Người phục hồi giống măng ăn sống do ông Nguyễn Công Tạn mang về

Dương Đình Tường - Thứ Ba, 02/04/2024 , 06:24 (GMT+7)

BẮC GIANG Cơn mưa xuân rơi ngọt xuống vườn. Buổi tối, nghe tiếng mưa lắc rắc trên mái tôn tôi tưởng như những củ măng lục trúc đang cựa mình, trùng trùng đội đất mà lên.

Cuộc thử nghiệm 30 năm về trước

Mỗi đêm, mỗi củ măng cong cong như cái sừng bò ấy lại lớn, dài thêm 5 - 7cm. Khu vườn rộng 5ha ở xã Cao Xá là một trong 7 trang trại trồng măng lục trúc tại huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) mà chị Dương Thị Luyện - Giám đốc Hợp tác xã măng lục trúc Lâm sinh Ngọc Châu đang có, trang trại nhỏ nhất 2ha, lớn nhất 20ha. Ở các huyện khác, chị liên kết theo kiểu cung cấp giống rồi bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích lên tới hơn 100ha.

Chị Dương Thị Luyện ăn măng sống vừa đào trong vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Dương Thị Luyện ăn măng sống vừa đào trong vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi theo chị Luyện cầm thuổng đi đào măng. Chưa cần chúng phải trồi lên mà chỉ nhìn mặt đất hơi nứt là chị đã biết có măng ở bên dưới, thậm chí không cần nhìn đất, chỉ cần nhìn cành bên trên cũng biết. Tại sao gọi là lục trúc, chị giải thích bởi mỗi một nhánh có 6 cái mắt, về sau sẽ hình thành ra 6 củ măng, cứ cắt đi thì lại ra 6 củ măng tiếp. Nếu không muốn lấy 6 củ măng thì cắt sâu xuống để lứa sau lấy 4 hoặc 2 củ cho to. Có gốc măng sai lúc lỉu trưng bày hôm địa phương về đích nông thôn mới còn được một ông giám đốc ở Hà Nội nằng nặc đòi mua với giá 10 triệu đồng vì nhìn thích quá.

Không gì thú bằng gọt rồi ăn măng luôn tại vườn để cảm nhận vị tươi, ngon, giòn, ngọt lạ thường của măng lục trúc. Thấy tôi khen, chị cười: “Đầu vụ mới là măng phá, phải chặt bỏ đi để bên dưới gốc lại đẻ ra những cây măng tiếp theo, tích đủ chất mới ngon, chứ ăn bây giờ chỉ đạt 3/10 điểm thôi. Mưa như thế này chỉ mươi hôm nữa là có thể thu được 1 tấn măng/ngày. Vào chính vụ, HTX phải thuê 40 - 50 lao động đi đào măng từ lúc 5 - 6 giờ sáng, có ngày thu được 10 tấn. Lúc cây măng còn chưa nhô lên khỏi mặt đất, tiếp xúc với ánh sáng là chất lượng nhất. Măng đó ăn sống ngọt mát hơn cả củ đậu, luộc lên thơm như ngô nếp, còn nước luộc thì chan cơm ăn cũng rất ngon”.

Một gốc măng lục trúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một gốc măng lục trúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Về nguồn gốc của giống măng có lẽ là loại duy nhất tại Việt Nam ăn sống được, anh Dương Xuân Sinh - em chị Luyện kể rằng năm 1994, ông Nguyễn Công Tạn khi đó còn là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có mang một cây măng lục trúc của Đài Loan về trồng thử nghiệm trong vườn nhà mình tại trại chè Ngọc Châu, bởi bố anh Sinh là cán bộ của xã Ngọc Châu (huyện Tân Yên). Lúc cây lớn, ra măng, ông bảo đánh lên, đặt trên một chiếc bàn để trưng bày cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Năm sau thì người ta về đo đạc, xây trụ sở của Công ty Đầu tư Xuất nhập khẩu Nông lâm sản và Thực phẩm chế biến (trực thuộc Bộ NN-PTNT). Đơn vị này liên kết với Đài Loan, có 4 chuyên gia Đài Loan sang chỉ đạo trồng 23ha măng lục trúc. Thấy anh Sinh nhanh nhẹn nên họ nhận vào làm bảo vệ rồi anh học được kỹ thuật trồng. Để giữ bản quyền giống măng quý, các lao động khi vào chỉ được đi người không, mọi dụng cụ đều được để bên trong trang trại, khi ra cũng bị kiểm soát cẩn thận.

Năm 2005, cơ sở ở Tân Yên bị bán, cây lục trúc bị phá, anh Sinh mới xin hơn 170 gốc về trồng. Những gốc lục trúc đó mãi chỉ ở góc vườn nhà anh nếu như không có một biến cố xảy ra với gia đình người chị.

