Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 4] Cơ hội còn nhiều ở thị trường carbon bắt buộc hơn 900 tỷ USD

Bảo Thắng - Thứ Sáu, 22/11/2024 , 08:10 (GMT+7)

Thị trường carbon quốc tế đang rất sôi động, với giá trị ước tính có thể lên tới gần 1.000 tỷ USD, đòi hỏi Việt Nam cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ.

Cùng với nông nghiệp, lâm nghiệp được cho là có tác động lớn đến mục tiêu Net Zero của Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Cần bước chạy đà dài

Bài liên quan

Năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, theo Thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ với Ngân hàng Thế giới (World Bank). Để có kết quả này, Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuẩn bị cho lộ trình giảm phát thải trong nông nghiệp từ năm 2014. Sáu năm sau đó, Việt Nam ký thỏa thuận với World Bank, trước khi xây dựng các căn cứ pháp lý bằng Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và bán những tín chỉ carbon đầu tiên vào năm kế tiếp.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường (Bộ TN-MT) nhìn nhận, thị trường carbon tương đối mới mẻ đối với Việt Nam. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan quản lý luôn giữ quan điểm tương đối thận trọng đối với tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, về lâu dài, ông Thọ cho rằng, nếu không khai thác thị trường này thì lĩnh vực lâm nghiệp vẫn hấp thụ CO2 một cách tự nhiên, có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực, nhất là với một quốc gia có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon như Việt Nam.

“Chúng tôi đã thống kê, và xác định rằng để triển khai một dự án carbon cần trung bình từ 12 - 18 tháng mới hoàn thiện phần cơ sở và các thủ tục pháp lý. Sau đó, mất thêm 3 năm để kiểm kê và khoảng 3 - 5 năm nữa mới có thể giao dịch được tín chỉ carbon”, ông Thọ chia sẻ. Điều này đã được kiểm nghiệm qua thực tế khi Việt Nam chuyển giao 10,3 triệu tín chỉ carbon khu vực Bắc Trung bộ. Tính từ lúc bắt tay nghiên cứu đến khi nhận tiền, tổng cộng kéo dài gần 10 năm.

Hiện Việt Nam mới tham gia thị trường carbon tự nguyện, nơi tín chỉ carbon có giá thấp, nhằm thu hút sự hỗ trợ từ quốc tế, cũng như tăng phần Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trong nỗ lực chung của toàn cầu.

Dưới góc nhìn của Viện trưởng Thọ, mục tiêu chính của cam kết NDC là giảm phát thải, thay vì tín chỉ carbon. Nếu chỉ tham gia thị trường carbon tự nguyên, vị chuyên gia về tài nguyên môi trường cho rằng, sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường giao dịch quốc tế sẽ khó cải thiện. Ngoài ra, nông dân - những người trực tiếp tạo ra tín chỉ carbon - cũng có ít động lực và nguồn lực hơn để hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

“Việc kết nối 2 thị trường có giá trị hết sức quan trọng, nếu tín chỉ carbon của Việt Nam tăng lên trên thị trường bắt buộc, cơ quan quản lý sẽ có nhiều điều kiện hơn để khuyến khích nông dân sản xuất, nâng cao thu nhập. Vì vậy, không nên quá dè dặt khiến chúng ta tự đánh mất đi cơ hội”, ông Thọ bày tỏ.

Nói thêm về đóng góp NDC, Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ chỉ ra điểm nghẽn chính hiện nay là chưa có khung pháp lý thực hiện, cũng như chưa có khung chính sách rõ ràng, minh bạch để những người chuyển đổi năng lượng, công nghệ, chuyển sang các phương án tiêu thụ carbon thấp tận dụng được cơ hội.

Theo Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ, một dự án carbon cần khoảng thời gian 10 năm để hoàn thành. Ảnh: Bảo Thắng.

