Và những món quà nhỏ bé ấy đã trở thành hạt nhân cho sự phát triển của ngành chăn nuôi nước nhà.
“Sứ giả” gà lông màu
Từng lãnh đạo ngành nông nghiệp các thời kỳ kế hoạch tập trung bao cấp rồi chuyển sang đổi mới, nền thị trường và hội nhập; chứng kiến và góp phần xây dựng những mốc “tiến hóa” trong nông nghiệp nước ta: Chỉ thị 100 (1981), Nghị quyết 10 (1988), xóa bỏ tem phiếu, sổ gạo, và hội nhập kinh tế thế giới... ở vị trí nào, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cũng luôn trăn trở làm sao để đời sống người nông dân được sung túc hơn, nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững hơn.
Các giải pháp mà ông đưa ra để thực hiện các mong muốn này luôn sáng tạo và sát thực tiễn.
Vào những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, sau khi giải quyết được vấn đề an ninh lương thực, Việt Nam trở thành quốc gia bắt đầu dư thừa gạo, ông Nguyễn Công Tạn đã nghĩ đến việc phải phát triển ngành chăn nuôi, tăng sản lượng thực phẩm để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.
Vào thời điểm đó, chăn nuôi gia cầm có lợi thế hơn cả vì chu kỳ sản xuất ngắn và dễ phát triển. Năm 1995, gà nội (như Hồ, ri, mía, Đông Tảo) chiếm 70 – 80% tổng đàn gà cả nước, năng suất thấp, trứng chỉ mấy chục quả một năm, mà nó lại ấp bóng.
Còn gà công nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ từ các mô hình do nước bạn Cu Ba và Đông Âu giúp. Nhìn sang các nước phát triển, giá thịt gà lông màu cao gấp 1,7 – 2 lần so với thịt gà công nghiệp. Ở nước ta, gà lông màu gần như chưa được nuôi.
Ông Tạn đã giới thiệu Tập đoàn chăn nuôi của Hồng Kông sang đàm phán với Viện Chăn nuôi xây dựng một trung tâm liên doanh gà giống lông màu ở Ba Vì (Hà Nội). Tuy không thành nhưng họ đã tặng nước ta 1.500 gà giống thịt lông màu Jiangcun. Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương được Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (cũ) giao nuôi thử nghiệm.
Từ quà tặng ban đầu này, nhiều công trình khoa học gắn với sản xuất về gà lông màu được triển khai. Khi báo cáo tại các hội nghị, nhiều nhà khoa học, nhà khoa học chăn nuôi và lãnh đạo các địa phương phản đối rất quyết liệt.
Dẫu vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục hoàn thiện quy trình công nghệ chọn giống, chăm sóc, nuôi dưỡng, ấp trứng, thú y phòng bệnh… Đồng thời gửi tới Báo Nông nghiệp Việt Nam một số bài giới thiệu về giống gà này để chuyển giao vào sản xuất.
Sau này các giống gà Tam Hoàng, Lương Phượng cũng vậy, khi mới nhập vào Việt Nam hoặc nghiên cứu chọn tạo những giống gà mới như LV, TN… thì Báo Nông nghiệp Việt Nam luôn là người bạn đồng hành cổ vũ cho cái mới.
Sau quá trình bền bỉ phấn đấu, đến nay nước ta đã có hơn 245 triệu con gà, trong đó hơn 42% là gà lông màu năng suất chất lượng cao, tạo ra nguồn thực phẩm lớn đáp ứng nhu cầu trong nước, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nước ta.
Cổ tích từ những quả trứng
Tiếp sau gà, chăn nuôi thủy cầm có tiềm năng rất lớn nhưng trong giai đoạn đầu hội nhập, chúng ta vẫn chưa có giống tốt. Trước bối cảnh đó, năm 1995, ông Nguyễn Công Tạn xin từ Pháp về 2.000 quả trứng ngan giống R 51 giao cho Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương.
Từ 2.000 quả trứng này, đàn ngan giá trị kinh tế cao được nghiên cứu chọn tạo và phát triển nhanh, từ số lượng ban đầu chỉ khoảng 2,3 triệu con, đến nay đã tăng lên gần 15 triệu con.
Cách đây hơn 20 năm, đà điểu vẫn là đối tượng chăn nuôi vô cùng lạ lẫm với nhiều người. Sản phẩm thịt, trứng, da đà điểu gần như vắng mặt trên thị trường. Tuy nhiên, với sự nhạy bén của người làm quản lý ngành nông nghiệp, sớm nhận ra chăn nuôi đà điểu nhiều lợi thế, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn lúc đó đã đưa về 2 quả trứng đà điểu từ Mỹ để ấp nở hai con thử nghiệm.
Năm 1996, ông đưa thêm về 100 quả trứng đà điểu giao Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương ấp nở được 38 con. Biết tin, Bộ trưởng đã xuống tận nơi chứng kiến và dặn dò trung tâm rất kỹ việc chuẩn bị cho một ngành sản xuất hàng hóa mới.
Tôi vẫn nhớ mãi lần đầu tiên đi bán thịt đà điểu, mang đi có 6 kg thịt (chia làm 12 gói) thì biếu 4 kg, còn lại 2 kg chia thành 4 gói gửi lại các trung tâm thương mại ở Trần Quang Khải và Giảng Võ (Hà Nội). Sau hai tuần chỉ bán được 1 kg. 2 gói còn lại lại để...biếu.
