Ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Hiếm hoi có một Nghị quyết để nông nghiệp nước nhà có bước đột phá ngoạn mục! Để cơ đồ, kho đụn lương thảo Đại Việt hoành tráng như ngày nay!
Giáp Thìn 2024 nhớ Mậu Thìn 1988!
Ngồi với bà con nông dân, với các chủ nhiệm hợp tác xã, ông thẳng thắn bộc bạch “nếu không làm thế thì chết đói...’’. Với các cộng sự trong những cuộc họp tỉnh hay thường vụ và với cấp trên, ông rành rẽ: “...Nếu không làm thế chúng ta sẽ biến người nông dân thành những người làm công, chính xác ra là làm thuê cho hợp tác xã. Nếu không làm thế cứ tiếp tục duy trì việc quản lý lao động rong công phóng điểm thì các mối quan hệ kinh tế trong hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả lỏng lẻo rồi sụp đổ...’’.
Làm thế là làm cái gì vậy? Đó là thực hiện khoán hộ. Đó là sáng kiến của ông với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, một thời gian sau trở thành Nghị quyết của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tháng 9/1966, mang tầm cỡ của thời cuộc.
Vâng, phát minh, nếu gọi sự vật bằng cái tên của nó có lẽ khó mà tìm từ ngữ hoặc một tên gọi thích hợp. Bởi quyết định của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc giữa những năm sáu mươi về việc khoán hộ, sau đó được ghi vào nghị quyết của Tỉnh ủy là sự đột phá chính xác vào mắt xích chủ yếu nhất của quy trình tổ chức sản xuất tập thể là vấn đề quản lý lao động, một đổi mới quan trọng trong tư duy kinh tế.
Rồi phát hiện quan trọng có giá trị lớn cả về lý luận và thực tiễn ấy đã bị “đình’’ lại cho mãi năm 1981, có chỉ thị khoán 100 và 22 năm sau (5/8/1988) mới được thể hiện cô đọng súc tích, sinh động trong Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (mà bà con nông dân vẫn quen gọi là “khoán 10’’) với cốt lõi là hộ xã viên được xem là một đơn vị kinh tế tự chủ trong hợp tác xã nông nghiệp đem lại sự hồi sinh cho nông thôn Việt Nam.
Bây giờ đâu đó vẫn lác đác một số hộ đói nghèo nhưng chuyên gạo cơm đã chẳng còn thúc bách nhọc nhằn làm khốn khổ chúng ta một thời một thuở.
Ít nhiều những ngậm ngùi thốt lại câu “hỡi người xưa của ta nay’’!
Dịp ấy tôi được ngồi lại với những người thân của ông Kim Ngọc.
Căn nhà cấp bốn ngập trong um tùm rượi xanh những tán cây...
Qua cái cổng sắt hàn khá thoáng, một bà cụ dáng dong dỏng đang hí húi trên khoảnh sân đất nện tỉ mẩn vun quén đám lá mít rụng. Thấy tôi là người lạ mà cụ niềm nở liền: “Vâng, tôi là vợ ông Kim Ngọc đây...’’.
Chẳng đợi mời, tôi sà luôn xuống đám ghế con quanh chiếc bàn nước đặt rất khéo dưới một tán mít. Bà chuyền ra những cái cốc lớn nước chè xanh trong chiếc giành tích vàng sánh thơm lựng. Tuổi tám mốt nhưng bà thuộc dạng người khó đoán tuổi với chiếc áo phin màu sáng và búi tóc rất gọn.
Tôi ngước lên những tán mít đan nhau um tùm rợp cả một khoảng sân rộng. Cạnh bàn nước lại ken dày bằng và đều chằn chặn một hàng chè xanh gốc như cườm tay người lớn nhưng lá thì mơn mởn tươi non của tiết đương xuân. Bà cho hay, mít này, chè này và vườn cây này là ông Kim Ngọc tự tay trồng cả, hồi chuyển từ Việt Trì về, khi ông nghỉ chức Bí thư Tỉnh ủy.
... Như những đứa trẻ ở vùng quê nghèo khác thường mang cái tên xâu xấu cho dễ nuôi, cậu bé Kim Văn Nguộc rời một làng quê nghèo khó của huyện Vĩnh Lạc lên căn cứ địa Việt Bắc từ những năm đầu bốn mươi. Nhà cậu bé Nguộc ở Vĩnh Lạc là cơ sở nuôi giấu nhiều cán bộ Việt Minh trong đó có ông Trường Chinh. Ông là người trực tiếp giác ngộ và giới thiệu cậu bé Nguộc lên chiến khu và khi gia nhập Giải phóng quân, Lại Văn Nguộc có tên mới là Kim Ngọc!
Đơn vị của Kim Ngọc đóng quân gần căn cứ Tân Trào thuộc huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Kim Ngọc đã làm quen với một cô gái địa phương là Lê Thị Liên thuộc diện mỏng mày hay hạt… Cuối năm 1946, Tân Trào có một đám cưới tổ chức theo lối đời sống mới vui nổ trời. Chú rể là Kim Ngọc đẹp duyên cùng cô Lê Thị Liên. Chủ hôn là đồng chí Hoàng Quốc Việt.
Những thời điểm, năm tháng gian khó thì nhiều lắm! Kể cả thời điểm ông Kim Ngọc với cương vị Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc rồi Vĩnh Phú.
Một chuyện bà chỉ bộc bạch sơ sơ rằng, để tìm hiểu thực tế tình trạng “rong công phóng điểm’’, “tối ngày đầy công’’ làm ăn lớt phớt cha chung không ai khóc... rồi để quyết định đưa ra phương thức khoán hộ của mình, ông Kim Ngọc đã phải cải trang thành kẻ ăn mày lê la khắp mọi xó xỉnh trong tỉnh để xem xét dân tình.
Sau buổi gặp ấy, tôi đã lần tìm tới những cơ quan có trách nhiệm để ghi lại những con số này: Tổng kết cả năm 1967, cả tỉnh Vĩnh Phúc có 243 hợp tác xã áp dụng phương thức khoán hộ đạt hơn 5 tấn thóc một ha, gấp 4 lần so với năm 1965. Tổng sản lượng quy thóc 409.500 tấn, tăng 29.000 tấn so với năm 1966... và...
Nhưng đau thay, những con số ấy, thực tế ấy lại chẳng có sức thuyết phục cũng như ông Kim Ngọc không đủ sức thuyết phục phương thức khoán hộ của mình. Phương thức của ông, cách làm của ông đã bị đình lại là có thực. Và việc ông bị kiểm điểm là có thực!
...Hai hay ba ngày gì đó, bà không nhớ chính xác, nhưng trong đợt ông và tập thể Tỉnh ủy phải chịu sự phê bình kiểm điểm của cấp trên, mỗi đêm ông trở về nhà bà chẳng thể nhận ra thần thái cương nghị, quyết đoán, sôi nổi, bộc trực vốn có của chồng. Bà như phát sốt phát rét cả khi người ta bâng quơ “xe đâu mà về tỉnh mình nhiều vậy nhỉ’’, “xe đậu ở khu ủy ban tỉnh ấy a", "thế bà không tường xe trên về kiểm điểm ông Kim Ngọc khoán hộ khoán hiếc gì đó làm phá nát hợp tác xã đưa nông dân lên thành... tư bản"...
Có đêm đã khuya ông về muộn cứ ngồi lật giở thứ gì đó... Mà động thái của ông cứ như muốn dứt khoát điều gì? Bà liếc vội sang…
Vài ba tấm ảnh kỷ niệm một thuở một thời với người này người khác... Thoáng thấy ông xèn xẹt bật lửa, bà vội níu lấy “ông cứ để lại...”.
Rồi bà khẽ khàng gạn thêm ông những chuyện hồi sáng, hồi chiều. Ông chỉ ừ hữ mà chỉ nhắc lại lời một đồng chí lãnh đạo mà vợ chồng bà vốn nể quý như người anh: “Sai mình không sợ. Kiểm điểm phê bình thậm chí kỷ luật hay tù tội xử bắn mình cũng không sợ... Chỉ sợ dân sợ Đảng hiểu lầm mình...’’.
Tôi ngước lên những bức hình trên tường. Những ảnh ông Kim Ngọc chụp chung với Bác Hồ những lần Bác về thăm Vĩnh Phúc năm 1961, năm 1963. Rồi nữa, ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt…
Hiểu lầm thì phải thanh minh, phải tường trình, phải bảo vệ đến cùng quan điểm của mình chứ?
Nghe tôi hăng hái bộc bạch, con người xởi lởi và mặn chuyện nếu không muốn nói là vốn chẳng phải ít lời này bỗng nhiên chỉ lặng lẽ rồi thủng thẳng: “Vâng, khi đó và cho tới tận bây giờ cũng có nhiều người nói như vậy...”.
Tôi không biết, ông Kim Ngọc có chút an ủi bản thân rằng không bảo vệ được phương thức khoán hộ nhưng dù gì sáng kiến của mình cũng đã phát huy trên thực tế được nông dân công nhận, lại được ghi trong Nghị quyết 68/NQTU của Tỉnh Đảng bộ (tháng 9/1966) như có nhiều người đã an ủi ông...
