Người quê lúa Đặng Đình Liêm sinh năm 1956 tại Vũ Thư, Thái Bình. Gia đình Đặng Đình Liêm không ai theo nghiệp văn chương. Cha của ông nguyên là bộ đội mặt trận Thừa Thiên- Huế thời chống Pháp chuyển ngành về công tác tại Sở Thủy lợi tỉnh Thái Bình. Mẹ của ông là nông dân chính gốc.
Cuối năm 1973, Đặng Đình Liêm nhập ngũ, cùng Tiểu đoàn 949 hành quân vào đồng bằng sông Cửu Long, bổ sung cho một đơn vị chủ lực thuộc quân giải phóng Miền Tây Nam bộ. Tháng 7/1975, anh nhận nhiệm vụ ở vùng biên giới Tây Ninh rồi tham gia nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia chống lại nạn diệt chủng Pol Pot.
Với 10 năm chiến đấu tại xứ sở chùa Tháp, người quê lúa Đặng Đình Liêm rất hiểu đất nước bạn. Những ký ức ấy, không chỉ có bom đạn giằng co mà còn có ân nghĩa cưu mang, được ông đưa vào những tác phẩm sau này như “Cha con người lính”, Người mẹ Campuchia”, “Chuyện tình Phum Tà Rụp” hay “Vũ điệu đêm Lâm Thôn”. Trong tác phẩm của Đặng Đình Liêm, những hoài niệm sâu sắc đã làm đậm nét thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam – Campuchia.
Giải ngũ, Đặng Đình Liêm trở về công tác ở Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình rồi chuyển vào Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang. Bước vào con đường sáng tác khá muộn mằn, nhưng những truyện ngắn khởi nghiệp của Đặng Đình Liêm như “Ông già Nam Bộ” và “Tấm sa bàn đất Việt” đã được trao giải thưởng văn học ở khu vực miền Tây Nam bộ.
Nghỉ hưu, Đặng Đình Liêm quay lại chốn chôn nhau cắt rốn vừa chăm chỉ làm vườn vừa lặng lẽ viết lách. Vốn sống của một người quê lúa từng cầm súng và từng làm công việc pháp luật, giúp ông có được nhiều trang viết lôi cuốn. Đặc biệt, trong từng tác phẩm của Đặng Đình Liêm, ông luôn có ý thức bênh vực những số phận bất hạnh, những con người gieo neo.
Ngoài ra, có thể nói thế mạnh trong tác phẩm Đặng Đình Liêm là sự khắc họa chân dung nhân vật. Dưới ngòi bút của ông, nhân vật hiện ra với những nét mộc mạc và chất phác, dù bị chìm nổi bởi dòng xoáy xã hội vẫn giữ được phẩm chất lương thiện và cao thượng.
Trong số 10 đầu sách của người quê lúa Đặng Đình Liêm, có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu "Ngày đầu ra trận", “Kẻ cướp tình yêu”, “Màn kịch hoàn hảo”, “Khách không mời”, “Chuyến hàng cho đêm Noel”, “Tiếng hát người đàn bà khùng”, “Chuyện tình nàng Ba Đào”, Người bạn cùng quê”…
Bên cạnh sáng tác truyện ngắn, tác giả Đặng Đình Liêm cũng có hai vở kịch “Nỗi đau tình muộn” và “Gậy ông đập lưng ông” đã được công diễn trên nhiều sân khấu chuyên nghiệp.
Ở tuổi 68, tác giả Đặng Đình Liêm thổ lộ: “Sau nhiều năm rong ruổi, chiến đấu và công tác, được trở về sống trên đất đai quê hương là một niềm hạnh phúc đối với tôi. Nhìn thấy sự đổi mới từng ngày của nông thôn, tôi luôn khao khát được viết. Thời gian gần đây, hình ảnh người nông dân thường xuyên xuất hiện trong trang viết của tôi. Càng viết về nông dân Thái Bình, tôi càng thấy hứng thú với sự nhẫn nại, sự vất vả và sự sáng tạo sau lũy tre làng. Bởi lẽ, cốt cách của tôi vẫn là một người quê lúa”.