So với một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, nơi đã có sự đầu tư lớn vào thị trường mua bán tín chỉ carbon, Việt Nam hiện bị tụt lại. Nếu xuất hiện một nhà đầu tư muốn tham gia, họ cũng không thể tìm thấy cơ chế chia sẻ lợi ích trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Thừa nhận thực trạng này, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends thông tin thêm, rằng ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân muốn tham gia vào thị trường carbon. Bởi đây vừa là một yêu cầu chung, mang tính bắt buộc của quốc tế (liên quan đến giảm phát thải), vừa là một hướng đi tiềm năng với một quốc gia mạnh về rừng như Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện tại, ông Phúc nhận xét, phát triển thị trường carbon nội địa là hướng đi khả thi hơn. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng… có thể đầu tư vào công nghệ để vừa giảm phát thải, vừa tạo nguồn lực tài chính bổ sung, thúc đẩy nông nghiệp bền vững và phát triển xanh.

Có thể huy động thêm cơ chế giám sát độc lập

Chính phủ đã giao Bộ TN-MT chủ trì xây dựng lộ trình để Việt Nam có thể vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon toàn quốc vào năm 2028. Là người trực tiếp tham gia vào quá trình bán những tín chỉ carbon đầu tiên cho World Bank, theo thỏa thuận giảm phát thải ở khu vực Bắc Trung bộ, ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Trong đó, nhấn mạnh vai trò vận hành của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách để vừa tạo xung lực cho doanh nghiệp trong nước và thúc đẩy sự quan tâm của xã hội trong việc giảm phát thải khí nhà kính.

“Ngay từ bây giờ, chúng ta phải nghĩ tới cơ chế tư vấn và giám sát độc lập, bởi nếu chỉ dựa vào Nhà nước thì sẽ mất nhiều thời gian”, ông Tuấn bộc bạch. Nguyên lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng khuyến nghị, việc tư vấn đo đếm, giám sát phát thải có thể thực hiện theo hướng xã hội hóa, mở rộng, thu hút đầu vào của khối phi Nhà nước, đồng thời xem đây là một tiêu chí để Việt Nam tạo thêm niềm tin với quốc tế.

Hiện trạng rừng Việt Nam. Nguồn: Cục Lâm nghiệp.

Thống kê của Cục Lâm nghiệp cho thấy, có sự chênh lệch rất lớn giữa 2 thị trường carbon tự nguyện và bắt buộc. Theo đó, giá trị của thị trường tự nguyện trên toàn cầu khoảng 2 tỷ USD, trong khi của thị trường bắt buộc lên tới hơn 900 tỷ USD. Mức giá chung trên thị trường tự nguyện khoảng 5,09 USD/tín chỉ, trong khi giá của thị trường bắt buộc lại dao động mạnh. Tại khu vực EU, giá trung bình lên tới 79 USD/tín chỉ, trong khi tại Hàn Quốc, con số chỉ là 10 USD. Đi kèm với đó, các tiêu chuẩn về tín chỉ carbon bắt buộc rất nhiều và khó.

Một yếu tố nữa, là giá tín chỉ carbon sẽ giảm theo thời gian. Ví dụ, một tín chỉ được tạo ra trước năm 2016 thì đến năm 2018, giá của các tín chỉ này sẽ giảm khoảng một nửa. Đến năm 2021, mỗi tín chỉ còn hơn 10% giá ban đầu, trước khi về mức 0 vào năm 2022.

Ngoài Bắc Trung bộ, nơi đã chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tín chỉ, Việt Nam còn 2 vùng giàu tiềm năng khác là Nam Trung bộ và Tây Nguyên, với tổng lượng giảm phát thải ròng được ước tính lần lượt khoảng 36 và 27 triệu tấn CO2 hấp thụ.

Đánh giá về điều này, Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ khẳng định, nông lâm nghiệp là những lĩnh vực giữ vai trò chủ chốt trong nỗ lực giảm phát thải của Việt Nam. “Sự phát triển bền vững của nông lâm nghiệp sẽ quyết định lớn đến việc chúng ta có thể đạt được các cam kết quốc tế về giảm phát thải, cụ thể là Net Zero vào năm 2050, cũng như phát triển xanh trong thời gian tới hay không", ông cho biết.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tấn tín chỉ carbon. Toàn bộ số tín chỉ này sẽ được đóng góp vào mục tiêu NDC.

