| Hotline: 0983.970.780

Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y

Trưởng đại diện ILRI: Cần nhận thức rõ vai trò của chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ

Thứ Sáu 23/06/2023 , 18:02 (GMT+7)

Là đối tác tích cực với ngành chăn nuôi, Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) khuyến nghị bố trí nguồn lực hợp lý để phát triển khu vực nhỏ và vừa.

TS Fred Unger trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

TS Fred Unger trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Bên lề Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y, TS. Fred Unger, Trưởng đại diện Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế ILRI tại Đông Á và Đông Nam Á cho biết, tổ chức này đã và đang triển khai các giải pháp tập trung vào phát triển bền vững hệ thống chăn nuôi, đảm bảo sinh kế của các hộ chăn nuôi nhỏ tại Việt Nam.

Các sáng kiến của ILRI được triển khai tại Việt Nam nhằm mục đích thúc đẩy ngành chăn nuôi của Việt Nam bằng cách cung cấp bằng chứng nghiên cứu chú trọng đến an toàn thực phẩm và sức khỏe động vật trong chuỗi giá trị chăn nuôi truyền thống.

Nó nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của chuỗi thực phẩm có nguồn gốc động vật bền vững và an toàn thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe và các giải pháp dựa vào thị trường.

ILRI, một trung tâm trực thuộc CGIAR, mong muốn duy trì quan hệ đối tác lâu dài với các cơ quan và đối tác ở Việt Nam. Mục tiêu nhằm đưa các sáng kiến, tiến bộ kỹ thuật về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhanh chóng đến với cộng đồng.

Tại Việt Nam, tỷ lệ số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn tương đối lớn. TS Unger nhìn nhận, rất nhiều sản phẩm từ thịt và chế biến từ thịt được bán ở thị trường truyền thống.

“Tôi nghĩ đó thực sự là một thách thức đối với hệ thống thú y, bởi để giải quyết các vấn đề ở quy mô vừa và nhỏ, chính phủ cần tính đến nhiều khía cạnh, trong đó có sinh kế của người dân”, ông nói.

Vừa qua, ILRI đã phối hợp triển khai nghiên cứu “Các phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường nhằm cải thiện an toàn thịt lợn tại Việt Nam” (SafePORK). Dự án tập trung xây dựng một số biện pháp can thiệp đơn giản và xây dựng năng lực để làm giảm sự ô nhiễm vi khuẩn Salmonella trong chuỗi thịt lợn.

Thông qua vệ sinh cơ sở giết mổ và chợ truyền thống, tỷ lệ nhiễm Salmonella trên thịt lợn tại chợ truyền thống Việt Nam ở vùng dự án đã giảm từ 52% xuống còn 24%.

Thành công này đưa đại diện của ILRI đến nhận định, rằng khu vực chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ vẫn giữ vị trí, vai trò quan trọng tại Việt Nam. Ngoài ra, khu vực này vẫn có thể can thiệp để nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm

"Chính phủ Việt Nam những năm gần đây đã nhận ra tầm quan trọng của khu vực này. Chắc chắn các bạn sẽ tìm ra chiến lược để phát triển ngành chăn nuôi bền vững", ông Unger bày tỏ.

Đại biểu quốc tế chăm chú lắng nghe các sáng kiến đưa ra tại Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đại biểu quốc tế chăm chú lắng nghe các sáng kiến đưa ra tại Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đánh giá cao năng lực của hệ thống thú y, ông Ronello Abila, đại diện khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) tin tưởng Việt Nam đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu nêu trong Đề án Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030.

Việt Nam đã và đang nỗ lực mở rộng xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ra toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam hiện còn lỗ hổng trong việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo chuẩn OIE. "Để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, nhất thiết phải xây dựng vùng an toàn dịch bệnh", ông nhấn mạnh.

OIE đã liên lạc với Việt Nam thông qua nhiều diễn đàn, hội nghị và hội thảo để cung cấp biện pháp kỹ thuật. Tuy nhiên, các giải pháp thiết lập vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE thông thường mất khoảng 1 năm kể từ khi nộp hồ sơ. Điều này có thể khiến những nông hộ nhỏ, hoặc chăn nuôi gia cầm gặp khó.

Để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, ông Abila tin không chỉ cần sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp mà còn cần sự vào cuộc của ,mọi thành phần xã hội, bao gồm cả các doanh nghiệp chăn nuôi.

Ông Tony Harman, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y. Ảnh: Phạm Hiếu. 

Ông Tony Harman, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y. Ảnh: Phạm Hiếu. 

Tại phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT trân trọng cảm ơn những bài học kinh nghiệm, đóng góp ý kiến quý báu của các tổ chức quốc tế.

Nhắc lại câu nói của Thủ tướng: "Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá", Thứ trưởng coi hợp tác quốc tế là giải pháp để triển khai các nội dung trong đề án, trong đó có kiện toàn hệ thống thú y các cấp, đặc biệt là ở cấp xã, huyện.

Thứ trưởng chỉ đạo Cục Thú y hướng dẫn Chi cục Thú y địa phương tham mưu cho Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ đề án.

GS.TS Đậu Ngọc Hào, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam tư vấn, rằng để triển khai đề án một cách hiệu quả, cơ quan quản lý cần xác định rõ lộ trình cũng như các bước cụ thể trong quá trình. Ông Hào cũng cho rằng, thời gian tới cần có cơ chế tách bạch rõ chức năng, nhiệm vụ giữa trạm thú y (thực hiện công tác quản lý) và trung tâm dịch vụ (thực hiện các dịch vụ nông nghiệp).

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Brazil

Chiều 16/11 (giờ địa phương), tại thủ đô Rio de Janeiro, Thủ tướng đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Liên bang Brazil.

Hà Nội dự chi gần 38 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất

Theo đề xuất, đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do bão số 3 và sau bão.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Không khí lạnh đang tràn xuống miền Bắc

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết khoảng chiều và đêm 17/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta.