Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sau hai thập niên cầm bút, vẫn giữ vị trí một tác giả ăn khách. Vùng đất văn học để nhà văn Nguyễn Ngọc Tư phát huy sở trường vẫn là cuộc sống miền Tây Nam bộ. Không chỉ nhìn thấy những “cánh đồng bất tận”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư còn nhận ra “chẳng cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời”.
Những số phận trên sông nước Cửu Long tiếp tục được nhà văn Nguyễn Ngọc Tư giải mã trong tập truyện ngắn “Trôi”, vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Họ nổi trôi, nhưng mắc kẹt lại đâu đó, cùng lúc. Họ tháo nhưng cũng là buộc. Họ tìm kiếm tự do, buông mình khỏi những nơi chốn, khỏi hiện thực nghiệt ngã, khỏi những vui buồn, nhưng làm sao mà thoát khỏi vòng vây của chân trời.
Với tập truyện ngắn “Trôi”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bằng tài năng kể chuyện của mình, đã mở ra một thế giới bất định với những con người cố níu lấy thứ gì đó, đồng thời cũng muốn thoát khỏi nó, trong hành trình trôi nổi dường như vô tận của mình.
Trôi theo dòng đời, cũng như trôi theo định mệnh: “Em thà trôi một mình. Nhưng những gì còn sót lại của một cù lao phân rã chẳng là bao. Vài ba mái nhà lấp ló trên mặt nước, một vài cái lu, những rẻo đất đủ rộng cho một người ngồi thì cũng có, lại trôi đờ đẫn đằng xa. Mãi mới có mảnh đất trôi gần, đúng lúc nó rùng mình nứt làm hai.
Trong mê lộ của nước, mình chẳng biết trôi được đến đâu. Không bãi bờ gì để định vị. Ngó đâu cũng chỉ thấy nước và bọt nước, cùng những vật chất nổi nênh”.
Một trạng thái tương tự “trôi” là sự “rơi” cũng được nhà văn Nguyễn Ngọc Tư biện luận: “Nhận ra cùng một vật nhưng không cuộc rơi nào có tiếng động giống nhau, vòng sóng cũng khác biệt, cả cách nước bắn lên. Không khí, và nước luôn niềm nở, chắc bởi dễ rách dễ lành, vậy nên chúng bao dung, vừa khít với hết thảy, đất không vậy, nó luôn ở thế cự tuyệt từ đầu, những thứ rơi vào nó luôn bị nảy lên, như một cú ném trả thô lỗ trước khi buộc lòng nhận lấy. Nhận ra rơi tự do chỉ là một cách gọi thôi, trọng lực ràng buộc hết, chẳng tự do nào tồn tại giữa đây và kia”.
Độc giả dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm nơi mỗi nhân vật trong tập truyện ngắn “Trôi”, như thể họ là từng phần trong mỗi con người chúng ta. Và con người ấy, được mô tả như vật thể lang thang vô định - luôn ở trong trạng thái loay hoay lý giải, làm sáng tỏ về điều mà họ đã mất đi.
Và trong hành trình dạt trôi theo quỹ đạo của riêng mình, những vật thể này sượt qua nhau bất giác làm vẩn lên hơi ấm con người, gợi cảm giác cái đẹp được cầm trên tay, thường trực sẵn một nguy cơ tan rã.
Trong tập truyện ngắn “Trôi”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tuổi 47 bày tỏ cho sự ngổn ngang sinh tồn: “Quá khứ khó mà chỉnh sửa, nhưng ký ức thì dễ thôi... Tôi hình dung ký ức hiện hữu như một thứ vật chất ta có thể chạm vào, rút rỗng và làm đầy lại, cắt nối, chạm khắc, tẩm ướp mùi vị, áp vào những bộ lọc màu, sống động hóa nó bằng chi tiết, thật nhiều chi tiết”.
Khép sách lại, những truyện ngắn “Lửa nguội giữa trời”, “Đong đưa trong kén” hoặc “Về phía không đâu” khiến người đọc phải thao thức cùng nhà văn Nguyễn Ngọc Tư một nỗi băn khoăn: liệu rằng các nối kết giữa người với người có đủ bền chặt để mỗi tâm hồn thôi là sự nổi trôi vĩnh viễn?