Chuyện Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn đưa lúa lai về Việt Nam

Quách Ngọc Ân - Thứ Năm, 27/05/2021 , 06:16 (GMT+7)

Tùy viên sứ quán ta ở Trung Quốc đi thăm ruộng thấy lúa lai của họ tốt quá, khi có được một ít đã chuyển về cho Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn.

Cấy nhầm... lúa lai thương phẩm

Tôi khi đó là Trưởng phòng Trồng trọt của Vụ Sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (Bộ NN-PTNT sau này), được Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn gọi lên, giao cho ít lúa, bảo: “Đây là giống lúa năng suất rất cao của Trung Quốc, mày về làm đi!”. Ông Tạn coi khoa học không có biên giới mà là thành tựu chung của cả loài người. Cho nên Việt Nam phải đi tắt, đón đầu các thành tựu của khoa học Trung Quốc chứ cứ làm tuần tự từ dưới mà đi lên thì có khi đến mùa quýt cũng không thành.

Nhận gói lúa tôi đã đem về huyện Đan Phượng của tỉnh Hà Tây cũ để gieo cấy vào vụ mùa năm 1989. Cây lên rất tốt, lúc trỗ bông, uốn câu cũng rất đẹp nhưng khi chín là có vấn đề với rất nhiều kiểu dạng. Tôi báo cáo Bộ trưởng Tạn: “Lúa tốt anh ạ nhưng mà phân ly ghê lắm, không sử dụng được”. Sau đó tôi đọc tài liệu, té ra đó là lúa lai nên mới nói với ông: “Cái này có khi là lúa lai thương phẩm anh ạ, không trồng được mà chỉ dành để ăn thôi. Cán bộ sứ quán của ta thấy lúa tốt cứ tưởng là nó cũng để gieo được”.

Sau đó một thời gian, ông Tạn ra Quảng Ninh thấy ruộng lúa ở Móng Cái rất tốt, năng suất lên tới 8-9 tấn/ha, liền hỏi. Giám đốc Sở Nông nghiệp trả lời đây là giống lúa lai của Trung Quốc, anh em mua được về đem gieo cấy. Bộ nhờ Quảng Ninh mua hộ một ít giống về lại giao cho tôi đem xuống Phú Lập của huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Tây cũ gieo.

Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn (người đầu tiên bên trái) thăm lúa lai ở Hà Tây cũ. Ảnh: Tư liệu.

Hồi ấy còn có HTX nên dễ bảo Chủ nhiệm làm được 55,3 ha. Ông Tạn hứa với họ: “Các cậu cứ làm đi, tốt tao thưởng một cái ti vi màu!”. Cái ti vi màu hồi đó rất quý. Cứ hai tuần ông Tạn lại bắt tôi cùng đi xuống dưới đó. Có những trưa nắng chang chang ngoài đồng chỉ tôi với ông lội ruộng, gặp người chăn vịt hỏi thì được trả lời: “Lúa tốt lắm các ông ạ!”. Hai anh em xem xong rồi lại về ngay.  

Kết quả vụ đó, năng suất đạt 9,6 tấn/ha trong khi lúa thường của ta chỉ cỡ 5-5,5 tấn/ha. Tôi báo cáo với ông Tạn thì được bảo: “Mày viết công văn triệu tập từ khu bốn trở ra đến đồng bằng, trung du ngoài này đến Phú Xuyên mà tham quan lúa để mở ra sản xuất”. Một hội nghị mà ô tô các tỉnh kéo về hơn 80 chiếc, đi nát cả đường liên xã đến nỗi Phó Chủ tịch huyện phải thốt lên: “Ông Ân ơi, tôi chưa bao giờ có một hội nghị lớn như thế này cả”.

Xem xong lúa lai, phấn khởi quá, vụ sau có 22 tỉnh làm theo, năng suất đạt 7,2-8,5 tấn/ha, cao hơn đối chứng 20-30%. Đấy là con đường lúa lai ra đại trà ở Việt Nam mà tôi chỉ là “thằng tay sai” của ông Tạn.

"Mày sang đó thấy nó thế nào?"

Còn con đường khoa học của lúa lai ở Việt Nam nó thế này. Từ kết quả của việc trồng lúa lai ở tỉnh Hà Tây cũ, ông Tạn mới bảo Vụ Hợp tác Quốc tế xin một dự án. Vụ này sang trụ sở của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc) Việt Nam ở Hà Nội đặt vấn đề và được một dự án về lúa lai. Hai chuyên gia Trung Quốc sang giúp Việt Nam, làm lúa ở dưới trại Đồng Văn của tỉnh Hà Nam.

Có tiền dự án, tôi mới có cơ hội sang tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc tham quan lúa và được ông Viên Long Bình tiếp kiến hai lần - là cán bộ kỹ thuật Việt Nam đầu tiên được gặp ông tổ nghề lúa lai. Có lần ông Viên Long Bình còn nói rằng: “Tôi nói với Quách tiên sinh rằng bây giờ tôi đang nghiên cứu về siêu lúa, năng suất 14-15 tấn/ha chứ không phải chỉ như thế này đâu”. Hồi đó chúng ta mới giải quyết xong tình hình biên giới nhưng chưa có hội nghị Thành Đô nên ông Nguyễn Công Tạn không xuất đầu lộ diện sang Trung Quốc được còn chúng tôi có thể đi vì với tư cách nhà khoa học.

Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn (ở giữa) trong một cuộc hội thảo.

Tôi về, ông Tạn hỏi: “Mày sang thấy nó thế nào?”. Tôi trả lời: “Em thấy sợ anh ạ bởi cái gì họ cũng làm được, nhỏ nhất là cái kim còn to nhất là tên lửa vượt đại châu. Không đùa được”. Ông Tạn thích quá, mới bảo: “Làm sao tao có chuyến đi giống như mày nhỉ?”. Tôi mới trả lời: “Anh phải cởi cái áo Bộ trưởng ra, làm anh cán bộ kỹ thuật do em dẫn đầu thì mới đi được”.

Quay trở lại với chuyện ông Viên Long Bình hứa giúp đỡ Việt Nam về lúa lai và cử chuyên gia của tỉnh Hồ Nam là Doãn Hoa Kỳ, Chu Thừa Thứ, chuyên gia của tỉnh Phúc Kiến là Dương Tụ Bảo sang. Họ đã giúp đào tạo cán bộ kỹ thuật cho ta như bên trường Đại học Nông nghiệp có Nguyễn Văn Hoan, Nguyễn Thị Trâm, như ở Trại lúa Đồng Văn có ông Ngữ, ông Nữu, sau này đều trở thành những chuyên gia lúa lai xuất chúng. Thứ nữa họ chuyển giao công nghệ cho ta bằng cách dạy thế nào là dòng bất dục, thế nào là dòng phục hồi, lai tạo ra sao, gieo bố, mẹ lúc nào cho trùng khớp...

Hết dự án này tôi đề nghị lên Bộ xin tiếp một dự án nữa và được FAO chấp nhận. Việt Nam đã trở thành nước tiếp nhận công nghệ sản xuất lúa lai rất tốt, được các quốc gia khác tìm sang để học tập. Trước đó Trung Quốc chỉ làm lúa lai biệt lập ở nước họ, Ấn Độ thì đang nghiên cứu độc lập, còn Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI chỉ mới làm trong phòng thí nghiệm mà thôi. Kết quả là diện tích lúa lai được mở ra chiếm trên 30% lúa đông xuân ở miền Bắc, có tỉnh đưa lên đến 60-65%, năng suất rất cao, là mũi đột phá để đảm bảo an ninh lương thực.

Ông Quách Ngọc Ân (Nguyên Cục Phó Cục Khuyến nông Khuyến lâm, Bộ NN-PTNT). Ảnh: Gia đình cung cấp.

Công của ông Nguyễn Công Tạn chưa dừng ở đó. Lúc ấy ta đã sản xuất lúa lai rồi nhưng mỗi năm chỉ làm được một vụ đông xuân ở ngoài Bắc. Mà vụ đông xuân làm rất cực khổ, có năm rét chết hết cả mạ. Lúc này ở trong Nam có ông Ngô Quốc Hồng - một Hoa kiều đồng thời là Giám đốc Công ty Trang Nông thân với ông Tạn, ngỏ ý muốn làm lúa lai.

Ông Tạn lại giao cho tôi xem xét có trồng lúa lai được trong Nam không, tôi bảo: “Em thấy làm chắc được thôi nhưng trong Nam không đi theo hướng lúa lai được mà họ phải làm những giống lúa nội địa để phục vụ cho việc ăn ngon hay xuất khẩu”. Tiện nói cái ăn ngon thì nghiêm túc mà nói lúa lai thời thế hệ cũ đó không ngon bằng lúa thuần, nó chỉ được ưu thế năng suất để giải quyết cái bụng thôi.

Thế nhưng tôi vẫn đi gặp ông Hồng thì ông ấy bảo sẽ giúp chúng tôi sản xuất giống lúa lai không phải cho miền Nam dùng mà là cho miền Bắc. Tôi ủng hộ hết lòng. Kinh phí ông ấy bỏ ra còn tôi vác cái mồm xuống vận động tỉnh Long An tìm điểm sản xuất. Từ đó đã đẻ ra công thức Nam sản, Bắc tiêu, lợi dụng điều kiện khí hậu ổn định trong Nam để gỡ cái thế sản xuất hạt giống lai rất khó khăn cho ngoài Bắc. Mỗi vụ Trang Nông làm khoảng 50 ha, thu được 110-165 tấn thóc giống để chuyển ra Bắc… Từ diện tích 11.300 ha năm 1992 đến năm 2001 lúa lai đã lên 438.700 ha với năng suất bình quân tăng 23,4%/năm. Diện tích sản xuất hạt giống F1 năm 1992 là 173 ha với sản lượng 52 tấn thì đến năm 2001 đạt 1.459 ha với sản lượng 2.030 tấn.

Trước việc lúa lai mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về sản xuất và khoa học như thế nên chúng tôi gồm Nguyễn Công Tạn, Quách Ngọc Ân, Lê Hồng Nhu…cùng những anh em khác trong nhóm nghiên cứu đã được trao giải thưởng Nhà nước năm 2000.

Tiếp thu công nghệ nhanh chóng

Viên Long Bình là ông tổ của lúa lai Trung Quốc nhưng đồng thời cũng là ông tổ của lúa lai thế giới. Trong thế giới ấy, mộng ước của ông vẫn muốn sản xuất được nhiều lương thực cho những nước khó khăn để đảm bảo an ninh lương thực trong đó có Việt Nam.

Việt Nam gần Trung Quốc, được may mắn tiếp thu công nghệ lúa lai một cách nhanh chóng. Hiện nay Việt Nam đã xây dựng được nền móng của sản xuất giống lúa lai, có đội ngũ cán bộ giỏi mà tiêu biểu như Anh hùng Lao động, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đã bán bản quyền TH3-3 với giá 10 tỉ, có cả một Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai trực thuộc Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.

Quách Ngọc Ân Dương Đình Tường (ghi)
Tin khác
Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM
Triển khai toàn diện quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật: Ngành Nông nghiệp, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, sẽ tiếp tục phối hợp tốt trong triển khai quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM.

Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM
Trên 47.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể tham gia chương trình IPHM

Trình bày và đề xuất của đại diện Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về lực lượng khuyến nông tham gia triển khai chương trình IPHM.

Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái
Cách thành phố Cần Thơ triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ giới thiệu cách triển khai mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái và cảnh quan.

Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM
Lợi ích từ áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM

Chia sẻ của ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật về những lợi ích trong áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM, đảm bảo an toàn sản xuất và xuất khẩu.

Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'
Cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phân bón 'chuyên dụng'

Theo GS.TS Trần Văn Hâu, nguyên Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ, những cây trồng có yêu cầu kỹ thuật, giá trị kinh tế cao cần có phân bón 'chuyên dụng'.

Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO
Phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng BiO

Ông Lê Văn Hải, Tổng Giám đốc BiOWISH Việt Nam trình bày về dòng phân bón mới nâng cao hiệu suất sử dụng hữu hiệu (BIO EFF).

Ứng dụng cây trồng cải tiến trong thực hành IPHM
Ứng dụng cây trồng cải tiến trong thực hành IPHM

Bà Đào Thu Vinh, Điều phối viên tổ chức Croplife Việt Nam cho biết các giống cây trồng cải tiến, kháng sâu bệnh hại giúp cây trồng khỏe mạnh hơn, có khả năng chống chịu lại các yếu tố bất lợi của môi trường và dịch hại. Đây luôn là một cấu phần quan trọng trong chương trình IPHM và IPM.

Mỗi năm Syngenta Việt Nam đào tạo cho 1 triệu nông dân sử dụng thuốc BVTV
Mỗi năm Syngenta Việt Nam đào tạo cho 1 triệu nông dân sử dụng thuốc BVTV

Mỗi năm Syngenta Việt Nam tiếp cận, tập huấn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả cho hơn 1 triệu nông dân. Có 250.000 nông dân được tập huấn theo chuyên đề 4 đúng, 5 nguyên tắc vàng, sử dụng thuốc và thu gom bao gói sau sử dụng có trách nhiệm.

Các sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa
Các sinh vật gây hại mới nổi và biện pháp phòng ngừa

GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, chia sẻ, nhiều sinh vật gây hại bùng phát mạnh trong điều kiện biến đổi khí hậu, cần phòng ngừa bằng tổng hợp nhiều giải pháp.

Tổng quan đề án IPHM và kết quả triển khai ở các tỉnh
Tổng quan đề án IPHM và kết quả triển khai ở các tỉnh

Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Cục Bảo vệ thực vật, giới thiệu tổng quan đề án quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp - IPHM và kết quả triển khai ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Phát triển kit chẩn đoán nhanh giám định sinh vật gây hại
Phát triển kit chẩn đoán nhanh giám định sinh vật gây hại

Ngoài một số bệnh hại sẵn có, cây trồng còn chịu tác động của nhiều sinh vật gây hại mới nổi, sinh vật ngoại lai khiến công tác phòng chống gặp khó khăn.

Biến phế phẩm từ quả điều thành đặc sản chay xuất khẩu
Biến phế phẩm từ quả điều thành đặc sản chay xuất khẩu

Tây Ninh Với phương châm đưa thực phẩm chay ra thế giới, Công ty Vương Ngọc Vegan đã biến những quả điều, loại quả được xem như phế phẩm trong nông nghiệp, thành nước mắm chay hảo hạng.