Chỉ cần gọt vỏ là măng lục trúc có thể ăn sống được. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chỉ cần gọt vỏ là măng lục trúc có thể ăn sống được. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Có 100ha măng nhờ... vỡ nợ

Năm 2017, trại lợn vài trăm con của chị Dương Thị Luyện gặp phải cuộc đại khủng khoảng khi giá thịt hơi rơi xuống chỉ còn 17.000đ/kg. Bị vỡ nợ đến 4 tỉ đồng nên vợ chồng chị đành phải bỏ trại mà đi buôn măng. Họ mua măng Bát Độ trong vườn của dân với giá 4.000đ/kg rồi đem ra chợ đêm bán được 7.000 - 10.000đ/kg. Vợ chồng chị cứ đi buôn măng đêm hôm như thế, mỗi buổi cũng được lãi cả triệu đồng nhưng người thân cứ can mãi vì sợ họ buồn ngủ, gặp tai nạn.

Lúc đó chị Luyện mới sực nhớ đến cây măng lục trúc liền bàn với em trai chuyện khôi phục lại. Lúc đó ở trong vườn của anh Dương Xuân Sinh có mấy sào măng chỉ đủ giao cho mấy nhà hàng Nhật ở Hà Nội, không mở rộng được vì chào ra ngoài thì dân chê đắt quá, không mua. Chị Luyện điện cho ông Đoàn Hữu Cường, người từng là Giám đốc Công ty Đầu tư Xuất nhập khẩu Nông lâm sản và Thực phẩm chế biến bày tỏ ý tưởng muốn khôi phục lại cây măng lục trúc và được ông động viên rất nhiều. Vậy là năm 2018 chị mạnh dạn thành lập Hợp tác xã măng lục trúc Lâm sinh Ngọc Châu, đứng lên làm Giám đốc, còn anh Sinh là Phó Giám đốc.  

Mỗi bên của gốc cây lục trúc có 3 cái mắt, sau sẽ thành 6 củ măng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mỗi bên của gốc cây lục trúc có 3 cái mắt, sau sẽ thành 6 củ măng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ban đầu vận động dân trồng lục trúc, họ bảo chị thần kinh hay sao mà lại đi trồng tre. Vậy là chị cặm cụi trồng một mình, đến khi có sản phẩm, chị luộc măng rồi để vào cái thùng bảo quản lạnh đem đi tiếp thị. Cho nhiều chủ nhà hàng, quán ăn ăn thử, ai cũng bảo ngon nhưng không biết là măng gì, có chất bảo quản hay không nên không mua. Chẳng biết làm cách nào, chị mới nhớ đến những cuộc tập huấn của Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang hay những cuộc đi các tỉnh thành khác xúc tiến thương mại thường có ăn uống liền hỏi ban tổ chức đặt bao nhiêu mâm rồi mang măng đi tặng, cả loại sống lẫn chín.

Ăn xong, nhiều người thấy ngon quá hỏi chị số điện thoại rồi... xin thêm củ nữa mang về cho chồng hoặc vợ ở nhà thưởng thức. Từ đó, hễ nhà ai có công việc gì lại nhớ đến măng lục trúc. Ở xã Ngọc Châu cũng như nhiều xã trong huyện Tân Yên, lắm nhà có lệ hễ cỗ cưới là phải có măng lục trúc và bao giờ trên mâm, đĩa măng cũng hết trước đĩa thịt. Lắm khi măng hiếm, ai có cỗ phải nài nỉ chị Luyện bớt hàng của các siêu thị, nhà hàng đi để dành cho họ đãi khách. Chị lại đem măng lục trúc đi tham gia chương trình OCOP, được đánh giá xếp hạng 4 sao, sản phẩm càng thêm nổi tiếng. Có trên 50 tỉnh thành đã đến tham quan, hỏi mua rồi một số xin làm đại lý.

Một góc trang trại măng của chị Luyện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc trang trại măng của chị Luyện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lục trúc không kén đất, chỉ cần tránh ngập lụt là trồng được, kể cả trên đồi cao, dốc tới 25 - 30 độ, cao quá vẫn trồng được nhưng khi khai thác sẽ vất vả. Từ lúc trồng ở Ngọc Châu tới nay đã 30 năm mà cây lục trúc chưa phải phun thuốc BVTV bao giờ. Lục trúc nhạy cảm với thuốc trừ cỏ đến mức vụ trước trồng ngô mà phun thì vụ sau trồng lục trúc vẫn chết. Việc chăm bón măng lục trúc cũng hoàn toàn bằng phân hữu cơ nên đã có 3,5ha của Hợp tác xã măng lục trúc Lâm sinh Ngọc Châu được chứng nhận hữu cơ.

Hiện HTX có 86ha lục trúc, nếu tính cả liên kết thì tổng khoảng 100ha, doanh thu năm 2023 đạt trên 10 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận cỡ 20%. Trong số 29 thành viên của HTX có 4 người trình độ đại học và 1 tiến sĩ. Điều kiện để tham gia HTX ngoài đam mê ra còn phải trồng từ 2ha lục trúc trở lên. HTX đặt mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu lên 300 - 500ha trong 1 - 2 năm nữa để xây dựng mã số vùng trồng, hướng tới mục tiêu xuất khẩu chính ngạch thay cho dạng xách tay như hiện nay.