Hiện Việt Nam còn dôi dư khoảng 6 triệu tín chỉ carbon từ thỏa thuận giảm phát thải tại Bắc Trung bộ và World Bank đã đề xuất chuyển nhượng tiếp 5 triệu tín chỉ.

Bảo Thắng
Tin khác
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 3] Đóng góp thầm lặng từ những mô hình nông lâm kết hợp
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 3] Đóng góp thầm lặng từ những mô hình nông lâm kết hợp

Bên cạnh việc góp phần chuyển đổi hệ thống thực phẩm, đảm bảo sinh kế cho người dân, nông lâm kết hợp còn có ý nghĩa quan trọng trong mục tiêu trung hòa carbon.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá của Na Uy
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá của Na Uy

Đánh bắt cá là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Na Uy. Ngành này đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi biến đổi khí hậu.

Hà Lan thành công nghiên cứu giống chuối kháng bệnh Panama
Hà Lan thành công nghiên cứu giống chuối kháng bệnh Panama

Các nhà khoa học lai tạo ra giống chuối Yelloway One có thể kháng lại dịch bệnh Panama được mệnh danh là ‘kẻ hủy diệt’ chuối hàng loạt.

Phục tráng giống cây tiền sử liệu có phải lời giải cho biến đổi khí hậu?
Phục tráng giống cây tiền sử liệu có phải lời giải cho biến đổi khí hậu?

Một cuộc tranh cãi bất phân thắng bại đã thu hút giới học giả về lương thực của các bộ tộc ở Úc liệu có thể trở thành thực phẩm phù hợp trong tương lai.

Giới khoa học Mexico: Thế giới bước vào cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6
Giới khoa học Mexico: Thế giới bước vào cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6

Các nhà khoa học Mexico chứng minh rằng Trái đất đã chính thức bước vào giai đoạn đầu của cuộc đại tuyệt chủng; loài người có thể chấm dứt trong vòng 200 năm tới.

Trung Quốc có thể giúp đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu
Trung Quốc có thể giúp đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu

Bằng cách đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới, Trung Quốc có thể hỗ trợ các quốc gia châu Phi phát triển nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Trung Quốc rút ngắn thời gian sinh trưởng cây nho bằng trí tuệ nhân tạo
Trung Quốc rút ngắn thời gian sinh trưởng cây nho bằng trí tuệ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây nho.

Tỷ lệ bò sữa chết do cúm gia cầm ở California tăng đột biến
Tỷ lệ bò sữa chết do cúm gia cầm ở California tăng đột biến

Tỷ lệ bò bị nhiễm cúm gia cầm chết ở California (Hoa Kỳ) tăng mạnh so với các tiểu bang khác, khiến các công ty xử lý xác động vật quá tải khi thời tiết nắng nóng.

Chim và mèo là 'cảnh báo' cho sự xâm nhập của H5N1
Chim và mèo là 'cảnh báo' cho sự xâm nhập của H5N1

Cúm gia cầm quy mô lớn đã ảnh hưởng đến ít nhất 280 trang trại bò sữa ở 14 bang của Hoa Kỳ, đòi hỏi khả năng nhận biết và hành động sớm.

Biến chất thải nông nghiệp thành sinh khối giá trị - kinh nghiệm từ Đài Loan
Biến chất thải nông nghiệp thành sinh khối giá trị - kinh nghiệm từ Đài Loan

ĐBSCL Kinh nghiệm từ Đài Loan cho thấy, nhiều phương pháp hiệu quả trong việc tái chế chất thải nông nghiệp thành sản phẩm có giá trị, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Nông nghiệp Anh: Từ tiến bộ công nghệ đến chiến lược xuất khẩu mới
Nông nghiệp Anh: Từ tiến bộ công nghệ đến chiến lược xuất khẩu mới

Bài viết điểm qua những bước tiến của nông nghiệp Vương quốc Anh trong 20 năm qua và các chính sách nhằm tái phát triển, nâng cao vị thế của ngành nông nghiệp Anh.