Sau khi cá nhân cùng tập thể Tỉnh ủy chịu sự phê bình của cấp trên, chấp hành nghiêm chỉnh lệnh trên, ông đành cho đình phương thức khoán hộ lại.
Nhưng chỉ có bà mới biết, thi thoảng trong câu chuyện với những người thân gần, ngày đêm ông vẫn đau đáu rằng, sớm muộn một ngày nào đó phương thức khoán hộ sẽ lại được nhân thành đại trà không những sang cả bên Phú Thọ sau khi hợp nhất thành Vĩnh Phú mà khắp cả nông thôn miền Bắc bởi không có lý gì khi người nông dân lại thờ ơ với chính lợi ích của mình, trên mảnh đất của mình buông lơi hạt thóc củ khoai do chính mồ hôi công sức mình bỏ ra chăm bẵm tắm tưới.
Chính trong thời điểm mà không ít người xì xào ông bị thế này thế khác, ông vẫn khuyến khích một số cơ sở cần tiếp tục thử nghiệm phương thức khoán hộ. Cán bộ xã, huyện vốn coi ông là người anh giản dị thân gần, ông bị trên khiền thế nào họ không biết, ông có đưa bà con nông dân thành tư bản ra sao hay phá nát cơ cấu hợp tác xã như thế nào họ không tò mò lắm..., họ chỉ biết ông kéo được bà con nông dân những xã viên của họ gần hơn với mảnh đất sinh ra củ khoai hạt lúa, rồi qua những vụ khoán như thế, đời sống người dân no lành hơn, khấm khá hơn, hợp tác xã đóng góp cho Nhà nước, làm nghĩa vụ với nhà nước nhiều hơn...
Năm 1978, từ sự gợi ý của ông, tổng kết tình hình thực tế, Tỉnh ủy lại ra Nghị quyết 15 với nội dung khoán toàn bộ cây màu vụ đông. Thấy tình thế “êm êm’’, năm 1979, tỉnh lại xin Trung ương cho khoán thử cây lúa, nghĩa là trở lại với khoán hộ, để tiếp tục... thực trạng mười ba năm trước cũng có nghĩa trở lại Nghị quyết 68/NQTU hồi tháng 9/1966!
Và chỉ khi có Nghị quyết về khoán 10 của Bộ Chính trị tháng 8/1988, tới thời điểm đó không biết ông Kim Ngọc có ngậm cười nơi chín suối bởi ông mất từ tháng 5/1979 ở tuổi sáu mươi ba?!
Bà nhớ khi ông nghỉ hưu một thời gian, mấy đồng chí lãnh đạo ở Hà Nội có mời vợ chồng ông về chơi... Một lần cùng đi có bà Nguyễn Thị Đồng, nguyên là Phó Chủ tịch tỉnh. Bà nhớ hôm đó ở nhà cụ Trường Chinh, bà Đồng, vốn là cơ sở cách mạng ở Đình Bảng đã từng nuôi giấu cụ Trường Chinh, tính bà vốn xởi lởi lại thẳng lại là chỗ thân gần nên bà chả ngại gì mà không đặt những câu hỏi đại loại như thế này: “Trung ương đã quá rõ việc khoán hộ trên Vĩnh Phú rồi. Nếu không để cái khoán hộ của anh Ngọc được thực hiện thì dân khéo mà chết đói. Cứ cái đà trên chẳng thông với dưới, dưới tắc ở trên ai còn dám nói thẳng, ai còn dám đến thăm các anh...’’.
Cụ Trường Chinh mỉm cười nhẹ nhàng: “Chị cứ nói thoải mái, nhưng chớ có đập tay lên bàn như thế với lại nói vừa đủ nghe thôi...”.
Mọi người cất tiếng cười vui vẻ... Thế là cuộc thăm trở thành gần như cuộc họp không chính thức để bàn về vấn đề khoán hộ!
Bữa đó được bà Đồng “khơi mào’’ ông Kim Ngọc đã trình bày thêm nhiều góc cạnh và sắc thái khác nhau của việc khoán hộ say sưa như thể những buổi ông ngồi với cánh cán bộ xã nhà. Ông Trường Chinh cũng rất chịu khó lắng nghe thêm nữa.
Tôi chợt nghĩ có lẽ từ những thực tế “khoán chui” và cả những buổi như thế mà sau này trong cương vị Tổng Bí thư khóa V và thời gian cuối những năm tám mươi, đồng chí Trường Chinh là một trong những người chủ động khởi xướng việc Đổi Mới mang lại sinh khí mới cho Đất nước trong đó có việc khẳng định khoán hộ bằng Nghị quyết 10!?