Khách nhiều nơi đổ về để tham quan, ăn thử măng lục trúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khách nhiều nơi đổ về để tham quan, ăn thử măng lục trúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Không có gì kinh tế bằng lục trúc bởi trồng 1 năm đã có thu, lại không rủi ro vì nó không ra hoa, kết quả như cây ăn quả, không phụ thuộc vào thời tiết. Nắng nhiều mà không tưới được lục trúc chỉ giảm năng suất đi một chút, còn càng mưa thì càng nhiều măng. Tôi đã hỗ trợ cho trên 10 hộ nghèo, cận nghèo giống, kỹ thuật rồi bao tiêu sản phẩm nếu họ có đất trồng, còn không thì ưu tiên nhận vào làm việc với ngày công 250.000đ.

Mỗi kg măng loại 1 đã qua sơ chế tôi bán 100.000đ, mỗi kg măng khô bán 2,5 triệu đồng, còn thu mua của bà con 40.000đ/kg, từ đầu mùa đến cuối mùa cùng một giá. Năm đầu tiên trồng chỉ tính khiêm tốn mỗi gốc 30kg măng, giá thu mua 30.000đ/kg là đã có 900.000đ/gốc, mà mỗi ha trồng được tới 1.000 gốc, tương đương nguồn thu 900 triệu đồng.

Ông Dương - trợ lý của ông Từ Chính Huấn người Đài Loan năm xưa khi biết chúng tôi đã phục hồi và làm kinh tế được từ cây măng lục trúc đã viết thư tay bảo rằng ông đã theo người Đài Loan bao nhiêu năm mà không thành công nên rất mừng khi thấy người Việt mình đã làm được”, chị Luyện bày tỏ.

Ông Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết: “Khi trước, măng Bát Độ được chuộng vì củ to, năng suất cao nhưng khi xã hội đòi hỏi về chất lượng thì măng lục trúc lại được hồi phục, trong đó công của chị Luyện rất lớn”.

Dương Đình Tường
5 giải pháp cho vụ hè thu đặc biệt khó khăn ở Nghệ An
5 giải pháp cho vụ hè thu đặc biệt khó khăn ở Nghệ An

Vụ hè thu năm nay của Nghệ An đang đứng trước những khó khăn lớn do thời tiết gây ra, nhất là nắng nóng, hạn hán.

Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu gạo vào Singapore
Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu gạo vào Singapore

Việt Nam xuất khẩu gạo sang Singapore từ lâu, nhưng luôn đứng sau một số nguồn cung khác. Đầu năm nay, gạo Việt Nam đã chiếm vị trí số 1 tại thị trường này.

Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông
Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông9

Sự quan ngại về kênh đào Funan Techo thể hiện qua phát biểu của một số chuyên gia tại cuộc họp ở Cần Thơ là cần thiết nhưng cần tránh phóng đại.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp
Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Hướng dẫn chăn nuôi tuần hoàn quy mô nông hộ
Hướng dẫn chăn nuôi tuần hoàn quy mô nông hộ

‘Không bỏ đi thứ gì’, nhiều nông hộ áp dụng chăn nuôi tuần hoàn, tận thu phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Syngenta ra mắt thuốc diệt rầy mới nhất: Pexena 20WG dạng cốm
Syngenta ra mắt thuốc diệt rầy mới nhất: Pexena 20WG dạng cốm

Sản phẩm mới không chỉ an toàn với sức khỏe của người phun thuốc và pha thuốc mà với đặc tính hòa tan tốt, thuốc dạng cốm này còn an toàn hơn cho môi trường, giảm thất thoát thuốc và giảm lượng thuốc đưa xuống đồng ruộng.

Loài dược liệu củ như khoai lang, lãi hơn 250 triệu đồng/ha
Loài dược liệu củ như khoai lang, lãi hơn 250 triệu đồng/ha

HƯNG YÊN Cây địa hoàng trồng 6 tháng sẽ cho thu hoạch, trừ chi phí, nông dân lãi khoảng 250 triệu đồng/ha.

7 sự thật thú vị về Ngày Trái đất
7 sự thật thú vị về Ngày Trái đất

Ngày Trái đất 2024 kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe cộng đồng.

Doveco - Lá cờ đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản
Doveco - Lá cờ đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản

Từ thành công của nhà máy tại Ninh Bình và Gia Lai, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã khai trương nhà máy thứ ba tại Sơn La vào tháng 5/2023.

Nông sản Việt - nguồn cung chiến lược cho các siêu thị, tập đoàn toàn cầu
Nông sản Việt - nguồn cung chiến lược cho các siêu thị, tập đoàn toàn cầu

Kinh tế thế giới dần phục hồi, nhiều tập đoàn, siêu thị hàng đầu thế giới đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung, và Việt Nam là điểm đến thu mua nông sản chiến lược.

Chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên hướng dẫn nuôi vịt trên chuồng sàn
Chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên hướng dẫn nuôi vịt trên chuồng sàn

Nuôi vịt chuồng sàn tăng được mật độ nuôi, dễ chăm sóc, vệ sinh phòng bệnh đảm bảo, hiệu quả kinh tế cao.

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...