.

Một gói can thiệp cũng được giới thiệu tại các lò mổ, bao gồm việc sử dụng tấm thép không gì để ngăn thân thịt tiếp xúc với sàn, rửa tay và bề mặt thường xuyên, đồng thời phân tách tốt hơn các khu vực sạch và bẩn để giảm ô nhiễm thân thịt.

Hội thảo cũng đã thảo luận về các bài học kinh nghiệm và định hướng tiếp theo, những khuyến nghị, bài học và cơ hội mở rộng quy mô và tiềm năng nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.

Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn 20% cho thịt lợn an toàn

Nâng cao chất lượng và an toàn thịt lợn là một khía cạnh của nâng cấp chuỗi giá trị thịt lợn. Trong khi đó, những lo ngại về thịt lợn bị ô nhiễm có tác động tiêu cực đến mức sẵn lòng chi trả cho thịt lợn thông thường của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng sẵn lòng chi trả cao hơn 20% cho thịt lợn an toàn hơn so với sản phẩm hiện có trên thị trường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người tiêu dùng sẵn lòng chi trả cao hơn 20% cho thịt lợn an toàn hơn so với sản phẩm hiện có trên thị trường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Kết quả các nghiên cứu của Dự án SafePORK cho thấy, người tiêu dùng sẵn lòng chi trả cao hơn 20% cho thịt lợn an toàn hơn so với sản phẩm hiện có trên thị trường. Cụ thể, người tiêu dùng tin tưởng vào hiệu quả của các biện pháp can thiệp và chất lượng của thịt lợn tại các quầy can thiệp bởi Dự án, điều này đã làm tăng mức sẵn lòng chi trả cho thịt lợn chất lượng và an toàn.

Qua đó, có thể thấy được lợi ích kinh tế tiềm năng của việc nâng cấp các quầy bán thịt lợn. Đó sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy người bán cải thiện điều kiện an toàn thực phẩm; tăng cường đào tạo, tập huấn về an toàn thực phẩm; đồng thời nâng cấp chuỗi giá trị cả về sản phẩm và an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, đồng lãnh đạo Chương trình Sức khỏe Con người Động vật của ILRI và lãnh đạo sáng kiến Một sức khỏe của Nhóm Tư vấn các Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR), Dự án SafePORK cho thấy các biện pháp can thiệp đơn giản và chi phí thấp có thể làm giảm mức độ ô nhiễm thịt lợn tại các chợ truyền thống, do đó có thể giải quyết vấn đề lớn về an toàn thực phẩm.

“Chúng tôi đang phối hợp với các chương trình khác như Sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR để nhân rộng kết quả nghiên cứu tích cực này vì lợi ích của cộng đồng ở các địa phương khác tại Việt Nam”, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết.

Dự án SafePORK có thể cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách và công chúng những bằng chứng khoa học hỗ trợ cho các lựa chọn chính sách khả thi giúp quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Dự án SafePORK có thể cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách và công chúng những bằng chứng khoa học hỗ trợ cho các lựa chọn chính sách khả thi giúp quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Còn theo TS. Shirley Tarawali, Quyền Tổng giám đốc ILRI, các nghiên cứu và biện pháp can thiệp của Dự án SafePORK đã đóng góp đáng kể vào việc cải thiện an toàn thịt lợn tại Việt Nam đồng thời hỗ trợ nhiều sinh kế cho người dân. Những bài học có giá trị từ Dự án này sẽ giúp hướng tới hệ thống thực phẩm an toàn hơn cho Việt Nam.

Dự án SafePORK được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), thực hiện từ năm 2017 đến năm 2023 tại các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An, Thái Nguyên và Hòa Bình. Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) phối hợp cùng Trường đại học Y tế Công cộng (HUPH), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), Viện Chăn nuôi (NIAS) và Đại học Sydney, Australia cùng triển khai Dự án.

Mục tiêu của Dự án nhằm giúp giảm bớt gánh nặng bệnh tật do thực phẩm gây ra ở các thị trường không chính thức, mới nổi và thị trường ngách. An toàn thực phẩm được cải thiện thông qua các phương pháp tiếp cận đơn giản, dựa vào thị trường, góp phần tăng cường vệ sinh thịt lợn cho người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ sinh kế của các chủ thể khác nhau trong chuỗi giá trị thịt lợn.

TS. Anna Okello, quản lý chương trình nghiên cứu hệ thống chăn nuôi của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), cho biết, trong thỏa thuận giữa ACIAR và Bộ NN-PTNT giai đoạn 2017 - 2027, an toàn thực phẩm được xác định là một trong 6 chủ đề ưu tiên.

“Các Dự án như SafePORK có thể cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách và công chúng những bằng chứng khoa học hỗ trợ cho các lựa chọn chính sách khả thi giúp quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả hơn tại Việt Nam”, TS. Anna Okello nhấn mạnh.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất