Sáng 27/8, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) phối hợp Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA) tổ chức Hội thảo đánh giá hàng năm Dự án Tăng cường hoạt động khuyến nông ở châu Á (RATES) và Dự án Giống lúa chống chịu điều kiện bất lợi, năng suất cao phù hợp với các quốc gia thành viên (SHR+).
Hai dự án, thuộc Sáng kiến Hợp tác Nông nghiệp và Lương thực Châu Á (AFACI), nhằm mục đích cải thiện sản xuất lương thực và thúc đẩy nông nghiệp bền vững ở một số quốc gia thuộc châu Á, trong đó có Việt Nam.
Được thành lập vào tháng 11/2009, tại Seoul, Hàn Quốc, AFACI hiện gồm 15 quốc gia thành viên là: Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Lào, Indonesia, Kyrgyzstan, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Uzbekistan, Việt Nam và Hàn Quốc.
Thông qua chuyển giao và chia sẻ kiến thức, công nghệ, AFACI sẽ triển khai, quản lý, tài trợ và điều phối các dự án đa phương, đào tạo tập huấn, hội thảo quốc tế.
Tầm nhìn của AFACI là thành lập mạng lưới các nước châu Á cùng nhau giải quyết các vấn đề về sản xuất lương thực, nông nghiệp bền vững và công nghiệp hóa các lĩnh vực lương thực, nông nghiệp.
Trong lịch sử 15 năm phát triển, AFACI đã tổ chức 6 kỳ đại hội. Ban thư ký AFACI cùng Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc đã thực hiện 25 dự án tại các quốc gia thành viên, trong đó 6 dự án đang triển khai.
Hằng năm, Ban thư ký AFACI và các cơ quan chuyên môn thuộc Tông cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc tổ chức đánh giá kết quả thực hiện dự án tại một số quốc gia thành viên. Năm 2024, Việt Nam được lựa chọn để đánh giá kết quả thực hiện dự án RATES và SHR+, đồng thời thảo luận kế hoạch nhằm nhân rộng hiệu quả các dự án này trong tương lai.
Dự án RATES đặt mục tiêu củng cố hệ thống khuyến nông và nâng cao năng lực khuyến nông cho các nước thành viên. Hiện 13 nước thành viên đang phối hợp thực hiện và bao gồm 3 hợp phần: (1) Tạo lập, phân tích cơ sở về hệ thống nông nghiệp thông qua khảo sát, thảo luận nhóm tập trung và tham vấn các bên liên quan; (2) Nâng cao năng lực của cán bộ khuyến nông và nông dân thông qua đào tạo, hội thảo; (3) Tăng cường các chiến lược và hoạt động khuyến nông thông qua triển khai phương pháp tiếp cận hiệu quả về phổ biến, trình diễn công nghệ trên nhiều mặt hàng nông sản.
Dự án RATES tại Việt Nam do VAAS chủ trì thực hiện trong thời gian từ năm 2023 đến 2025.
Trong khi đó, Dự án SHR+ đặt trọng tâm vào việc tận dụng các giống lúa có khả năng chịu đựng nhiều loại điều kiện bất lợi sinh học và phi sinh học do Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) phát triển, AFACI tài trợ. SHR+ kỳ vọng phát triển, thử nghiệm và phổ biến các giống lúa ưu việt tại 11 nước thành viên tại Nam Á và Đông Nam Á.
Dự án có 3 hợp phần chính gồm: (1) Thiết lập mạng lưới thử nghiệm các quy trình vận hành tiêu chuẩn trên các quốc gia xác định, (2) Đánh giá và xác định các giống ưu việt có các đặc điểm mong muốn như khả năng chịu hạn, chịu lũ và chịu mặn, tiềm năng năng suất cao; (3) Xây dựng năng lực cho các nước thành viên tham gia.
Cùng với việc tăng cường năng lực về công nghệ lai tạo lúa hiện đại, các nước thành viên AFACI mong muốn cải thiện được năng suất lúa. Tại Việt Nam, Dự án SHR+ do Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện trong thời gian từ năm 2022 đến 2024.
Thay mặt quốc gia đăng cai tổ chức hội thảo, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc VAAS cho biết, hội thảo là cơ hội để 15 nước thành viên AFACI thảo luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm. "Hy vọng rằng khi kết thúc hội thảo, chúng ta sẽ có thêm động lực và cách thức hợp tác, phổ biến hiệu quả của Sáng kiến AFACI, cũng như củng cố mạng lưới này", ông nói.
TS Seol Kuk-Hwan, Phó tổng thư kí AFACI thừa nhận, châu Á đang phải đối mặt với thách thức về an ninh lương thực cũng như biến đổi khí hậu. Do đó, những chia sẻ tại hội thảo sẽ góp phần đáng kể trong việc giúp nhiều người dân châu lục đảm bảo thực phẩm, dinh dưỡng trong bối cảnh hiện nay.
TS Myoung Rae-cho, Giám đốc KOPIA Việt Nam nhìn nhận, từ những nỗ lực ban đầu, AFACI giờ triển khai rộng khắp tại nhiều quốc gia châu Á, giúp lan tỏa và phát triển quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa các nước. "Kết quả của dự án đã vượt quá mong đợi ban đầu, đồng thời mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nền nông nghiệp châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung", ông bày tỏ.
Chia sẻ thêm về các dự án nghiên cứu giống lúa đang thực hiện, TS Sankalp Bhosale, đại diện IRRI thông tin, hiện có hơn 40 mô hình tại 11 quốc gia đang thử nghiệm các giống lúa do IRRI chọn tạo. Việc thử nghiệm, khảo nghiệm trên diện giống những giống này giúp người dân có nhiều lựa chọn, cũng như tăng khả năng tạo ra những giống ưu việt, có khả năng chống chịu và đảm bảo năng suất.
"Các giống ngắn ngày, chịu được mặn và ngập úng đang được thử nghiệm tại Việt Nam, Campuchia và Sri Lanka. Trong khi các giống dài ngày hơn đang được triển khai ở Indonesia, Myanmar, Nepal, Lào và Bangladesh", ông nói và cho biết thêm, trong giai đoạn tới, một số giống ưu việt có thể được xem xét đăng ký lưu hành tại các nước thử nghiệm.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo được tổ chức tại Hà Nội, Ban thư ký AFACI công bố xếp hạng những dự án xuất sắc trong năm vừa qua. Phó viện trưởng Nguyễn Thúy Kiều Tiên, thay mặt Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, là đại diện của Việt Nam được vinh danh.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Tiên cho biết, thông qua Dự án SHR+, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã nhận nguồn vật liệu là các giống lúa chống chịu hạn, ngập, mặn và các giống lúa hạt tròn Japonica. Điều này góp phần cải thiện năng suất và chất lượng lúa, đồng thời giúp chọn tạo ra những giống phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội của từng quốc gia, bao gồm Việt Nam.
"Những nguồn vật liệu chống chịu ngập, mặn rất đáng quý với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với tình hình biến đối khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, chúng tôi hy vọng sẽ sớm lai tạo ra những giống để đưa vào sản xuất rộng rãi", bà Tiên bày tỏ.
Thời gian tới, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục nghiên cứu, so sánh năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu giữa nguồn giống do IRRI cung cấp với những giống mà người nông dân đang sản xuất. Từ đó, giúp đảm bảo sản lượng lúa của toàn khu vực.