Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đang công tác tại ấn phẩm Thời Nay của báo Nhân Dân. Miệt mài dõi theo những chuyển động văn hóa suốt một thập niên qua, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng chắt chiu thành hai cuốn sách “Thời đàm văn hóa văn nghệ” và “Những người cầm tinh hoa” được Sbooks và Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.
Nếu cuốn sách “Thời đàm văn hóa văn nghệ” mang tính chính luận, thì “Những người cầm tinh hoa” lại thuộc thể loại tản văn mềm mại và bay bổng. Tại buổi giao lưu với công chúng phương Nam ở Đường sách TP.HCM sáng 26/10, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng bày tỏ: “Tôi tự nhận mình là người nói rất nhiều trên báo và lắm lời trong việc góp ý. Tôi thường xuyên quan sát đời sống văn hóa nghệ thuật và gửi lời góp ý, đôi khi bạn bè của tôi làm công tác văn hóa, biểu diễn nghệ thuật ở đâu đó cũng thấy phát phiền với tôi. Nhưng tựu trung lại, các hoạt động văn hóa văn nghệ đều hướng đến công chúng, nếu nó tích cực thì nó làm đẹp làm giàu, nhưng nó là những giả hiệu thì nó sẽ gây hại cho công chúng. Mà cái hại về văn hóa là cái hại có ảnh hưởng lâu dài…
Trách nhiệm của người làm công tác văn hóa văn nghệ là thấy gì đẹp thì phải khen, nhưng thấy cái xấu, cái hại thì cần ngay lập tức phản ánh, phản biện để làm không khí văn hóa văn nghệ tốt lên. Với cuốn sách Thời đàm văn hóa văn nghệ, tôi cũng mong được sự đón nhận của các cán bộ ở các sở truyền thông tại các địa phương như một tài liệu tham khảo. Tôi vẫn thường coi chức nhiệm của mình là một cán bộ văn hóa, giãi bày và đem giải pháp đến cho tất cả mọi người”.
Tiến sĩ Hà Thanh Vân đánh giá “Thời đàm văn hóa văn nghệ” là một dạng phê bình báo chí, tiếp cận công chúng rộng rãi. Những vấn đề nóng sốt của xã hội đều được đề cập kịp thời trong cuốn sách, như những vấn đề về phong tặng danh hiệu nghệ sĩ, quản lý di sản, tập tục lễ tết, hoạt động tín ngưỡng…”.
Ngược lại, “Những người cầm tinh hoa” tôn vinh sự sáng tạo thầm lặng, như một sứ mệnh âm thầm. Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng viết: “Những gì đã đẹp tươi còn ủ lửa xanh non trong đất mềm. Qua tháng năm đằng đẵng sương giá, một tuổi nào đấy trải nghiệm va vấp đã trầy trượt căng vỡ ra rồi. Sẽ vượt lên! Những gì đã tươi sáng thế, nay vẫn thấy gợi, thấy đẩy, thấy kéo mình, vẫn vương vương găm vào mình như cỏ may, như hơi nước sau mưa trên lối ra vườn”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng sinh năm 1980 tại Hà Nội, một không gian mà anh từng miêu tả qua thơ: "Một Hà Nội ngủ hơi thở khó nhọc/ Một tuổi già nằm buồn/ Một người trai chải tóc ngồi dậy/ Đạp xe lại phố bàng xưa”. Với hai cuốn sách “Thời đàm văn hóa văn nghệ” và “Những người cầm tinh hoa”, tác giả có mong muốn bồi đắp những nguồn năng lượng tích cực của các giá trị văn học nghệ thuật vào mọi mặt đời sống, truyền nối ngọn lửa sáng tạo giúp thế giới tâm hồn mỗi con người thêm tươi mới nhân văn.