Sau đó, chúng tôi quyết định viết bài gửi tới Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu kỹ thuật nuôi đà điểu và các món ăn từ thịt đà điểu, đăng tải đều đặn nhiều số. Cứ bền bỉ như vậy trong gần 20 năm, chăn nuôi đà điểu ở Việt Nam đã dần dần thành một ngành sản xuất hàng hóa phát triển.
Con đà điểu rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam, chịu được nhiệt độ từ -41oC đến 41oC nên nuôi được từ miền núi phía Bắc vào tận miền Nam. Đặc biệt, càng những vùng khô cằn, nắng nóng thì càng cho chất lượng sản phẩm tốt.
Da của con đà điểu tốt hơn cả da voi. Cty TNHH Thương mại Khatoco đầu tư trang trại nuôi đà điểu rất lớn. Thịt thì không đủ bán mà sản phẩm da lại xuất khẩu quá dễ.
Hai năm sau đó, trong một chuyến thăm Ai Cập, ông Tạn lại xin được 290 quả trứng gà đưa về Việt Nam, đã cho ra đời 217 con giống. Đây cũng là nguyên liệu để chọn lọc thành công giống gà HA của Việt Nam. Đến nay nguồn gen gà Ai Cập đã phát triển rộng khắp với hàng chục triệu con.
Trong chuyến đi chữa bệnh tại Trung Quốc năm 1999, mặc dù trên giường bệnh, ông vẫn nung nấu cho phát triển nhanh ngành chăn nuôi để đáp ứng cơ bản nguồn thực phẩm cho người dân nước ta nên khi về, ông lại xin được mấy trăm quả trứng giống gà Thái Hòa để nhân giống.
Đau đáu với “cách mạng trắng”
Sau sự phát triển của gia cầm, thủy cầm, năm 2000, ông đã quyết định nhận lại trại giống lợn cụ kỵ của Anh ở Ninh Bình giao cho Viện Chăn nuôi, từ đó đã góp phần phát triển ngành hàng chăn nuôi lợn.
Với chăn nuôi bò sữa, khi còn đương nhiệm hay lúc đã nghỉ hưu, ông đều dành nhiều thời gian cho lĩnh vực này để đến năm ngoái chăn nuôi bò sữa đã đạt gần 230 nghìn con, hơn 547 nghìn tấn sữa với công nghệ vượt trội.
Tuy chủ yếu làm quản lý nhưng Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn luôn là người say mê khoa học kỹ thuật nông nghiệp và tiên phong trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Lại nhớ năm 2006, ông gọi tôi đến nhà nói: “Nước ta thiếu thức ăn xanh nghiêm trọng vì diện tích trồng cỏ hạn chế, năng suất thấp, đặc biệt là về mùa đông. Tôi tự bỏ 20 triệu đồng mua được bên Trung Quốc giống cỏ VA06. Cậu có xe thì đưa tôi lên Lạng Sơn nhận về trồng và nhân giống ở trại đà điểu Ba Vì cung cấp cho sản xuất”.
Nghe vậy, tôi điều xe đi ngay. Sau khi đọc tài liệu về giống cỏ VA06 mà ông đưa, tôi chưa tin lắm vì năng suất xanh của nó đạt 450 – 500 tấn/ha/năm (tức gấp đôi năng suất cỏ voi ở Việt Nam). Bên cạnh đó, hàm lượng đạm của nó gần 10%.
Ngoài phục vụ thức ăn gia súc còn có thể làm nguyên liệu giấy, làm cọc sào bờ ao, thức ăn cho cá rất tốt. Chỉ một vài bó cỏ giống nhân ở trại đà điểu Ba Vì, bây giờ cỏ VA06 đã tràn ngập, giải quyết bài toán thức ăn xanh cho gia súc vào mùa đông.
Những ngày đầu nhập giống gà HA (là giống gà trứng thả vườn có chất lượng trứng thơm ngon tỷ lệ lòng đỏ tới 32 – 34%) về, không nông dân nào dám nuôi vì chân gà màu chì. Song cùng với việc chọn lọc nhân thuần, chúng tôi đã tổ chức các hội thảo, đăng tải trên các báo, đặc biệt Báo Nông nghiệp Việt Nam, để tuyên truyền các mô hình thành công điển hình, giống gà này được chuyển giao rộng rãi trong sản xuất. Đến nay, mỗi năm cung cấp hơn 1 tỷ quả trứng chất lượng cao cho nhu cầu xã hội. Những giống gia cầm khác như ngan Pháp, bồ câu Pháp, vịt siêu thịt, lợn siêu nạc, các giống bò thịt, bò sữa… cũng rất gian nan mới đưa được vào sản xuất, nhưng đã vào rồi thì nhân ra rất nhanh. Những lần tuyên truyền giống mới, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn bao giờ cũng tự mình viết bài giới thiệu trên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ông viết rất nhanh, khái quát toàn bộ đặc tính sinh học của giống cùng tính toán hiệu quả kinh tế, thậm chí cả chính sách phát triển bằng văn phong ngắn gọn, uyên bác. Bây giờ bác Tạn không còn nữa. Đất nước mất một vị chỉ huy nông nghiệp lỗi lạc, nhưng công sức của ông với ngành, với chăn nuôi, chẳng thể ai quên... |
PHÙNG ĐỨC TIẾN
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội