Nhà văn Nguyễn Việt Hà vốn được đào tạo chuyên ngành kinh tế và từng làm việc trong lĩnh vực ngân hàng một thời gian. Sau tiểu thuyết đầu tay “Cơ hội của Chúa” xuất bản năm 1999 gây xôn xao công chúng, thì nhà văn Nguyễn Việt Hà quyết định chuyển sang con đường cầm bút chuyên nghiệp.
Suốt hai thập niên qua, nhà văn Nguyễn Việt Hà đều đặn góp mặt với thị trường sách bằng những tác phẩm được độc giả chú ý như “Khải huyền muộn”, “Ba ngôi của người”, “Thị dân tiểu thuyết”, “Của rơi”, “Buổi chiều ngồi hát”, “Nhà văn thì chơi với ai”, “Mặt của đàn ông”, “Đàn bà uống rượu”, “Con giai phố cổ”...
Bây giờ, với “Tuyệt không dấu vết”, nhà văn Nguyễn Việt Hà tiếp tục khai thác không gian quen thuộc của ông là Hà Nội. Thế nhưng, đó là một Hà Nội khác, nhuốm một chút sắc màu phi lý: “Phố nửa như đang Thu, nửa như đang Xuân, nên chắc là mùa Đông. Người đi trên phố nửa quê nửa tỉnh nửa cao bồi, rất hiếm cao thủ. Gió lạnh hoang mang mưa, trời rét như cắt da cắt thịt. Ngày xưa, cũng chưa xưa lắm, người ta lãng mạn gọi là rét ngọt. Ngày nay tàn bạo hơn, gọi là rét hại. Ngày xưa người ta chống rét bằng cách cầm tay nhau, cùng lắm là hôn nhau. Còn bây giờ, nhà nghỉ đã nhiều hơn quán rượu”
Phố trong “Tuyệt không dấu vết” chứa đầy hiện thực cuộc sống, với những thị dân quay cuồng “hiếm khi bình tĩnh” trong cái “nhốn nháo” của thành phố “thời mạt”, khi chùa chiền mọc lên ào ạt, nhịp sống chen chúc, những cảnh trang hoàng phô trương trưởng giả, những cuộc bon chen và nhiễu nhương… Sự nhốn nháo đó đặc biệt hiện rõ qua lối viết kiểu parody pha Đông Tây, kim cổ lộn xộn. Thế nhưng phố cũng lẫn những mẩu vụn ký ức về bà cụ răng đen bán hoa, lá mùi già, món quà sáng, những cây cầu, những con người đang cố gìn giữ cái tinh tế của thủ đô... góp phần tạo nên cảm giác vừa chán ngán lại vừa thân thuộc.
“Tuyệt không dấu vết” là tiểu thuyết được nhà văn Nguyễn Việt Hà viết trong vòng 5 năm, sau “Thị dân tiểu thuyết” đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội. Với thể loại được giới thiệu là “tiểu thuyết trinh thám kiếm hiệp”, câu chuyện “Tuyệt không dấu vết” xoay quanh thám tử Tuấn và hành trình tìm kiếm nhiều người mất tích giữa thành phố trong thời mạt, rồi dần dần trở thành cuộc chu du giữa hai bờ mơ – thực để dấn sâu vào tiềm thức con người. Văn phong nửa Tây nửa Tàu, nửa cổ nửa kim thể hiện một sự tìm tòi và phá cách về hình thức biểu đạt của nhà văn Nguyễn Việt Hà.
“Tuyệt không dấu vết”, ngay tiêu đề của tiểu thuyết này đã nói lên một cuộc truy tìm có vẻ nhọc lòng, vô vọng và bất khả. Dễ thấy nhất là cuộc tìm kiếm ở cốt truyện chính, là hai vụ việc mà thám tử Tuấn của văn phòng “Tam Tuấn” thụ lý, được ghi vào hai folder “Mission 12 - thiếu phụ 7” và “Mission 14 - thiếu phụ 9” với mục tiêu đi tìm người chồng mất tích của hai thiếu phụ này.
Thoạt nghe, hai vụ án chẳng có gì đặc biệt, cũng giống như nhiều vụ trước đây, “nửa nhì nhằng ích kỷ, nửa thảm thiết tàn bạo, lẫn lộn cả hận lẫn yêu”, khiến thám tử “vừa chán vừa bải hoải”. Theo đó, chồng của thiếu phụ 7 vẫn hiện diện trong những giấc mơ ái tình của thiếu phụ 9, còn thứ trưởng phu quân của thiếu phụ 9 cũng quan hệ bất chính với thiếu phụ 7.
Câu chuyện tựa như tục lụy ái tình đời thường, nhưng khi góc nhìn lia tới các nhân vật thay phiên xuất hiện ở mỗi chương, nhà văn Nguyễn Việt Hà đã mở ra một không gian khác thông qua cái mơ của từng người. Có kẻ không mơ, có kẻ mơ hoài giấc mơ yêu, có kẻ đã chết rồi vẫn còn mơ. Cơn mơ đan xen với những khung cảnh, những chi tiết hết sức đời thường và trần tục (những cái ăn cái ở cái mưu sinh cái lạc thú), tạo cảm giác “nhiễu” thú vị.
Mơ và chết là hai trạng thái thay phiên nhau xóa nhòa thực tại trong “Tuyệt không dấu vết” như cách tác giả thể hiện qua những câu văn tư biện: “Khi đã mơ mộng xuống trần nhập thế làm yêu tinh, điều đầu tiên là phải tự biết xây cất cho mình một hang động. Đấy là chỗ lúc vui thì để ăn thịt người, còn lúc buồn thì để ăn thịt mình. Tất cả những bọn thích huênh hoang đi kiếm cơm thiên hạ rồi ra vẻ khoe khôn từng trải lập nghiệp, đa phần đều là thứ vớ vẩn, kinh điển Nho gia gọi theo nghĩa chẳng xấu chẳng tốt là “lưu manh”. Đại yêu tinh hay đại trí thức thì ngoài việc chẳng đặng đừng phải loay hoay đi, thì tất cả đều biết cách ngồi yên một chỗ”.
Những chỉ dấu song trùng từ từ xuất hiện rải rác qua nhiều chương khiến thám tử (và cả độc giả) hoài nghi, để rồi khi xâu chuỗi lại, ta vỡ lẽ nhân vật thám tử tưởng là người ngoài cuộc lại là người trong cuộc, tưởng tỉnh táo không bao giờ mơ nhưng lại đang mơ giấc mơ mà trong đó anh ta còn mơ tiếp. Sự đan xen mơ - thực kiểu điển tích “Trang Chu mộng hồ điệp” thể hiện nỗi băn khoăn về thực tại “u u minh minh”: “Thực tại bản lai vốn là ảo hay là thật, hay đúng chỉ là một giấc mộng lớn”.
Sự pha trộn sự mơ hoang đường và thực tại trần tục, như cuộc tìm sâu vào đời sống tâm thức con người, một cuộc tìm kiếm mà chỉ những hoang đường của văn học mới tiệm cận được. Và ở đó, có sự cảnh tỉnh: “Ngày xưa đói khát, sục sôi cơm áo gạo tiền ám ảnh che phủ nên hồn nhiên vô đạo. Còn bây giờ thì cố tráng men cho cái gọi là tâm linh”.
Cốt truyện chính của “Tuyệt không dấu vết” tương đối đơn giản, nhưng khi dùng lối viết tương ứng thể loại “trinh thám kiếm hiệp” thì nhà văn Nguyễn Việt Hà đã tạo nên sự đa dạng và phức tạp đầy thú vị.
“Tuyệt không dấu vết” có kết cấu chương hồi, liên tục thay đổi ngôi kể, khi là người đàn bà đang sống, khi là người đàn ông đã chết... và những cú cắt cúp bối cảnh thách thức sự linh hoạt và của độc giả và bắt họ phải tập trung.
Sự xuất hiện dày đặc những từ Hán Việt, những khái niệm chỉ xuất hiện trong kiếm hiệp Kim Dung, cách phiên âm tiếng Anh theo kiểu Việt, vừa phỏng theo sự pha trộn ngôn ngữ thời hiện đại, vừa góp phần khắc họa bức tranh “giang hồ thời mạt” đầy hỗn tạp.
Tính bông lơn giễu cợt thường thấy ở nhà văn Nguyễn Việt Hà vẫn được giữ vẹn nguyên trong “Tuyệt không dấu vết”, thể hiện qua cách nhìn của nhân vật đối với rất nhiều hiện tượng xã hội. Có khi ông còn đùa chính mình qua những chi tiết như “quán bia Việt Hà nghe đã thấy thối”, “mặt lạnh như tạp văn gia có sách bán chạy” hay những nhận xét hài hước về chính nghề văn và nhà văn.
Khép sách lại, người đọc chợt hiểu vì sao "tuyệt không dấu vết" với nhiều số phận, nhiều sự kiện trên cõi đời: “Nếu tôi đặt tên được giấc mơ của tôi, thì may ra mới kể về nó được. Bởi tôi mơ thấy mình đang nằm mơ. Và trong cái giấc mơ mà tôi mơ thấy thì nó lại mơ tiếp một giấc mơ nữa. Nhưng cũng chưa phải hết, cái giấc mơ vừa được mơ đấy lại tiếp tục mơ một giấc mơ khác. Và cái giấc mơ khác đấy lại mơ nối một giấc mơ khác nữa. Không thể hiểu nổi, chỉ biết liên miên không có giấc mơ cuối cùng. Và cái gì đã không có cuối thì chắc chắn không có đầu. Cái này Không thì cái kia cũng Không. Đã vô chung thì vô thủy. Cái này sinh thì cái kia sinh. Cái này diệt thì cái kia diệt”.